Nhắc đến 2 dân tộc này, thế giới luôn nghiêng mình kính nể
Trong quá khứ, đức tin vào sứ mệnh dân tộc từng giúp Nhật Bản vươn lên từ yếu hèn trở thành đế quốc sừng sỏ bậc nhất ở châu Á. Và điều này cũng đúng với dân tộc Do Thái.
Ảnh minh họa một trận sóng thần.
LTS: Trải qua hàng nghìn năm thăng trầm của lịch sử, rất nhiều nền văn minh rực rỡ nhất đã ra đời rồi tàn lụi, nối tiếp là những đế chế từng hùng mạnh rồi suy vong, kế tiếp đến là những đế quốc thay nhau xâm chiếm thuộc địa khắp địa cầu, những cường quốc không ngừng gia tăng vùng ảnh hưởng...
Di sản của họ cho đến ngày nay có thể là những công trình vĩ đại đứng vững qua hàng nghìn năm, những lâu đài thành quách không còn nguyên vẹn phủ bụi thời gian, các cổ vật hoặc châu báu bạc vàng trong hằng hà sa số các lăng mộ... Nhưng có lẽ, quý giá nhất, lại chính là những thứ vô hình - những bài học thành công và thất bại để cho các dân tộc khác "soi gương". Còn với mỗi người, đây cũng là những bài học quý báu để ứng dụng vào cuộc sống của mình, để xây dựng cuộc sống cá nhân thành công hạnh phúc, góp phần kiến tạo đất nước phồn vinh, thế giới hòa bình.
Đó là lý do chúng tôi đăng tải tuyến "Bài học lịch sử: Bí quyết thành công của các dân tộc dẫn dắt trong lịch sử nhân loại" bên dưới đây. Mời quý vị cùng đón đọc.
Bài 1: Bài học lịch sử 'đắt giá': Nước Anh bền bỉ và khát vọng Đại Hàn
BÀI HỌC SỐ 2: ĐỨC TIN - NGỌN LỬA BẤT DIỆT HUN ĐÚC NÊN THÀNH CÔNG
Trong bài viết trước, chúng tôi đã chỉ ra nguồn gốc của những thành tựu vĩ đại là cần có KHÁT VỌNG LỚN (xem chi tiết). Nhưng muốn duy trì khát vọng, cần có ĐỨC TIN. Đức tin là một niềm tin sắt đá, để hình thành thì vô cùng gian nan, nhưng khi đã có rồi thì không thoái chuyển. Huống hồ, nếu đó là đức tin chung của cả một dân tộc thì chắn chắn sẽ "biến gạch thành vàng", kể cả khi phải ở trong những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất.
Đức Phật từng nói: "Tin là căn bản của sự thành công, là nguồn gốc của muôn hạnh lành". Tác giả Đào Trinh Nhất trong cuốn "Nhật Bản duy tân 30 năm cũng khẳng định: "Phàm người có ôm giữ trong mình một điều tin tưởng gì đúng đắn, vững vàng, ta thường thấy họ đi trên đường đời ít khi vướng những nỗi trắc trở sai lầm, mà công việc họ làm cũng dễ thành công kết quả. Một dân tộc cũng thế".
Giống như người Việt Nam vốn tin mình là con Rồng cháu Tiên, thì người Nhật Bản tin họ là con cháu của Nữ thần Mặt Trời có sức mạnh vươn lên dẫn đầu, người Do Thái tin họ là dân tộc được chọn để dẫn dắt và khai sáng... Họ đã thành công. Và dưới đây là câu chuyện của họ.
ĐỨC TIN THIÊNG LIÊNG CỦA DÂN TỘC NHẬT BẢN
Là một quốc đảo ở Thái Bình Dương, không có đường biên giới đất liền với bất cứ quốc gia nào, tài nguyên thiên nhiên ít ỏi lại vướng phải khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên hứng chịu thảm họa động đất, sóng thần khủng khiếp... nhưng đã hơn một lần, Nhật Bả khiến thế giới ngạc nhiên chứng kiến sự vươn mình kỳ diệu của họ.
Người Nhật tin rằng: đất nước của họ là Thần quốc - con của nữ thần Mặt Trời. Chuyện này vốn dĩ là điều chẳng hề có cơ sở khoa học hay bằng chứng xác thực. Nó bắt nguồn từ những truyền thuyết dân gian, nhưng vì đã ngấm sâu vào tâm thức người Nhật, nên dần trở thành đức tin.
Nữ thần Mặt trời Amaterasu.
Theo quốc sử Nhật Bản, 3000 năm về trước, trên trời có ba vị Thần hiển linh: Thiên ngự trung chủ tôn (Amenominakanushi no mikoto); Cao hoàng sản linh tôn (Takamimusuhi no mikoto); Thần hoàng sản linh tôn (Kamumimusuhi no mikoto) cùng hạ phàm, thống trị trên tám cù lao Nhật Bản. Thần "Thiên ngự trung chủ" làm chúa tể, ở ngôi chính thống, là đức nguyên tổ của các Thiên hoàng (Mikado). Hai vị thần còn lại là ngoại tổ. Thuở đó, ba vị thần kết hôn với nhau, sinh ra thần con thần cháu, lập nên nước Nhật. Cách sau mười mấy đời truyền nối dòng dõi của ba vị thần nói trên, tới thời "Thiên Chiếu đại thần" (Déesse Amaterasu Omikami), tục gọi là Nữ thần Mặt trời, hay là thần Quốc tổ, tạo lập ra ngôi vua nước Nhật. Người sai vị thần vốn là cháu nội của mình hóa sinh thành Thiên hoàng.
Trong hàng nghìn năm, người Nhật có đức tin nhất quán rằng, mỗi người dân đều là con cháu của Nữ thần Mặt Trời Amaterasu, được Người che chở, bảo hộ. Đức tin này kiên cố đến mức đã trở thành niềm tự hào dân tộc, pha một chút thái độ kiêu căng, tự đặt mình ở vị trí đặc biệt. Vì có đức tin, mỗi người dân đều tự nhủ phải rèn luyện những phẩm tính tốt nhất để xứng đáng với cội nguồn dân tộc, chứng minh với thế giới sự vượt trội của mình.
Và lịch sử cũng luôn biết "thử thách" đức tin của người Nhật, mà đến nay có 3 cột mốc nhắc đến không đất nước nào không kinh nể.
Thử thách thứ nhất: Thay đổi hay là chết?
Năm 1867, đứng trước sự lựa chọn "thay đổi hay là chết", Nhật Bản chính thức ban bố sắc lệnh duy tân, cải tổ đất nước theo đường lối tư bản chủ nghĩa. Lấy khẩu hiệu Fukoku Kyohei (phú quốc cường binh) làm mục tiêu, chỉ trong vòng 30 năm, Nhật Bản đã phát triển thần kỳ. Từ quốc gia phong kiến lạc hậu, xứ Phù Tang nhanh chóng tiến lên chủ nghĩa tư bản rồi trở thành đế quốc, đi chinh phạt phần lớn vùng châu Á-Thái Bình Dương với tham vọng bá chủ thế giới.
Một trong những nhà tư tưởng lớn nhất của Nhật Bản giai đoạn này là Fukuzawa Yukichi. Ông chỉ ra cho người Nhật thấy sứ mệnh dân tộc, đánh thức họ thoát khỏi vòng u mê, khuyến khích tinh thần đua tranh và vượt mặt phương Tây. Fukuzawa khuyến khích người dân vươn lên trên mọi bình diện, ngay cả việc xâm chiếm thuộc địa ở vùng Đông Á như các nước Âu - Mỹ đang làm. 20 năm sau khi ông đề xướng việc này, Đế quốc Nhật Bản quả thực đã làm theo.
Trường học Kio ở Nhật Bản do Fukuzawa Yukichi thành lập.
Những thành tựu lớn mà Nhật Bản giành được trong quá trình duy tân là chuyển đổi từ quốc gia quân chủ chuyên chế chuyển sang quân chủ lập hiến, ban hành Hiến pháp, cải cách giáo dục. Về mặt kinh tế, trong khoảng 20 năm đầu duy tân đã đạt được nhiều thành tựu lớn, thu nhập dân chúng tăng gấp ba lần. Về lĩnh vực quân sự, hải quân Nhật thuộc hạng mạnh bậc nhất thế giới, đủ sức cạnh tranh với Hải quân Anh, Hoa Kỳ, còn lục quân Nhật tuy trang bị kém hơn nhưng cũng đủ để lấn át Trung Quốc.
Nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn đến thời kỳ duy tân Minh trị ở Nhật Bản - Fukuzawa Yukichi.
Thử thách thứ hai: Vươn lên từ đống tro tàn chiến tranh
Sau Thế chiến thứ 2, thảm họa bom nguyên tử lần đầu tiên trong lịch sử loài người đã khiến Nagasaki và Hiroshima bị hủy hoại, các thành phố lớn khác như Tokyo, Osaka, Nagoya, Kobe, Kagoshima… cũng trở thành đống đổ nát sau các cuộc ném bom của không quân Mỹ. Thiệt hại của Nhật Bản trong chiến tranh được coi là lớn nhất trong lịch sử thế giới.
Mặc dù quốc gia hứng chịu nhiều tổn thất nặng nề như vậy, nhưng người Nhật vẫn tin tưởng về sự trỗi dậy của Thần quốc Nhật Bản. Họ cho rằng, không điều gì có thể thay đổi ý chí, khát vọng của dân tộc. Giấc mơ vươn vai và đua tranh với các nước hàng đầu trên thế giới vẫn còn đó. Con cháu Nữ thần Mặt Trời đâu dễ gì gục ngã và từ bỏ!
Vụ ném bom nguyên tử xảy ra tại Nhật Bản.
Chỉ sau khoảng 10 năm hậu chiến, xứ sở hoa anh đào đã nhanh chóng trở thành nước có tiềm lực kinh tế đứng thứ hai trên thế giới, xếp ngay sau Hoa Kỳ. Trong lĩnh vực nông nghiệp, họ tự chủ an ninh lương thực, năng suất nông nghiệp vượt xa so với thời kỳ trước chiến tranh.
Năm 1989, 44 năm sau thảm họa bom nguyên tử, Nhật Bản bước vào giai đoạn phát triển cực thịnh nhất trong lịch sử. Giá trị đồng yen mạnh, tài sản đất đai của thành phố Tokyo tăng tới 60% trong một năm, cổ phiếu của các Tập đoàn lớn đều tăng giá.
Với mong muốn phục quốc, mỗi người Nhật ra sức học tập, chế độ giáo dục được cải cách và phát triển nhanh chóng. Dù kinh tế suy kiệt nhưng các trường học không ngừng được đầu tư xây dựng. Toàn đất nước dồn sức cho công cuộc giáo dục thực nghiệm và giáo dục tri thức toàn diện. Trong công cuộc duy tân, giáo dục và khai phóng tư tưởng đóng vai trò quyết định, đưa nước Nhật vươn lên. Lần này cũng không ngoại lệ. Như người Nhật vẫn nói, sự nỗ lực học tập đã mang lại cho họ tất cả mọi thứ.
Đền Sanno, ở tỉnh Nagasaki (một di tích nổi tiếng ở Nhật Bản) bị bom nguyên tử san phẳng.
Nagasaki ngày nay, không ai có thể hình dung được, mấy chục năm trước, mảnh đất này chỉ là một đống hoang tàn đổ nát, giờ đây đã vươn mình kỳ điệu dến thế.
Thử thách thứ ba: Vượt qua thảm họa kép động đất - sóng thần
Thảm họa kép động đất - sóng thần năm 2011 đã khiến 15.893 người Nhật Bản thiệt mạng, 2.572 người mất tích, hàng nghìn người bị thương và hơn 125.000 công trình nhà cửa bị phá hủy hoàn toàn. 18 tỉnh Đông Bắc bị ảnh hưởng nặng nề, cuộc sống người dân phụ thuộc hoàn toàn vào công tác cứu trợ và các hoạt động nhân đạo. Nghiêm trọng hơn, sóng thần còn làm rò rỉ phóng xạ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Thảm họa sóng thần ở Nhật Bản.
Chính phủ Nhật Bản cho biết, tổn thất ước tính do sóng thần và động đất tàn phá miền Đông Bắc có thể lên đến 309 tỉ USD. Ngân hàng Thế giới đưa ra mức thiệt hại là 235 tỉ USD. Đây là kỉ lục thế giới về thiệt hại do thiên tai gây ra.
Giữa lúc khốn cùng này, người Nhật với đức tin mình là con cháu của Nữ thần Mặt Trời, vẫn không chịu cúi đầu, làm những việc trái với lương tâm.
Tại nơi xảy ra thảm họa, một phóng viên từ Mỹ đã chia sẻ: "Đạo đức con người Nhật Bản thật đáng ngạc nhiên. Ở đây không có bất cứ một vụ cướp bóc hay bạo lực nào. Mọi người đều xếp hàng chờ đợi đến lượt. Nhân viên phục vụ lịch sự và tử tế".
Không có chuyện đục nước béo cò, kinh doanh trục lợi, không có chuyện cướp bóc ở nơi xảy ra thiên tai... Toàn đất nước Nhật dốc sức hướng về vùng Đông Bắc. Sự đoàn kết và những phẩm chất quật cường đã giúp Nhật Bản chỉ 7 năm sau thảm họa đã dần lấy lại đà phát triển. Những khu đô thị tan hoang nay đã không còn vết tích. Tại những nơi bị tàn phá nặng nề nhất như Iwate, Miyagi hay Fukushima… những kế hoạch dần được triển khai. Nhìn vào những hình ảnh đó, không mấy người tin rằng, 7 năm trước, ở đó là một "ngày tận thế".
Thành phố Natori ở tỉnh Miyagi hôm 11/3/2011 (trên) và hôm 15/2/2016 (dưới). Chỉ 5 năm sau thảm họa, một vùng đất nhộn nhịp với dân số 74.000 người, hoàn toàn bị xóa sổ dưới lực tác động của những con sóng thần cao 10 mét chỉ mất 5 năm đã hồi sinh trở lại.
ĐỨC TIN BẤT DIỆT CỦA DÂN TỘC DO THÁI
Theo Kinh Thánh, người Do Thái là một trong những tộc người cổ xưa nhất trên trái đất. Thuở đó, Adam (do Thượng Đế tạo ra) và Eva (vốn là chiếc xương sườn thứ 7 của Adam) kết hôn, sinh ra Noah. Con trai lớn của Noah là Shem trở thành tổ tiên của người Do Thái và Ả-rập. Từ ‘Semites’ để gọi chung người Do Thái và Ả-rập, có nghĩa là ‘con cháu của 'Shem’.
Theo thời gian, từ dân tộc Do Thái đã ra đời ba tôn giáo lớn nhất và ảnh hưởng nhất trên thế giới, khởi đầu là Do Thái giáo ra đời vào khoảng năm 1500 TCN, sau đó là Ki-tô giáo (được Chúa Jesus sáng lập vào giữa thế kỷ 1 như một nhánh ly khai từ Do Thái giáo), và sau đó là Hồi giáo được nhà tiên tri Muhammad sáng lập vào thế kỷ 6.
Sự ra đời của ba tôn giáo cùng những bản văn thiêng liêng đã tạo nên Kinh Thánh – cuốn sách được đọc rộng khắp nhất thế giới qua mọi thời đại.
Con cháu của Shem sinh ra Abraham. Ông kết hôn với Sarah (vợ cả) và Hagar (vợ thứ). Hagar sinh ra Ishmael, Sarah sinh ra con trai Isaac. Chính Sarah đã yêu cầu chồng mình đẩy Hagar ra khỏi bộ tộc, tạo nên hai chi nhánh với hai tôn giáo khác nhau.
Theo Kinh Koran, Ishmael đi tới Mecca và con cháu của ông phát triển mạnh khắp bán đảo Ả-rập, trở thành người Hồi giáo. Con cháu của Isaac vẫn ở lại Palestine và trở thành tổ tiên của người Hebrew mà sau này gọi là Israelites, trong tiếng Việt là người Do Thái. Kinh Koran của Hồi giáo theo sát Kinh Thánh Cựu Ước đến thời điểm này cũng bắt đầu tách ra.
Sau khi Isaac chết, trách nhiệm lãnh đạo được truyền lại cho con trai ông là Jacob. Một đêm, Jacob nằm mơ vật lộn với một người lạ, chính là hình bóng của Thượng Đế. Ngài đã chúc phúc và đặt cho Jacob cái tên Israel, có nghĩa là ‘Kẻ chiến đấu với Thượng Đế’. Kể từ đó, người Hebrew được gọi là Bnei Yisrael – ‘Son of Israel’ (Những người con của Israel (hay những người con của kẻ chiến đấu với Thượng Đế) – hoặc Israelites.
Vị trí địa lý của Israel.
Đất nước Israel
Đất nước Israel ngày nay được gọi là quê hương của người Do Thái. Quốc gia này nằm ở điểm kết nối ba châu lục Phi, Âu và Á, là mục tiêu “chinh phạt” trong suốt gần 3000 năm qua của hàng chục đế chế châu Âu, Trung Đông, từ đế quốc La Mã, Assyria, Ottoman và gần đây nhất là Anh do có thành phố Jerusalem mà 3 tôn giáo lớn trên thế giới (Thiên Chúa giáo, Do Thái Giáo và Hồi giáo) đều coi là nơi đạo của mình sinh ra và “phát tích”.
Trước đó, sau khi nhà nước Israel cổ đại bị đế quốc La Mã diệt vong vào khoảng năm 70CN, trong suốt hơn 19 thế kỷ tiếp theo, người Do Thái đã phải sống lưu vong. Mảnh đất Palestine - vùng đất Chúa đã chọn - cũng bị người Ả Rập nắm quyền.
Trong suốt quá trình lịch sử của mình, người Do Thái đã di cư đến nhiều nơi. Mặc dù cuộc sống khó khăn, nhưng với đức tin là dân tộc dẫn dắt, dân Do Thái ở các nơi đều có một giai đoạn cực thịnh.
Thảm họa diệt chủng Holocaust kinh hoàng trong lịch sử đã khiến hơn 6 triệu người Do Thái thiệt mạng.
Điển hình nhất là việc trong thời gian lưu vong, họ vẫn viết nên cuốn sách Talmud đồ sộ, có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống tâm linh, đạo đức và nề nếp sinh hoạt của người Do Thái trên toàn thế giới cho đến tận ngày nay.
Nhưng cũng chính vì ở bất cứ nơi đâu, người Do Thái nhờ vào trí tuệ của mình, cũng có thể phát triển lớn mạnh và gây sức ảnh hưởng tôn giáo, cho nên quá trình thu nhận, trục xuất họ diễn ra liên tục. Chẳng hạn, người Do Thái đã từng di cư đến Tây Ban Nha, phát triển cực thịnh ở đó rồi bị trục xuất năm 1492. Cùng năm này, họ cũng bị trục xuất khỏi bán đảo Iberia. Tại Nga, năm 1886, người Do Thái bị trục xuất... Và sau này, họ còn phải hứng chịu thảm họa diệt chủng kinh hoàng nhất lịch sử thế giới do Phát-xít Đức gây ra...
Những người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái nhận ra, tình cảm quốc gia của người Do Thái không thể dập tắt được và chỉ có thể giải quyết bằng cách quay trở về Palestine (mảnh đất Thánh mà họ đã rời bỏ từ 2.000 năm trước).
Với mục tiêu thành lập một nhà nước Do Thái ngay tại Palestine, từ những năm 1900, người Do Thái đã bắt đầu mua đất và phát triển vùng định cư ở Palestine. Đến năm 1947, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua một kế hoạch phân chia vùng Palestine thành hai nhà nước: Ả Rập Palestine và Do Thái. Tháng 5/1948, người Do Thái ở Palestine tuyên bố thành lập Nhà nước Israel độc lập.
Đất đai cằn cỗi ở Israel.
Kể từ khi người Do Thái lưu vong gần 2.000 năm, vùng đất Israel vẫn luôn là tâm điểm trong ý thức của họ. Những gì ghi chép trong Thánh Kinh về nơi Chúa đã chọn - Isreal - khiến họ tin rằng, đây là miền đất hứa có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng trong quá trình phục hồi và phát triển của dân tộc. Chữ Isreal không chỉ nói lên gốc tích thần quốc của họ, mà còn thể hiện ý chí kiên cường, chứng minh dân tộc Do Thái là con cháu của kẻ chiến đấu với Thượng Đế.
Trong nhiều năm sau khi lập quốc, Israel đã trở thành mái nhà chung để người Do Thái lưu lạc trên toàn cầu quay về. Nhờ nguồn nhân tài từ các luồng nhập cư, diện mạo của đất nước Israel thay đổi không ngừng. Hiện nay, Israel là nơi sinh sống của những người có 70 quốc tịch gốc và các nền văn hóa khác nhau.
Thiên mệnh dân tộc Do Thái
Trong suốt thời gian phải sống cảnh vong quốc, dân Do Thái vẫn luôn giữ vững đức tin rằng họ phải có trách nhiệm lan tỏa trí tuệ của Chúa, dẫn dắt và khai sáng các dân tộc khác. Vì Do Thái chính là dân tộc đã được Chúa lựa chọn (the Chosen People).
Nghịch cảnh trở thành cơ hội. Tha phương khắp năm châu bốn biển, lại trở thành điều kiện để dân tộc Do Thái lan tỏa tôn giáo, chia sẻ với nhân loại về trí tuệ và các thành tựu khoa học.
Cho đến khi lập quốc, thiên nhiên của Israel hết sức khắc nghiệt. Toàn đất nước chỉ có diện tích trên 20,000 km2 (bằng 2/3 diện tích đảo Hải Nam (Trung Quốc) nhưng có tới 60% là sa mạc, lượng mưa trong năm vào khoảng 50mm (bằng 1/30 của Việt Nam). Dân số Israel chỉ có 9 triệu người (trong đó có 6 triệu người Do Thái), nhưng lại bị tứ bề bao vây bởi 300 triệu dân Hồi giáo Ả-rập thù địch.
Công nghệ nuôi cá trên sa mạc ở Israel.
Những mảnh đất khô cằn dần được phủ xanh. Người Isreal đã cải tạo thiên nhiên rất tốt và chính xác là đang bắt mảnh đất mình sống phải "nhà kim cương".
Vậy nhưng người Do Thái tin rằng, sống trên mảnh đất nơi Chúa sinh ra, dù khô cằn sỏi đá, nhưng sẽ giúp họ bắt đầu tiến trình đã được "Chúa giao phó": bắt mảnh đất ấy thành nơi nhả kim cương chứ không phải vàng, và đưa Israel quay lại thời kỳ giống như vùng đất hứa đã được miêu tả trong Kinh Thánh.
Do Thái giáo xem mình là mối quan hệ giao ước giữa người Israel (người Do Thái) với Thiên Chúa. Vì thế, nhiều người xem đây là tôn giáo độc thần đầu tiên. Do Thái giáo cũng là một trong những tôn giáo cổ xưa nhất mà vẫn còn được thực hành cho đến ngày hôm nay.
Bản sắc tôn giáo của người Do Thái luôn tỏ ra mạnh hơn so với hầu như bất kỳ một dân tộc nào khác trên trái đất. Nhờ có đức tin tôn giáo mạnh mẽ, dân tộc này vẫn giữ gìn được nguyên vẹn nòi giống, ngôn ngữ, truyền thống văn hóa, sự đoàn kết và khát khao trở về.
Có thể nói, nếu không có chất keo tôn giáo ấy thì từ lâu, dân tộc Do Thái đã bị tiêu diệt hoặc đồng hóa, biến mất khỏi lịch sử.
Thủ đô Jerusalem của Israel ngày nay.
Với đức tin vững chắc vào thiên mệnh dân tộc dẫn dắt, ngày nay, Israel trở thành quốc gia khởi nghiệp kiểu mẫu, đi đầu về khoa học, công nghệ. Không chỉ có kinh tế giàu mạnh (đứng thứ 19 trên thế giới), Israel còn có sức mạnh quân sự đứng đầu (top 10 quốc gia có sức mạnh quốc phòng lớn mạnh nhất toàn cầu). Ở mảnh đất khắc nghiệt và luôn có chiến sự, dường như những thành tựu mà Israel đạt được đã chứng minh sự đúng đắn của quyết định dù phải hy sinh tính mạng, dân tộc Israel cũng phải trở về và bảo vệ vùng đất Chúa đã chọn.
Sự thông minh của người Israel thật không tưởng tượng nổi (xem Fb của Tạ Chinh Tuấn )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét