VỀ MIỀN ĐẤT HỨA

 




VỀ MIỀN ĐẤT HỨA


  T ôi may mắn được đặt chân đến nhiều miền đất, tham quan một số kỳ quan và khá nhiều danh lam thắng cảnh trên thế giới và đa số những thành phố lớn ở Hoa Kỳ, ở Châu Âu, Đông Nam Á và Đông Bắc Á nhưng có một nơi nhất định tôi phải đến mà mãi cho đến năm 2019 tôi mới thực hiện được giấc mơ của mình: đó là một cuộc hành hương về Thánh Địa Israel.

Nhất định phải đến chẳng những vì là đất nước này từng ghi dấu chân các tổ phụ, nơi Chúa Giêsu sinh ra, loan truyền ơn cứu độ chịu chết và phục sinh mà tôi còn bị thu hút bởi lịch sử thăng trầm của một dân tộc sở hữu trí thông minh lạ lùng bậc nhất trên hoàn vũ. Trong các sắc dân trên thế giới, có lẽ hiếm có dân tộc nào chịu số phận bi thương vì bị đọa đày, khinh miệt và khổ ải như dân tộc Israel với hai lần bị lưu đày, lần đầu bắt đầu vào năm 722 và lần sau bắt đầu vào năm 135 Trước Công Nguyên. Trải qua 21 thế kỷ lưu vong, tứ tán khắp nơi và đến năm 1948 người Do Thái mới thực hiện được ước mơ “Phục quốc” (Zionism) Sau khi trãi qua những chịu đựng của đau khổ, mất mát như nạn diệt chủng Holocaust của Đức Quốc xã rồi nạn lưu đày, trại tập trung… vậy mà người Do Thái không những duy trì được tôn giáo, văn hóa, nòi giống, bản sắc của mình, mà còn có những ảnh hưởng vượt trội trong cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, đóng góp đáng kể vào sự thăng tiến của toàn nhân loại.

Với tổng số khoảng 14,5 triệu người sống rải rác tại 73 nước trên khắp thế giới (trong đó riêng tại Israel là 6 triệu, ở Mỹ 5,6 triệu), người Do Thái chiếm tỷ lệ rất nhỏ là 0,2% tổng dân số thế giới. Tuy nhiên, họ đã giành được nhiều giải thưởng Nobel trong các lĩnh vực vật lý, hóa học, kinh tế và y tế. Từ đầu thế kỷ XX đến nay, các nhà khoa học gốc Do Thái đến từ các quốc gia khác nhau đoạt được khoảng 30% tổng số giải thưởng trên.

Về địa thế, Israel nằm ở vị trí hết sức khắc nghiệt, ở ngã ba của 3 châu lục - châu Á, châu Phi, châu Âu - là mục tiêu xâm lược trong suốt gần 3000 năm qua của hàng chục đế chế châu Âu, Trung Đông, từ đế quốc La Mã, Assyria, Ottoman và gần đây nhất là Anh do cổ thành Jerusalem mà 3 tôn giáo lớn trên thế giới là Thiên Chúa giáo, Do Thái Giáo và Hồi giáo  đều coi là nơi đạo của mình sinh ra và phát triển.

Thiên nhiên của Israel hết sức khắc nghiệt. Là quốc gia chỉ có diện tích trên 20,000 km2, chỉ bằng 2/3 đảo Hải Nam, mà Israel có tới 60% là sa mạc, lượng mưa trong năm vào khoảng 50mm, tức bằng 1/30 của Việt Nam, vậy cho nên nước ở đây được xem là vàng lỏng, ở đâu cũng thấy được những lưu ý về tiết kiệm nước.

Dân số Israel nay chỉ có 8 triệu người, trong đó có 6 triệu người Do Thái, nhưng lại bị tứ bề bủa vây bởi 300 triệu dân Hồi giáo Ả-rập thù nghịch.

Sau hàng ngàn năm lưu lạc, khi được Liên Hợp Quốc trao quyền lập quốc năm 1948, những người Do Thái từ khắp nơi quay về đất mẹ, tranh giành từng tấc đất ‘chó ăn đá, gà ăn muối’ với người Ả-rập. Và từ đây họ bắt đầu cải tạo mảnh đất này thành Miền Đất hứa (Promised Land) để bắt những đồi núi trọc khô hạn với những sa mạc cằn cổi này trở nên xanh tươi màu mỡ đem lại phú quý giàu sang cho đất nước.

Tôi đăng ký, nộp hồ sơ xin visa và đóng tiền từ cuối tháng 4/19 cho đoàn hành hương khởi hành ngày 12/8 nhưng đến tháng 6 Phòng hành hương của công ty TransViet gọi điện đề nghị tôi vui lòng chuyển qua chuyến sau vì chuyến đi ngày 12/8 đã được giáo xứ Thánh Tâm hạt Thủ Thiêm bao hết 40 vé nhưng tôi không đồng ý.

Ra sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và tập trung đoàn để xếp hàng làm thủ tục check-in đúng giờ mà chờ mãi không thấy quầy vé mở cửa làm việc, nhân viên hãng bay thì chạy tới chạy lui vẻ mặt căng thẳng, giờ dự trù cất cánh (ETD) theo lịch trình trôi qua hơn một tiếng đồng hồ thì hành khách được thông báo chuyến bay bị hủy và không biết bao giờ mới có thể khởi hành được vì sân bay quá cảnh ở Hong Kong bị đóng cửa hoàn toàn do tình hình an ninh chính trị tại lãnh thổ này bởi các cuộc biểu tình đòi dân chủ của sinh viên đã lan ra mọi giới và trở nên trầm trọng.

Mọi người buồn bả và mệt mỏi ra về, công ty TransViet hứa sẽ tìm chuyến bay sớm nhất có thể để khởi hành.

Để đến được Israel có hai đường bay thường xuyên là  hãng Cathay Pacific của Hong Kong bay từ Tân Sơn Nhất quá cảnh Hong Kong chuyển dồn khách qua phi cơ lớn hơn để bay đi Tel Aviv, hoặc hãng Turkish Airlines bay từ Tân Sơn Nhất, quá cảnh Istanbul, Thổ Nhỉ Kỳ rồi qua Tel Aviv, cũng không dể dàng gì có một chuyến bay trống đủ 40 ghế cho đoàn, cho nên đành chờ tình hình chính trị ở Hong Kong lắng dịu, sân bay mở cửa lại để lên đường. Những ngày sau đó, phòng hành hương của công ty TransViet liên lạc thường xuyên với khách để trấn an và hứa hẹn…

Chiều ngày áp lễ Mẹ Lên Trời chúng tôi nhận được email của công ty thông báo để chuẩn bị lên đường vào sáng ngày 15.8 và cũng sẽ bay với Cathay Pacific nên chúng tôi sẽ phải quá cảnh ở sân bay Hong Kong 10 tiếng đồng hồ.

Đến Hong Kong lúc 15:00 ngày 15/8, dự trù chờ đợi ở sân bay 10 tiếng và - sẽ khởi hành đi Tel Aviv lúc 01:10 khuya ngày 16/8.

Đến 22:00 được thông báo hành khách đi Tel Aviv sẽ ra máy bay ở cửa số 71.

- 23:15 thông báo đổi sang cửa số 4 (từ cửa 71 đến cửa số 4 chừng 2 cây số)

- 01:15 thông báo dự trù giờ khởi hành mới là 03:00

- 01:55 thông báo giờ khởi hành là 04:30

Va rồi cuối cùng mọi người cũng lên được phi cơ an vị và chậm hơn nửa tiếng so với thông báo mới nhất.

Trong thời gian 15 tiếng đồng hồ lây lất mệt mõi ở sân bay Hong Kong, tôi được gặp và sinh hoạt giao lưu với một đơn vị Hướng đạo Hong Kong trên đường đi trại Hè và máy bay của họ cũng bị delay.

Như vậy thay vì đến Tel Aviv từ sáng sớm như lịch trình ban đầu chúng tôi đã phải đến nơi vào lúc gần 5 giờ chiều, vì vậy để duy trì đủ các điểm tham quan theo chương trình, chúng tôi sẽ phải vắt giò chạy sô mệt mõi đây.

Rời sân bay Ben Gurion của thành phố lớn nhất nước Israel, chúng tôi di chuyển về hướng Bắc đến tham quan thành phố cổ Ceasarea cách Tel Aviv 45 km, là một trong những thành trì thời La mã còn sót lại ở Israel, nằm buông mình thơ mộng trên bờ Địa Trung Hải, được vua Herode Đại Đế cho xây dựng trước công nguyên và đặt tên này để tưởng nhớ Hoàng đế La Mã Ceasar Augustus.

Đã một thời là thành phố hiện đại nhất vào khoảng thế kỷ thứ nhất với 100.000 dân, hệ thống ống dẫn nước trải dài và phủ rộng vào tận các nhà tắm công cộng, còn có nhà hát, trường đua ngựa, lâu đài và đền thờ....

Vào thế kỷ thứ 7, người Hồi Giáo chiếm Caesarea và phá hủy phần lớn nơi này. Hiện chỉ còn Trường đua ngựa và nhà hát còn khá nguyên vẹn.

Trong Tân ước có nhắc đến Caesarea là nơi Thánh Phaolô bị bắt trước khi di lý về Roma để xét xử.

Rời Ceasarea, tiếp tục di chuyển về hướng bắc để đến thành phố cảng Haifa, một thành phố lớn thứ 5 của Israel nằm trên bờ biển phía đông của Địa Trung Hải một thành phố đa dân tộc, với hơn 90% dân số là người Do Thái, hơn 1/4 trong số đó là di dân từ Liên Xô cũ trở về, 10% là người Ả Rập, chủ yếu theo đạo Thiên Chúa. Thành phố này còn là nơi tọa lạc của Trung tâm Thế Giới Baha’i, một Di sản văn hóa tâm linh thế giới được UNESCO công nhận.

