Nghiện game' được công nhận là hội chứng rối loạn tâm thần

2:33:00 CH

Nghiện game' được công nhận là hội chứng rối loạn tâm thần

Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định hành vi nghiện game là một hội chứng rối loạn sức khỏe tâm thần, do những tác hại của việc thường xuyên chơi các trò chơi điện tử.
3 dấu hiệu xác định bệnh
Mới đây WHO xác định chứng rối loạn chơi game hay còn gọi là nghiện game (game disoder) nên được xem là một chứng rối loạn tâm thần. WHO đã bổ sung chứng rối loạn game vào bản thảo thứ 11 vào cuốn Phân loại thống kê quốc tế về các loại bệnh (ICD).
Cuốn sách này tương tự như cẩm nang chẩn đoán và thống kê rối loạn tâm thần (DSM) được xuất bản ở Mỹ nhưng ICD có phạm vi rộng hơn và được sử dụng trên phạm vi quốc tế.
Bản thảo được Tiến sĩ Vladimir Poznyak- thành viên của Bộ Y tế Tâm thần và Lạm dụng Chất gây nghiện của WHO, trực tiếp tiến hành nghiên cứu. Ông hy vọng đề xuất của mình sẽ mang lại ý nghĩa nhất định đối với các chuyên gia y tế, cảnh báo nghiện game đang gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển, cũng như tâm sinh lý con người, đặc biệt là trẻ em.
“Chứng rối loạn do chơi game sẽ được liệt kê trong tài liệu Phân loại Bệnh tật quốc tế (ICD) ấn bản thứ 11, dự kiến sẽ được xuất bản vào tháng 6 tới”, ông Poznyak nói.
Theo ông Poznyak, có 3 đặc điểm để xác định chứng rối loại game hoặc nghiện game. Đầu tiên, người nghiện game không kiểm soát được bản thân khi chơi game ví dụ như địa điểm, tần suất và thời gian chơi.
Thứ hai, người nghiện coi trọng việc chơi game hơn tất cả những việc khác trong cuộc sống và dành nhiều thời gian để chơi game bất chấp hậu quả tiêu cực xảy đến.
Và cuối cùng, trò chơi làm căng thẳng cuộc sống, làm giảm khả năng giao tiếp, mở rộng mối quan hệ giữa trong gia đình hay ngoài xã hội. Từ đó thu mình vào một góc, ăn uống thất thường, ở lì một chỗ và không chịu hoạt động thể dục thể thao.
Những triệu chứng nhằm xác định rối loạn tâm thần cũng như các hành vi liên quan đến nghiện game sẽ được theo dõi trong khoảng thời gian ít nhất 1 năm mới có thể đưa ra kết luận. Nhưng nếu một người có đầy đủ các dấu hiệu thì việc chẩn đoán có thể được thực hiện trong thời gian ngắn hơn.
Ý kiến trái chiều
Từ lâu các chuyên gia đã tranh luận liệu nghiện game có phải là một loại rối loạn sức khỏe tâm thần hay không. Trong một bài báo trên tạp chí Khoa học Tâm lý năm 2009, ước lượng có khoảng 8,5% trẻ em chơi game ở Mỹ trong độ tuổi 8-18 có dấu hiệu nghiện game.
Lần này, việc WHO nhận định việc phân loại rối loạn chơi game như một triệu chứng nghiện độc lập chỉ muốn hỗ trợ chính phủ, gia đình cũng như nhân viên chăm sóc sức khỏe thận trọng hơn và biết cách nhận diện các nguy cơ. Tuy nhiên, động thái này nhanh chóng dẫn đến những phản ứng trái chiều.
Tiến sĩ Joan Harvey, phát ngôn viên Hiệp hội Tâm lý học Anh đưa ra lời cảnh báo đối với bản thảo mới của ICD có thể sẽ dễ khiến các phụ huynh lo lắng quá đà, từ đó tạo gánh nặng cho nền y tế. “Chúng ta cần hiểu rằng không phải đứa trẻ nào thích điện tử, cũng nghiện game. Nếu đây là sự thật các bác sĩ hiện giờ sẽ rất bận rộn trong việc điều trị vấn đề này”, bà Harvey nói.
Ông Chris Ferguson là giáo sư tâm lý học tại đại học Stetson bang Florida, đã nghiên cứu ảnh hưởng của game đối với xã hội. Ông trả lời trang Gizmodo rằng: “Đây là một quyết định rất thiếu suy nghĩ của WHO.
“Nghiện game” được công nhận là hội chứng rối loạn tâm thần
Chúng tôi có bằng chứng cho rằng “nghiện game” chỉ là một triệu chứng của vấn đề sức khỏe tâm lý khác, và game thường chỉ được dùng như một cơ chế để xử lý những vấn đề đó.” Việc đưa “nghiện game” vào “Phân loại Quốc tế về Bệnh tật” sẽ khiến cho các công ty bảo hiểm phải trả tiền cho các trường hợp điều trị chứng nghiện này.
Đặc biệt có những ý kiến lo ngại rằng việc phân loại mới có thể dẫn đến sự kỳ thị đối với những game thủ trẻ tuổi. Tuy nhiên, một trong những chuyên gia nghiên cứu chứng nghiện game suốt 30 năm qua, Tiến sĩ kiêm Giáo sư Mark Griffiths tại Đại học Nottingham Trent, Anh có ý kiến hoàn toàn ngược lại.
Mặc dù tỷ lệ game thủ bị nghiện là rất nhỏ, chưa đầy 1% và thường mang sẵn các vấn đề như trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, tự kỷ. WHO ước tính con số này khoảng 2-3% bộ phận chơi game, dù không quá nhiều nhưng vẫn cần thận trọng.
“Từ quan điểm tâm lý học, video game giống như một dạng cờ bạc, chỉ khác ở chỗ cờ bạc dùng tiền còn game dùng điểm. Xem nghiện game thành bệnh tâm thần sẽ giúp nhận diện vấn đề và tăng cường chiến lược điều trị”, ông Griffiths cho biết.
Tiến sĩ Henrietta Bowden-Jones - phát ngôn viên khoa Hành vi Nghiện tại Đại học Tâm thần Hoàng gia Anh đánh giá việc phân loại là vô cùng cần thiết để kịp thời hỗ trợ những người nghiện game, chủ yếu tuổi vị thành viên. Trên thực tế, bà đã gặp không ít gia đình tan nát chỉ vì con cái nghiện game đến mức bị đuổi học.
Theo những người ủng hộ việc xếp nghiện game là một chứng rối loạn tâm thần, nó cũng không khác gì so với nghiện ma túy và nghiện rượu. Não người nghiện game bị kích thích tương tự khi sử dụng ma túy và nhu cầu điều trị chứng nghiện game đang tăng cao khắp nơi, đặc biệt là châu Á.
Trung tâm điều trị cai nghiện Anh Quốc (UKAT) đồng tình rằng, biểu hiện nghiện game không phải chỉ có 1 vài triệu chứng đơn lẻ, mà là tổng hợp nhiều dấu hiệu rối loạn tâm thần như mệt mỏi, nhức đầu, mất ngủ, ám ảnh, dễ nổi nóng, cáu gắt, thiếu dinh dưỡng…
Hiện trung tâm này đã soạn thảo 1 chương trình đầy đủ để điều trị các bệnh nhân nghiện game. Theo ghi nhận tại đây, 1 số ca nghiện game còn trầm trọng hơn nghiện thuốc và các chất kích thích.
Tiến sĩ Shekhar Saxena, Giám đốc đơn vị Sức khỏe Tâm thần và Lạm dụng chất thuộc WHO cho biết, WHO ủng hộ đề xuất xếp nghiện game vào nhóm bệnh tâm thần dựa trên các bằng chứng khoa học.
“Các nghiên cứu cho thấy khi những người này mê mẩn với các trò chơi trên Internet, một số khu vực nhất định trong não họ được kích hoạt theo cùng một cách mà não của người nghiện ma túy bị ảnh hưởng khi dùng thuốc: trực tiếp và mãnh liệt. Trò chơi sẽ thúc đẩy một phản ứng thần kinh tác động đến niềm vui và phần thưởng, và kết quả cực đoan của nó là hành vi gây nghiện”, ông ông Shekhar cho hay.
“Hãy lưu ý nếu game ngày càng lấn lướt các thói quen khác, từ đó gây ảnh hưởng đến học tập, làm việc hoặc hòa nhập xã hội, bạn hãy nhanh chóng tìm sự giúp đỡ”, ông Shekhar khuyến cáo thêm.
Người phát ngôn WHO Tarik Jasarevic, chứng rối loạn tâm lý do chơi game là một khái niệm tương đối mới và các dữ liệu nghiên cứu ở cấp độ dân số vẫn chưa được thu thập. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cơ bản đều đồng tình rằng nghiện game là một vấn đề nghiêm trọng và việc chính thức đưa chứng nghiện này vào danh sách của ICD là một bước đi hợp lý.
Ông cũng cho biết, việc công nhận nghiện game là một chứng bệnh sẽ giúp thúc đẩy các nghiên cứu sâu hơn cũng như huy động được các nguồn lực trong việc chiến đấu với chứng nghiện này.
Tiến sĩ Richard Graham, chuyên gia nghiên cứu về các chứng nghiện công nghệ tại Bệnh viện Nightingale, Luân Đôn, Anh Quốc bày tỏ sự vui mừng khi quyết định chứng nghiện game là một trong những hội chứng rối loạn tâm thần.
“Điều này đặc biệt quan trọng vì nó tạo ra nhiều cơ hội hơn cho sự phát triển các dịch vụ tư vấn và điều trị chuyên khoa dành cho những người nghiện game. Nhiều người sẽ phải hối tiếc nếu như không xem việc điều trị nghiện game là cần thiết. Nhiều bậc phụ huynh còn nghĩ rằng con cái họ chỉ đang quá phấn khích khi chơi game, chứ không phải là nghiện game”.
Cuộc chiến “cai nghiện” game
Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu cuộc chiến với những người nghiện chơi game. Ví dụ như chính phủ Hàn Quốc đã có đạo luật cấm trẻ em dưới 16 tuổi chơi game trực tuyến từ giữa đêm đến 6h sáng.
Ở Nhật Bản, một số người chơi game sẽ bị cảnh báo nếu như họ chơi vượt thời gian định mức trong mỗi tháng. Một nghiên cứu gần đây tại Đại học Oxford (Anh), trẻ em nam thường dành nhiều thời gian chơi trò chơi hơn trẻ em nữ.
Ngoài ra, ở Trung Quốc công ty Tencent cũng giới hạn thời gian chơi game đối với các đối tượng trẻ nhỏ. Theo quy định, trẻ từ 12 tuổi trở xuống giờ chỉ được phép chơi game King of Glory một tiếng/ngày và không được phép đăng nhập tài khoản chơi sau 21h. Trẻ em từ 12-18 tuổi chỉ được chơi 2 tiếng mỗi ngày.
Những trường hợp vi phạm sẽ bị buộc phải “rời cuộc chơi”. Cùng với đó, Tencent cũng đã áp đặt những hạn mức về số tiền mà những người chơi ở độ tuổi vị thành niên có thể chi tiêu trên nền tảng họ nhằm kiểm soát việc tiêu tiền bất hợp lý ở trẻ em.
Hoài Thu (Baomoi)

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.