VĂN CHƯƠNG THỜI ĐỔI MỚI, MỞ CỬA,
VĂN CHƯƠNG THỜI ĐỔI MỚI, MỞ CỬA,
Huỳnh Phan Tùng
Những ai ở độ tuổi từ 70 đến 90, lớn lên, trưởng thành từ năm 1950 đến khoảng 1985, sống trong bão táp của Cách mạng và Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, của Xây dựng Chủ nghĩa xã hội và Đấu tranh Thống nhất đất nước, cho đến trước thời Đổi mới và Mở cửa hẳn đã hằn sâu nếp nghĩ về rất nhiều chuyện nhân tình thế thái, , những giá trị thật và không thật của vô vàn mối quan hệ xã hội, gia đình, làng nước, bàn bè, lãnh đạo và quần chúng, giữa cái chung và cái riêng, giữa con người và con người, giữa những vinh quang và đau thương, mất mát…
Có thể thấy trong cái thời ấy, người ta sống hào hùng lắm, hồn nhiên lắm. Tất cả mọi người đều thương yêu, đùm bọc và lo lắng cho nhau, nhưng cũng lại giản đơn, ấu trĩ trong khi cố gắng tất cả cho cái chung lớn lao thì lại đặt nhẹ cái riêng của từng người, vốn nhỏ bé và vô cùng khác nhau. Nhưng đâu đó vẫn nhói lòng cho thân phận con người, những tâm tư, những giằng xé, đớn đau đành phải cố phải nén lại, vì những cái chung lớn lao hơn…
Rồi đến Thời Mở cửa và Đổi mới, bắt đầu những năm 85-86. Mặc dù trọng tâm là Đổi mới tư duy về kinh tế, những kéo theo nó là suy nghĩ, nếp sống của toàn xã hội. Những Văn nghệ sỹ, Nhà văn, Nhà báo, Nhà viết kịch, làm phim, Dạo diễn sân khấu… với nhạy cảm và tài năng của mình, đã phản ảnh hiện thực xã hội và nêu lên những khao khát của quần chúng về những vấn đề thời đại mạng đầy tính nhân văn.
Theo dõi dư luận xã hội, báo chí, mạng truyền thông có thể nhận thấy tiền đề cho sự Đổi mới trong Văn chương có thể là các yếu tố :
Thứ Nhất, đó là thái độ không thỏa mãn, không hài lòng với những thành tựu đã có của nền văn học. Như chúng ta đã thấy, những nhà văn đi tiên phong trong thời kỳ đổi mới không ai khác là chính những nhà văn đã từng trực tiếp tham gia vào việc kiến tạo thành tựu văn học thời kỳ chiến tranh cách mạng. Nhưng khi chiến tranh kết thúc, quy luật chi phối văn học thời chiến hết hiệu lực thì một quy luật khác xuất hiện và thay thế, chi phối tiến trình văn học. Với tác động của quy luật này, các nhà văn được thức tỉnh để nhận ra những hạn chế, bất cập, thậm chí non kém của nền văn học. Một thái độ không thỏa mãn, không hài lòng đã xuất hiện. Và đây chính là khởi nguồn cho những lý giải về tính minh họa, tính công thức, tính giáo huấn, tính tuyên truyền và nhiều đặc điểm khác của nền văn học
Thứ Hai, đó là nhu cầu đổi mới tư duy diễn ra trên tất cả các lĩnh vực vào những năm đầu của thời kỳ đổi mới. Với trào lưu này, không chỉ các quy luật văn học được nhận thức và nhận thức lại mà cả hệ giá trị văn học (bao gồm cả giá trị văn học quá khứ và đương đại) và những vấn đề hết sức cơ bản, bức thiết của lý luận và lịch sử văn học như các vấn đề: Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa; vấn đề bản chất, chức năng và thuộc tính của văn học; vấn đề mối quan hệ giữa văn học và chính trị.v.v… cũng được nhận thức và nhận thức lại. Từ đây, các mối quan hệ bản chất giữa văn học với các loại hình ý thức xã hội khác được minh định; các giá trị văn học của quá khứ từng chịu nhiều định kiến sai lầm; các hiện tượng văn học từng bị hàm oan, thậm chí kết án nặng nề; các trường phái lý thuyết nghệ thuật Âu – Mĩ hiện đại mà một thời chúng ta có thái độ khước từ.v.v… đều được nhận thức lại, được điều chỉnh, bổ sung làm cơ sở cho đổi mới tư duy nghiên cứu, tư duy sáng tạo và phát triển. Nỗ lực khắc phục những non kém, giải tỏa các định kiến và sửa chữa các khuyết tật, hạn chế của nền văn học diễn ra trong suốt thời kỳ đổi mới có thể xem là kết quả của quá trình tự nhận thức và nhận thức lại, quá trình đổi mới tư duy văn học này.
