Con đường ta đi

6:35:00 SA

 


CON ĐƯỜNG TA ĐI

Thôi, không nói về các cuộc chiến tranh thế giới, vì nó đã xa quá rồi. Ta nói chuyện trước mắt thôi. Chuyện của ta cũng có những điểm giống chuyện của Myanmar hiện tại, nhưng cách xử lý vấn đề lại khác.
Nước Việt Nam ta có 54 dân tộc, trong đó người Kinh có con số nhiều nhất. Nơi nào trên đất nước ta cũng có người thuộc dân tộc này sống chung với dân tộc khác. Năm tư dân tộc không phải là ít.
Ngày Pháp cai trị nước ta, chúng cũng cố tình chia rẽ dân tộc này với dân tộc khác. Chúng ta còn nhớ, ở huyện Đồng Văn, Hà Giang đã có “Vua Mèo” Vương Đức Chính, thực tế là vua của người H’Mông, thao túng toàn bộ vùng đông bắc và tây bắc nước ta. Song chính quyền của cụ Hồ Chí Minh, chẳng những không dùng biện pháp quân sự mà chỉ bằng sự thuyết phục chính nghĩa, thì con trai của Vua là Vương Chí Sình đã theo cụ Hồ và trở thành đại biểu quốc hội khóa I và II, và là Chủ tịch huyện Đồng Văn.
Người Kinh có dân số đông nhất (trên 82 triệu người), dân số ít nhất là dân tộc Ơ Đu-người Hán, chỉ có chưa đến 500 người. Vấn đề dân tộc không phải lúc nào cũng êm ả. Người Pháp thành lập ở Tây nguyên lực lượng FULRO, chống lại cả chính quyền VNCH, rồi thời Mỹ có Nhà nước DEGA đòi cho thành lập ở Tây nguyên một nhà nước tự trị. Rồi cái tay ca sĩ Chế Linh cũng nhăm nhe trở về khôi phục vương quốc Chămpa. Ở miền tây nam bộ thì bị bọn phản động bên nước Campuchia kích động đòi đất.
Nếu so với hiện tình Myanmar thì tình hình dân tộc của chúng ta phức tạp hơn nhiều. Myanmar chỉ có 7 dân tộc chính, trong đó người Miến chiếm 68%, người Shan (9%), Karen (7%), Rakhine (4%), Hoa (3%), Ấn (2%), Môn (2%). Ấy thế mà, các mầm mống nội chiến đã xuất hiện, lực lượng dân quân của một sắc dân đã được vũ trang, chỉ trong một ngày chúng đã giết chết khoảng hai chục lính quốc gia.
Trong khi đó, nhà nước Việt Nam đã có những chính sách để ổn định và nâng cao đời sống cho các dân tộc. Hầu hết các bản người dân tộc hiện đã có các cơ sở vật chất như điện, đường giao thông tới xã, trường học và trạm y tế.
Xã hội nào cũng vậy thôi và đất nước nào cũng vậy thôi. Không có nước nào mà không có các vấn đề dân tộc phải giải quyết. Tỷ như xã hội Mỹ tưởng rằng xứ sở của thiên đường nhưng hàng ngày vẫn có chuyện bắn giết lẫn nhau, người da trắng kỳ thị người da màu. Thời điểm này đang tập trung vào việc khủng bố người châu Á.
Cái chính là sự bình đẳng trong xã hội. Ở nước ta không thiếu gì những nhà khoa học, chính trị gia và anh hùng (lao động và quân đội) là người dân tộc thiểu số. Và cũng không thiếu gì những người con ưu tú của đất nước là những tín đồ của các tôn giáo khác nhau. Myanmar có 4,3% dân số theo đạo Hồi (trong số 3 tôn giáo chính), ấy thế mà do chính sách của nhà nước đó, đã tạo nên sự bất mãn không chỉ trong cộng đồng Rohingya theo đạo Hồi mà làm cả thế giới phải quan tâm.
Nước Việt ta cũng là một nước đa tôn giáo, gần 3 triệu người theo Công giáo, 2,5 triệu người là Phật tử, chưa kể rất nhiều người không đi lễ chùa nhưng trong nhà vẫn thờ Phật, hơn 70 ngàn người theo đạo Hồi, ngoài ra còn 13 tôn giáo lớn nhỏ khác đã được nhà nước công nhận. Chỉ trừ một vài linh mục ở vài địa phương nọ có những hành động làm hại đến quyền lợi quốc gia, còn lại hầu hết các tín đồ tôn giáo đều có đóng góp vào thắng lợi của cuộc cách mạng dành độc lập và thống nhất đất nước. Tạo cho nước ta một xã hội ổn định. Tuy nhiên, chẳng có gì là tuyệt đối, song như vậy đã là tốt lắm rồi.
Tôi nêu những dẫn chứng trên cốt để so sánh hiện tình hai quốc gia trong một cộng đồng ASEAN, một bên là Myanmar bất ổn, một bên là Việt Nam đang đi lên. Con đường của chúng ta đi chưa thật hết gai góc, song chúng ta quyết không để ai bị bỏ lại phía sau. Sướng cùng sướng, khổ cùng khổ; gian nan cùng nắm tay nhau để vượt qua, để rồi có ngọt bùi ta cùng chia sẻ./.
Hình trong bài: Anh hùng Núp, người dân tộc Ba Na
Ngày 16/4/2021
Ph. T. Kh.

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.