Texas mất điện diện rộng lộ ra cơ sở hạ tầng từ giữa thế kỷ trước

                                              

Vụ mất điện diện rộng ở bang Texas đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng cơ sở hạ tầng tại Mỹ. Một nhà quan sát ví von nước Mỹ giống như một thành phố hào nhoáng đang tồn tại trên một nền tảng lạc hậu được xây dựng từ giữa thế kỷ trước

Texas mất điện diện rộng lộ ra cơ sở hạ tầng từ giữa thế kỷ trước - Ảnh 1.

Một gia đình ở Texas ăn tối dưới ánh sáng đèn cầy vì bị mất điện - Ảnh: Reuters

Chính quyền Texas đang chạy đua khôi phục mạng lưới điện, trong bối cảnh hàng triệu người dân đang chịu cảnh tối tăm và rét lạnh giữa mùa đông. Một loạt nguyên nhân được cho là dẫn tới sự cố mất điện lịch sử, trong đó có sự cũ kỹ của cơ sở hạ tầng.

Sẽ không có cầu đường của đảng Dân chủ hay Cộng hòa. Thề với Chúa, tôi chưa bao giờ xem vấn đề cơ sở hạ tầng là chuyện đảng phái.

Tổng thống JOE BIDEN cam kết hồi sinh cơ sở hạ tầng Mỹ.

Do cạnh tranh điện giá rẻ?

Nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong khi năng lực sản xuất lại có hạn trong mùa đông là lý do trực tiếp dẫn tới tình trạng mất điện tại Texas. Trả lời Hãng tin Reuters, giáo sư Jim Blackburn (Đại học Rice) ước tính 2/3 lượng điện bị mất trong mùa đông là do thiếu nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên và 1/3 là do các tuabin gió ngừng hoạt động. 

Để tránh tình trạng cung không đủ cầu, các công ty có thể đàm phán mua thêm khí đốt để vận hành trong thời tiết khắc nghiệt. Song nhiều nhà cung cấp điện đã phớt lờ vì không muốn tăng thêm chi phí, theo giáo sư Blackburn.

Texas là bang duy nhất ở Mỹ có thị trường điện hoạt động phi điều tiết, khiến giá điện có thể dao động từ 20 đến 9.000 USD cho 1.000 kWh. Mạng lưới điện của bang này do ERCOT (Hội đồng Điện lực tin cậy của Texas) và một vài công ty nhỏ hơn chi phối. 

Để cạnh tranh, các công ty sẵn sàng đưa ra những mức giá rẻ hấp dẫn với khách hàng và đánh đổi bằng rủi ro sử dụng cơ sở hạ tầng cũ kỹ thay vì nâng cấp hoặc chuẩn bị dài hạn.

ERCOT có thể tăng biên độ dự trữ điện để đáp ứng nhu cầu đột biến, nhưng vì thị trường không được kiểm soát nên các công ty không muốn gánh chịu chi phí. 

"Chúng ta phải xem xét nghiêm túc việc điều tiết lại thị trường điện vì lợi ích của người dân" - giáo sư Blackburn kêu gọi, đồng thời nhấn mạnh chính quyền Texas đừng nên để "tiền và lòng tham" chi phối.

Lãnh đạo ERCOT đã được triệu tập đến một phiên điều trần để giải thích mọi chuyện. Trong khi Thống đốc Texas Greg Abbott kêu gọi các giám đốc điều hành của ERCOT từ chức, ông cũng đối mặt với những chỉ trích từ các quan chức. 

Trong cuộc họp báo ngày 17-2, Thống đốc Texas Greg Abbott đã ra lệnh cấm xuất khẩu khí đốt đến hết ngày 21-2 để dự trữ nguồn cung cho các nhà máy điện. Vấn đề là các nhà máy sản xuất và lọc dầu của bang vẫn đóng cửa vì thời tiết lạnh giá, một thực tế đặt các nhà máy điện vào tình thế thiếu nguồn cung. 

Texas sản xuất khí đốt và khí tự nhiên nhiều hơn bất kỳ bang nào khác của Mỹ nhưng các nhà sản xuất của bang này lại không có kinh nghiệm đối phó thời tiết lạnh khắc nghiệt, theo Reuters.

Đe dọa an ninh quốc gia

Điện chỉ là một phần của câu chuyện cơ sở hạ tầng ở Mỹ. Đường sá, cầu cống, mạng lưới Internet cũng được tính vào cơ sở hạ tầng. Trong khi nhiều nước đang phát triển nhìn về Mỹ với sự ngưỡng mộ vì hạ tầng hiện đại, chỉ có người Mỹ mới thấm thía câu "ở trong chăn mới biết chăn có rận".

Học giả Jonathan E. Hillman thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ nhận định cơ sở hạ tầng cũ nát đã trở thành mối đe dọa an ninh quốc gia đối với Mỹ. Các dấu hiệu cảnh báo, theo ông Hillman, có ở khắp mọi nơi, không chỉ riêng Texas mà còn nhiều bang và thành phố khác.

"Ở Wisconsin, nông dân đang phải vật lộn để sử dụng an toàn các phương tiện hiện đại trên những con đường được xây dựng cách đây hơn 50 năm. 

Ở Arizona, một cây cầu có tuổi đời hàng thế kỷ đã bị sập một phần vào mùa hè năm ngoái sau khi một đoàn tàu trật bánh. Ở Florida, những đường ống cũ đang làm rò rỉ hàng triệu lít nước thải. Nước Mỹ, một tượng đài của thế giới, đang vỡ vụn" - ông Hillman viết trên trang web của CSIS.

Việc tái thiết cơ sở hạ tầng đã được nhắc đến từ lâu và là cam kết tranh cử của nhiều chính trị gia, song việc thực hiện lại là một chuyện khác. "Hồi sinh cơ sở hạ tầng cần được coi là một ưu tiên quốc gia", học giả Hillman kêu gọi.

Không chỉ tạo ra thêm việc làm và kích thích chi tiêu, cơ sở hạ tầng hiện đại quyết định liệu Mỹ có còn đủ sức thu hút được các bộ óc thông minh và tiếp tục là trung tâm sáng tạo của thế giới trước sự trỗi dậy của Trung Quốc hay không.

Với việc Đảng Dân chủ đang kiểm soát cả hành pháp lẫn lập pháp, kế hoạch tái thiết cơ sở hạ tầng Mỹ của Tổng thống Biden nhiều khả năng sẽ suôn sẻ hơn người tiền nhiệm. Tuy nhiên, ngân sách cho việc này lấy từ đâu thì chưa biết do Quốc hội Mỹ đã bãi bỏ luật lấy tiền thuế nhiên liệu cho sửa chữa hạ tầng, theo Reuters.

Lời hứa của ông Biden

Tổng thống Joe Biden đã cam kết sẽ làm việc với cả đảng Dân chủ và Cộng hòa để cùng hồi sinh cơ sở hạ tầng cũ nát của nước Mỹ, một nhiệm vụ mà người tiền nhiệm Donald Trump đã không thể hiện thực hóa.

Theo Reuters, ông Biden dự kiến sẽ kêu gọi Quốc hội Mỹ phê duyệt ngân sách nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng trong bối cảnh các nghiên cứu cho thấy gần một nửa đường quốc lộ ở Mỹ đang ở trong tình trạng tồi tàn, hơn 1/3 cầu cần được sửa chữa, thay thế. Hồi tháng 7-2020, khi còn là ứng cử viên tổng thống, ông Biden tuyên bố sẽ chi 2.000 tỉ USD trong 4 năm cho cơ sở hạ tầng.

TheoTuoitre



Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.