Một thoáng Ai cập

4:47:00 CH
Một thoáng Ai Cập 

  l
 
Nằm về phía Bắc Phi Châu một đất nước đã được hình thành suốt từ hơn 5,000 năm trước với một nền văn minh vô cùng rực rỡ dọc theo sông NILE.
 Ðó là Ai Cập (Egypt). Không thể nói về lịch sử, kiến trúc đền đài và ngôn ngữ Ai Cập cổ dù chỉ là một thoáng qua mà không nói về dòng sông NILE
Sa mạc GIZA và các Kim Tự Tháp.  
Sông Nile là con sông dài nhất thế giới với chiều dài hơn 6,600km chảy suốt từ cao nguyên Ruanda miền Ðông Châu Phi xuyên qua các quốc gia trước khi đến Ai Cập. 
Trên phần đất Ai Cập, sông Nile chảy từ phía Nam, đổ về phía Bắc. 
Sông chảy qua vùng đất khô cằn sa mạc Sahara, tạo ra một vùng đất xanh tươi phì nhiêu hai bên bờ và trở thành rộng lớn tại khu vực ASWAN tạo thành đập thủy điện NASSER nổi tiếng trên thế giới ngày nay. 
Sông Nile chảy đến Cairo thì tạo ra một vùng bình nguyên hình cánh quạt, các nhánh sông tuôn đổ ra biển Ðịa Trung Hải. 
Hai bên bờ là những khu vực đông dân sống dọc theo sông. 
Phần lớn những đền đài lăng tẩm, OBELIST (khối thạch trụ như hình bút tháp), PILLAR (khối thạch trụ tròn nguyên khối) cũng được xây dựng, đục khắc dọc theo sông NILE. 
Vì thế mà sông Nile được người dân ở đây xem như là người mẹ của đất nước Ai Cập về cả phương diện tinh thần, văn hóa và vật chất cho họ.
Từ thủ đô Cairo đi ngược dòng sông về phía Nam, du khách thăm viếng được rất nhiều các di tích lịch sử cổ xưa của các vương triều Ai Cập từ 5,000 năm trước; một số vẫn còn được tồn tại cho đến ngày nay như là những Kim Tự Tháp vĩ đại ở bình nguyên Giza, kinh thành MEMPHIS của vương quốc cổ đại Ai Cập, kim tự tháp bậc thang tại SAQQARA, di tích đền đài vĩ đại Karnak, Luxor, HATCHESUT temple tại cố đô cổ THEBES, và khu vực lăng mộ các Pharaohs và hoàng hậu Ai Cập.

         Ngoài ra biết bao nhiêu những di tích cổ xưa còn lưu lại mà con người ngày nay vẫn bỡ ngỡ trước những công trình vĩ đại của người xưa, nhất là ngôi đền Abu Simbel của một vị PHARAOH đại đế Ai Cập Ramesses II tại phía Nam sát biên giới Sudan.
          Ngược dòng thời gian, người Ai Cập đã có chữ viết khoảng 7,000 năm trước công nguyên, nhưng qua các thế kỷ bị các đế quốc như Ba Tư, Hy Lạp, Byzantine, La Mã và Ả Rập cai trị nên dần dần chữ viết cổ Ai Cập bị thất truyền hơn 2,000 năm nay. 
        Năm 1798, Hoàng đế NAPOLEON đem quân xâm chiếm Ai Cập và trong lúc quân lính đang xây pháo đài gần hải cảng Rosetta thì đã tìm thấy một phiến đá màu đen có đục khắc 54 dòng chữ Ai Cập, các dòng chữ này đã được dịch ra ngôn ngữ Hy Lạp ở bên dưới. Chính nhờ dựa vào dữ kiện này, nhà khảo cứu cổ ngữ học người Pháp Champollion đã nghiên cứu và sắp đặt lại các mẫu tự Ai Cập. 
        Ông phục hồi lại được ý nghĩa của các văn tự Ai Cập cổ đã thất truyền này. Ngôn ngữ Ai Cập cổ xưa sống lại, nhờ đó mà các nhà khảo cổ đã nghiên cứu và tìm kiếm được những di tích của thời Ai Cập cổ đại. 
         Nhờ đó mà lịch sử, văn hóa, văn minh của nền Ai Cập cổ xưa dần dần được hé mở cho hậu thế chiêm ngưỡng ngày nay.
       
       Thành phố CAIRO chính thức ra đời năm 917 và trở thành thủ đô cuả Ai Cập. 
        Từ thế kỷ 14 Cairo đã là một thành phố lớn và sầm uất trong thế giới Ả Rập. Trong lịch sử cận đại, Ai Cập liên tiếp bị các cường quốc xâm chiếm, mãi cho đến 1922 Ai Cập mới có được độc lập và theo chính thể quân chủ. 
       Năm 1952 một cuộc đảo chính quân sự và nước Cộng Hòa Ai Cập được tuyên bố thành lập vào năm 1953. 
Năm 1954 Garmal Abdel Nasser, người được xem như là nhân vật chính của phong trào cách mạng 1952 lên làm tổng thống. Chính ông là người đã quyết định quốc hữu hóa kênh đào Suez cho Ai Cập.
Mặc dù trải qua biết bao nhiêu thăng trầm biến chuyển lịch sử, ngày nay Cairo đã chuyển mình thành một trong những thành phố lớn trên thế giới. Với một dân số khoảng gần 20 triệu dân, Cairo đã và đang phát triển rộng thêm ra. Bình nguyên sa mạc Giza nơi có các ngôi kim tự tháp vĩ đại cũng được sát nhập vào Cairo và trở thành một vùng ngoại ô của Cairo. Chính phủ Ai Cập đang mở thêm một New Cairo để tránh mật độ dân cư tụ tập về Old Cairo, nơi mà được xem như những điều kiện về môi trường sống bị ô nhiễm nặng. Nơi đây có nhiều đền đài Mosque, nhà thờ Coptic, nhà thờ Chính Thống Giáo Hy Lạp và Do Thái Giáo xưa cổ. Phố phường khu chợ OLD CAIRO thật chật hẹp, những dây điện và cột điện giăng chi chít, các quán hàng cộng lẫn với cửa hàng có khi bề ngang chỉ chừng 2m đan san sát vào nhau. Sinh hoạt người dân thật ồn ào náo nhiệt, những máy bơm nước dọc theo ngay trên vỉa đường và người dân Old Cairo tắm ngay ở đó. Nhưng tất cả các yếu tố trên gom lại thì đây lại là một một nét văn hóa đặc biệt của Old Cairo. 
Trông sầm uất như thế nhưng không phải là không an toàn. Du khách có thể làm một vòng du ngoạn Old Cairo bằng xe lôi (giống như xích lô đạp, nhưng người đạp ngồi phía trước) có một cảm giác rất là lạ để quan sát một không gian nghèo của người dân Cairo.
Du lịch đâu phải chỉ là tiện nghi và hưởng thụ mà còn là sự cảm nhận về đời sống về không gian và thời gian của một nơi chốn nào đó.
Một trong những điểm chính của Cairo khiến du khách từ khắp mọi nơi trên thế giới đều đến thăm thưởng ngoạn là các kim tự tháp vĩ đại ở sa mạc Giza. Ðây là kỳ quan hàng đầu trong 7 kỳ quan cổ đại của nhân loại và cũng là một kỳ quan cổ đại duy nhất còn đứng vững dù đã trải qua hơn 3,500 năm sương gió nắng cháy với thời gian và không gian sa mạc.

PYRAMIDS hay còn được gọi là Kim Tự Tháp, Ai Cập hiện đã tìm thấy khoảng 120 Pyramic nhưng nổi tiếng nhất là 3 PYRAMID ở Giza. 
Hùng vĩ nhất là PYRAMID CHEOPS, còn được gọi là PYRAMID KHUFU. 
Ðây là kim tự tháp dành cho Pharaoh Chéops (Pharaoh là một danh xưng dành cho các vị vua Ai Cập cổ đại) xây dựng vào khoảng thế kỷ 24 trước công nguyên, kim tự tháp Chéops có nền hình vuông, mỗi cạnh đáy dài hơn 230m và chiều cao lúc ban đầu là 146m. 
Do động đất và hư mòn theo thời gian đã làm sụp phần trên nên ngày nay chiều cao chỉ còn khoảng 139m. Bốn mặt nghiêng của kim tự tháp tương ứng với bốn hướng Ðông Tây Nam Bắc. 
Toàn bộ tháp được xếp chồng chất bằng những phiến đá có mặt phẳng kết hợp với nhau hết sức khít khao. Trung bình mỗi phiến đá nặng chừng từ 2.5 tấn đến 16 tấn. Tất cả các phiến đá được đục đẽo từ khu vực Aswan cách xa Giza cả ngàn cây số và có khoảng 2.5 triệu phiến đá chồng xếp lên nhau.

Du khách có thể mua vé để “chui” vào Kim Tự Tháp Chéphren để thỏa tính tò mò ngắm xem bên trong lăng mộ. Phần cửa ra vào lăng mộ nằm ở sườn tháp phía Bắc, bên trong có 2 con đường dài hẹp gần 100m rẽ về hai phía trái và phải. Một đường đi thông xuống một ngôi mộ giả nằm sâu dưới đất. Một đường đi hướng lên phía trên vào mộ của vua và hoàng hậu. Năm 1954 các nhà khảo cổ phát hiện ra một chiếc thuyền gỗ cổ xưa dài 43m và rộng ngang 5.9m, đã được tháo rời ra 1,224 mảnh, được chôn nằm bên ngoài hướng Nam kim tự tháp Chéops. 
Có thể đây là chiếc thuyền của nhà vua được tháo rời ra và mai táng theo để nhà vua có thuyền đi về nơi chốn thần Mặt Trời (Sun-God Re) ngự trị.
Ngoài kim tự tháp vĩ đại Chépos còn có hai kim tự tháp khác. 
Ðó là kim tự tháp Chéphren và Mycerinus. 
Pharaoh Chéphren là con của Pharaoh Chéops và Pharaoh Mycerinus là cháu của Chéops.

KARNAK TEMPLE Temple tại THèBES
 
     
Thoạt nhìn qua người ta có cảm tưởng kim tự tháp Chephren hình như lớn cao hơn kim tự tháp Chéops, nhưng không hẳn vậy, trông cao hơn chỉ vì kim tự tháp này được xây trên một nền cao hơn nền của kim tự tháp Chéops khoảng 10m. 
Tuy nhiên, có một điều khác hẳn với kim tự tháp Chéops, một con đường thần lộ dài gần 500m dẫn từ tận chân kim tự tháp đến ngôi đền thờ Chephren's Valley Temple, một điểm mà hầu như không phải một kim tự tháp nào cũng có. 
Không một ai, kể cả du khách được phép đi hết được con đường thần lộ này, nhưng chúng ta có thể đi một đoạn đường ngắn song song với tượng NHAN Sư (SPHINX) khổng lồ nằm ngay bên cạnh thần lộ. 


Ðứng đây, cả một không gian lịch sử Ai Cập cổ xưa hiện về: ba ngôi kim tự tháp sừng sững uy nghi, tượng nhân sư đầu người mình sư tử dũng mãnh nằm trong tư thế phủ phục và vùng sa mạc mênh mông. 
Một không gian như thế không khỏi làm người du khách buâng khuâng về một câu chuyện Ai Cập hoang đường nào đó trong trí tưởng tượng của mình.
Tượng nhân sư tại Giza được tạc từ một khối đá to, cao 20m và dài hơn 70m, hình ảnh này tượng trưng cho sự quyền uy và cũng là hình ảnh khắc họa về các Pharaoh Ai Cập. Những di tích này ngày nay trở thành biểu tượng cho quốc gia Ai Cập.

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.