Dắt trâu… làm du lịch - ảnh 1Trần Văn Khoa (bìa trái) - người tiên phong dắt trâu đi làm du lịch ở Hội An cùng “đối tác nông dân” Lê Nhiên - triệu phú với đàn trâu hơn 20 con

Dạy trâu đón khách,đi tua

Trên cánh đồng xanh mởn, Rhonda Adams (quốc tịch Mỹ) cùng cô con gái nhỏ đang vuốt ve, tập làm quen với một chú trâu đang nhởn nhơ gặm cỏ. Chỉ ít phút nữa thôi, Rhonda sẽ trải nghiệm tua cưỡi trâu và đi dạo bằng xe trâu mà cô háo hức đã lâu. “Tôi biết về tua này qua các trang web về du lịch và thấy có rất nhiều phản hồi tốt. Vì vậy, khi có cơ hội đến Hội An, tôi đã đăng kí để trải nghiệm”, Rhonda cho hay.

Chiếc xe trâu thủng thẳng chở 2 mẹ con Rhonda đi dạo quanh những khoảnh ruộng vuông vức thơm mùi mạ non. Thỉnh thoảng, cô con gái của Rhonda lại kêu lên đầy thích thú khi thấy những chú trâu gặm cỏ bên vệ đường hay con cò đứng mò cá. “Trải nghiệm này tuyệt vời, những chú trâu rất hiền lành, thân thiện và dễ chịu ngay cả khi chúng tôi cưỡi lên. Đây thực sự là một tua du lịch đáng để thử khi đến Hội An”, Rhonda chia sẻ.

Con trâu phố Hội không chỉ đi cày, đi bừa mà còn biết đón khách, đi tua. Ở Hội An, trâu không lấm lem bùn đất, không chỉ gắn với nghiệp “con trâu đi trước, cái cày đi sau”. Bởi vậy, những người nông dân ở đây vẫn hay đùa: “sướng như trâu”.  “Mua trâu lựa nái, mua gái lựa dòng”, những chú trâu được chọn lựa để làm du lịch đều được người nông dân lựa chọn rất kỹ lưỡng, chăm bẵm từng li từng tí cho đến tuổi “đón khách”. Hơn chục năm dắt trâu đi làm du lịch, lão nông Lê Nhiên (SN 1968, khối phố Thanh Tây, phường Cẩm Châu, Hội An) là người dày dạn kinh nghiệm trong việc lựa trâu, huấn luyện trâu để làm du lịch.

Cả đàn trâu của ông đều là trâu giống của vùng núi phía Bắc, vóc dáng trâu to lớn, bụng to, lưng bè với cặp sừng tô dài sừng sững. Nhìn uy nghiêm là vậy, nhưng đa phần trâu của ông đều rất hiền, dễ gần người, dễ thuần. “Chọn trâu để huấn luyện cho khách cưỡi và kéo xe trâu phải lựa trâu hiền, chứ trâu hung không thuần được, cũng dễ “khùng” có khi còn tấn công khách. Tuyệt đối không chọn con trâu mắt có vằn đỏ vì giống đó rất hung”, ông Nhiên chia sẻ.

“Xoáy đầu thì bán, xoáy trán thì nuôi, xoáy đuôi thì xẻ thịt”, con trâu hiền phải có chum xoáy trên vùng giữa trán, tai to bè. Đa phần trâu làm du lịch đều là trâu đực vì trâu khỏe, dai sức. Tỷ mẩn cắt cỏ cho đàn trâu, ông Lê Nhiên chỉ về một chú trâu đương tuổi tráng niên đang tha thẩn bên mép ruộng: “Ổng là sắp đủ tuổi đi làm tua rồi đó, đương trổ mã, sừng to dài, thấy gái là ghẹo. Con nớ tui thuần cũng được 1 năm ni rồi, chừ nói là nghe, thuần thục lắm”.

Thường thường, tuổi nghề của một chú trâu thường kéo dài khoảng 20 năm, trâu phải đủ 3 năm tuổi mới đón khách được. Trước đó 1 - 2 năm, lão Nhiên phải huấn luyện để trâu tập đi, đứng, ngồi theo tiếng hô “dờ” (đứng lại), “dí” (rẽ trái), “quá” (rẽ phải)… Trước khi chính thức đón khách, trâu sẽ được “tập sự” vài tháng, đón thử vài tua để làm quen.

Trâu kị nhất là mùi nước hoa, mỹ phẩm… nên trước khi cho trâu đón khách, lão Nhiên phải luyện cho trâu quen mùi. “Cứ đợi tụi hắn ngủ là tui xịt một ít nước hoa hoặc để mỹ phẩm kề bên mũi. Mấy ngày đầu, tụi hắn ghét còn khịt khịt. Để chừng 1 tháng là quen mùi, thấy khách có mùi thơm lại mến, quấn khách hơn”, lão Nhiên kể. Trâu cũng không thích màu đỏ, vì vậy, khi khách du lịch đi tua trâu đều được nhắc nhở về trang phục. “Hồi trước có ông khách Tây khoác cái áo đỏ, con trâu đang đầm dưới mương nước ngó thấy, bơi dưới mương dí theo làm ổng chạy trối chết”, lão Nhiên tếu táo.

Chăm trâu du lịch cũng lắm công phu hơn nuôi trâu đi cày. Thức ăn cho trâu phải là lúa non, phần vì trâu thích ăn thức ấy, phần vì có nhiều chất dinh dưỡng. Mỗi ngày, những chú trâu béo mẫm đều được các lão nông tắm gội bằng xà bông để lúc nào cũng thơm tho, sạch sẽ, sẵn sàng đón khách. Trâu làm du lịch nhưng cũng không được chểnh mảng việc đồng áng. “Sáng đón khách, chiều vẫn phải đi cày 5 sào ruộng nhà tui là chuyện thường. Trâu nằm không là hư liền, phải cho nó làm việc thì mới giữ được bản tính”, lão Nhiên kể.

Ðổi đời trên lưng trâu

Tua du lịch cưỡi trâu đã được phát triển ở Hội An từ hơn một thập kỷ nay, mà người “bắn phát súng” đầu tiên đó là Trần Văn Khoa (SN 1978, phường Cẩm Thanh, Hội An). Khoa không phải “người lạ” trong giới làm du lịch ở Hội An, thậm chí còn là người nổi tiếng khi tiên phong trong việc làm du lịch sinh thái ở vùng đất này. Anh là người mang thuyền thúng, rừng dừa, cánh đồng, con trâu… phố Hội đi làm du lịch, tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo mang đậm văn hóa bản địa.

“Ý tưởng làm du lịch từ con trâu, cánh đồng được tôi ấp ủ từ rất sớm. Đến năm 2010, tôi chính thức làm tua du lịch cưỡi trâu và duy trì từ đó đến nay với mục đích giới thiệu văn hóa đồng quê Hội An, về những công việc đồng áng thường ngày của người nông dân phố Hội đến với bạn bè quốc tế”, Khoa nói.

Dắt trâu… làm du lịch - ảnh 2Những ngày “gác” việc làm du lịch, những chú trâu của lão nông Lê Nhiên vẫn thường được huấn luyện để sẵn sàng đón khách trở lại.  Ảnh: Giang Thanh

Qua hơn 10 năm, từ ánh mắt ngờ vực khi cậu thanh niên mới ra trường này đòi thuê đất ruộng, thuê trâu của mình làm du lịch, những người dân ở Hội An đã trở thành đối tác của Khoa. Ngoài 3 nông hộ chính được trả lương cứng để chăm trâu cho các tour du lịch, Khoa còn kết nối được với hơn 20 hộ nông dân vệ tinh, sẵn sàng huy động trâu với số lượng lớn để đón khách vào mùa cao điểm. Trên cánh đồng chỉ rộng khoảng 2 sào, những vuông lúa được gieo sạ gối đầu để đảm bảo mùa nào cũng có mạ non và lúa để gặt.

Trong 5 tiếng đồng hồ, du khách sẽ được trải nghiệm quy trình khép kín của việc trồng lúa nước kéo dài 3 tháng từ kéo cày, gieo hạt, cấy, gặt…; đồng thời, được trải nghiệm cưỡi trâu băng băng qua những cánh đồng, bơi qua sông. Mỗi năm, tua du lịch cưỡi trâu của Khoa thu hút từ khoảng 2.000 - 3.000 khách, đa phần đều là khách nước ngoài, chủ yếu là khách Mỹ, châu Âu, Hongkong, Nhật Bản…

Dắt trâu đi làm tua trở thành “bước ngoặt” đối với những người nông dân lam lũ ở phố Hội. Chỉ tay về phía hơn 20 con trâu đang nhẩn nha bên bên bờ ruộng, lão nông Lê Nhiên cho hay từ khi làm du lịch, gia đình ông khấm khá hẳn lên. “Lúc chưa có dịch, khách đều, mỗi tháng, gia đình tôi có thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng, chưa kể tiền tip của khách. Thu nhập cao gấp vài chục lần làm lúa đơn thuần”, ông Nhiên nói. Nhờ trâu, cuộc sống của lão Nhiên và các hộ trong vùng đủ đầy hơn. Ba đứa con của ông đều học hành đến nơi đến chốn, đứa con trai đầu nối nghiệp cha - huấn luyện trâu làm du lịch.

Từ tháng 3/2020, do ảnh hưởng của dịch COVID - 19, các hoạt động du lịch ở Hội An gần như ngưng trệ. “Có một vài thời điểm tình hình tạm ổn, cũng có một số khách trở lại, tuy nhiên không nhiều. May mắn là những hộ hợp tác với mình cũng hiểu cho sự khó khăn chung, họ vẫn vui vẻ chờ đợi tình hình dịch ổn định để đón khách trở lại. Những chú trâu gác việc làm du lịch lại trở về với cái cày, cánh đồng, giúp người nông dân làm lúa”, Khoa kể. Trong năm mới, Khoa ấp ủ sẽ xây dựng những tua cưỡi trâu, đi xe trâu… với thời gian ngắn hơn, giảm giá thành để phù hợp với đối tượng khách du lịch trong nước.