Được xây dựng trên sườn dốc của dãy Núi Carmelo, lịch sử định cư tại vùng đất này kéo dài hơn 3.000 năm trước.

Trong thế kỷ thứ 3, Haifa nổi tiếng là một trung tâm chế tạo thuốc nhuộm. Qua nhiều thế kỷ, thành phố đã thay đổi: bị chinh phục và cai trị bởi người Phoenicia, người Do Thái, người Ba Tư, Vương quốc Hasmoneus, La Mã cổ đại, Đế quốc Đông La Mã, Ả Rập, quân Thập tự chinh, Đế chế Ottoman, Đế chế Ali (Ai Cập), Anh, và Israel. Từ khi thành lập Nhà nước Israel vào năm 1948, thành phố do Khu tự trị Haifa cai quản.

Ngày nay, thành phố là một cảng biển lớn nằm trên bờ biển phía Đông Địa Trung Hải của Israel tại Vịnh Haifa, rộng 63,7 km2. Thành phố nằm cách khoảng 90 km về phía Bắc Tel Aviv và là trung tâm khu vực chính của miền Bắc Israel. Hai tổ chức giáo dục uy tín là Đại học Haifa (1963) và Học viện Công nghệ Israel (1912) được đặt tại Haifa. Thành phố đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của Israel. Haifa có một số khu công nghệ cao bao gồm những khu lâu đời nhất và lớn nhất trong nước, ngoài ra còn một cảng công nghiệp, và một nhà máy lọc dầu. Haifa trước đây là ga cuối phía Tây của đường ống dẫn dầu từ Iraq qua Jordan. Dầu khai thác được từ Negev được lọc tại Haifa. Ngoài lọc dầu ra, thành phố này còn có các ngành khác như: xi măng, hoá chất, thiết bị điện tử, kính, thép và hàng dệt. Thành phố được nối với các vùng khác của Israel bằng các tuyến đường sắt và đường cao tốc. Haifa cũng là căn cứ hải quân chính của Israel, cùng với các cơ sở hậu cần và bến cảng cho Hạm đội 6 Hải quân Hoa Kỳ.

Từ đây, chúng tôi được đưa đén viếng nhà thờ Đức Mẹ Sao Biển hay còn gọi là Nhà thờ Đức Mẹ Carmelo nguyên vào thời kỳ Hoàng đế Napoleon của Pháp xây dựng để dùng làm bệnh viện tiền phương cho quân đội Pháp nhưng sau đó đã bị quân Hồi Giáo đánh bại vào năm 1799 và tàn sát hàng ngàn thương bệnh binh đang điều trị tại đây. Các thương bệnh binh bị giết được an táng trong một nấm mồ tập thể sau đó được cải táng và đưa di hài về Pháp, người ta đã cho xây dựng một nấm mồ hình Kim Tự tháp ở ngay phía trước để tưởng niệm họ.

Sau nầy khi các nữ tu Dòng Carmelo về đã xin lại ngôi nhà và sử dụng làm tu viện và được gọi bằng một tên mới là Nhà thờ Đức Mẹ Sao Biển (Stella Maris) với nhiều truyền thuyết thú vị...

Buổi chiều, đoàn đến viếng nhà thờ Núi Bát Phúc, trên một nơi cao cạnh sườn đồi của dãy núi này, Chúa Giêsu đã rao giảng Tin Mừng Cứu độ, tiếng tăm Người lừng lẫy khắp vùng và dân chúng kéo đến để nghe Lời Ngươi, Người công bố Tám Mối Phúc Thật được các thế hệ tín hữu tin cậy và tuân giữ như là Hiến chương Nước Trời, tại đây tôi đã gặp và giao lưu với các em Hướng đạo sinh Italia cũng đang đi hành hương thánh địa.

Sau đó đoàn được dẫn đến kính viếng Nhà thờ Vương Quyền Thánh Phêrô, nơi Chúa Giêsu sau khi hỏi đi hỏi lại ba lần rằng: “Phêrô, con Giôna! Con có yêu mến Thầy không” và được Phêrô xác nhận đến lần thứ ba thì Chúa trao quyền cai quản hội thánh cho người, tiếp tục hành trình chúng tôi đến viếng Nhà thờ Phép lạ Bánh và Cá hoá nhiều.

Thánh lễ đầu tiên trong cuộc Hành Hương này được Cha linh hướng của đoàn - cũng là cha sở giáo xứ Thánh tâm - cử hành tại Nhà thờ Thánh Giuse Thợ trong quần thể kiến trúc Vương cung Thánh đường Truyền tin ở Nazareth, Israel. Mọi người sốt sắng dâng thánh lễ với một tâm tình hân hoan vì được đến vùng đất thiêng liêng và hiệp dâng lễ tế tạ ơn ngay trên thánh địa.

Hôm sau, chúng tôi được đi thuyền trên Biển Hồ Galilee.

Biển hồ Galilee, cũng gọi là Biển hồ Genneseret, Hồ Kinneret hoặc Hồ Tiberias, là một hồ nước ngọt lớn nhất ở Israel. Có chiều dài khoảng 21 km, chiều rộng khoảng 13 km, với diện tích tổng cộng là 166 km². Hồ sâu tối đa là 43 m. Hồ nằm ở độ sâu 209 mét dưới mực nước biển, là hồ nước ngọt thấp nhất trên trái đất và hồ thấp thứ nhì trên Trái Đất (sau Biển Chết (Dead Sea) 1 biển hồ nước mặn.

Biển hồ Galilee nằm sâu trong một thung lũng, được cung cấp nước một phần bởi các suối ngầm trong lòng đất và sông Jordan, chảy qua đó từ bắc xuống nam. Bởi vậy, khu vực này thường bị động đất, và - trong quá khứ - có các hoạt động núi lửa. Bằng chứng là vùng này có nhiều đá basalt và các loại đá do lửa tạo thành khác.

Hôm nay, phụng vụ Lời Chúa theo Thánh Matthew kể lại việc Chúa Giêsu đi trên mặt nước đến với các môn đệ trên thuyền và khi được Phêrô xin, Người đã truyền cho Thánh Phêrô cũng đi trên mặt nước để đến với Người. Chúng tôi cảm nhận trọn vẹn niềm hạnh phúc khi lênh đênh trong con thuyền đánh cá, trên mặt biển hồ Tiberias, nơi mà Chúa đã từng làm nhiều phép lạ để củng cố đức tin cho các môn đệ và cho đám đông dân chúng theo Người...

Hôm sau, đoàn được hướng dẫn đến tham quan Thành Capharnaum, Nhà bà Mẹ vợ của Thánh Phêrô và Nhà thờ Tiệc cưới Cana, nơi đây Cha linh hướng dâng Thánh Lễ Tạ Ơn, cầu nguyện cho các gia đình - đặc biệt những gia đình đang gặp khó khăn và cử hành nghi thức kỷ niệm Ngày Thành hôn của ba cặp hôn nhân lâu năm... trong thánh lễ.

Hôm nay là ngày thứ ba của đoàn hành hương trên thánh địa, đêm nay chúng tôi sẽ lưu trú tại khách sạn Bethlehem, thành phố Bethlehem trên lãnh thổ Palestine , mỗi lần qua lại biên giới giữa Israel và Palestine, nhìn những biểu ngữ bằng sơn màu xịt loang lổ trên các bức tường, các lô cốt… tôi hình dung ra sự căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước.

Chúng tôi sẽ ở lại khách sạn này cho đến ngày về để tiện bề kính viếng Thành Thánh Jerusalem và các vùng phụ cận.

Jerusalem là một thành phố ở Trung Đông, nằm trên cao nguyên một dãy núi giữa Địa Trung Hải và Biển Chết. Đây là một trong những thành phố lâu đời nhất trên thế giới và được coi là linh thiêng đối với ba tôn giáo chính khởi nguồn từ Abraham - Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo. Hiện nay, cả ba tôn giáo này thỏa thuận chia nhau quản lý các thánh tích trong thánh địa.

Cả Israel và Chính quyền Palestine đều tuyên bố Jerusalem là thủ đô của họ, với sự hậu thuẩn mạnh mẻ của Hoa Kỳ, Israel gần đây đã dời thủ đô từ Tel Aviv vê Jerusalem để khẳng định chủ quyền.

Trong lịch sử lâu dài của mình, Jerusalem đã bị phá hủy ít nhất hai lần, bị bao vây 23 lần, bị chiếm đóng rồi thu hồi 44 lần, và bị tấn công 52 lần. Một phần của Jerusalem được gọi là Thành phố David cho thấy những dấu hiệu định cư đầu tiên trong thiên niên kỷ thứ 4 TCN, dưới dạng lều trại của dân du mục.

Jerusalem được đặt tên là "Urusalim" trên các sách cổ Ai Cập cổ đại, có lẽ có nghĩa là "Thành phố Shalem. Trong thời kỳ Israel cổ đại, hoạt động quan trọng ở Jerusalem bắt đầu vào thế kỷ thứ 9 trước Công nguyên và vào thế kỷ thứ 8, thành phố đã phát triển thành trung tâm tôn giáo và hành chính của Vương quốc Judah.  Năm 1538, các bức tường thành phố được xây dựng lại lần cuối cùng xung quanh Jerusalem dưới thời Suleiman the Magnificent. Ngày nay, những bức tường đó xác định Thành phố Cổ, theo truyền thống được chia thành bốn phần tư được biết đến từ đầu thế kỷ 19 là Khu vực Armenia, Cơ đốc giáo, Do Thái và Hồi giáo. Thành phố cổ này trở thành Di sản Thế giới năm 1981 và nằm trong Danh sách Di sản Thế giới đang bị đe dọa.

Kể từ năm 1860, Jerusalem đã phát triển vượt xa ranh giới của Thành phố Cổ. Năm 2015, Jerusalem có dân số khoảng 850.000 cư dân, trong đó co 300.000 người Palestine.

Theo Kinh thánh, Vua David đã chinh phục thành phố từ người Jebusite và lập thành thủ đô của Israel, và con trai của ông, Vua Solomon, đã chi tiền xây dựng Đền thờ đầu tiên  

Mỗi buổi sáng có hàng trăm người lao động xin giấy phép sang làm việc thời vụ bên trong thành phố Jerusalem, họ  đứng ngồi khắp một đoạn đường gọi là chợ lao động để chờ đợi các nhà thầu hay người dân Israel cần người làm việc trong các công trình hay nhà riêng đến chọn những người thích hợp và thỏa thuận tiền thù lao rồi họ đưa về làm việc, đến giữa buổi sáng mà ai chưa được chọn thì buồn bả ra về và ngày hôm đó sẽ là một ngày đầy khó khăn cho họ. Hiện tượng này khiến ta nhớ lại dụ ngôn Chúa Giêsu nói về việc trả công cho những người làm  Vườn Nho.

Sáng ra, sau bữa điểm tâm tại khách sạn, chúng tôi đi viếng nhà thờ Bethania, trong một ngôi làng cổ từng là nơi Chúa Giêsu thường lui tới với gia đinh ba chị em mồ côi Matha, Maria và Lazaro, cũng tại ngôi nhà ấy Chúa Giêsu sau khi nghe tin Lazarô chết, Người đã khóc và đến để cho Lazarô sống lại. Từ đây, chúng tôi được dẫn đến tham quan các di chỉ khảo cổ đã được khai quật sâu trong lòng đất gồm những dụng cụ làm các sản phẩm từ trái ô liu đã hoá thạch..., một số nông cụ thời xa xưa.

Sau đó được đưa đến kính viếng nhà thờ Chúa Thăng Thiên, nhà thờ Kinh Lạy Cha, nơi mà Chúa Giêsu đã truyền dạy cho các môn đệ cách cầu nguyện cùng Chúa Cha

Lời kinh Chúa dạy ngày nay đã được hàng tỷ tín hữu trên khắp thế gian đọc để cầu nguyện cùng Thiên Chúa mỗi ngày, trên hành lang dẫn vào nhà thờ dưới tầng hầm, bản kinh Lạy Cha đã được dịch ra hàng trăm ngôn ngử và trưng bày trên các bảng đá cẩm thạch gắn trên các hành lang và trên tường, trong đó có một bảng kinh bằng Tiếng Việt.

Trước giờ cơm trưa, chúng tôi đến viếng vườn cây dầu Gietsimani, trong vườn cây ô liu cổ thụ có gắn bảng ghi nhớ cuộc viếng thăm mục vụ của Thánh Giáo hoàng Phaolô VI tại đây.

Đây là khu vườn mà Chúa Giêsu đưa các môn đệ từ Nhà Tiệc Ly đến đây để cầu nguyện và khi Chúa đi một quảng rồi quỳ xuống bên một tảng đá mà tha thiết khẩn nguyện cùng Chúa Cha, lòng đau buồn tan nát đến nỗi mướt mồ hôi lẫn máu tươi nhưng càng buồn hơn khi trở lại với các môn đệ thì mọi người đã vô tư nằm ngủ. “Anh em không thể tỉnh thức với Thầy một giờ sao? Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn để khỏi sa chước cám dỗ” (Mt 26, 40-41)

Trong lúc Người còn đang nói thì Yuda Iscariot dẫn lính đến và ra hiệu bằng một cái hôn đễ nộp Người...

Chúng tôi đến tham quan Bức Tường than khóc (Western Wall), một phần của bức tường thành Jerusalem thời cổ đại còn tồn tại cho đến ngày nay, khách hành hương và ngay cả người Do Thái vào khu vực này phải qua những hàng rào kiểm tra an ninh nghiêm nhặt. Mỗi ngày có đến hàng chục ngàn người Do Thái và khách hành hương đến cầu nguyện, kính viếng, tham quan tại đây, người ta viết những ý cầu nguyện của mình rồi nhét vào các kẻ đá trên bức tường thành rồi đọc kinh cầu nguyện. Có hai khu vực để tiếp cận với bức tường dành cho nam và nữ, có những đoàn khách mang theo nhạc cụ và cử hành những nghi lễ theo tín ngưỡng của họ, đây là địa điểm tham quan quan trọng bậc nhất của cổ thành Jerusalem, đã có nhiều vị nguyên thủ quốc gia đến đây trong các cuộc viếng thăm chính thức của họ, cũng đã có mấy vị giáo hoàng đến đây trong các cuộc công du mục vụ.

Không xa lắm trong khu vực cổ thành Jerusalem, có nhà thờ Thánh Nữ Madalena, nhà thờ Các Dân tộc.

Đi xa hơn một chút, xuống một con dốc dài và cong cong rồi xuống nhiều bậc thang bằng đá là nhà thờ Thánh Phêrô Gà Gáy, để tưởng nhớ biến cố thánh Phêrô đã chối Chúa ba lần khi bị đám đầy tớ quan Caipha phát hiện thì gà liền gáy, điều này đã được Chúa Giêsu tiên báo khi Phêrô nói rằng cho dù Thầy đi đâu con cũng theo Thầy. Tại đây cha linh hướng của đòan đã cử hành thánh lễ ngày Thứ Hai tuần XX TN, nhà thờ thuộc Dòng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Chính tại nơi đây từng là Dinh Cai-pha, nơi tạm giam Chúa Giêsu và xét xử Người, khi ấy ngoài sân là đám đông dân chúng đến xem;  khi Phêrô bị phát hiện và tri hô, ông sợ hãi và chối ba lần, đến khi nghe tiếng gà gáy ông nhớ lại lời Chúa Giêsu đã nói với ông và ông bật khóc nức nở...chúng tôi đến viếng di tích phòng giam Chúa Giêsu, tại đây chúng tôi được gặp, trò chuyện và nghe một thầy dòng Phanxicô người Việt thuyết minh đầy đủ về thánh tích này, thầy du học và bị tai nạn hiện không đi đứng được nên phải ngồi xe lăn.

Mỗi lần ra vào thị trấn Bethlehem là tôi lại thấy nhiều ngôi nhà gắn một phù điêu hình Thánh George trước mặt tiền, được biết ở Bethlehem có một Hiệp hội Các Gia đình Công Giáo, hiệp hội này nhận thánh George làm quan thầy, đây là một hiệp hội có tầm ảnh hưởng lớn ở giáo hội địa phương thu hút rất nhiều chủ doanh nghiệp, các nhà trí thức và mọi thành phần xã hội, họ hổ tương nâng đỡ nhau trong cuộc sống, giúp nhau giải quyết mọi khó khăn, hội viên có điều kiện luôn ưu tiên tuyển dụng những hội viên khó khăn vào làm việc trong doanh nghiệp của mình, cấp học bổng, cấp bảo hiểm y tế v..v… cho những gia đình hội viên gặp khó khăn.

Buổi sáng, chúng tôi đi lên Núi Tabor để kính viếng nhà thờ Chúa Hiển Dung, con đường đèo dốc đưa chúng tôi đến bãi xe, rồi chuyển qua xe chuyên dùng chia là ba chuyến để lên đỉnh núi, đi bộ ngang qua một tu viện thuộc Dòng Anh Em Hèn Mọn (OFM) chúng tôi vào nhà thờ tham quan  nhà thờ và tầng hầm trước khi dâng thánh lễ. Trên mái vòm nhà thờ và hai bên gian thánh là những bức họa tinh tế diễn tả biến cố Chúa Hiển Dung, nhà thờ lấy ánh sáng từ các khung cửa tranh kiếng màu rất đẹp mắt.

Thánh lễ hôm nay Lời Chúa kể lại việc Chúa Giêsu đưa ba môn đệ thân tín lên núi Tabor này để cầu nguyện, bổng nhiên Người biến hình trở nên sáng láng và đàm đạo với Tiên tri Eliah và Ông Moise, các môn đệ đó là Phêrô, Giacôbê và Gioan

Từ đỉnh núi Tabor, đưa tầm mắt bao quát một vùng đất rộng lớn, bên kia thung lũng là thành phố Nazareth, xa hơn là Núi Cám dỗ và phế tích thành Jericho cổ.

Xuống núi, theo đường quốc lộ chúng tôi vượt qua một vùng sa mạc khô cằn nắng cháy để đến một di tích lịch sử trong Tân Ước, Núi Cám Dỗ và cổ thành Jericho, đi qua đây chúng tôi thán phục nhìn ngắm những vườn cây ô liu, cây cà na… xanh tốt, công trình lấn sa mạc của người dân Israel, họ dẫn nguồn nước ngọt hiếm hoi vào sa mạc và tưới bón cho những vườn cây, thu hẹp dần dịên tích hoang vu của các bãi đất nắng cháy và cằn cổi. Gần trên đỉnh núi là một tu viện của người hồi giáo, muốn lên đó phải qua một ga cáp treo, rồi xuất trình giấy phép ở một chốt kiểm soát của tu viện trước khi đi bộ lên đỉnh núi trong cái nắng khoảng 40 độ C. nên chúng tôi ai cũng bỏ qua. Ở đây khách hành hương có thể mua sắm các thổ sản nông nghiệp địa phương, các vật lưu niệm ở các cửa hàng và chụp hình với lạc đà hoặc mua dịch vụ cỡi lạc đà.

Cái nắng nóng oi bức của miền sa mạc như xua đuổi chúng tôi nhanh chân rời đi để đến một dòng sông nổi tiếng, dòng sông là biên giới tự nhiên giữa Israel và Jordan, sông Jordan – nơi Chúa Giêsu khiêm nhường đến xin Gioan Baptist làm phép rửa cho mình, cũng tại nơi này thánh Gioan Tẩy giả đã giới thiệu Chúa cho muôn dân: “Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng cứu độ trần gian” lúc ấy, các tầng trời mở ra và các thiên sứ lên lên xuống xuống với Người, và có tiếng Chúa Cha phán:”Này là Con yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”

Sau bữa trưa ở một nhà hàng gần sa mạc, chúng tôi đến tham quan Biển Chết (Dead Sea).

 Biển Chết là một hồ nước mặn nằm trên biên giới giữa Bờ Tây, Israel và Jordan trên thung lũng Jordan. Khu vực chứa nước bị hãm kín này có thể coi là một hồ chứa nước có độ mặn cao nhất trên thế giới. Với diện tích ngót 1000 km vuông và độ mặn 33,7%, độ mặn quá cao này tạo ra một môi trường khắc nghiệt, không có bất kỳ một loài động thực vật nào sinh sống được, nên đó cũng chính là lý do nó có tên Biển Chết. Cái tên “cái rốn của Địa Cầu” của biển Chết bắt nguồn từ kết cấu địa chất của nó. Là một hồ kín có độ sâu trung bình trên 300m và có chỗ sâu nhất là 427m  Ngoài cái tên “cái rốn của địa cầu” thì nhiều người còn gọi Biển Chết là “cái rốn của vũ trụ. 

Nước Biển Chết luôn trong xanh và sạch đẹp,  đặc biệt trong thành phần nước biển có chứa hơn 20 loại khoáng chất, trong đó có 12 loại khoáng chất không thể tìm thấy ở các đại dương khác. Trong số những khoáng chất đó có tác dụng thư giãn, giúp dưỡng da, điều trị một số vấn đề về da và hệ tuần hoàn. Đặc biệt mặt nạ bùn ở đây có tác dụng rất tốt cho da.

Bề mặt nước của biển hồ này ở mức 417 mét thấp hơn mặt nước biển, các quầy bar, nhà hàng và quầy bán muối khoáng và đồ lưu niệm ở đây tự hào ghi thêm vào bảng hiệu của mình câu: “thấp nhất địa cầu”

Ngày nay diện tích Biển Chết ngày một thu hẹp lại và các nhà khoa học đang cố tìm giải pháp duy trì mực nước kỳ quan thiên nhiên này của nhân loại nếu không một tương lai không xa lắm, Biển Chết có nguy cơ sẽ bị xóa sổ.

Hôm nay thời tiết vẫn nắng nóng từ sáng sớm, chúng tôi dành cả buổi sáng để kính viếng một quần thể thánh tích nằm trong khu vực Làng Bethlehem gồm Cánh đồng Chiên – nơi các mục đồng canh giữ đoàn chiên của mình ngoài trời và được thiên thần báo tin Chúa đã giáng sinh, Nhà thờ Động Sữa là nơi Đức Maria đưa hài nhi Giêsu ẩn náu trong lúc quân Herode truy sát – tại đây, chúng tôi được nghe kể những phép lạ mà Mẹ Maria đã ưu ái ban cho những gia đình hiếm muộn đến đây khấn xin, theo những giai thoại được lưu truyền thì khi Đức Maria cho Chúa Giêsu bú, một giọt sữa đã rơi xuống trên tảng đá và từ đó các tảng đá trong hang mọc lên một lớp nấm trắng như bột sữa và người ta đã cạo lấy để cho các bà mẹ hiếm muộn mong con dùng và nhiều người trong số họ đã được toại nguyện. Cao điểm của quần thể thánh tích này là Hang Bethlehem - Nơi Chúa Giêsu Giáng sinh, tại đây khách hành hương phải xếp hàng để vào hôn kính ngôi sao ghi dấu nơi máng cỏ mà Chúa Giêsu đã được sinh ra.

Không xa lắm từ Hang Bethlehem là nhà thờ thánh nữ Helena.

Thánh Helena là hoàng hậu của Vua Constatine, bà trở thành một Kitô hữu khi tuổi đã lớn. Đức tin và lòng sùng mộ của bà đã ảnh hưởng rất nhiều đến con trai bà là Constantine I, vị hoàng đế La Mã đầu tiên chịu phép rửa tội. Bà này đã không ngần ngại dùng tiền bạc của mình để làm nhiều việc từ thiện và xây dựng các ngôi Thánh đường.

Khi hoàng đế có ý định xây một Thánh đường trên đỉnh núi Canvê, bà Helena dù đã ở tuổi 80, nhưng vẫn quyết lên Giêrusalem với hy vọng tìm lại cây Thánh giá thật của Giêsu.

Sau nhiều năm cật lực với việc đào bới, khai quật và tìm tòi, ba cây thập tự đã được tìm thấy trên núi Canvê cùng với các mũi đinh và tấm bảng gắn trên thập giá. Hoàng hậu Helena cho xây một Thánh đường nguy nga trên đỉnh Canvê và cho đặt Thánh tích quý báu là cây Thánh giá của Giêsu trong cung Thánh. Helena còn cho xây một Thánh đường khác trên núi Olive. Helena trở lại La Mã và chết vào năm 330 Sau CN.

Gần đấy là nhà thờ Thánh Catharina và Nhà thờ Thánh Hieronemus  -  là di tích căn phòng mà thánh nhân đã tự giam mình trong suốt cuộc đời tu hành để dịch các sách Kinh Thánh để giáo hội dùng cho đến ngày nay. Những thánh tích này đều có hang động liên thông với nhau dưới lòng đất. Hôm nay đoàn hành hương sẽ được cha linh hướng chủ sự Lễ Nghi Ngắm Đàng Thánh Giá, đoàn sẽ bước theo dấu chân của Chúa Giêsu qua 14 Chặng Đường Thánh Giá mà Chúa đã trải qua để hoàn tất cuộc khổ nạn của Người trên Núi Sọ và táng xác vào huyệt đá.

Khởi hành từ Dinh Philatô qua 10 thánh tích trên một quảng đường hơn một cây số trong khu phố cổ, bốn chặng đường còn lại nằm trong quần thể kiến trúc nguy nga và cổ kính của tu viện và thánh đường Mộ Chúa do giáo hội Chính Thống quản lý, ở bốn chặng này đoàn hành hương sẽ không được đọc kinh hay hát chỉ nghe cha chủ sự suy niệm về mầu nhiệm cuộc khổ nạn của Chúa và âm thầm cầu nguyện, đặc biệt ở chặng cuối cùng vì khách hành hương từ khắp nơi đổ về lên đến hàng ngàn người nên đoàn xếp hàng vào hôn kính phiến đá bên trong mộ thánh và chụp hình lưu niệm bên ngoài.

Rời thánh đường mộ chúa trên đồi Calvê, đoàn hành hương tiếp tục kính viếng nhà thờ Thánh Joachim và Thánh Anna - song thân Đức Maria.  Đây là nơi Đức Trinh Nữ Marria được sinh ra, nhà thờ được xây dựng trên nền nhà cũ của gia đình Thánh Joachim và Anna – song thân Đức Maria -  gần đấy là nhà thờ chánh tòa Armenia và trên đường đến Vương cung thánh đường Đức Mẹ Hồn Xác lên trời, đây là ngôi thánh đường  được cho là Mẹ của tất cả thánh đường thuộc giáo hội công giáo tại Jerusalem.

Chúng tôi ra khỏi khu vực cổ thành để đến Nhà Tiệc Ly – nơi Chúa Giêsu dùng bữa cuối cùng với các môn đệ trong ngày lễ Vượt Qua, cũng tại nơi đây Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ và thiết lập bí tích Thánh Thể để ở lại cùng với loài người cho đến tận thế

Do địa thế đồi núi của thành phố Jerusalem, nên tất cả mọi con đường đều dốc cao và đâu đâu cũng thấy những bậc cầu thang bằng đá cẩm thạch mòn bóng rất dễ trượt té, đi bộ suốt cả ngày dưới cái nắng nóng gay gắt của mùa hè vùng nhiệt đới cũng là một của lễ dâng lên Chúa hiệp với cuộc khổ nạn của Người mà đền tội và cầu nguyện cho mọi người

Đi qua cổng Zion của cổ thành Jerusalem loang lỗ chi chít các vết đạn là dấu tích của các cuộc chiến tranh xung đột gần đây để đến dâng thánh lễ kính thánh Giáo hoàng PIO X tại nhà thờ Thánh Gioan Tẩy Giả và kính viếng nơi Thánh Gioan Tẩy giả được sinh ra. Đây nguyên là nền cũ của ngôi nhà của ông bà Zacaria và Elizabeth.

Bài thánh vịnh tụng ca được dịch ra hàng trăm ngôn ngữ trên các bảng đá mỹ thuật và gắn lên bên trong các vách tường trong khu vực Dòng Thánh Phanxicô (OFM) trong đó có bản tiếng Việt

Khi trở xuống từ nhà thờ Đức Mẹ Thăm viếng trên đồi chúng tôi đi qua một đọan đường dốc với hàng trăm bậc đá mòn vẹt và sáng bóng nữa để đến một cửa hàng của nhà dòng bán các ảnh tượng và đồ lưu niệm, xuống đến cuối dốc phía bên phải là con suối mà ngày xưa Đức Maria đã hằng ngày lấy nước sinh hoạt mang lên để chăm sóc cho bà chị họ Elizabeth trong thời gian ở cữ.

Giấc mơ một lần trong đời được về hành hương thánh địa đã thành hiện thực, mọi người chúng tôi rất mãn nguyện và cùng nhau dâng lời tạ ơn trong thánh lễ cuối cùng nơi thánh địa, tại nhà thờ Thánh Gioan Tẩy Giả nhân ngày lễ kính thánh Giáo hoàng Pio X. Tất cả hành lý đã được chúng tôi thu xếp gọn gàng đêm qua và mang theo trên xe bus trên đường tham quan hôm nay. Giờ thì chỉ còn trực về lại sân bay quốc tế Ben Gurion ở Tel Aviv để đáp chuyến bay đêm về Hong Kong trước khi về đến Sài gòn vào lúc gần trưa kết thúc một chuyến đi đầy cảm xúc với những rung cảm ấn tượng và hạnh phúc mà một đời người Kitô hữu không thể nào quên






Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.