Thứ Ba, đó là sự xuất hiện một đội ngũ nhà văn mới. Bên cạnh lớp nhà văn, nhà thơ trưởng thành từ kháng chiến chống Mĩ có tài năng, bản lĩnh, kinh nghiệm và tâm huyết làm trụ cột cho đổi mới, dường như lịch sử văn học giai đoạn này cũng lặng lẽ chuẩn bị cho mình một đội ngũ, một lực lượng tương thích với yêu cầu đổi mới và cách tân. Trừ một số ít được xem là “người của hai thế hệ” còn phần lớn họ đều sinh và trưởng thành trong đổi mới vàcùng đổi mới. Khác với lớp nhà văn đi trước, họ được hấp thụ những tư tưởng mới, thừa hưởng thành quả sáng tạo, được đào luyện trong môi trường thực tiễn đổi mới, được đối mặt với những vấn đề của đời sống xã hội và công chúng đương đại. Về một phương diện nào đó, sự xuất hiện lớp nhà văn mới là một lẽ tự nhiên, bình thường. Nhưng để bắt kịp với xu thế đổi mới và thực hiện sứ mệnh đổi mới thì lực lượng này có vai trò quan trọng.Họ là những người nhạy bén với cái mới, luôn luôn tìm kiếm cái mới.Có thể xem họ là một trong số những chủ nhân đích thực của văn học thời kỳ đổi mới.
Thứ Tư, đó là khát vọng sáng tạo, khát vọng thay đổi và khát vọng làm mới toàn bộ nền văn học từ quan niệm đến cảm hứng, phong cách, thi pháp thể loại và phương thức thể hiện nghệ thuật. Có thể nói đây là động lực của đổi mới, cách tân; là yếu tố thường xuyên kích thích năng lực tìm kiếm sáng tạo của những người trong cuộc, các Văn nghệ sỹ, Nhà văn, Nhà thơ… trong điều kiên họ được “cởi trói”, được làm những điều trước đây bị cấm kỵ
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nói : “Các Nhà văn đã dám nhìn vào sự thật và đã nói lên phần nào sự thật”
Nhìn từ phương diện khác, đổi mới không chỉ là quá trình vận động nội tại, tự thân của văn học mà còn là quá trình lịch sử khách quan diễn ra dưới tác động của rất nhiều yếu tố có quan hệ biện chứng cần được nhìn nhận lý giải một cách khoa học. Đó chính là :
1- Tác động của hệ thống tư tưởng chính trị (quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách,…).
2- Tác động của cơ chế thị trường.
3- Tác động của quá trình giao lưu và hội nhập quốc tế
4- Tác động của sự thay đổi hệ giá trị văn học và đạo đức thẩm mỹ.
5- Tác động của báo chí, truyền thông và internet,…
6- Tác động của quá trình phát triển khoa học và công nghệ.
7- Tác động của hệ thống lý thuyết nghệ thuật (tư duy lý luận và phương pháp nghiên cứu).
8- Tác động của đời sống văn hóa, xã hội …
Trong đó tác động của các yếu tố như: - Hệ thống tư tưởng chính trị; - Cơ chế thị trường; - Sự giao lưu và hội nhập; - Sự thay đổi hệ giá trị văn học và thẩm mỹ, hệ thống lý thuyết nghệ thuật; - Tác động của báo chí truyền thông, internet, v.v… được xem là các yếu tố tác động mạnh và có ý nghĩa quyết định. Có rất nhiều yếu tố chỉ đến giai đoạn này mới xuất hiện, những giai đoạn trước không có. Điều đó tạo nên tính chất và phẩm chất khác biệt của văn học thời kỳ đổi mới.
Chỉ riêng về văn chương, tôi xin kể ra đây những Nhà văn là tác giả những tiểu thuyết, truyện ngắn, những tác phẩm làm chấn động dư luận, đặt ra nhiều vấn đề nhức nhối, nêu lên những hướng giải quyết khá mới mẻ. Tôi không đi sâu vào phân tích các tác phẩm, chỉ xin liệt kê ra đây những tác phầm mà tôi có đọc. Để tiện nhận dạng, tôi xếp tên tác giả theo thứ tự A, B, C và tên tác phẩm của họ. Danh sách này nhất định là chưa đầy đủ, vì tôi không có điều kiện đọc hết các tác phẩm đã công bố, tôi lại không phải là một Nhà nghiên cứu phê bình văn học mà chỉ là một người đọc yêu văn chương và hết sức kính trọng các Nhà văn mà thôi.
1. Bảo Ninh: Nỗi buồn chiến tranh; Thân phận của tình yêu
2. Bùi Việt sỹ: Người đưa đường thọt chân
3. Chu Lai: Ăn Mày dĩ vãng; Vòng tròn bội bạc
4. Dương Hướng: Bến không chồng
5. Dương Thu Hương: Thiên đường mù
6. Đào Thắng: Dòng sông Mía
7. Hồ Anh Thái: Cõi người rung chuông tận thế,
8. Khuất Quang Thụy: Góc tăm tối cuối cùng
9. Lê Lựu: Thời xa vắng; Chuyện làng Cuội; Hai nhà
10. Ma Văn Kháng: Mùa lá rụng trong vườn; Đám cưới không có giấy giá thú; Đồng bạc trắng hoa xòe; Côi cút giữa cảnh đời; Tóc huyền màu bạc trắng; Người đánh trống trường; Những người đàn bà; Anh cả tôi người sung sướng; Bà ngoại; Người bị ruồng bỏ…
11. Nhật Tuấn: Đi về nơi hoang dã
12. Nguyễn Bình Phương: Những đứa trẻ chết già
13. Nguyễn Huy Thiệp: Tướng về hưu; Những ngọn gió Hua Tát; Vàng lửa; Kiếm sắc; Giọt máu; Phẩm tiết; Truyện tình kể trong đêm mưa…
14. Nguyễn Khải: Một cõi nhân gian bé tí; Một người Hà Nội; Đời khổ; Luật trời; Bạn viết cũ
15. Nguyễn Mạnh Tuấn: Cù lao Chàm; Đứng trước biển
16. Nguyễn Minh Châu: Phiên chợ Giát; Chiếc thuyền ngoài xa
17. Nguyễn Ngọc Tư: Cánh đồng bất tận
18. Nguyễn Khắc Trường: Mảnh đất lắm người nhiều ma
19. Nguyễn Thị Thu Huệ: Chị tôi; Một nửa cuộc đời; Thiếu phụ chưa chồng
20. Nguyễn Trí Huân: Chim én bay
21. Nhật Tuấn: Đi về nơi hoang dã
22. Phạm Thị Hoài: Thiên sứ
23. Phùng Gia Lộc: Cái đêm hôm ấy đêm gì
24. Tạ Duy Anh: Thiên thần sám hối; Bước qua lời nguyền; Vòng trầm luân trần gian; Hoá kiếp; Tội tổ tông; Luân hồi…
25. Trần Khắc: Người đàn bà quỳ
26. Võ Thị Hảo: Người sót lại của rừng cười; Hồn trinh nữ; Nghiệp chướng …
…. và nhiều người khác
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét