Chùa Linh Phước hay còn gọi là chùa ve chai ở Đà lạt
Những duyên ngộ kỳ lạ ở ngôi chùa kết thành từ hàng triệu mảnh ve chai
(PLO) - Chùa Linh Phước hay còn gọi là chùa ve chai nằm cách trung tâm TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) 8km theo quốc lộ 20. Ngôi chùa là điểm đến tham quan của đông đảo du khách trong và ngoài nước, bởi lối kiến trúc độc đáo, lạ mắt và được khảm bằng hàng triệu mảnh vỏ chai, chén bát vỡ, sành sứ đủ màu sắc. Cũng vì vậy mà ngôi chùa hiện có 11 công trình xác lập kỷ lục Việt Nam, châu Á và thế giới.
Mặt tiền chùa Linh Phước
Xác lập 11 kỷ lục
Chùa Linh Phước (thuộc địa bàn Trại Mát, phường 11, TP.Đà Lạt) được khởi công xây dựng vào năm 1949 và hoàn thành vào năm 1952. Đến năm 1990, trụ trù chùa đã quyết định đại trùng tu ngôi chùa với quy mô lớn hơn và kiến trúc độc đáo bằng cách để các nghệ nhân khảm bằng hàng ngàn vỏ chai sành sứ. Và từ đó đến nay, ngôi chùa liên tục được xây dựng thêm các công trình mới bằng mảnh chai độc đáo.
Trước sân chùa là tòa Linh Tháp 7 tầng cao hơn 37m, được coi là tháp chuông chùa cao nhất Việt Nam. Trong lòng tháp treo Đại Hồng Chung cao 4,3m, miệng chuông rộng 2,33m, nặng 8.500kg, được đúc vào năm 1999, trước đây được xem là chuông nặng nhất Việt Nam. Hiện nay, chiếc chuông nặng nhất Việt Nam thuộc về chuông tại Bảo Tháp của chùa Bái Đính (tỉnh Ninh Bình).
Trước sân chùa còn có tượng Bồ tát Quan Thế Âm được dựng vào cuối năm 2009. Tượng được kết bằng 600.000 đóa hoa bất tử (tương đương khoảng 1,6 tấn hoa), một loài hoa đặc trưng của TP.Đà Lạt, có chiều cao 17m, nặng khoảng 3 tấn.
Các nghệ nhân phải tốn 36 ngày để kết thành xong bức tượng này. Cứ hai năm một lần, hoa của tượng được thay thế mới hoàn toàn. Công trình này được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác nhận là “Tượng Phật làm bằng hoa lớn nhất châu Á”.
Tượng Bồ tát Quan Thế Âm bằng hoa bất tử.
Từ ngoài bước vào, du khách bị thu hút bởi một công trình đồ sộ khác. Đó là con rồng dài 49m được làm bằng 12.000 vỏ chai lọ, miệng rồng che phủ tượng Phật Di Lặc. Chánh điện của chùa là một công trình kiến trúc độc đáo dài 33m, rộng 12m.
Dọc hai bên chánh điện là hai hàng cột rồng khảm mảnh sành tương tự như phong cách khảm tại các lăng mộ vua nhà Nguyễn. Bên trên hai hàng cột ấy là những bức phù điêu khảm sành mô tả lịch sử Phật Thích Ca từ giáng sinh đến nhập niết bàn.
Ngoài ra, chùa Linh Phước có gian thờ 108 tượng “Thiên thủ thiên nhãn”. Trong nội điện, tượng Phật Thích Ca cao 4,9m kể cả tòa sen, được làm bằng bê tông cốt thép, bên ngoài thiếp vàng, phía ngoài là bức phù điêu cảnh Bồ đề Thọ rất sống động. Phía sau Tổ đường thờ Bồ đề Đạt Ma, bức phù điêu Thập bát La Hán và Thập mục Ngưu đồ, tất cả đều có vẻ đẹp hoành tráng làm du khách phải kinh ngạc.
Chùa Linh Phước còn có tấm mộc bản kích thước khá lớn được khắc đầy chữ Hán và là một hiện vật quý giá của chùa. Đây không chỉ là một bản khắc gỗ, mà là một bản khắc gỗ kinh Phật độc đáo trên địa bàn TP.Đà Lạt. Hiện tấm mộc bản được treo trang trọng trong phòng trưng bày cùng với các bộ hiện vật bằng đồng quý giá của chùa.
Với các công trình độc đáo của mình, chùa Linh Phước hiện có 11 công trình xác lập kỷ lục Việt Nam, châu Á và thế giới, gồm: Tháp chuông cao nhất Việt Nam (36m); Tượng Phật bằng bê tông trong nhà cao nhất Việt Nam; Tượng Bồ đề Đạt Ma bằng gỗ lớn nhất Việt Nam; Tượng Bồ tát Quán Thế Âm làm bằng 600.000 bông hoa bất tử; Ngôi chùa tạo tác bằng khảm miểng nhiều nhất;
“Song tùng bách hạc”- tác phẩm nghệ thuật được xác lập kỷ lục Việt Nam; Công trình kiến trúc tái hiện cảnh Mục Liên tìm mẹ qua 18 tầng địa ngục lớn nhất Việt Nam (chiều dài đường hầm địa ngục khoảng 300m); Gốc cây gỗ trâm chứa bộ kinh pháp lớn nhất Việt Nam; Tượng Khổng tước vương (chim công) bằng gỗ sao lớn nhất Việt Nam; Bộ phản bằng gỗ sao lớn nhất Việt Nam (dài 15m); Bộ bàn ghế bằng gốc cây gỗ sao chạm 12 con giáp lớn nhất Việt Nam.
Sư thầy đi xin ve chai xây chùa
Theo Đại đức Thích Hạnh Định - Trị sự chùa Linh Phước, người gắn bó với chùa từ nhỏ, tập thể làm nên ngôi chùa ve chai độc đáo này là những nghệ nhân gạo cội đến từ cố đô Huế. Các công trình trong chùa hoàn toàn không có bản vẽ cố định xuyên suốt, mà các nghệ nhân triển khai trên ý tưởng, chủ đề do các sư thầy nói ra.
Để có đủ miểng, ve chai, sành sứ cho công trình này, các sư thầy đã phải đi xin ve chai từ nhà máy bia rượu, chén bát và đi gom mua từ người dân sống ở tỉnh Lâm Đồng. Chai nước ngọt, vỏ chai xì dầu, chai bia, chén bát vỡ... đều được tận dụng để xây chùa.
Trước đây, ở gần chùa có một xưởng sản xuất chén bát, các sư thầy cùng với phật tử nhiều năm trời đi mót chén bể mà xưởng bỏ đi. Sau này, thấy các thầy vất vả, xưởng tự gom chén bể lại và mang tới chùa bán. Người dân cũng gom những chai lọ, chén bát bể giúp chùa.
Sau khi thu gom, các sư thầy phải xúc rửa từng món rồi cắt ra từng mảnh để khảm một cách dày công. Một trong những việc khó khăn nhất là cắt chai bằng thủy tinh. Đặc biệt, tất cả các công đoạn đều thực hiện thủ công, rất tỉ mỉ và nhọc nhằn.
Theo đó, các thầy phải nhóm bếp củi và nung nóng một cây sắt tròn rồi đặt chai vào lăn cho nóng, nhúng vào nước lạnh để cắt đi phần dư. Từ những thân chai đã cắt, các nghệ nhân mới dùng dao cắt kính để mài gọt nên từng mảnh miếng với hình thù khác nhau.
“Thời thầy còn là một chú tiểu, thầy phụ các nghệ nhân ở những công đoạn thủ công nhất. Công việc của thầy là đi nhặt và cắt chai. Mảnh chén rất bén, đụng đến là chảy máu. Chuyện đứt tay đứt chân là rất bình thường. Nhưng khi làm quen rồi thì không bị nữa. Sau một thời gian, các thầy trở nên điêu luyện với công việc đó”, Đại đức Thích Hạnh Định kể.
Ý tưởng làm chùa bằng ve chai không phải là ý tưởng mới mà trước đó, rất nhiều công trình đặc sắc ở Huế cũng mang lối kiến trúc này. Chùa Linh Phước cũng được làm nên từ những nghệ nhân lành nghề đến từ Huế. Công trình đầu tiên bằng ve chai là cột rồng uốn lượn được làm nên từ những vị trưởng lão lành nghề nhất. Giờ đây, nhiều người trong số họ đã không còn nữa.
Để làm nên cột rồng đó, đầu tiên các nghệ nhân phải tạo phần cốt bằng xi măng với các hoa văn và hình rồng. Sau đó, nghệ nhân chọn những mảng miểng đắp vào từng chi tiết với màu sắc khác nhau. Ví như thân rồng thì phải đắp bằng chai bia màu xanh. Vảy sẽ đắp bằng chén sứ màu hồng, trắng…Từ đó, các thầy cùng nghệ nhân sẽ gọt từng mảnh miểng để khớp với hoa văn đó.
Tòa Linh Tháp 7 tầng cao hơn 37m, được coi là tháp chuông chùa cao nhất Việt Nam.
Đến bây giờ, nhà chùa vẫn không ước lượng được đã dùng bao nhiêu chai lọ để làm nên ngôi chùa này. “Cách đây 10 năm, diện tích khảm miểng là 6.666,84m2. Cho đến nay, diện tích tăng rất nhiều, có thể gấp đôi hoặc hơn thế. Nói chung là không thể thống kê được”, Đại đức Thích Hạnh Định cho biết.
Kỳ lạ nhục thân vị trụ trì
Ngoài việc được xem là ngôi chùa nắm giữ nhiều kỷ lục nhất Việt Nam với lối kiến trúc hết sức độc đáo. Chùa Linh Phước còn gắn với câu chuyện kỳ lạ của một vị trụ trì. Đó là cố Hòa thượng Thích Minh Đức, thế danh Nguyễn Khắc Dần, sinh năm 1901 tại làng Hiệp Phổ (xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi).
Năm 17 tuổi, ông xuất gia tu học tại chùa Phước Quang (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) dưới sự dìu dắt của Hòa thượng Tăng Cang Hoằng Tịnh và được ban pháp tự Đạo Thứ. Vốn là người thông minh, ham học hỏi, lại vô cùng đức độ, khiêm nhường nên năm 1940, ông được cử về trụ trì tổ đình Long Bửu và đảm nhận chức Hội trưởng Hội Phật giáo huyện Nghĩa Hành.
Năm 1945, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, ông được cử làm Hội trưởng Hội Phật giáo cứu quốc huyện Nghĩa Hành. Hòa thượng Thích Minh Đức đã dốc sức hoàn thành mọi công việc để làm đẹp đạo, tốt đời… Bên cạnh việc tu tập, ông còn nghiên cứu về đông y và trở thành một lương y nổi tiếng để cứu độ chúng sinh.
Năm 1957, Hòa thượng Thích Minh Đức đảm nhiệm vai trò trụ trì chùa Linh Phước ở Đà Lạt. Đến cuối năm 1984, linh cảm thấy gần đến lúc phải ra đi, ông rời chùa Linh Phước về lại tổ đình Long Bửu.
Vào đêm 18 tháng Giêng năm Ất Sửu 1985, ông gọi các đệ tử lại bên mình dặn dò lần cuối, nhắn nhủ 13 điều khuyên người niệm Phật… Đôi mắt ông ngước lên nhìn một bức ảnh tượng Phật, rồi bảo vị trưởng tử đưa cho mình bức ảnh.
Ông hai tay nâng bức ảnh Phật úp lên mặt, rồi trút hơi thở cuối cùng. Lúc đó, kim đồng hồ chỉ 3h sáng 19 tháng Giêng năm Ất Sửu, tức 8/2/1985. Hòa thượng Thích Minh Đức trụ thế 84 năm và hạ lạp 51 năm. Môn đồ tứ chúng xây tháp để an trí nhục thân ông ngay tại sát bên phải tổ đình Long Bửu.
Thời gian trôi qua, ngôi tháp cũ bị xuống cấp trầm trọng vì mưa nắng, lũ lụt. Môn đồ chùa Linh Phước ở Đà Lạt, đã phát nguyện để xây dựng một ngôi bảo tháp mới, được đặt tên là Long Bửu tháp. Ngày 11/1/2011, trước sự chứng giám của 10 phương chư phật, chư tôn, tăng ni, phật tử gần xa… lễ khai quật mộ phần Hòa thượng Thích Minh Đức trong ngôi tháp cũ bắt đầu, để sau đó cải táng đưa vào tháp mới.
Mọi người thật sửng sốt khi chứng kiến quan tài của Hòa thượng Thích Minh Đức đã bị mục nát nhưng chiếc áo ca sa và những dải băng vải bó thân xác ông vẫn còn nguyên vẹn. Xương sọ của ông có màu vàng.
Hai xương bàn chân còn nguyên vẹn, các đốt xương bàn và cổ chân dính chặt vào nhau và dựng đứng lên theo như tư thế chôn ban đầu. Tất cả những hình ảnh tại buổi khai quật di hài của Hòa thượng Thích Minh Đức đều đang được lưu giữ và trưng bày tại chùa Linh Phước.
PGS.TS. Nguyễn Lân Cường từng cho rằng, ở Việt Nam hiện nay có 4 nhục thân mà ông đặt tên cho táng thức này là thiền táng. Đó là các thiền sư: Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường (chùa Đậu - Hà Nội), Như Trí, Chuyết Chuyết (tỉnh Bắc Ninh).
Nhưng cả 4 vị này đều dùng kỹ thuật sơn ta trộn với phụ gia: đất mối đùn, giấy dó, mạt cưa, vải màn rồi dát vàng, bạc, quang dầu… để phủ bọc lên cơ thể. Còn ở nhục thân của Hòa thượng Thích Minh Đức hoàn toàn chôn ngay trong đất, không hề có sơn ta. Vậy tại sao hài cốt và vải bọc bên ngoài còn nguyên vẹn?
Theo PGS.TS. Nguyễn Lân Cường, Hòa thượng Thích Minh Đức đã có một quá trình rất dài chứng nghiệm trong tu tập và đạt đến sự giác ngộ viên mãn. Điều đó thể hiện sự đắc đạo trong tu chứng mà chỉ có những vị cao tăng mới đạt được.
Chỉ có làm chủ được tâm thức thì ông mới tự điều khiển được ngày, giờ ra đi để trở về với cõi vĩnh hằng. Bên cạnh đó, cũng có thể do long mạch khi đặt huyệt mộ rất chính xác nên nhục thân được bảo toàn.
Theo News4Vnay
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét