Hoài niệm Hà Nội năm 1990
Cùng nhìn lại những hình ảnh đầy hoài niệm về khung cảnh hồ Hoàn Kiếm, nơi được mệnh danh là trái tim của Thủ đô qua những bức ảnh được chụp năm 1991- 1992.
Đến thăm Việt Nam vào đầu thập kỷ 1990, thời điểm mà ngành du lịch mới bắt đầu mở cửa, Hans-Peter Grumpe – nhiếp ảnh gia người Đức, đã có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp “nguyên sơ” của xứ sở này. Đặc biệt, khi đến Hà Nội, ống kính của ông ngay lập tức bị quyến rũ bởi cảnh quan cùng lòng tốt và sự hiếu khách của người dân nơi đây.
Dưới góc nhìn của một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, Grumpe đã khắc họa sinh động một Thủ đô cổ kính mà hữu tình, cùng trái tim Hồ Gươm an yên, thơ mộng.
Vẻ đẹp yên bình, cổ kính
Hồ Hoàn Kiếm, xưa gọi là Lục Thủy, vốn là đầm nước lớn bị cát bồi lấp. Phía Bắc giáp với thôn Minh Hương (nay là phố Cầu Gỗ), phía Tây ăn tới tận Nhà thờ Lớn, phía Nam kéo dài xuống tận phố Hàng Chuối ngày nay.
Những con đường rợp bóng cây cổ thụ, bên dưới là hàng ghế đá để những người đi bộ trên đường ngồi nghỉ ngơi, nói chuyện.
Hồ Hoàn Kiếm hay hồ Gươm là hồ nước ngọt tự nhiên giữa lòng thủ đô Hà Nội. Trước đây hồ Hoàn Kiếm còn có tên gọi là hồ Lục Thủy do có làn nước màu xanh lục bốn mùa quanh năm hay một tên khác nữa là hồ Thủy Quân – Hồ duyệt thủy binh. Đến khoảng thế kỷ 15 thì được đổi tên là hồ Hoàn Kiếm (hoàn trả lại kiếm) gắn liền với truyền thuyết vua Lê Thái Tổ trả lại kiếm thần cho rùa thần.
Hồ nước này là điểm giao giữa các khu phố cổ nổi tiếng như: Phố Hàng Đào, phố Lương Văn Can, phố Hàng Ngang,… với các khu phố Tây được người Pháp quy hoạch từ cách đây hơn 100 năm là: Tràng Thi, Tràng Tiền, Đinh Tiên Hoàng, Bà Triệu, Hàng Bài,…
Đường ven hồ Gươm những năm 1990 còn có những cây cột điện giữa các hàng cây. Khi dẹp bỏ chúng, vỉa hè trở nên thông thoáng hơn, những hàng cây cũng ngày càng xanh tốt.
Trước đây, cây xanh ven hồ Gươm không đa dạng như hiện tại. Trong ấn tượng của nhiều người, ngoài hai cây liễu già (đã không còn sau trận lũ) còn có cây lộc vừng chín gốc. Cây tượng trưng cho sự giàu sang, may mắn đến với người dân Thủ đô. Trải qua thời gian – mà lần gần đây nhất là đại lễ 1.000 năm Thăng Long người dân leo lên xem pháo hoa đã làm gãy một gốc – đến nay cây lộc vừng đã không còn chín gốc nữa.
Cuộc sống bình dị
Ba lần sang Việt Nam, nhiếp ảnh gia Hans Peter Grumpe có một kho ảnh về Hà Nội, về người dân đủ tầng lớp nghỉ ngơi bên hồ Gươm, như cảnh chơi cờ, tập thể dục; người lao động nghèo mắc võng nghỉ trưa; đám trẻ leo cây hái quả hay tìm giấc ngủ trên những thân cây cổ thụ…
Sau ngày giải phóng Thủ đô, Hồ Gươm trở thành nơi dạo mát của người Hà Nội, nơi nghỉ chân ăn kem của một vài người từ nông thôn ra, và đặc biệt đông đúc vào những ngày Tết. Dần dần, nhu cầu đi dạo quanh hồ đã phát sinh ngày một lớn, rất nhiều người thường xuyên dạo chơi, làm việc và đôi khi nghỉ ngơi tại đây.
Hiện nay, quanh Hồ Gươm, nhiều người vẫn còn giữ thói quen sớm tinh mơ chạy một vòng hồ, hít cái khí trời trong và dịu đến nao lòng, thư thả ngồi trên băng ghế đá mát lạnh ngắm những nhịp sống đầu tiên của một ngày mới túa ra từ các tuyến phố.
Ngay cạnh hồ Hoàn Kiếm là con phố sang trọng bậc nhất Hà Nội thời thuộc địa – phố Tràng Tiền. Nhà ở đây có mặt tiền rộng, cao ba bốn tầng, kiến trúc khá thống nhất với một phong cách vừa cổ điển vừa hiện đại, trông chẳng khác nào một đường phố cổ của Paris hoa lệ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét