Vợ chồng cùng là tiến sĩ Harvard

8:38:00 SA

 

Cuối tháng 5-2024, hai vợ chồng Bùi Phương Linh (sinh năm 1991) và Phạm Thanh Tùng (1992) cùng tốt nghiệp tiến sĩ tại Trường Y tế công cộng T.H. Chan (HSPH), Đại học Harvard (Mỹ).

Hai vợ chồng Bùi Phương Linh, Phạm Thanh Tùng cùng con trong ngày tốt nghiệp tiến sĩ Đại học Harvard (Mỹ) - Ảnh: NVCC

Hai vợ chồng Bùi Phương Linh, Phạm Thanh Tùng cùng con trong ngày tốt nghiệp tiến sĩ Đại học Harvard (Mỹ) - Ảnh: NVCC

Hai tân tiến sĩ dành cho phóng viên Tuổi Trẻ cuộc trò chuyện.

Nghiên cứu về dinh dưỡng, ung thư

* Hai bạn có thể chia sẻ thêm về nghiên cứu của mình trong thời gian làm tiến sĩ tại Harvard?

- Phương Linh: Đề tài của tôi là xây dựng một điểm thang đo dinh dưỡng để mỗi người xem họ có đang ăn uống tốt cho sức khỏe và môi trường hay không.

Chẳng hạn, thịt bò là thực phẩm dinh dưỡng, giàu sắt nhưng ăn nhiều thịt bò có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Về môi trường, nuôi một con bò thường mất đến cả năm, tiêu tốn nhiều cỏ, nước, phân thải ra nhiều khí nhà kính...

Trong khi đó, thịt gà cũng là loại thực phẩm dinh dưỡng nhưng ít chứa các chất có nguy cơ gây ung thư hơn, và một con gà cũng chỉ khoảng 2 - 3 tháng đã có thể lấy thịt.

Thang đo sẽ giúp người dùng hình dung được những thực phẩm nào, ở mức nào thì sẽ vừa tốt cho sức khỏe, vừa hạn chế những tác động cho môi trường.

- Thanh Tùng: Những người sinh ra trong gia đình có lịch sử mắc ung thư đại trực tràng thường có nguy cơ mắc bệnh này gấp 1,5 - 2 lần. Nhiều bệnh nhân đặt câu hỏi rằng liệu con cái của họ có thể "xóa" được nguy cơ cao này hay không?

Nghiên cứu của tôi tập trung vào câu hỏi trên, kết quả tìm thấy rằng một người trong gia đình có lịch sử mắc ung thư đại trực tràng, nếu họ có lối sống khỏe mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý và đảm bảo cân nặng, thì sau khoảng 30 năm, nguy cơ mắc bệnh sẽ trở lại như người bình thường.

* Đâu là thách thức lớn của hai bạn trong hành trình hoàn thành chương trình tiến sĩ ở Harvard, một trong những ngôi trường danh giá nhất toàn cầu?

- Phương Linh: Tôi nghĩ vất vả nhất là dịch COVID-19. Cuối năm 2019, khi vào học tiến sĩ được một học kỳ đầu tiên, đầu năm 2020, dịch COVID-19 lan nhanh tại Mỹ. Vậy là ngay từ học kỳ 2 của năm đầu tiên, trường chuyển hết sang học online, duy trì học online đến hết cả năm thứ 2. Học online thì rất buồn.

Vào thời điểm sau khi ở Mỹ có thể tiêm vắc xin, ở Việt Nam bùng phát dịch. Chúng tôi không thể về nước suốt ba năm, rất lo lắng cho gia đình. Đại dịch COVID-19 đã làm cho mọi thứ trở nên thách thức hơn cho cả hai, cho gia đình, có lẽ cho cả các bạn học khác và nhà trường.

- Thanh Tùng: Dịch COVID-19 khiến nhiều kế hoạch trong thời gian làm tiến sĩ không thể thực hiện. Ban đầu, chúng tôi dự định về Việt Nam thu thập số liệu cho một vài phần trong nghiên cứu.

Tuy nhiên nhìn chung với tôi, khó khăn thường nhiều hơn ở chỗ làm sao bước vào chương trình. Các chương trình thạc sĩ, tiến sĩ, tôi không đậu trong lần đầu tiên nộp hồ sơ mà đậu vào lần thứ 2. Đến lúc đã trúng tuyển, các chương trình đều có những hỗ trợ rất tốt cho người học.

* Hai bạn đều là sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội, học thạc sĩ tại ĐH John Hopkins, làm tiến sĩ tại Harvard. Dường như anh chị luôn có nhau trên con đường của mình?

- Phương Linh: Mọi người thường nghĩ rằng chúng tôi "phải đi với nhau", nhưng không có chuyện đấy đâu. Chúng tôi vẫn ưu tiên định hướng học tập cá nhân.

Quan trọng vẫn là sự phù hợp. Ví dụ, nếu một người đậu ĐH Johns Hopkins, Harvard mà người kia không đậu, thì cũng không có lý do gì để từ chối học bổng bởi đây là những trường hàng đầu có những ngành mà chúng tôi theo đuổi.

Nhưng cũng thật may mắn khi những nơi chúng tôi muốn học và nhận được những suất học bổng lại cùng một chỗ. Như thế, chúng tôi lại có thể hỗ trợ nhau nhiều hơn.

Anh Tùng giỏi về code, toán, thống kê nên hỗ trợ tôi nhiều. Chúng tôi cũng thường thảo luận về những chủ đề học tập, nghiên cứu.

Hai vợ chồng Bùi Phương Linh, Phạm Thanh Tùng - Ảnh: NVCC

Hai vợ chồng Bùi Phương Linh, Phạm Thanh Tùng - Ảnh: NVCC

Hỗ trợ sinh viên Việt Nam

* Dù bận rộn nhưng anh chị vẫn dành nhiều thời gian cho các dự án cộng đồng, hỗ trợ cho các sinh viên Việt Nam?

- Phương Linh: Sau khi đi học thạc sĩ tại ĐH John Hopkins, chúng tôi nhận thấy chương trình học và phương pháp dạy tại đây rất hay. Không cần phải quá xuất sắc, các sinh viên cũng có thể hiểu được những kiến thức.

Trong khi đó ở Việt Nam, sinh viên ngành y rất thông minh, không kém gì các nước. Chúng tôi nghĩ mình có thể đem đến những kiến thức chuyên sâu đã học được để truyền đạt lại cho các sinh viên Việt Nam.

Năm 2018, dự án REACH ra đời, bắt đầu từ một khoản tài trợ dành cho các cựu du học sinh Mỹ tại Việt Nam. Dự án xây dựng các buổi học online, offline và trao các khoản tài trợ nhỏ (microgrant) cho các bạn sinh viên đang ấp ủ những dự án cộng đồng.

Sau năm 2019, chúng tôi tự bỏ tiền túi, dành 20 triệu đồng cho mỗi dự án của sinh viên. Mỗi năm, chúng tôi đồng hành cùng hai dự án, không quá nhiều nhưng vì chúng tôi sẽ góp ý cho các bạn thêm về ý tưởng, phương pháp để tăng chất lượng.

- Thanh Tùng: Đôi khi, sinh viên rất cần những sự hỗ trợ ban đầu để từ đó các bạn có những nghiên cứu đầu tiên, bài báo đầu tiên, thành quả đầu tiên, bắt đầu những nấc thang đầu tiên cho con đường của mình. Chúng tôi ngày trước cũng rất muốn có một mentor cho mình để nhận được sự góp ý, hướng dẫn.

Chúng tôi cũng được nhận một microgrant 500 USD thời còn là sinh viên để bắt đầu hành trình nghiên cứu của mình. Giờ đây, chúng tôi muốn có thể mentor trở lại cho các bạn. Mỗi năm, các chương trình của chúng tôi được làm ở khắp ba miền và chúng tôi thường ưu tiên cho những bạn ở các khu vực còn khó khăn.

* Được biết hai bạn vừa hoàn thành kế hoạch học tiến sĩ, vừa hoàn thành kế hoạch có... em bé. Có lẽ không hề dễ dàng cho hai bạn khi cân bằng cả hai kế hoạch này?

- Phương Linh: Chúng tôi cảm thấy mình gặp nhiều may mắn và nhận được nhiều sự giúp đỡ. Khi em bé ra đời (2022), vợ chồng đều được trường cho nghỉ ba tháng. Thời gian này lại đúng vào dịp nghỉ hè của trường nên cũng không ảnh hưởng đến tiến độ học tập, nghiên cứu. Sau vài tuần sinh, vợ chồng quyết định đưa cháu về Việt Nam. Em ngoan, "hợp tác" trong suốt chuyến bay.

Sau ở cữ, tôi có thể trở lại làm nghiên cứu. Mỗi tối, con ngủ được khoảng 30 phút là tôi trở dậy phân tích số liệu, code trên máy tính... Cũng may hầu hết những phần phải làm trực tiếp, tôi đã hoàn thành hết tại Mỹ, những phần cuối của nghiên cứu, tôi có thể làm từ xa tại Việt Nam.

Buổi tối ở Việt Nam là buổi sáng tại Mỹ, nên có thể thuận lợi online họp hành với các giáo sư hoặc tham gia trợ giảng từ xa. Trong chương trình, chúng tôi sẽ phải trợ giảng trong 10 học kỳ.

- Thanh Tùng: Sinh con lúc dịch COVID-19 sẽ có nhiều hạn chế, chẳng hạn bệnh viện hạn chế người ra vào, đi lại cũng khó hơn bình thường một chút.

Vì quyết định đưa em bé sớm về Việt Nam nên chúng tôi vừa phải cấp tốc làm giấy khai sinh, hộ chiếu, vừa phải xếp đồ, dọn nhà... Thời gian đó gần như chúng tôi phải gác lại mọi thứ chỉ tập trung hết vào cho con.

Phục vụ cho người Việt

* Định hướng của hai bạn trong thời gian tới ra sao?

- Thanh Tùng: Chúng tôi đã về Việt Nam, có kế hoạch lâu dài xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh về những bệnh không lây nhiễm phục vụ cho người Việt. Chúng tôi cũng rất quan tâm đến đào tạo, bởi chúng tôi nghĩ có nhiều kiến thức người Việt hoàn toàn có thể dạy người Việt ngay tại Việt Nam, không nhất thiết và không phải ai cũng có cơ hội du học hay nhận được những suất học bổng về y khoa.

TS.BS Phạm Thanh Tùng tốt nghiệp bác sĩ đa khoa tại Trường ĐH Y Hà Nội năm 2015 và đã hoàn thành chương trình thạc sĩ y tế công cộng tại Đại học Johns Hopkins năm 2017 với học bổng toàn phần từ tổ chức giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation - VEF) và Đại học Johns Hopkins. Hiện nay anh đang là giảng viên của bộ môn sinh lý, Trường ĐH Y Hà Nội, giảng viên kiêm nhiệm tại Trường ĐH VinUni.

TS.BS Bùi Phương Linh tốt nghiệp bác sĩ đa khoa tại Trường ĐH Y Hà Nội (2015) và hoàn thành chương trình thạc sĩ y tế công cộng tại ĐH Johns Hopkins năm 2017 với học bổng toàn phần từ VEF và Đại học Johns Hopkins.

Hiện nay chị đang tiếp tục làm việc với nhóm nghiên cứu tại HSPH về chế độ dinh dưỡng bền vững toàn cầu và giảng viên kiêm nhiệm tại Trường ĐH VinUni.

TheoTuoiTre

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.