8 phút nghị sĩ gốc Palestine đối mặt ông Biden làm nước Mỹ rung chuyển
8 phút nghị sĩ gốc Palestine đối mặt ông Biden làm nước Mỹ rung chuyển
Cuộc nói chuyện kéo dài 8 phút giữa Tổng thống Biden và nghị sĩ Rashida Tlaib hé lộ những thay đổi chưa từng có trên chính trường Mỹ về cuộc xung đột Israel - Palestine.
Hạ nghị sĩ Rashida Tlaib, chính trị gia gốc Palestine duy nhất ở Quốc hội Mỹ, đã tạo ra một khoảnh khắc hết sức đáng chú ý khi bà mặt đối mặt với Tổng thống Joe Biden ngay trên đường băng sân bay hôm 18/5, để thảo luận về chiến sự ở Dải Gaza.
Sau cuộc trò chuyện kéo dài 8 phút ấy, Tổng thống Biden cũng gây bất ngờ không kém khi dành lời khen ngợi cho nữ nghị sĩ trong bài phát biểu từ Detroit, quê nhà của Tlaib.
"Trí tuệ, nhiệt huyết, cũng như sự quan tâm mà Tlaib dành cho biết bao con người khác khiến tôi ngưỡng mộ. Và chúa ơi, thật may bà ấy là một người đứng lên đấu tranh", Tổng thống Biden nói.
Phát biểu của ông Biden, cùng hình ảnh cuộc trò chuyện của hai người trên đường băng, đã gửi đi một thông điệp không thể nhầm lẫn, rằng đang có sự thay đổi trong nội bộ nước Mỹ về vấn đề Trung Đông, theo Washington Post.
Bà Rashida Tlaib và vợ chồng Tổng thống Biden tại sân bay ở Detroit, Michigan. Ảnh: Reuters.
Phe Dân chủ thay đổi thái độ?
Nghị sĩ Tlaib là người thường xuyên chỉ trích Israel. Trước Hạ viện, bà từng công khai gọi các chính sách của Israel là "phân biệt chủng tộc" và "apartheid".
Bà Tlaib ủng hộ các nỗ lực kêu gọi Washington trừng phạt Israel bởi cách hành xử của nhà nước Do Thái trong cuộc xung đột với người Palestine.
Nữ nghị sĩ này vận động mạnh mẽ cho giải pháp "một nhà nước", thay vì giải pháp "hai nhà nước" như được các bên liên quan theo đuổi từ trước đến nay.
Giải pháp "hai nhà nước" là phương án duy trì sự tồn tại của nhà nước Israel của người Do Thái và nhà nước Palestine của người Arab song song tồn tại. Đa phần chính giới Mỹ, trong đó có Tổng thống Biden, ủng hộ giải pháp này.
Trong khi đó, "một nhà nước" theo kế hoạch bà Tlaib vận động sẽ kết hợp lãnh thổ của người Palestines, Israel với các vùng đất mà quân đội Do Thái đang tạm chiếm, thành một quốc gia dân chủ duy nhất.
Nếu kịch bản một nhà nước thực sự xảy ra, đất nước mới hình thành có khả năng sẽ có đa phần dân số là người Palestine, thay vì người Do Thái.
Dĩ nhiên, lập trường này khiến bà Tlaib bị gạt ra bên lề trong các cuộc thảo luận về Trung Đông tại Quốc hội Mỹ, nơi đa phần giới nghị sĩ lưỡng đảng dành sự ủng hộ cho Israel.
Nghị sĩ Tlaib tham gia một cuộc biểu tình ở Dearborn, Michigan để ủng hộ người Palestine. Ảnh: Reuters.
Năm 2018, một nhóm vận động chính trị của đảng Dân chủ đã rút lại sự ủng hộ dành cho nghị sĩ Tlaib, sau khi bà từ chối công khai ủng hộ giải pháp hai nhà nước Do Thái và Palestine song song tồn tại.
11 ngày qua, khi xung đột giữa Israel và Hamas leo thang ác liệt, ngày càng nhiều nghị sĩ Dân chủ tỏ thái độ muốn Nhà Trắng cứng rắn hơn với nhà nước Do Thái, trong đó không ít người công khai kêu gọi Tổng thống Biden gây sức ép lên Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Dù Tlaib không thể thuyết phục các đồng nghiệp ủng hộ giải pháp một nhà nước, nhưng thực tế việc Tổng thống Biden sẵn sàng lắng nghe thông điệp từ một người nổi tiếng chống Israel đã cho thấy phe Dân chủ dường như đang tìm cách thay đổi chính sách của Mỹ ở Trung Đông.
"Ông Biden tỏ ra rất cảm thông và lắng nghe, còn bà Tlaib gần như bật khóc vì quá xúc động", Hạ nghị sĩ Debbie Dingell cho biết.
Denzel McCampbell, người phát ngôn của bà Tlaib, cho biết cuộc đối mặt hôm 17/5 là lần đầu tiên Tổng thống Biden và nữ nghị sĩ trò chuyện.
Một ngày sau cuộc trò chuyện với bà Tlaib, Tổng thống Biden có cuộc điện đàm với Thủ tướng Netanyahu, gửi đi thông điệp mong muốn hai bên giảm căng thẳng, tiến tới ngừng bắn.
Lệnh ngừng bắn đạt được hôm 20/5 và bắt đầu có hiệu lực từ 21/5.
Một trợ lý của bà Tlaib cho biết thông điệp mà nữ nghị sĩ muốn gửi tới Tổng thống Biden là "quyền của người Palestine không phải quân bài để mặc cả", rằng cách tiếp cận của Washington đối với cuộc xung đột Israel - Palestine "không hiệu quả" và cần phải thay đổi.
Vẫn là tiếng nói thiểu số
Khi được hỏi cuộc trò chuyện với bà Tlaib tác động thế nào đến chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden, Phó thư ký báo chí Nhà Trắng Andrew Bates cho biết "cách tiếp cận của tổng thống được xây dựng trên cơ sở lợi ích an ninh quốc gia của nước Mỹ, diễn biến trên thực địa, và kinh nghiệm lâu năm của ông ấy, chứ không dựa vào chính trị nội bộ".
Một quan chức Nhà Trắng giấu tên cho biết Tổng thống Biden không ủng hộ các chính sách cụ thể mà bà Tlaib đề xuất. Lời khen ngợi của ông Biden dành cho nghị sĩ Tlaib chỉ về khía cạnh phẩm chất cá nhân, cũng như sự quan tâm của bà dành cho những gia đình thường dân Palestine.
Sau cuộc trò chuyện hôm 18/5, bà Tlaib bất ngờ nổi lên trong các cuộc thảo luận về chính sách Trung Đông của đảng Dân chủ, ngay cả khi nghị sĩ này tiếp tục công kích các thành viên trong nội bộ đảng.
Trả lời MSNBC, nghị sĩ Tlaib cho biết Nhà Trắng đã liên tục phớt lờ bà cho tới khi xung đột vũ trang nổ ra.
"Cuối cùng thì họ cũng chịu làm việc với tôi, sau 4 tháng tôi và các cộng sự liên tục gửi thư, cảnh báo về sự đàn áp đối với cuộc sống của người Palestine ở Israel", bà Tlaib nói.
Nhà Trắng chỉ làm việc với nghị sĩ Tlaib sau khi xung đột vũ trang nổ ra. Ảnh: Reuters.
Hôm 18/5, nghị sĩ Tlaib cùng một số cộng sự đồng bảo trợ một dự thảo nghị quyết nhằm ngăn chặn hợp đồng bán vũ khí trị giá 735 triệu USD dành cho Israel.
Dù ít có khả năng sẽ sớm được thông qua, dự thảo cũng cho thấy sự ủng hộ dành cho Israel trong nộ bộ đảng Dân chủ đã có sự chia rẽ, bởi lo ngại những vũ khí của Mỹ sẽ được sử dụng nhắm vào thường dân Palestine.
Thăm dò của Gallup cho thấy số cử tri Dân chủ muốn gây áp lực lên Israel để sớm giải quyết cuộc xung đột với Palestine tại các vùng lãnh thổ quân đội Do Thái chiếm đóng đã tăng từ 33% năm 2008 lên 53% vào tháng 2 vừa qua.
Trong khi đó, ủng hộ việc gây sức ép lên Israel không có sự thay đổi trong nội bộ phe Cộng hòa, duy trì ở mức khoảng 17%.
Phe Cộng hòa cáo buộc Tổng thống Biden đã bỏ rơi đồng minh Israel và tự gắn mình với những nhân vật "bài Do Thái" như bà Tlaib, tiêu biểu cho quan điểm đang có chiều hướng thay đổi trong đảng Dân chủ.
"Tôi bị sốc bởi tổng thống có thể khen ngợi một người có những quan điểm cấp tiến như vậy, cũng như phản ứng yếu ớt từ nội bộ đảng của ông ấy (đảng Dân chủ)", Ari Fleischer, cựu thư ký báo chí Nhà Trắng dưới thời George W. Bush, nhận xét.
Halie Soifer, giám đốc điêu hành tổ chức vận động của người Do Thái ủng hộ đảng Dân chủ có tên Jewish Democratic Council of America, cho biết con đường của bà Tlaib đến nay vẫn nằm ngoài quan điểm phổ biến của đảng Dân chủ.
"Người Mỹ gốc Do Thái và đảng Dân chủ nhìn chung ủng hộ giải pháp hai nhà nước trong cuộc xung đột Israel - Palestine, cũng như ủng hộ viện trợ quân sự cho Israel", ông Soifer nhận xét.
Dải Gaza tan hoang nhìn từ vệ tinh
Hình ảnh vệ tinh cho thấy mức độ thiệt hại nghiêm trọng ở Dải Gaza trong hơn 10 ngày giao tranh dữ dội.
TheoZing(Duy Anh)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét