Michelle Giuda - quan chức gốc Việt cao cấp nhất
Michelle Giuda - quan chức gốc Việt cao cấp nhất trong chính quyền Trump
"Tôi là người Mỹ nhưng đồng thời nguồn gốc Việt là một phần văn hóa kế thừa mạnh mẽ trong tôi", Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Michelle Giuda chia sẻ.
Michelle S. Giuda tuyên thệ nhậm chức Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề công chúng tại Công viên Quốc gia, thủ đô Washington, D.C. ngày 3/2. Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ.
|
Vào một buổi sáng cuối tuần trong thời tiết lạnh buốt đầu tháng 2, nhiệt độ ngoài trời ở thủ đô Washington D.C. dưới -1 độ C, Bộ Ngoại giao Mỹ đón tân trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề công chúng trong một buổi lễ nhậm chức diễn ra ngoài trời ở công viên quốc gia. Ngày 3/2 đánh dấu việc Michelle Selesky Giuda, 33 tuổi, trở thành quan chức gốc Việt cao cấp nhất trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
"Tôi chọn công viên quốc gia bởi vì gia đình tôi đến từ Việt Nam, mẹ tôi là người Việt Nam, còn cha tôi là cựu quân nhân trong chiến tranh Mỹ - Việt Nam. Địa điểm lịch sử này có ý nghĩa với tôi và gia đình", Trợ lý Ngoại trưởng Giuda nói với VnExpress trong buổi phỏng vấn độc quyền. "Đó là một thời khắc trọng đại để tôi nhìn nhận xuất thân của mình và cảm thấy biết ơn về lịch sử của gia đình".
Giuda nhớ lại bà ngoại và mẹ rời Việt Nam chỉ vài ngày trước khi chính quyền miền Nam sụp đổ tháng 4/1975. "Hồi đó bà và mẹ tôi sống cách Hà Nội không xa", cô chia sẻ. "Đối với mẹ tôi, đó là một bước ngoặt lớn trong đời. Bà thường kể cho tôi nghe bà muốn bắt đầu cuộc sống mới trên đất Mỹ ra sao. Đó là một hành trình lao động cật lực với những giờ làm việc dài đằng đẵng và thật nhiều quyết tâm".
Giuda lớn lên theo những câu chuyện bà và mẹ kể về quê ngoại. "Văn hóa Việt Nam hiện diện hàng ngày trong cuộc sống của tôi từ thời thơ ấu". Mỗi mảnh ký ức về quê hương đều chạm đến trái tim Giuda như hình ảnh bà ngoại ngồi giặt quần áo ven con sông sau nhà hay hình ảnh mẹ mặc áo dài đến trường, lúi húi trong bếp nấu ăn cho cả gia đình từ khi còn rất nhỏ. 10 năm trước, sau khi tốt nghiệp cao học, cô gái trẻ lần đầu tiên tới Việt Nam. "Chuyến đi giúp tôi cảm nhận sâu sắc hơn về nơi bà và mẹ sinh ra".
Quá trình nhận thức về bản thân với Giuda là một hành trình khám phá. Trước câu hỏi về "khía cạnh Việt Nam" trong con người mình, cô dường như vừa muốn khẳng định mình là người Việt Nam vừa muốn nói mình không hẳn là người Việt Nam. "Tôi là người Mỹ nhưng đồng thời nguồn gốc Việt là một phần văn hóa kế thừa mạnh mẽ trong tôi", Giuda ngừng lại, đợi câu hỏi tiếp theo.
Chuyến đi kéo dài 4 ngày tới Việt Nam là lần thứ ba Giuda trở về quê ngoại "để nói về những lĩnh vực mà Việt Nam và Mỹ chia sẻ: an ninh, kinh tế và thịnh vượng" cũng như cách thức giúp hai nước đạt được "những lợi ích chung, ước mơ chung và giá trị chung".
"Chào các anh, các chị", câu đầu tiên Giuda nói với khán giả ở Trung tâm văn hóa Mỹ ở Hà Nội, khiến đám đông gần 100 người ồ lên trong sự ngạc nhiên. Một người đàn ông ngoài 50 tuổi phấn khích đứng hẳn lên, giơ hai cánh tay qua đầu và vỗ không dứt. Chỉ một câu chào bằng tiếng Việt, nữ quan chức ngoại giao Mỹ đã ngay lập tức tạo ra sự kết nối với người đối diện.
'Cảm ơn sự lãnh đạo của Tổng thống'
"Cảm ơn sự lãnh đạo của Tổng thống. Cảm ơn vì Tổng thống đã trao cơ hội và tôi có thể làm gì để giúp ông". Đó là những gì Giuda muốn nói khi gặp Tổng thống Donald Trump. Trên cương vị của mình, Giuda mong muốn kể những câu chuyện về nước Mỹ, về những giá trị mà nước Mỹ và người dân Mỹ đứng lên bảo vệ - tự do, giải phóng cá nhân, phẩm giá con người.
Lớn lên gần hai thành phố Garden Grove và Westminster với khu Little Sài Gòn nổi tiếng của quận Cam, bang California, nơi tập trung đông người Việt Nam nhất ở Mỹ, Giuda tiếp xúc nhiều với văn hóa Việt Nam qua ẩm thực, lễ hội và chịu ảnh hưởng của "một cộng đồng gắn kết mạnh mẽ".
Làn sóng người Việt Nam di cư tới Mỹ bắt đầu sau khi Đạo luật trợ giúp người tỵ nạn và di dân Đông Dương do cố tổng thống Gerald Ford ký vào năm 1975. Bất chấp nhiều ý kiến phản đối, vị tổng thống thuộc đảng Cộng hòa đã cho phép hàng trăm nghìn người Việt Nam đến Mỹ theo một quy chế đặc biệt, đạo luật cũng quy định việc phân bổ ngân sách nhằm hỗ trợ tài chính và tái định cư người tị nạn.
Chính nhờ mối liên hệ lịch sử này, người Việt Nam tại Mỹ có xu hướng ủng hộ các chính trị gia đảng Cộng hòa hơn Dân chủ. "Suốt một thời gian dài, trong nhóm những cử tri gốc Á, cộng đồng người Mỹ gốc Việt là những cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa mạnh mẽ nhất", theo ông Taeku Lee, giáo sư khoa học chính trị và luật tại đại học University California kiêm thành viên thực hiện báo cáo quốc gia về người Mỹ gốc châu Á năm 2016 nói với tạp chí FiveThirtyEight.
Báo cáo thực hiện sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 cho thấy trong khi người Mỹ gốc Hàn và Ấn nghiêng về quan điểm cấp tiến, người Mỹ gốc Việt và Hoa giữ quan điểm bảo thủ. Số lượng các cử tri Cộng hòa gốc Á ở quận Cam đăng ký đi bầu cũng vượt trội so với số lượng cử tri đảng Dân chủ.
"Tôi luôn quan tâm sâu sắc đến các vấn đề chính trị", Giuda chia sẻ chính đam mê chính trị đã dẫn lối cho cô trên con đường sự nghiệp trở thành một chiến lược gia truyền thông. Cơ hội đầu tiên đến khi nhóm truyền thông của chính trị gia Cộng hòa Newt Gingrich, người từng giữ chức Chủ tịch Hạ viện Mỹ từ năm 1995 đến 1999 dười thời cựu tổng thống Bill Clinton, thiếu người. Trong 5 năm làm việc, Giuda thăng tiến từ chức quản lý báo chí lên đến phó thư ký quốc gia và giám đốc truyền thông chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2012 của ông Gingrich.
"Tôi lớn lên nhìn thấy ông ấy trên truyền hình, dõi theo hoạt động chính trị của ông... Tôi luôn ngưỡng mộ cá nhân ông và những thành tựu của ông. Vì vậy khi chuyển đến Washington D.C học cao học, tôi biết mình muốn làm việc cho Newt Gingrich", Giuda nói về người sếp cũ. Chính trị gia Gingrich là một trong những ứng cử viên phó tổng thống Mỹ mà Trump từng cân nhắc trước khi ra tranh cử năm 2016. New York Times dẫn lời Tổng thống Trump miêu tả Newt Gingrich là "người xuất sắc".
Năm 2014 đánh dấu nấc thang sự nghiệp tiếp theo của Giuda. Cô nhậm chức phó chủ tịch cấp cao của tập đoàn hàng đầu về truyền thông và quan hệ công chúng Weber Shandwick tại thành phố New York, phụ trách chiến lược truyền thông cho các doanh nghiệp ở 81 quốc gia. Năm 2016, cô được xướng tên là một trong 50 doanh nhân Mỹ gốc châu Á xuất chúng.
Tháng 1/2018, Tổng thống Trump bổ nhiệm Giuda giữ chức Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề công chúng. "Khi được bổ nhiệm, tôi thấy đây là cơ hội hiếm có và tuyệt vời để sử dụng kỹ năng mà tôi học hỏi được từ truyền thông chính trị và truyền thông doanh nghiệp để giúp Tổng thống Trump phụng sự đất nước và người dân Mỹ", Giuda nói.
Trưởng thành từ thể thao
Michelle S. Giuda tại buổi phỏng vấn độc quyền với VnExpress ngày 29/6. Ảnh: Ngọc Thành.
|
Với chiều cao trên 1m7, Giuda nổi bật trong đám đông với bộ váy đơn giản màu trắng ngà. Cô đi lại nhanh nhẹn trên đôi giày đế thấp. Khi nói chuyện, đôi tay cô luôn chuyển động và cánh tay mở một cách tự nhiên về phía người đối diện. Giữ nét mặt tươi dù không cười nhiều, cô tạo cảm giác thân thiện vừa đủ.
Là quan chức gốc Việt cấp cao nhất trong chính quyền của Mỹ hiện nay, Giuda trở thành hình mẫu thành công đối với nhiều phụ nữ. "Tôi học được một bài học rằng thành công lớn là sự tích lũy của nhiều thành công nhỏ. Cũng giống như thể dục dụng cụ, một động tác phức tạp là tập hợp của một chuỗi những động tác nhỏ được thực hiện chính xác và tuần tự", Giuda nhớ lại quãng thời gian chơi thể thao chuyên nghiệp đã giúp thay đổi nhận thức của cô về tiềm năng của bản thân. Thời sinh viên, Giuda từng vô địch giải các trường đại học Mỹ và là đội trưởng đội thể dục dụng cụ nữ của trường đại học California, Los Angeles.
Bất chấp hai lần bị từ chối vào đội tuyển thể dục dụng cụ trường và chưa bao giờ thi đấu ở cấp quốc gia, Giuda vươn lên lãnh đạo một đội tuyển gồm nhiều vận động viên Olympics. Đa số vận động viên Mỹ tham gia Thế vận hội Olympics đều đang ngồi trên giảng đường đại học. Tại Olympic Rio ở Brazil năm 2016, gần 80% trong số 558 vận động viên Mỹ từng thi đấu ở các giải thể thao sinh viên đại học.
Bí quyết của cô sinh viên Giuda là hành động và suy nghĩ như một nhà vô địch. Cô kể hồi năm thứ hai đại học, trong một lần nói chuyện với huấn luyện viên, Giuda thú nhận luôn cảm thấy tự ti trước bề dày thành tích của các đồng đội. "Họ mới là các vận động viên hàng đầu, họ giỏi hơn tôi", cô thổ lộ. "Và huấn luyện viên nói tâm lý của tôi chính là vấn đề".
Sau ngày hôm đó, Giuda lột xác. Dù trong phòng tập hay ngoài phòng tập, lúc ngủ cũng như lúc ăn, cô luôn nghĩ và hành động như thể mình là một nhà vô địch. "Mọi thứ tôi làm trong 24 giờ đều góp phần giúp tôi trở thành vận động viên hàng đầu. Và tôi luôn áp dụng cách tư duy như vậy xuyên suốt sự nghiệp sau này".
Giuda cũng khích lệ những phụ nữ trẻ còn rụt rè dấn bước trong công việc. "Là phụ nữ đôi khi chúng ta cảm thấy không tự tin nhưng hãy tự tin lên", cô nói tự tin không có nghĩa là lớn tiếng khoa trương, tự tin là khi bạn tin vào năng lực của mình, tin rằng bạn đã chuẩn bị tốt và làm hết sức có thể. "Dù ở vị trí nào, bạn tin mình đang tạo ra giá trị", cô nói.
Giải pháp đối phó nạn tin tức giả sẽ đến từ khối tư nhân
Là một chuyên gia truyền thông với bề dày nhiều năm kinh nghiệm trong khu vực công lẫn tư nhân, Giuda nhận định truyền thông ngày nay là sự kết hợp giữa nghệ thuật và khoa học. Nhờ khoa học công nghệ chúng ta có thể đo lường và phân tích dữ liệu để hiểu khán giả hơn và từ đó cải thiện hiệu quả của việc truyền thông điệp. Nhưng đồng thời truyền thông là sáng tạo nghệ thuật. "Cuối cùng truyền thông vẫn phải chạm đến cảm xúc của con người", cô nói.
Nói về sự trỗi dậy của mạng xã hội và truyền thông số, Giuda khẳng định những sự thay đổi này đang tạo ra cơ hội tuyệt vời cho mọi người trên khắp thế giới cất tiếng nói. "Ngày nay bất cứ ai, chỉ với một tài khoản mạng xã hội hay một chiếc điện thoại thông minh, đều có trong tay công cụ có sức mạnh lên tiếng". Cô dẫn những phát ngôn thường xuyên trên mạng xã hội của Tổng thống làm ví dụ. Cô tin rằng thông qua Twitter, Tổng thống Trump "có thể giao tiếp trực tiếp, tức thời với người dân Mỹ" và ông đang đối thoại với công chúng Mỹ "một cách rất chân thực".
Tuy nhiên mặt trái của mạng xã hội là phát tán thông tin sai lệch. Các cuộc khảo sát và lấy ý kiến trên toàn quốc cho thấy người dân Mỹ hiện tìm kiếm tin tức từ nhiều nguồn đa dạng nhưng nhiều người cũng cho biết chưa bao giờ họ cảm thấy hoang mang về tin tức như bây giờ. Theo một báo cáo Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố vào cuối năm 2017, 2/3 số người Mỹ ở độ tuổi trưởng thành được hỏi cho biết nạn thông tin giả mạo khiến họ mất niềm tin vào truyền thông và ngờ vực về độ chính xác của ngay cả những thông tin thời sự cơ bản.
Giuda dẫn báo cáo mới công bố của Reuters Institute khảo sát người đọc trên khắp thế giới cho thấy đa số đều tin rằng sự quản lý của chính phủ không phải câu trả lời cho nạn tin tức giả mà giải pháp sẽ đến từ chính công chúng, khối tư nhân và các tổ chức xã hội dân sự. "Bởi vì sự sáng tạo và đổi mới luôn đến từ những khu vực này", nữ quan chức ngoại giao Mỹ nói.
Cô tin rằng nhiệm vụ của chính phủ là trang bị cho người dân kỹ năng phản biện và phân tích thông tin, giúp họ tự quyết định và phân biệt giữa thông tin chính xác và tin tức giả mạo. "Làm được điều đó cũng có nghĩa là chúng ta bảo vệ được quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí", cô nói.
"Anh không bao giờ thua cuộc nếu anh tận hiến vì sự thật. Khi khủng hoảng xảy ra, khi thách thức khó khăn ập đến hay anh phạm sai lầm, việc anh cần làm là nói sự thật. Công chúng biết khi nào anh thành thật", Giuda cho rằng sự trung thực, minh bạch và cởi mở vẫn là cốt lõi của mọi thông điệp hay chiến dịch truyền thông.
Hạnh Phạm(Vnexpress)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét