Những ngôi làng sinh đôi nổi tiếng thế giới

2:43:00 CH

Chuyện kỳ bí về những ngôi làng sinh đôi nổi tiếng thế giới

Theo nghiên cứu của Đại học Texas (Mỹ), tỷ lệ người sinh đôi trên thế giới bằng khoảng 3% dân số. Tuy nhiên, có nhiều nơi, tỷ lệ sinh đôi cao hơn rất nhiều. Đã có nhiều nhà khoa học nghiên cứu nhằm tìm ra nguồn gốc tỷ lệ sinh đôi cao đột biến tại những nơi này nhưng tất cả đều nằm trong vòng bí ẩn khó lý giải.
Velikaya Kopanya: Ngôi làng 122 trẻ song sinh
Với tổng số dân chưa đến 4.000 người nhưng ngôi làng Velikaya Kopanya nằm ở khu vực Zakarpattia Oblast, miền Tây Ucraina, có tới 61 cặp sinh đôi. Cho đến tận bây giờ, giới khoa học vẫn chưa thể đưa ra lời giải thích là tại sao nơi này hầu hết phụ nữ đều đẻ song sinh.
Trên thực tế, sinh đôi không phải là điều đáng ngạc nhiên nhưng trong cùng một ngôi làng lại có tới 122 trẻ song sinh thì chắc hẳn phải là một hiện tượng kỳ lạ. Do đó, sách kỷ lục Ucraina và sách Kỷ lục thế giới đã ghi nhận ngôi làng kỳ lạ này bởi số lượng cặp song sinh tại đây nhiều hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Bà Maria Chorba (77 tuổi) là một trong những người có người chị sinh đôi cao tuổi nhất tại ngôi làng. Bà cho biết, hiện tượng sinh đôi ở ngôi làng này không phải chỉ mới xuất hiện gần đây mà có từ rất lâu. Bản thân gia đình bà Maria cũng có 3 cặp sinh đôi trong số những đứa cháu của mình.
Điều đáng nói là những cặp sinh đôi này vẫn luôn cảm nhận được mọi việc của nhau giống như có thần giao cách cảm, thậm chí còn “nhạy” hơn những cặp sinh đôi bình thường khác trên thế giới. Năm 2007, sau khi bà Anna, chị gái bà Maria đã chuyển ra khỏi làng được một thời gian, bà Maria vẫn cảm nhận được những trận ốm của người chị gái và biết được lúc bà Anna qua đời.
Bà Maryana Savka, ủy viên Hội đồng địa phương cho biết: “Số lượng cặp sinh đôi đột nhiên tăng lên vào năm 2004. Từ đó đến nay, mỗi năm có thêm 3 đến 4 cặp song sinh chào đời”. Những người dân ở đây tin rằng chính “nguồn nước thiêng” trong làng, nguồn nước sinh hoạt chủ yếu của mọi người, là thứ đã giúp phụ nữ đẻ song sinh nhiều đến vậy. Một điều lạ nữa là cũng ở vùng đất này, số lượng bò sinh đôi cao.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu và xét nghiệm nguồn nước nhiều lần mà không phát hiện bất cứ điều gì kỳ lạ trong nguồn nước, ngoại trừ việc nước rất sạch. Cũng nhờ đó, có rất nhiều người sống xung quanh khu vực chấp nhận đi xa chỉ để lấy được nước này về sử dụng.
Ngôi làng Valikaya Kopanya trở nên nổi tiếng và nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đã tìm tới đây để xin nguồn nước uống. Một người đàn ông phải đi tới 50km cho biết, anh cũng sẽ mua nếu người dân có kinh doanh nguồn nước này.
Ở ngôi làng này hiện chủ yếu là những cặp sinh đôi đang ở tuổi đến trường. Những cặp sinh đôi này thường ăn mặc áo quần giống nhau khiến cho các giáo viên gặp nhiều khó khăn để phân biệt. Danila và Dmitro là 2 trong số nhiều đứa trẻ sinh đôi trong làng.
2 em giống hệt nhau đến mức người ta phải phân biệt bằng vết chàm trên má. Thế nhưng khi đi học, giáo viên vẫn thường nhầm lẫn tên của 2 cậu bé. “Khi cô giáo trả vở bài tập, cô thường bị nhầm giữa hai anh em cháu”, Dmitro nói.
2 ngôi làng đặc biệt ở Ấn Độ
Ngôi làng Mohammedpur Umari ở miền Bắc Ấn Độ có 6.000 nhân khẩu nhưng không có trường học hay bệnh viện. Tuy nhiên, làng này đã gây ngạc nhiên cho bất cứ người nào biết đến nó khi chỉ với 6.000 dân mà có hơn 100 cặp sinh đôi. Thậm chí, nhiều con bò cái của làng Mohammedpur Umri cũng sinh nghé con song thai.
Theo cư dân sống tại đây, nguyên nhân của hiện tượng đặc biệt này là do môi trường và lối sống của làng. Hiện tượng kỳ lạ này đã giúp ngôi làng trở nên nổi tiếng, bất chấp việc đi lại khó khăn và cơ sở hạ tầng thiếu thốn, mỗi năm, làng Mohammedpur Umri tiếp đón rất đông du khách và nhà khoa học đến từ khắp nơi trên thế giới. Giới nghiên cứu muốn tìm hiểu nguyên nhân đằng sau hiện tượng trên nhưng cho đến nay mọi thứ vẫn là 1 bí ẩn.
Còn tại ngôi làng Kodinhi thuộc bang Kerala (miền Nam Ấn Độ) vẫn luôn là một ẩn số đối với các nhà nghiên cứu khi ở đây có tới 250 cặp sinh đôi trên tổng số 2.000 hộ gia đình. Năm 2008, trong số 300 trẻ sơ sinh ở làng thì có 15 cặp sinh đôi. Trong vòng 5 năm tiếp theo, tổng cộng có 60 cặp sinh đôi ra đời và tỉ lệ tăng dần theo mỗi năm.
Các cặp song sinh ở làng Kodinhi
Chủ tịch Hội đồng nhân dân của làng, ông Mustafa Shaikh cho biết cặp chị em sinh đôi nhiều tuổi nhất hiện nay đã 70 tuổi. Không chỉ những phụ nữ là dân gốc ở làng mới sinh con sinh đôi mà nhiều phụ nữ ở nơi khác đến lấy chồng ở đây và ở lại cũng sinh đôi. Bà Pathuty, một trong hai chị em sinh đôi 70 tuổi vui vẻ nói: “Điều này là do trời ban thôi, khoa học không giải thích được đâu. Làng chúng tôi bắt đầu có các cháu bé sinh ba và sinh tư nữa cơ”.
Từ mấy năm trước, một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ nhiều cơ quan, tổ chức của 3 nước Ấn Độ, Đức và Anh đã bắt đầu thu thập thông tin, số liệu về các trường hợp sinh đôi của làng, kể cả nghiên cứu mã gene di truyền DNA của họ để tìm ra lý do số lượng các ca sinh đôi ngày càng tăng. Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục phân tích số liệu thu thập được mà chưa tìm ra được kết luận gì.
Thị trấn Mặc Giang - “Mỏ vàng du lịch” của Trung Quốc
Nằm vắt ngang chí tuyến Bắc, phân định ranh giới một vùng ở Vân Nam, nơi rừng mưa nhiệt đới xen kẽ với nhiều cánh rừng cao nguyên ôn hòa và khô cằn, phần lớn cư dân ở Mặc Giang là người dân tộc thiểu số Hà Nhì. Họ là những người trồng trà đầu tiên trên thế giới và từng xây ruộng bậc thang bao phủ toàn bộ vùng núi cách đây 1.300 năm.
Ngoài những đặc điểm địa lý và văn hóa độc đáo đó, Mặc Giang còn trở nên đặc biệt vì có tỷ lệ sinh đôi cao hơn 25% so với mức trung bình của thế giới. Ở đây có cặp giếng cổ nổi tiếng nắm giữ bí mật về các cặp sinh đôi...
Những bé sinh đôi dễ thương ở thị trấn Mặc Giang
Tương truyền rằng nếu gia đình nào uống nước từ hai giếng cổ thì gia đình đó sẽ có nhiều con sinh đôi. Khi chính sách một con kéo dài suốt 3 thập kỷ qua ở Trung Quốc thì việc các gia đình có con sinh đôi có vị thế xã hội cao hơn được xem trọng.
Vì thế, mặc dù nằm trong khu vực ít người biết đến ở phía Tây Nam Trung Quốc, Mặc Giang trở nên nổi tiếng khi đón nhận nhiều người về đây mong xin được nước giếng cổ để uống với khao khát sinh nhiều cặp song sinh hơn. Ngoài ra, Mặc Giang đã tận dụng đặc điểm kỳ lạ này để khai thác du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương.
Nguyên Bách (Tổng hợp từ Amusing Planet, Mirror)

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.