Lăng mộ bí ẩn và vĩ đại nhất thế giới
Xuống lăng mộ bí ẩn và vĩ đại nhất thế giới, chứa hàng ngàn tấn báu vật
(VTC News) - Với diện tích khoảng 2.200 héc ta, lăng mộ lớn gấp 4 lần khu đô thị Ecopark ở Hưng Yên, và các Kim Tự Tháp khổng lồ chỉ như con ruồi đậu trên mặt bàn mà thôi.
Tôi và TS. Nguyễn Thế Lương phải cuốc bộ nửa ngày, mới hết một vòng Đại học Nông nghiệp Nam Kinh ( thuộc thành phố Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô). Trường đại học đào tạo ra các kỹ sư nông nghiệp hàng đầu cho Trung Quốc. Không ít sinh viên Việt Nam cũng du học ở đây. Trung Quốc rộng lớn, nên cái gì cũng to. Trường đại học ở Việt Nam chắc chỉ bằng cái góc sân của ngôi trường này.
Phía sườn trái của trường Đại học Nông nghiệp Nam Kinh, là chuỗi công viên xanh thơ mộng trên những quả đồi hình mu rùa. Đủ các loại cây to, cây nhỏ, cây cổ thụ. Nhiều nhất vẫn là những gốc ngô đồng lưa thưa lá mọc thẳng đuột cao chót vót, với những tổ chim vắt vẻo ngọn cây.
TS. Nguyễn Thế Lương chỉ tay về phía những quả đồi mấp mô hỏi: “Thấy nhà báo cũng hay nghiên cứu về khảo cổ, vậy nhìn sơ sơ có biết những quả đồi hình mu rùa kia là thứ gì không?”. Chỉ có chút kiến thức nông cạn khảo cổ ở Việt Nam, chứ đâu được nghiên cứu gì ở Trung Quốc, nên tôi sớm lắc đầu.
TS. Nguyễn Thế Lương bảo: “Người Việt chúng ta cái gì cũng nhỏ xinh, nên nếu mô tả về một ngôi mộ của vua chúa Trung Quốc thì không thể hình dung nổi đâu. Cả cái dải đồi nhìn ngút tầm mắt là một góc nhỏ ngôi mộ của hoàng đế Chu Nguyên Chương đấy. Mộ ông ta phải quan sát từ vệ tinh mới thu trọn trong mắt được!”.
Trung tâm lăng mộ Chu Nguyên Chương nhìn từ trên cao.
Nhắc đến lăng mộ các vua chúa Trung Quốc, ta thường nghĩ đến lăng mộ Tần Thủy Hoàng, với vô số điều kỳ bí đang dần hé lộ, với vô số thứ khiến giới khảo cổ thế giới kinh ngạc, không tưởng tượng nổi, qua các cuộc khai quật. Tuy nhiên, chúng ta ít biết rằng, có một lăng mộ còn lớn gấp nhiều lần lăng Tần Thủy Hoàng. Thậm chí, đây được coi là lăng mộ lớn nhất thế giới. Đó chính là lăng mộ của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, đời nhà Minh – 1381.
TS. Nguyễn Thế Lương bảo, để đi hết được chiều dài của lăng mộ, với tốc độ nhanh, phải mất khoảng 1 tiếng đồng hồ, và mất khoảng 1 ngày để đi vòng quanh được lăng mộ của ông, với chu vi 22,5km. Một con số dễ hình dung và thực sự là… kinh hoàng. Có lẽ, để quan sát được toàn cảnh lăng mộ vị vua này, phải ngồi trên máy bay ở độ cao cả chục ngàn mét.
Gần 20 năm học, và thi thoảng sang giảng dạy tại đây, coi như sống ở cạnh mộ ông vua này, và rất chịu khó nghiên cứu, tìm hiểu, song TS. Nguyễn Thế Lương vẫn chưa đi hết được mặt trên ngôi mộ, chứ đừng nói biết trên nóc ngôi mộ này có gì và càng không biết dưới lòng đất nó như thế nào.
Tác giả trước cửa Bảo tàng Chu Nguyên Chương, nằm dưới lòng đất, nơi trung tâm Hiếu Lăng.
Để có sự hình dung, TS. Lương gọi taxi, rồi chúng tôi cưỡi ô tô để lang thang ngắm… ngôi mộ. Đi cả một ngày, vòng vèo lung tung các ngả đường trên nóc ngôi mộ, tối đếm không biết bao nhiêu công trình kỳ vĩ. Có lẽ, phải có đến hàng ngăm ngôi đền, hàng trăm ngôi chùa, hàng ngàn các công trình đá, cả vạn các bức tượng đá, con giống đá, toàn khổng lồ, to gấp chục, gấp trăm lần kích cỡ thật. Nhìn những con giống bằng đá nặng đến vài trăm tấn, không thể hình dung nổi người xưa với trình độ khoa học kỹ thuật chỉ có bàn tay khối óc và cái đục sắt, làm thế nào để dựng lên những thứ này?
Tranh vẽ chân dung thật của Chu Nguyên Trương trong hầm mộ.
Xe dừng lại ở chân một quả đồi, chúng tôi cuốc bộ một hồi, vòng qua các khu vườn đầy hoa thơm cỏ lạ, thì đến Bảo tàng Chu Nguyên Chương. Bảo tàng khá vắng người tham quan và cũng không mất vé để vào.
Từ khoảnh sân rộng, có một lối đi xuống lòng đất, với những bậc đá. Bảo tàng nằm hoàn toàn dưới lòng đất, trưng bày đủ các thứ, chủ yếu là tượng, đồ cổ, và những thông tin liên quan đến hoàng đế Chu Nguyên Chương. Ngoài ra, còn có gian hàng giới thiệu các sản phẩm tranh thêu sợi vàng rất đẹp, tinh tế, và nghệ nhân hàng đầu Trung Quốc trực tiếp giới thiệu sản phẩm với khách.
TS. Nguyễn Thế Lương và nghệ nhân tranh thêu sợi vàng trong Bảo tàng Chu Nguyên Chương.
Giám đốc Bảo tàng là ông Chu Học Văn nhiệt tình giới thiệu những thông tin mới nhất được cập nhật về lăng mộ.
Theo ông Chu Học Văn, chiều dài của lăng mộ khoảng 22,5km. Diện tích khoảng 2.200 héc ta. Với con số này, ta có thể hình dung, lăng mộ của hoàng đế Chu Nguyên Chương to bằng một quận ở Hà Nội, gấp 4 lần khu đô thị Ecopark ở Hưng Yên. Với diện tích như thế này, thì các Kim Tự Tháp khổng lồ của các hoàng đế Ai Cập cổ đại đặt vào có lẽ chỉ là con ruồi đậu trên mặt bàn mà thôi.
Lăng mộ Minh Thái Tổ được gọi là Hiếu Lăng, hợp táng hoàng đế khai quốc nhà Minh cùng hoàng hậu họ Mã. Toàn bộ lăng mộ nằm ở quả núi có tên Độc Long.
Mô hình trung tâm hầm mộ trong bảo tàng dưới lòng đất.
Xưa kia, tường vây lăng mộ bao quanh, tuy nhiên, thời gian và chiến tranh tàn phá, nên có chỗ còn tường, có chỗ mất. Các công trình trên mặt đất bị ảnh hưởng, chứ những thứ dưới lòng đất thì còn vẹn nguyên. Các công trình bên trong tường vây lăng mộ đều vô cùng nguy nga, tráng lệ. Theo thống kê, có tới 100 ngàn cây tùng cổ. Theo sử sách, vào đời Minh, có tới 10 ngàn quân sĩ ngày đêm tuần tra bảo vệ cho giấc ngủ của hoàng đế Chu Nguyên Chương.
Hiếu Lăng cùng với lăng mộ của Võ Tắc Thiên được coi là công trình lăng mộ còn nguyên vẹn nhất, chưa bị xâm phạm.
Cột buộc ngựa và máng cho ngựa ăn phục vụ trông coi lăng mộ.
Khu vực buộc ngựa phục vụ lính gác.
Lịch sử ghi lại, ngày an táng hoàng đế Chu Nguyên Chương, có tới 13 cỗ quan tài cùng lúc đi qua 13 cổng thành, rồi đưa vào khu vực nào của ngôi mộ thì không ai biết. Thậm chí, còn có truyền thuyết khẳng định Minh Thái Tổ được an táng ở núi Vạn Tuế, tận Bắc Kinh.
Phần âm dưới núi Độc Long chưa hề bị xâm phạm, chưa được khai quật, nên các nhà khoa học chỉ có thể sử dụng máy móc để nghiên cứu. Chuyên gia đã sử dụng máy đo từ trường hiện đại nhất. Kết quả cho thấy, trong lòng núi có vô số kiến trúc ngầm. Trung tâm của địa cung nằm ở độ sâu vài chục mét trong lòng núi Độc Long, chỗ đặt Bảo tàng Chu Nguyên Chương bây giờ. Các đường dẫn vào địa cung vẫn được bảo toàn nguyên vẹn.
Theo đó, các đường hầm có độ dài 120m, rộng tới 6m, từ 4 hướng của quả núi dẫn vào địa cung. Cửa vào các đường hầm này nằm dưới các tường thành, chưa bị phát hiện và chưa có dấu hiệu xâm phạm. Địa cung trong lòng núi được các nhà khoa học mô tả như một cung điện thực sự, gồm những tòa nhà cao 3 tầng. Trung tâm địa cung có cả ngai vàng dùng cho vua.
Ngai vàng mô phỏng của hoàng đế Chu Nguyên Chương.
Điều kinh ngạc mà các nhà khoa học phát hiện, đó là 60% quả núi Độc Long là do con người đắp lên. Dấu tích để lại là những hòn đá cuội rất lớn, nặng cả chục tấn được sắp xếp có thứ tự, hàng lối. Những hòn cuội này được vận chuyển từ nơi khác đến, có tác dụng ngừa xói lở và chống đào trộm mộ. Quả núi được tạo tác lại để to, đẹp hơn, vững chãi hơn. Khi đó, Nam Kinh chính là trung tâm chính trị của Trung Hoa dân quốc. Có lời đồn, Tưởng Giới Thạch đã từng sai quân phá lăng mộ tìm kiếm kho báu, nhưng không phá nổi.
Lịch sử cổ đại Trung Quốc có hình thức tuẫn táng ghê rợn, tàn nhẫn, tức là tục chôn người sống theo người chết. Hoàng đế chết đi, cả trăm, thậm chí cả ngàn cung nữ bị chôn theo với quan niệm có người hầu hạ ở cõi âm. Tục tuẫn táng rất thịnh hành thời Tần-Hán. Đến thời Đường thì bị phế bỏ. Tuy nhiên, đến đời Chu Nguyên Chương thì tục tuẫn táng đã được khôi phục. Chính vì thế, sẽ có rất nhiều hài cốt mỹ nhân trong Hiếu Lăng.
Tác giả cạnh tượng hoàng đế Chu Nguyên Chương trong hầm mộ.
Sử sách cũng ghi chép rõ ràng, lúc Chu Nguyên Chương băng hà, năm 1398, chiếu theo di chúc tiên đế, Chu Doãn Văn đã ra lệnh chôn theo toàn bộ cung phi chưa từng sinh nở theo tiên đế. Mệnh lệnh ban ra, cả triều đình hỗn loạn, tiếng khóc ai oán khắp nơi.
Các mỹ nhân bị tuẫn táng theo hình thức nào còn là điều tranh cãi. Một số ý kiến cho rằng, họ bị ép treo cổ chết, rồi quăng xác xuống hầm mộ. Một số ý kiến khác khẳng định, họ bị phanh thây, đổ thủy ngân vào người, rồi khâu da lại, để giữ được thi thể bền vững trong lòng đất. Kết quả thế nào thì còn phải tranh cãi, nhưng sự thật là những mỹ nữ trong lăng mộ chỉ còn là những đống xương trắng.
Quá trình xây dựng lăng mộ khổng lồ này cũng có nhiều tranh cãi. Nhiều nhà khoa học tin rằng, sử sách ghi chép về quá trình xây dựng lăng mộ là chính xác. Theo đó, lăng mộ này được xây dựng trong vòng 25 năm. Khi Chu Nguyên Chương qua đời, lăng mộ vẫn chưa xây dựng xong. Con trai ông chính là người hoàn tất lăng mộ.
Toàn cảnh lăng mộ Chu Nguyên Chương trên núi Độc Long.
Qua các thiết bị thám sát, các nhà khoa học cũng phát hiện nhiều bộ xương trong tư thế lạ ở trong địa cung. Ngoài những bộ xương của những người bị tuẫn táng theo vua, thì khả năng có cả xương cốt của bọn trộm mộ.
Hiếu lăng là công trình kỳ vĩ, để đời của vị vua lớn trong lịch sử Trung Quốc, nên chắc chắn lăng mộ sẽ có bẫy giết trộm. Bọn trộm có thể bị trúng độc, hoặc bị cửa đá sập xuống nhốt trong lăng mộ vĩnh viễn.
Qua thám sát bằng máy móc, các nhà khoa học cũng khẳng định bên trong lăng mộ là vô số ngọc ngà, châu báu, mà số lượng phải tính bằng hàng trăm tấn. Trên tường, trần địa cung là vô số bích họa, các vật điêu khắc tinh mỹ. Trong hậu cung là 2 quan tài, có thể là của Chu Nguyên Chương và hoàng hậu.
Hiện các nhà khoa học đã dựng lại địa cung, cũng như toàn bộ lăng mộ bằng mô hình 3D, trình chiếu tại Hiếu Lăng, để khách tham quan có thể hình dung về sự kỳ vĩ của lăng mộ lớn nhất thế giới này.
Một vài hình ảnh bên trên lăng mộ Chu Nguyên Chương:
Nhiều khu vực trên hầm mộ biến thành ruộng nương.
Những công trình đổ nát trong khuôn viên lăng mộ.
Một lối vào hầm mộ.
Theo VTC News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét