Mỹ và đồng minh dồn dập trừng phạt Trung Quốc
Dân trí Mỹ, Anh, Canada và EU đồng loạt áp lệnh trừng phạt các quan chức Trung Quốc vì các vấn đề tại Tân Cương.
Người dân thu hoạch bông tại Tân Cương, Trung Quốc (Ảnh: Xinhua).
Trong tuyên bố ngày 22/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tiếp tục chỉ trích Trung Quốc trong vấn đề Tân Cương. Ông Bliken dự kiến sẽ có cuộc họp với các quan chức Liên minh châu Âu (EU) và NATO trong tuần này tại Brussels, Bỉ.
Ngoại trưởng Blinken cho biết động thái áp lệnh trừng phạt Trung Quốc thể hiện cam kết của các nước phương Tây trong việc hợp tác đa phương nhằm thúc đẩy quyền con người và buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
EU ngày 22/3 công bố lệnh trừng phạt đầu tiên nhằm vào 4 quan chức và một tổ chức nhà nước Trung Quốc. Đây là lệnh trừng phạt đầu tiên của EU nhằm vào các quan chức Trung Quốc kể từ năm 1989.
Trung Quốc đã có động thái đáp trả EU ngay lập tức khi áp lệnh trừng phạt đối với 10 cá nhân và 4 tổ chức của EU, bao gồm các nhà ngoại giao, quan chức, học giả và chính trị gia. Nhà ngoại giao hàng đầu của EU Josep Borrell cho biết lệnh trừng phạt của Bắc Kinh là "không thể chấp nhận được".
Hà Lan đã triệu tập đại sứ Trung Quốc sau khi Bắc Kinh thông báo lệnh trừng phạt. Nghị viện châu Âu, cùng các Bộ trưởng Đức, Hà Lan, Bỉ và một số nước khác, cũng lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh.
Trung Quốc thông báo lệnh trừng phạt đối với EU trước khi Anh, Canada và Mỹ cũng công bố các lệnh trừng phạt nhằm vào Bắc Kinh. Bộ Tài chính Mỹ cho biết đã thêm 2 quan chức Trung Quốc vào danh sách trừng phạt, trong khi Anh và Canada cũng có các biện pháp trừng phạt tương tự.
Các quan chức bị trừng phạt sẽ chịu các lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản. Các tổ chức và công dân thuộc các nước trên cũng không được giao dịch với các đối tượng bị trừng phạt.
Lệnh trừng phạt của EU, Anh, Canada và Mỹ nhằm đáp trả cáo buộc liên quan tới vấn đề vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo thiểu số khác ở Tân Cương, Trung Quốc.
Liên Hợp Quốc ước tính hơn 1 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị bắt giữ tại các trại cải tạo ở Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh phủ nhận cái gọi là trại cải tạo cũng như cáo buộc ngược đãi, khẳng định người Duy Ngô Nhĩ vào các trung tâm giáo dục nghề nghiệp này là hoàn toàn tự nguyện.
Một cựu Giám đốc Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ, cơ quan thực thi chính sách trừng phạt của Mỹ, cho biết việc Washington và các đồng minh áp lệnh trừng phạt phối hợp cùng một ngày là động thái "cực hiếm".
"Các động thái hôm nay cho thấy chính quyền Tổng thống Joe Biden đã thay đổi chiến lược "đi một mình" của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong việc áp lệnh trừng phạt", John Smith tại hãng luật Morrison & Foerster nhận định.
Giới phân tích cho rằng động thái áp lệnh trừng phạt tập thể là dấu hiệu cho thấy chính quyền Biden coi việc tập hợp đồng minh như một công cụ để đối phó với một Trung Quốc ngày càng quyết đoán.
Cựu quyền Phó Đại diện Thương mại Mỹ Wendy Cutler nhận định hành động trừng phạt ngày 22/3 đã đưa sự hợp tác giữa các đồng minh phương Tây trong việc đối phó Trung Quốc lên một "cấp độ mới".
"Một thông điệp mạnh mẽ đã được gửi tới Trung Quốc hôm nay thông qua các lệnh trừng phạt phối hợp này", cựu quan chức Mỹ nói.
Thành Đạt(TheoDantri)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét