Vì sao dân Trung Quốc đang nô nức chia sẻ bức ảnh thời khắc nhục nhã nhất của đất nước?
Người dùng mạng Trung Quốc những ngày qua dành nhiều lời ca ngợi đối với những màn tranh cãi gay gắt của đoàn đại biểu nước này trong cuộc đối thoại cấp cao với Mỹ tại Alaska.
Cộng đồng mạng Trung Quốc "nổi sóng"
Nhiều cư dân mạng Trung Quốc nói thái độ cứng rắn của các quan chức đối ngoại nước này tại Alaska là minh chứng cho quyết tâm và lòng tin bảo vệ các lợi ích của Bắc Kinh.
Loạt phát biểu của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì - như "Mỹ không có tư cách để nói chuyện với Trung Quốc từ vị thế sức mạnh" - đang làm mưa làm gió trên mạng Internet của đất nước tỷ dân này.
Trên truyền thông xã hội Trung Quốc, một clip từ loạt phim hoạt hình nổi tiếng Year Hare Affair được chia sẻ rầm rộ trở lại từ hôm thứ Sáu, 19/3. Trong đó, các nhân vật hoạt hình thỏ và chim ưng, đại diện cho Mỹ và Trung Quốc, cãi nhau gay gắt trên bàn làm việc. Người dùng Weibo nói rằng, dù hình ảnh này mô tả các cuộc đối thoại giữa Mỹ-Trung vào thập niên 1950, nó vẫn thể hiện những gì vừa diễn ra tại Alaska: Căng thẳng, khó khăn và ăn miếng trả miếng.
"Có thể là giữa Mỹ và Trung Quốc 'không đánh thì không thành bạn'," tác giả loạt phim - Lin Chao - bình luận với Thời báo Hoàn Cầu, cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên giai đoạn 1950-53, mà Bắc Kinh gọi là Kháng Mỹ viện Triều, với kết quả là liên quân Liên hợp quốc do Mỹ đứng đầu rút khỏi Triều Tiên.
"Thời đó, Mỹ đã không tôn trọng Trung Quốc cho đến khi bị [quân đội] Trung Quốc đánh bại."
Bức ảnh về thời khắc đen tối nhất của Trung Quốc
Cuộc đối thoại ở Alaska nhắc nhở nhiều người Trung Quốc nhớ về thập niên 1900 - nằm trong giai đoạn lịch sử được Trung Quốc ngày nay gọi là "Trăm năm quốc nhục", khi nước này yếu đuối và không được tôn trọng.
Hai bức ảnh được báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo đăng tải đã được chia sẻ mạnh trên Weibo, bao gồm bức ảnh lễ ký kết Hiệp ước Tân Sửu giữa Trung Quốc với phương Tây năm 1901, và hình ảnh cuộc đối thoại Mỹ-Trung mới đây tại Alaska.
"Vào năm 1901, Hiệp ước Tân Sửu khiến mỗi người Trung Quốc phải trả cho những kẻ xâm lược 50 gam bạc, còn ở năm 2021 này các nhà ngoại giao [Trung Quốc] đang nói với Mỹ rằng họ không có tư cách để nói với Trung Quốc [ở vị thế trên cao]," một thông điệp được chia sẻ cùng các hình ảnh nêu, ngụ ý rằng Trung Quốc không còn dễ bị bắt nạt giống như 120 năm trước.
Hiệp ước Tân Sửu được ký kết giữa chính phủ nhà Thanh Trung Quốc với đại diện 11 nước ngày 7/9/1901 sau sự kiện liên quân tám nước tấn công Bắc Kinh. Trung Quốc mô tả đây là một trong nhiều thỏa thuận bất bình đẳng, được đánh giá là bất công nhất mà nhà Thanh đã ký và là hiệp ước gây tổn hại lớn nhất cho Trung Quốc cả về tài sản, vị thế đất nước và thể diện quốc gia.
"Rất tốt khi thấy các nhà ngoại giao của chúng ta 'cảnh cáo' các chính khách Mỹ," một người dùng mạng Trung Quốc viết. "Tôi thực sự cảm thấy những ngày mà chúng ta còn nghèo và yếu đã qua đi mãi mãi."
Phong cách ngoại giao của Trung Quốc thay đổi
Giáo sư Li Haidong từ Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Ngoại giao Trung Quốc, nói rằng trước đây giữa Mỹ và Trung Quốc đã có nhiều tranh cãi gay gắt trong lịch sử quan hệ đôi bên, nhưng những vụ việc như thế hầu hết xảy ra trong giai đoạn trước khi Trung Quốc cải cách mở cửa cuối thập niên 1970.
"Tác phong ngoại giao của Trung Quốc đối với Mỹ đã thay đổi," Li nói với Hoàn Cầu, cho rằng giới chức ngoại giao nước này đã trở nên ôn hòa hơn để bày tỏ thiện chí với Mỹ.
Ông Li cho rằng, Bắc Kinh đang điều chỉnh phương thức đối ngoại của mình trên cơ sở vị thế và quyền lực hiện nay của Trung Quốc, và Mỹ cũng nên hành động tương tự.
Chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung tại Đại học Bắc Kinh, ông Wang Dong, nói Trung Quốc luôn đặt nặng vấn đề bảo vệ thể hiện quốc gia.
Người dùng mạng Trung Quốc cũng công kích Mỹ sau khi một đoạn clip được chia sẻ, cho thấy Dương Khiết Trì nói với Ngoại trưởng Vương Nghị rằng ông "đã ăn mì gói" vào bữa trưa hôm 18/3, trước giờ dự cuộc họp với đoàn Mỹ.
Nhiều người Trung Quốc cáo buộc Mỹ dùng chiêu trò khi không chuẩn bị bữa trưa cho các quan chức Trung Quốc. Tuy nhiên, chuyên gia về Mỹ Diao Daming từ Đại học Nhân dân Bắc Kinh, nói rằng có khả năng các nhà ngoại giao Trung Quốc "quá bận rộn và tập trung vào cuộc đối thoại nên không rảnh để ăn trưa".
Đối thoại tại Alaska là cuộc đối thoại cấp cao đầu tiên giữa Trung Quốc với chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden, tổ chức trong hai ngày 18-19/3, nhằm tái khởi động lộ trình cải thiện quan hệ song phương. Cuộc gặp kết thúc trong "băng giá" như nhiều dự đoán của giới quan sát, khi hai nước cho thấy bất đồng trong hàng loạt vấn đề.
Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan xác nhận các cuộc họp đã diễn ra "thẳng thắn và cứng rắn về nhiều vấn đề".
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói ông không bất ngờ trước phản ứng của Trung Quốc trước những lo ngại của Mỹ, song ghi nhận hai nước có lợi ích đan xen trong một số vấn đề như Triều Tiên, Iran, Afghanistan, và biến đổi khí hậu. Ông khẳng định Mỹ đã làm được những điều cần thiết tại cuộc đối thoại.
Về phía Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì đánh giá đối thoại với Mỹ là "thẳng thắn, có tính xây dựng và hữu ích", nhưng thừa nhận "vẫn có những khác biệt quan trọng giữa đôi bên".
Ngoại trưởng Vương Nghị thì nhấn mạnh chủ quyền Trung Quốc là "vấn đề nguyên tắc" và cảnh báo Washington không đánh giá thấp quyết tâm của Bắc Kinh trong bảo vệ các lợi ích của mình.
TheoSoha.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét