Giấc ngủ và giấc mơ từ lâu đã là lĩnh vực luôn gắn với sự kỳ bí: các điềm báo hay biểu tượng, những nỗi sợ hãi và thôi thúc trong tiềm thức. Tuy nhiên, thế giới đầy rẫy những khao khát, e sợ và xáo trộn phức tạp về tinh thần này có thể bắt nguồn từ các trải nghiệm hàng ngày của chúng ta, theo các nhà nghiên cứu về giấc ngủ.
Theo các nhà nghiên cứu, giấc mơ có cấu trúc và nội dung rất giống quá trình tư duy. Ảnh minh họa: istock.
Trang Live Science dẫn lời Matthew Wilson, chuyên gia thần kinh tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và là báo cáo viên tham gia cuộc hội thảo “Khoa học kỳ lạ về giấc ngủ và các giấc mơ” do Học viện Khoa học New York tổ chức, cho biết: “Cấu trúc và nội dung của quá trình tư duy trông rất giống cấu trúc và nội dung của quá trình mơ ngủ. Chúng có thể là sản phẩm của cùng một cơ chế”.
Theo ông Wilson, trí nhớ là sự phản ánh của thế giới nội tâm này. “Những gì chúng ta ghi nhớ là kết quả của các giấc mơ, chứ không phải điều ngược lại”, nhà nghiên cứu này nhấn mạnh.
Cũng giống như công trình của ông Wilson, nghiên cứu của Erin Wamsley, chuyên gia giấc ngủ thuộc Trường Y, Đại học Havard (Mỹ) cũng tập trung xem xét mối quan hệ giữa trí nhớ và các giấc mơ trong giai đoạn ngủ non-REM (giai đoạn đầu của giấc ngủ, vốn bao gồm 2 phần: ngủ chậm nông và ngủ chậm sâu, nối tiếp nhau). Các giấc mơ sống động, liền mạch thường xuất hiện trong giai đoạn ngủ REM (giai đoạn sau của giấc ngủ, còn được gọi là giai đoạn động mắt nhanh hoặc giai đoạn ngủ mơ). Dẫu vậy, giấc ngủ nonREM cũng mang đến các giấc mơ nhưng chúng rời rạc và chắp vá hơn.
Trong các thử nghiệm của mình, bà Wamsley và các cộng sự phát hiện, những giấc mơ đóng vai trò như “thầy giáo”, giúp con người học hỏi kiến thức. Mặc dù nghiên cứu này chỉ tập trung vào giấc ngủ nonREM, nhưng bà Wamsley khẳng định, sự gắn kết giữa giấc mơ và việc học hỏi xảy ra ở tất cả các giai đoạn của giấc ngủ.
Theo Tuấn Anh/Vietnamnet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét