Khám phá
9:17:00 SA
Quần đảo Galápagos: Phòng thí nghiệm Thuyết tiến hóa sinh học
Galápagos là ngôi nhà của một hệ sinh thái phức hợp với lịch sử địa chất kỳ thú và thảm động thực vật độc đáo – điều truyền cảm hứng cho thuyết tiến hóa của Charles Darwin. Mỗi năm, nơi đây thu hút cả ngàn lượt du khách cùng các nhà khoa học tới tìm hiểu về thế giới hoang dã.
Mặc dù nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới nhưng trên các đảo thuộc Galápagos lại không có những rừng mưa rậm rạp đặc trưng. Nơi đây vốn nằm tại giao lộ của ba dòng hải lưu chính: Humboldt (hay Dòng Peru), Panama và Cromwell. Chính các dòng biển lạnh này đã tạo nên khí hậu khô ráo, ôn hòa cho Quần đảo với hai mùa rõ rệt trong năm (Mùa khô và Mùa mưa).
Mùa khô kéo dài từ tháng Bảy đến tháng Mười hai, nhiệt độ rơi vào khoảng 20 – 25oC, lượng mưa trung bình gần 1cm/tháng, và thường hay xuất hiện sương mù tại các khu vực có địa hình cao. Mùa mưa bắt đầu từ tháng Một đến tháng Sáu, với nhiệt độ dao động trong khoảng 25 – 30oC, lượng mưa trung bình 3cm/tháng, trong đó tháng Ba và tháng Tư chính là hai tháng ẩm ướt nhất của năm khi nước mưa chảy thấm qua đất và cả đá núi lửa.
Theo chu kỳ, cứ 2 tới 8 năm, El Ninõ sẽ mang đến dòng nước ấm, ít màu mỡ và làm gián đoạn chuỗi thức ăn của nhiều loài động vật. Thiệt hại nặng nề nhất do El Ninõ gây ra là vào các năm 1982 – 1983 và 1997 – 1998 khi số lượng cự đà biển sụt giảm tới 90%, chim cánh cụt là 75% và hải cẩu là gần 50% (khi đó gần như tất cả hải cẩu con dưới 3 tuổi đều không thể sống sót được). Trước tác động của El Ninõ và tình trạng biến đổi khí hậu, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) cảnh báo Galápagos sẽ trở nên ngày càng nóng và mưa nhiều hơn.
Sư tử biểnGalápagos ở Vịnh Gardner. Ảnh: Dreamstime
Thực vật
Galápagos là nhà của gần 600 loài thực vật bản địa, trong đó có ít nhất 30 loại chỉ tồn tại trên đảo. Ngoài ra còn có 800 giống cây du nhập từ bên ngoài với sức xâm lấn khủng khiếp, đe dọa đến môi trường sống của nhiều loài bản địa như ký ninh, ổi và mâm xôi.
Ba vùng thực vật chủ yếu ở Galápagos là bờ biển, đất cằn và cao nguyên ẩm ướt.
- Vùng bờ biển trải dài bao quanh các đảo là nơi trú ẩn của loài cây đước lẫn chốn sinh sản của chim, cự đà, hải cẩu và rùa biển. Các sinh vật biển như tôm, cua và cá nhỏ cũng thường nương náu dưới rễ cây đước. Ngoài ra, cây rau lê và rau muống biển cũng hay xuất hiện ở đây.
- Vùng đất cằn trải dài từ bờ biển đến những nơi có độ cao đến gần 60 m, chiếm phần lớn diện tích trên đảo, gồm nhiều loài cây phổ biến trên sa mạc như xương rồng, sen đá và cây bụi không lá.
- Vùng cao nguyên ẩm ướt bắt đầu từ độ cao 300m, có hai loài cây đặc trưng thuộc hàng quý hiếm là scalesia (họ Cúc) và Miconia robinsoniana(họ Mua). Phần lớn đất đai tại đây đã bị con người khai thác để phục vụ nông nghiệp và định cư.
- Nằm giữa vùng đất cằn và cao nguyên là một khu vực chuyển tiếp mang nhiều nét đặc trưng của cả hai, nơi có thảm thực vật dày đặc các cây bụi nhỏ và nhiều loài dương xỉ. Ngoài ra, ở một số nơi có độ cao trên 600m thuộc các đảo, dương xỉ Galápagos (Cyathea weatherbyana) là loại cây đặc trưng nhất.
Động vật
Quần đảo Galápagos nổi tiếng vì có các loài động vật độc đáo như rùa khổng lồ, cự đà, chim sẻ đầu đỏ (Darwin’s finch) và chim cánh cụt Galápagos. Theo Ủy ban bảo vệ Galápagos, có tới 80% các loài chim, 97% bò sát và ít nhất 20% sinh vật biển chỉ tồn tại ở nơi đây.
Rùa biển Galápagos chính là loại rùa lớn nhất trên thế giới, với con đực có chiều dài lên tới 1,8m và nặng 250kg. Loài rùa này có thể sống đến hơn 100 tuổi và con già nhất được ghi nhận là khoảng 170 tuổi. Hiện tại, rùa biển Galápagos được WWF xếp vào danh sách cần được bảo vệ trong số 20.000 – 25.000 cá thể rùa khổng lồ tự nhiên, khi bốn loài đã tuyệt chủng.
RùaGalápagos khổng lồ có đốm trên lưng. Ảnh: Jame P. Gibbs, SUNY-ESF
Cự đà, bao gồm 3 loài sống trên cạn và một loài cự đà biển độc nhất trên thế giới chỉ có tại Galápagos. Hiện nay, số lượng loài này đang có nguy cơ suy giảm đáng kể do sự xuất hiện của các sinh vật ngoại lai bất chấp những nỗ lực của con người nhằm giúp chúng duy trì và phát triển.
Tại Galápagos chỉ tồn tại một số lượng nhỏ các loài thú có vú bản địa, bao gồm sư tử biển Galápagos (Zalophus wollebaeki), hải cẩu lông mao Galápagos (Arctocephalus galapagoensis), bốn loài chuột gạo và hai loài dơi. Bên cạnh đó, cá heo và cá voi cũng thường xuất hiện gần các đảo.
Người ta cũng tìm thấy 29 loài chim cạn sống trên các đảo, bao gồm 22 loài và 4 phân loài bản địa. Đặc biệt, chim sẻ đầu đỏ (Darwin’s finch) là quần thể chim lớn nhất tại đây. Chính những nghiên cứu của Darwin về sự khác biệt giữa các loài sẻ đã giúp ông rất nhiều trong việc phát triển lý thuyết về sự chọn lọc tự nhiên và tiến hóa.
Galápagos còn sở hữu 6 loài chim biển đặc biệt là: chim cánh cụt Galápagos (Spheniscus mendiculus), chim cốc không bay (Phalacrocorax harrisi), hải âu vẫy (Phoebastria irrorata), hải âu Petrel Galápagos (Pterodroma phaeopygia), mòng biển dung nham (Leucophaeus fuliginosus) và mòng biển đuôi nhạn (Creagrus furcatus). Ngoài ra, quần đảo còn là nơi cư ngụ của ba loài chim điên (booby), chim cốc biển lớn (frigate bird) và chim nhiệt đới (red-billed tropicbird). Đặc biệt, chim cánh cụt Galápagos là loài cánh cụt duy nhất sống ở gần Xích đạo.
Mối đe dọa
Theo cảnh báo của UNESCO, những mối nguy lớn nhất đối với hệ sinh thái trên Galápagos tới từ các loài động thực vật ngoại lai và sự bùng nổ du khách lẫn nhân khẩu trên đảo – dẫn tới nạn đánh bắt cá trái phép và làm phát sinh nhiều vấn đề trong công tác quản lý. Cùng với đó, hiện tượng nóng lên toàn cầu cũng là một nguyên nhân cực kỳ nhức nhối – theo National Geographic.
Hiện tại, công tác bảo tồn Galápagos đang gặp phải nhiều thách thức do sự phát triển du lịch. Nhu cầu xây dựng gia tăng do lượng du khách ngày càng đông đồng thời cũng để lại rác thải và nguy cơ tai nạn môi trường, như vụ tràn dầu trên biển hồi năm 2001. Ngay cả khi du khách lựa chọn chỉ nghỉ ngơi và sinh hoạt trên tàu thuyền, thì ánh đèn phát ra cũng đủ để thu hút các loài côn trùng ở những đảo khác đến, đe dọa phá vỡ sự cân bằng của hệ sinh thái nơi đây.
Hải Đăng dịch (KH&PT)
Quần đảo Galapagos
Reviewed by DI
on
9:17:00 SA
Rating: 5
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét