Nữ nhà văn Việt chỉ học hết lớp 3 nhưng có sách bán chạy nhất ở Mỹ
Lọt vào xếp hạng best seller (danh sách bán chạy nhất) của The New York Times là mơ ước của tất cả nhà văn trên thế giới. Ít người biết rằng, một tác giả người Việt cũng từng có một đầu sách được thời báo uy tín nhất của Mỹ vinh danh, hơn nữa nó còn được đạo diễn triệu USD Oliver Stone chuyển thể thành phim điện ảnh.
Cuốn sách nổi tiếng này có tên là Khi Đất Trời đảo lộn (tên tiếng Anh: When heaven and earth changed places) được tác giả Phùng Thị Lệ Lý hay còn gọi là Lệ Lý Hayslip viết từ năm 1989. Tác phẩm mang hơi hướm tự truyện kể về cuộc đời của Bảy Lý, cô gái sinh tại làng Kỳ La, xã Hòa Phụng, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Cuộc sống yên bình ở ngôi làng đẹp nhất thế gian này của những người dân nghèo đã bị phá vỡ bởi chiến tranh, khiến cho bao gia đình, đôi lứa phải chia ly.
Bà Lệ Lý giới thiệu hai cuốn sách. |
Ngay sau khi phát hành, Khi Đất Trời đảo lộn đã gây ra một tiếng vang lớn bởi tính đến thời điểm đó, đây là cuốn tự sự duy nhất bằng tiếng Anh về trải nghiệm của những người dân quê Việt Nam mắc kẹt giữa hai chiến tuyến trong chiến tranh. Nhà văn được giải Pulitzer Nguyễn Thanh Việt thậm chí đã gọi đây là “cuốn tiểu thuyết vĩ đại về chiến tranh Việt Nam”. Câu chuyện về những người lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam đã gây ra một phản ứng toàn cầu. Khi Đất Trời đảo lộn nhanh chóng được The New York Times xếp vào loại best seller (bán chạy nhất) và đã được dịch ra 17 ngôn ngữ trên thế giới.
Điều đáng ngạc nhiên là trước khi trở thành nhà văn, bà Lệ Lý chỉ tốt nghiệp lớp 3 trường làng vì hoàn cảnh chiến tranh. 20 tuổi sang Mỹ, có điều kiện, bà đi học ngành triết, khi không lên lớp thì tranh thủ vào thư viện đọc sách.
Từ sách lên phim. |
Bà kể lại quá trình viết Khi Đất Trời đảo lộn: “Tôi cứ viết theo kiểu tràng giang đại hải, thực tế thế nào thì viết lại như thế. Tôi viết như kẻ bị lên đồng, như bị trao sứ mệnh 'nói giùm cho những người nằm xuống, cho những người không biết cách nói ra, hoặc không có cơ hội nói'. Viết xong Khi Đất Trời đảo lộn tôi nhờ một người Mỹ hiệu đính, sau đó anh này cũng trở thành nhà văn. Cuốn thứ hai Đứa trẻ trong thời chiến, phụ nữ trong thời bình (tên tiếng Anh: Child of War, Woman of Peace) do con trai đầu của tôi hiệu đính. Với hai cuốn sách, tôi đều muốn gửi một thông điệp: Đừng để ai phải sống trong chiến tranh”.
Sự nổi tiếng của cuốn sách được nối dài khi vị đạo diễn phản chiến người Mỹ từng 3 lần đoạt Oscar là Oliver Stone đề nghị mua bản quyền để chuyển thể thành phim. Năm 1993, bộ phim ra mắt dưới cái tên Trời và Đất (Heaven and Earth) với sự tham gia của hai diễn viên Tommy Lee Jones và Lê Thị Hiệp. Tác phẩm này nằm trong chuỗi ba bộ phim về chiến tranh Việt Nam của ông sau Trung đội và Sinh ngày 4 tháng 7. Phim đã chiếu nhiều lần tại Việt Nam và sóng VTV.
Trong quá trình làm phim, Lệ Lý và đạo diễn Oliver Stone đã trở thành bạn thân của nhau.
Bà Lệ Lý và Oliver Stone. |
Trả lời câu hỏi của Tiền phong, vì sao một đạo diễn người Mỹ theo đạo Thiên chúa như Oliver lại đồng ý để cả bộ phim của mình được lý giải hoàn toàn bằng giáo lý Phật giáo, bà Lệ Lý cho biết: “Đạo Phật là tôn giáo mà tôi gắn bó ngay từ khi mới ra đời. Ở quê tôi, con người sống giữa trời và đất, luôn cố gắng đem lại những vụ mùa và làm theo lời dạy bảo của đức Phật. Khi Oliver mua bản quyền cuốn sách, tôi muốn các câu chuyện được kể lại đúng như nó đã diễn ra. Để giới thiệu với Oliver về đạo Phật, tôi đã nói chuyện với ông ấy rất nhiều, dẫn ông đi chùa, cho ông xem tài liệu, sách vở về đạo Phật. Thậm chí có những ngày dài, Oliver Stone đắm mình trong không gian u tịch của ngôi chùa ở California”.
Tôi hỏi bà có hài lòng với những gì Oliver chuyển thể lên màn ảnh không, nữ nhà văn trả lời: “Ông ấy hầu như đã không thay đổi gì nhiều, những gì tôi muốn nói trong sách thì trong phim đều có. Ông ấy là đạo diễn lớn”.
Lê Thị Hiệp trong vai Bảy Lý. |
Ngoài viết văn, bà Lệ Lý còn làm thơ, viết vọng cổ... Trong phim có những đoạn hát ru là do chính bà hát.
Nhà văn Lệ Lý tên đầy đủ là Phùng Thị Lệ Lý sinh năm 1949 tại Hòa Vang, Quảng Nam. 14 tuổi bà bị giam giữ, tra tấn... Theo mẹ vào Sài Gòn làm giúp việc cho một gia đình giàu, bà mang thai với ông chủ nhà, hai mẹ con bị đuổi việc. 16 tuổi, đang mang thai, bà bán thuốc lá, thậm chí làm gái mại dâm để nuôi con.
Năm 1969, bà làm hộ tá cho một bệnh viện ở Đà Nẵng và lập gia đình với kỹ sư người Mỹ, năm 1970 bà sang Mỹ định cư. Tại đây bà chủ động đi kiếm việc làm, sau đó tự hoạt động kinh doanh và trở thành một bà chủ thành đạt.
Lê Thị Hiệp và Lệ Lý. |
Năm 1986, bà về thăm quê hương lần đầu, theo chính sách mở cửa của Việt Nam.
Năm 1987, bà bán hết tài sản và sáng lập tổ chức phi chính phủ "Đông Tây Hội Ngộ" nhằm giúp đỡ xây dựng Việt Nam sau chiến tranh. Đến năm 1999, khi tổ chức này vững mạnh, bà chuyển dần cho người khác .
Năm 2000, bà sáng lập tổ chức "Làng Toàn Cầu" nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa dân tộc và hỗ trợ người nghèo Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề và phát triển cộng đồng...
Tổng thống Bill Clinton gửi thư cho bà Lệ Lý. |
Những năm 1980, bà Lệ Lý đã dũng cảm gửi cho chính phủ Mỹ lá thư kêu gọi xóa bỏ lệnh cấm vận Việt Nam. Năm 1996, Tổng thống Bill Clinton đã viết thư cảm ơn nữ nhà văn Lệ Lý. Và đến năm 2000, bà là một trong những người được Tổng thống Bill Clinton mời trong đoàn khách cùng sang thăm Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét