Ngay tại Hà Nội cũng có núi lửa

8:27:00 SA

Nhiều người có thể chưa biết, ngay tại Hà Nội cũng có núi lửa

Lần gần nhất Việt Nam có núi lửa hoạt động đã cách đây gần 100 năm. Nhiều người có thể chưa biết, ngay tại Hà Nội cũng có núi lửa.
 

Nhiều người có thể chưa biết, ngay tại Hà Nội cũng có núi lửa - Ảnh 1.
Núi lửa Ba Vì
PGS.TS Nguyễn Văn Vượng - Khoa Địa chất, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội cho biết, khu vực Vườn quốc gia Ba Vì hiện nay chính là một ngọn núi lửa.
Tuy nhiên, núi lửa khu vực Ba Vì là một núi lửa cổ, lần hoạt động gần nhất cũng cách đây gần 200 triệu năm.
“Hiện Ba Vì chỉ còn là tàn tích, không có nguy cơ hoạt động trở lại”, PGS Vương nói và cho biết thêm, hiện trên đất liền ở Việt Nam không có núi lửa nào có khả năng “sống dậy”, còn trên biển thì vẫn có, nhưng ít.
Ngoài Ba Vì, một ngọn núi khác rất nổi tiếng cũng từng là núi lửa chính là Tam Đảo (Vĩnh Phúc) với lần hoạt động gần nhất cách đây khoảng 220 triệu năm.
Theo PGS Vượng, Việt Nam hiện không có những núi lửa trẻ như ở Indonesia và Philippines.
Những núi lửa còn hình hài rõ nét nhất là núi lửa trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), núi lửa trên đảo Phú Quý (Bình Thuận), núi lửa Hàm Rồng (Gia Lai) và núi lửa ở Bình Phước.
Biểu hiện hoạt động núi lửa cuối cùng ở Việt Nam từng xảy ra ở ngoài khơi Phan Thiết. Vào tháng 2.1923, thủy thủ trên tàu Vacasamaru của Nhật Bản đã nhìn thấy ở vùng biển này một đám khói đen, kèm theo cột hơi nước dày đặc bốc cao hơn 2.000m, cùng với những tiếng nổ mạnh.
Ngày 8.3 năm đó, quá trình phun trào núi lửa đã xảy ra, nhưng yếu ớt. Ngày 15.3.1923, núi lửa tạm ngừng phun để đến 20.3.1923 nó đã phun trở lại lần cuối.
Kết quả đợt phun trào ấy đã hình thành một hòn đảo từ tro bụi núi lửa, được đặt tên là Hòn Tro.
Sau này, Hòn Tro đã bị sóng gió đánh tan, do nó được hình thành từ những sản phẩm núi lửa chưa được cố kết chặt chẽ.
Nguy cơ xảy ra sóng thần ở Việt Nam
PGS Vượng cho biết thêm, có nhiều núi lửa phun ngầm dưới biển, nhưng là nguyên nhân của sóng thần giống ở Indonesia hôm 22.12 vừa qua là “trường hợp hãn hữu”. Vì nguyên nhân gây ra sóng thần chủ yếu do động đất dưới đáy biển.
Vị PGS cho rằng, khi phun ra dung nham, núi lửa trên có thể bị sụp đổ giống nhu một quả núi bị sụp xuống, đây chính là nguyên nhân gây ra sóng thần.
Nói về nguy cơ xảy ra sóng thần ở Việt Nam, PGS Vượng cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã từng có nghiên cứu.
Theo nghiên cứu này, khu vực có thể chịu ảnh hưởng của sóng thần là dải bờ biển từ Đà Nẵng tới Quy Nhơn.
Sóng thần có thể đổ vào khu vực này từ phía Philippines. Khu vực phía Nam sẽ không có sóng thần vì đã có cánh cung Malaysia che chắn.
Vườn quốc gia Ba Vì nằm trên khu vực dãy núi Ba Vì thuộc huyện Ba Vì (Hà Nội) và hai huyện Lương Sơn , Kỳ Sơn tỉnh Hòa Bình với diện tích 10.814,6 ha.
Vườn Quốc gia Ba Vì cách Sơn Tây, Hà Nội 15 km và cách trung tâm Hà Nội 50 km về phía Tây.
Từ đầu thế kỉ 20 , Ba Vì đã là địa danh nổi tiếng nhờ sự đa dạng của các hệ sinh thái và có phong cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ.
Vườn quốc gia này nằm trong dãy núi cao chạy dọc theo hướng đông bắc - tây nam với đỉnh Vua cao 1.296 m, đỉnh Tản Viên cao 1.227m, đỉnh Ngọc Hoa cao 1.131 m.
Theo Thành Trung Lao động

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.