127 giờ kinh hoàng Aron Lee Ralston

2:45:00 CH

127 giờ kinh hoàng Aron Lee Ralston

Không may mắn như đội 'Lợn Rừng', Aron Lee Ralston, vận động viên leo núi người Mỹ cũng bị mắc kẹt gần 6 ngày trong một cái vực ở hẻm núi Blue John Canyon, bang Utah, Mỹ, và anh đã phải tự cắt cụt một cánh tay của mình để có thể sống sót.
Những ngày vừa qua, vụ giải cứu 13 thành viên của đội bóng đá "Lợn Rừng" bị kẹt trong hang Tham Luang ở Thái Lan đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới, và tất cả đã được cứu sống.
Không may mắn như đội "Lợn Rừng", Aron Lee Ralston, vận động viên leo núi người Mỹ cũng bị mắc kẹt gần 6 ngày trong một cái vực ở hẻm núi Blue John Canyon, bang Utah, Mỹ, và anh đã phải tự cắt cụt một cánh tay của mình để có thể sống sót.
Họa vô đơn chí
Sáng ngày 26-4-2003, Aron Lee Ralston dừng chiếc xe bán tải trước lối vào Công viên quốc gia Canyonlands, nằm trong địa phận hạt Wayne, bang Utah, Mỹ. Vài phút sau, anh lấy ba lô và chiếc xe đạp trong thùng xe xuống rồi theo con đường mòn, đạp một mạch 15km đến hẻm núi Blue John Canyon. Tại đó, Ralston dựng chiếc xe đạp vào một thân cây bách, khoác ba lô lên vai. Dự định của anh là vượt qua hẻm núi Blue John Canyon rồi quay trở lại chỗ để xe đạp bằng cách vòng qua hẻm núi Horseshoe Canyon.
Trong ba lô của Ralston, ngoài 2 cái bánh burritos - là loại thức ăn phổ biến của người Mexico gồm bột mì nướng cuộn với đậu và thịt heo xay - thì còn có 1 bình đựng 4 lít nước, 1 bộ bông băng sơ cứu, 1 máy quay video, 1 máy chụp hình, 1 con dao đa năng và cuộn dây thừng cùng những chiếc móc chuyên dùng để leo núi.
Ralston đang nói lời trăn trối với gia đình và bạn bè (ảnh cắt từ camera).
Anh nói: "Theo dự kiến, tôi sẽ mất khoảng 4 tiếng để vượt qua hẻm núi Blue John Canyon. Đây là một trong những nơi hoang vu nhất nước Mỹ vì không đường sá, không dân cư, không nguồn nước. Nhiệt độ ban ngày xấp xỉ 50 độ C nên chỉ những cây xương rồng, lũ rắn đuôi chuông, bọ cạp và kỳ đà núi là có thể tồn tại…".
11 giờ trưa, Ralston lên đến đỉnh hẻm núi Blue John Canyon. Trước mặt anh là một cái vực, bề ngang khoảng 1m, dài hơn 60m và sâu 23m. Bên kia vực có một tảng đá lớn nhô ra, nhìn khá chắc chắn. Tuy nhiên, khi Ralston vừa nhảy qua thì tảng đá bỗng dưng lật nghiêng khiến anh rơi xuống một gờ đá khác, nằm cách miệng vực khoảng 3m. Họa vô đơn chí, tảng đá sau khi lật nghiêng cũng rơi xuống, ép sát cánh tay phải của anh lúc ấy đang tựa vào vách vực khiến anh không thể nào rút tay ra được.
Nhớ lại chuyện này, Ralston nói: "Trong đời tôi, chưa bao giờ tôi ân hận như lần ấy. Nếu như trước lúc đến Blue John Canyon, tôi mang theo chiếc điện thoại di động thì chắc chắn tôi đã được cứu sống. Tôi sẽ không phải chịu đựng 127 giờ kinh hoàng và phải mất một cánh tay.
Sinh ngày 27-10-1975 tại thành phố Marion, bang Ohio, Mỹ, Aron Lee Ralston đã tốt nghiệp kỹ sư ngành cơ khí nhưng leo núi là niềm đam mê của anh. Theo Ralston, anh quyết tâm chinh phục 44 ngọn núi ở bang Colorado - trong đó ngọn cao nhất là 4.270m.
Anh nói: "Khi quyết định vượt qua hẻm núi Blue John Canyon, tôi không báo cho ai, kể cả cha mẹ tôi và bạn bè nên không ai biết tôi bị mắc kẹt. Thoạt đầu, tôi dùng những chiếc móc, cố định vào các kẽ nứt trên vách đá làm điểm tựa rồi dùng sợi dây leo núi buộc vòng qua tảng đá, lấy hết sức để dịch chuyển nó nhưng không kết quả. Tôi cũng đã cố hét lên thật lớn, may ra có người nghe thấy nhưng rồi tôi nhận ra rằng đó là một sai lầm đáng sợ. Tiếng hét của tôi tan biến giữa hai vách đá, còn tôi thì tự làm kiệt sức mình". Sau này, các nhà cứu hộ cho biết tảng đá đè lên cánh tay Ralston nặng 362kg.
Cuộc chiến sinh tồn
Ngày thứ nhất trôi qua, Ralston chỉ ăn nửa cái bánh burritos và uống 1 lít nước. Anh nói: "Nỗi lo lắng lớn nhất của tôi là nước vì trong sa mạc, người ta chỉ có thể sống được từ 2 đến 3 ngày nếu không có nước". Lúc ấy, Ralston vẫn hy vọng một ai đó sẽ nhìn thấy anh và sẽ cứu anh vì thỉnh thoảng cũng có khá nhiều du khách đến Blue John Canyon để chụp hình.
Một phần hẻm núi Blue John Canyon, nơi Ralston gặp nạn.
Tuy nhiên, niềm hy vọng nhanh chóng biến thành nỗi thất vọng bởi lẽ du khách chỉ đến chân hẻm núi chứ không ai leo lên đỉnh nếu không có sự trợ giúp của những nhà leo núi chuyên nghiệp.
Sáng ngày thứ 2 kể từ khi bị mắc kẹt, Ralston nảy ra một ý nghĩ: Đó là dùng lưỡi dao khoét vào tảng đá, ngay chỗ đè lên cánh tay anh. Theo đánh giá của Ralston, chỉ cần khoét đi một lớp chừng 3cm là anh có thể rút tay ra được nhưng suốt 8 tiếng đồng hồ sau đó, kết quả chỉ gồm một nhúm bột đá vì nó là đá granite, còn lưỡi dao của Ralston vừa nhỏ, lại vừa làm bằng loại thép bình thường.
Cuối ngày thứ tư, nước hết, thức ăn cũng hết. Ralston đôi lần rơi vào trạng thái mê sảng và anh biết là mình sẽ chết. Bà Connie, mẹ Ralston kể: "Sáng hôm nó đi, nó chỉ mặc chiếc quần short và chiếc áo thun nên tôi nghĩ nó không đi đâu xa. Đến tối không thấy nó về rồi qua hôm sau vẫn không thấy nó, điện thoại nhưng không nghe nó trả lời, gọi bạn bè nó cũng chẳng ai biết nó ở đâu, tôi vào phòng nó và khi biết nó mang theo bộ đồ leo núi, tôi báo cảnh sát…".
Nhận được lời cầu cứu của gia đình Ralston, cảnh sát nhận định anh chỉ quanh quẩn trong vùng nên một mặt, họ thông tin cho lực lượng kiểm lâm để cùng phối hợp tìm kiếm. Mặt khác họ cho trực thăng bay quan sát xung quanh khu vực Công viên quốc gia Canyonlands, nơi có hẻm núi Blue John Canyon và hẻm núi Horseshoe Canyon đồng thời trên kênh truyền hình địa phương, cảnh sát đưa ảnh Ralston với lời đề nghị nếu ai nhìn thấy anh thì báo cho họ.
Chiều ngày thứ hai kể từ khi Ralston mất tích, trực thăng cảnh sát phát hiện chiếc xe bán tải của Ralston ở lối vào Công viên quốc gia Canyonlands nhưng lại không nhìn thấy chiếc xe đạp dựng cạnh một thân cây bách vì tán cây rậm rạp che khuất. Hơn nữa, xe đạp lại để cách chiếc xe bán tải 15km nên cảnh sát không nghĩ anh đến hẻm núi Blue John Canyon.
Theo đại úy Kyle Ekker, chỉ huy cảnh sát hạt Wayne, có thể Ralston vào công viên rồi lạc trong đó và cũng có thể anh đã gặp nạn bởi lẽ Công viên quốc gia Canyonlands có diện tích lên đến 462km vuông với những cánh rừng rậm rạp nối tiếp nhau, những núi cao, đầm lầy và những vực sâu, chưa kể đó còn là lãnh địa của loài gấu nâu nổi tiếng hung dữ và loài sói rừng cùng vô số những động vật có nọc độc khác.
Đại úy Kyle Ekker cho biết ông đã huy động 20 cảnh sát, 10 lính cứu hỏa và 50 người tình nguyện, tìm kiếm suốt 2 ngày trong Công viên quốc gia Canyonlands nhưng không phát hiện một dấu vết gì của Ralston.
Bước qua ngày thứ 5, Ralston bắt đầu phải uống nước tiểu của mình. Cánh tay phải của anh lúc ấy hầu như không còn cảm giác gì nữa vì máu không lưu thông được. Ralston nói: "Biết rằng mình sẽ chết, tôi lấy cái máy quay phim đặt ở phía đối diện rồi bật nút khởi động".
Trước ống kính, anh kể về việc anh bị rơi xuống vực, bị một tảng đá lớn đè lên tay, không thoát ra được. Anh nhắc lại những lần leo núi của mình rồi nói lời xin lỗi cha mẹ, vĩnh biệt bạn bè. Tiếp theo, bằng mũi dao, Ralston khắc họ tên, ngày sinh tháng đẻ của mình và ngày gặp nạn lên tảng đá oan nghiệt cùng số điện thoại của cha mẹ anh, của những người bạn thân nhất với anh. Ralston nói: "Tôi hy vọng một ngày nào đó, khi người ta tìm thấy xác tôi, họ sẽ hiểu vì sao tôi chết".
Nhát cắt cuối cùng
Sáng ngày thứ 6 kể từ khi rơi xuống vực, Ralston tỉnh dậy trong tình trạng kiệt sức. Anh kể: "Miệng tôi khô rát vì thiếu nước. Tôi cố gắng tiểu ra để uống nhưng chẳng có giọt nào. Tôi biết rằng nếu không nhanh chóng quyết định thì tôi sẽ chẳng bao giờ có thể thực hiện được vì càng lúc tôi càng thấy mình rất yếu".
Năm 2007, Ralston quay lại cái vực nơi anh phải tự cắt cụt cánh tay.
Quyết định của Ralston là anh sẽ tự cắt đứt cánh tay phải để thoát khỏi tảng đá. Trước đó, lúc nhìn lên trên, từ chỗ anh gặp nạn đến đỉnh vực chỉ cao khoảng 3m nhưng không có chỗ trèo lên vì nó gần như dựng đứng, còn nhìn xuống đáy vực khoảng 20m, có một cái ngách, ăn thông ra ngoài. Với 1 cánh tay, việc trèo lên xem ra khó hơn là leo xuống.
Ralston kể tiếp: "Tôi lấy một đoạn dây thừng buộc chặt vào phần trên khuỷu tay để ngăn không cho máu chảy. Tiếp theo, tôi dùng dao cắt vào phần dưới bắp tay, ngay sát khuỷu tay. Tôi không thấy đau lắm vì nó đã hoại tử do bị tảng đá đè lên, dẫn đến thiếu máu".
Cắt xong lớp cơ và gân, Ralston mới nhận ra rằng điều đó chẳng giải quyết được gì vì xương cẳng tay vẫn còn nguyên vẹn, mà lưỡi dao đa năng thì không thể cắt được xương. Bằng một cục đá, Ralston đập vỡ xương trong sự đau đớn kinh hoàng vì các dây thần kinh trong ống xương vẫn hoạt động.
Anh kể: "Tôi có cảm giác như cánh tay tôi bị nhúng vào một nồi nước sôi, cháy bỏng. Bây giờ chỉ còn một vài lớp cơ và một chút da. Tôi nghiến răng... Nhìn thấy cánh tay nằm lạc lõng dưới tảng đá, tôi vẫn không tin nó là của tôi…".
Cuối cùng, với sợi dây thừng, anh tụt xuống đáy vực rồi theo cái ngách, ra ngoài. Mặc dù hầu như không còn một chút sức lực nào nữa nhưng viễn cảnh sống sót đã giúp Ralston bước đi vì anh biết từ đó đến chỗ để xe đạp, còn chừng 3km nữa.
May mắn cho Ralston, ra khỏi hẻm núi được một đoạn thì một gia đình du khách người Hà Lan là ông Eric và bà Monique Meijer cùng đứa con trai Andy nhìn thấy anh. Ông Eric kể: "Chúng tôi vừa chụp hình xong, đang định quay lại chỗ để xe thì thấy một thanh niên, tay bị cụt, máu vẫn đang nhỏ giọt. Anh ta đưa cánh tay lành lặn lên, vừa khóc vừa kêu: "Giúp tôi, giúp tôi với".
Ngay lập tức, gia đình Eric nhận ra thanh niên đó chính là Ralston vì trước lúc vào hẻm núi, họ đã được kiểm lâm cho xem hình. Ông Eric kể tiếp: "Tôi bảo vợ con tôi chạy đến chỗ để xe, lái nó lại. Còn tôi ở với anh ta, cho anh ta ăn và uống nước".
Một may mắn nữa: Trên đường đến chỗ để xe, bà Monique Meijer nhìn thấy một trực thăng tuần tra của cảnh sát bay thấp trên đầu nên bà dùng chiếc nón, vẫy gọi. 20 phút sau, Ralston được đưa đến bệnh viện Moab. Theo các bác sĩ, nếu gia đình Eric không gặp được anh thì chỉ khoảng 2 tiếng sau, Ralston sẽ chết vì anh đã mất 38% lượng máu trong cơ thể.
Theo phóng viên truyền hình Tom Brokaw đi theo đội cứu hộ, phải mất 13 người cùng một cái tời và 1 kích thủy lực mới di chuyển được tảng đá đè lên cánh tay Ralston. Cánh tay sau đó được hỏa táng, tro của nó được trao lại cho Ralston.
Simon Lambert, bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật cánh tay giải thích: "Với Ralston, do tảng đá nặng 362kg đè lên cánh tay suốt hơn 5 ngày nên các mô cơ đều đã chết, dây thần kinh cũng bị tổn thương. Tảng đá khi ấy có vai trò như "thuốc gây tê"... Quyết định đập vỡ xương của Ralston là đúng nhưng nếu có chút kiến thức, anh sẽ cắt ngay ở khớp. Như vậy, sẽ không phải chịu đau đớn”.
Năm 2007, Ralston quay lại cái vực ở hẻm núi Blue John Canyon, nơi anh đã cắt cụt tay. Anh nói: "Sau khi đội cứu hộ lấy cánh tay của tôi, họ vẫn để tảng đá nằm nguyên ở đó, dưới góc tảng đá vẫn còn vết thâm của máu. Nhìn thấy nó, nước mắt tôi trào ra vì cái giá phải trả quá đắt cho một chuyến leo núi liều lĩnh, xem thường mọi quy tắc an toàn…".
Vũ Cao (theo The Traveller Magazine)

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.