Nuôi trâu ở vùng đàm phá lớn nhất Đông Nam Á
Bé Vẽ đưa tay lên miệng hú gọi trâu về, tiếng hú loang ra trên đèo Hải Vân, vang vọng tới cả mặt đầm Lập An. Thế rồi, đàn trâu lấp ló sau những bụi cây ven suối, đi trước là con đực đầu đàn đen bóng, to khỏe, vừa thủng thẳng đi vừa liếm sương trên cành lá...
Đàn trâu xuất hiện từ trong rừng và đi về phía bờ suối (ảnh: Nguyễn Trình) |
.Thừa Thiên Huế có vùng đầm phá lớn nhất Đông Nam Á. Nhắc đến hệ phá Tam Giang, đầm Cầu Hai, đầm Lập An..., người ta thường nghĩ đến hải sản, đến những cảnh đẹp sông nước. Ít ai biết rằng, vùng đầm phá giáp đèo Hải Vân còn có những đàn trâu hàng trăm con nuôi bán hoang dã, tha thẩn ăn cỏ dưới mây trắng bay ở những thảo nguyên nằm dọc các con suối đổ ra đầm Lập An.
Con đường dẫn từ thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) chạy bọc quanh phía Tây đầm Lập An sau mùa bão gió bị sạt nặng. Phần ta luy âm tại 1 số điểm bị nghiêng hẳn xuống phía chân sóng. Từ thị trấn Lăng Cô đi theo con đường này chừng 5km là đến khu dân cư An Cư Tây. Tuyến đường này được xây dựng vào năm 2008, giúp những khu dân cư quanh đầm thoát cảnh bị cô lập. Trước khi có đường, ai muốn ra đến Lăng Cô, một là đi thuyền xuyên cả gần chục cây số mặt nước đầm hoặc đi bộ trên những thanh tà vẹt dọc đường sắt dẫn ra ga.
Từ thế kỷ XVI, thời điểm chúa Nguyễn Hoàng vào vùng Quảng Trị, Thừa Thiên Huế lập xứ Đàng Trong, cái tên An Cư đã xuất hiện, dùng để đặt tên cho làng An Cư Đông. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí ghi lại rằng, ban đầu đầm có tên gọi tự phát là đầm Sam (do vùng đầm này có rất nhiều sam). Một số tài liệu khác cũng cho biết đầm có tên khác là vũng Sò (vùng nước có nhiều sò sinh sống). Đến thời Kiến Phúc (1883), đầm chính thức có tên là đầm An Cư. Đây cũng là tên của 3 khu dân cư nằm ven đầm: An Cư Tây, An Cư Đông, An Cư Tân. An Cư Tây là vùng bán sơn địa, phía tây thì giáp dãy Hải Vân quanh năm mây trắng, phía đông giáp đầm Lập An. Việc làm phổ biến nhất của bà con vùng này trước đây là những công việc liên quan đến đầm Lập An như đánh cá, nuôi hàu, một phần ít làm rừng. Còn nghề nuôi trâu chăn thả trong rừng cũng chỉ mới xuất hiện gần đây.
Những mục đồng ở An Cư Tây |
Ông Hai Cảnh, một người có trâu thả rừng ở đây, kể: Toàn khu dân cư có khoảng hơn 20 nhà có trâu chăn thả trong rừng với khoảng 150 con chia làm 3-4 đàn. Những đàn trâu nhà thả trong rừng, tự sinh tự dưỡng, nhưng cũng có những thói quen rất kỷ luật. Mùa hè, cứ chiều chiều, chúng từ trong rừng đi từng đàn lớn ra các thảo nguyên cỏ nằm dọc các con suối để vừa ăn cỏ, vừa uống nước rồi “mẹp” xuống những vũng bùn gần đó. “Mẹp” là từ ở vùng các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế dùng để miêu tả động tác tắm nước, ngâm mình trong bùn của trâu. Còn mùa đông, những ngày lạnh, chúng ở mãi trong rừng sâu, ăn lá uống sương, chủ gọi cũng không về.
2. “Chú đừng lại gần, con trâu đực nó dữ lắm. Người lạ tới là hắn húc ngay. Tụi con cũng sợ, chỉ có bé Vẽ là hắn nói được thôi”, một đứa trẻ chăn trâu ở An Cư Tây nói khi tôi định lại gần chụp ảnh con trâu đầu đàn.
Vẽ là một đứa trẻ 15 tuổi, những ngày không đi học, buổi chiều gọi trâu từ rừng về bờ suối kiểm đếm và cho trâu mẹp nước, ăn cỏ. Dù là con gái, nhưng Vẽ giống như thủ lĩnh của những đứa trẻ mục đồng ở đây. Nhà Vẽ có 5 con trâu và các hộ dân quanh nhà có chừng hơn 30 con nữa, hợp thành 1 đàn, chăn thả ở phía giáp rừng Hải Vân, nơi đường dây 500 kV Bắc - Nam chạy qua.
Bé Vẽ trên lưng con trâu đầu đàn |
“Mẹp, mẹp xuống...”, tiếng Vẽ ngân dài. Con trâu đực đầu đàn có tiếng hung dữ quỳ xuống để Vẽ leo lên lưng. Ngồi trên lưng trâu, Vẽ một tay đập mạnh vào lưng trâu, một tay cầm sừng chỉnh hướng cho con trâu đi về phía suối. Cả đàn trâu lặc lè đi theo, nện những bước chân thình thịch xuống đất. Có những con nghé mới sinh vừa đi vừa rúc vào bụng trâu mẹ đòi bú.
Những con nghé này được sinh ra trong quá trình chăn thả, nên mỗi năm đàn trâu lại thêm đông. Thường thì người dân bán ngay những con nghé đực khi chúng được khoảng 1 tuổi, chỉ giữ lại con cái. Mỗi con nghé bán được khoảng 15 triệu đồng. Trâu mang thai lâu, thường đến gần 11 tháng, nên mỗi con trâu cái đến 2 năm mới sinh được 1 con nghé hoặc nhanh thì 3 năm sinh 2 con. Mỗi hộ gia đình ở đây có chừng 5-7 con trâu nên giá trị không nhiều, vì vậy bà con cũng chỉ coi như nghề làm thêm. Nói là chăn trâu thả rừng, không lo chăm sóc, dựng chuồng trại, nhưng chỉ đỡ vất vả khi mùa đông về, đàn trâu ở hẳn trong rừng. Còn mùa hè, khi chúng hằng ngày xuống suối, đi ăn gần khu canh tác, thì phải trông kỹ, nếu không chúng sẽ phá phách và phải đền bù.
Đàn trâu được thả trong rừng, hằng ngày đi ăn cỏ ở những thảo nguyên dưới chân dãy Hải Vân |
Huế cuối năm, hiếm hoi có những ngày hửng nắng xen giữa những đợt mưa lạnh triền miên. Đi chăn trâu cùng mục đồng ở An Cư Tây, thấy cuộc sống nhẹ nhàng, chậm lại khi trước mắt là cảnh đẹp bình yên đến nao lòng. Ở phía xa là cuồn cuộn mây trắng trên đỉnh Hải Vân huyền thoại, trước mắt là thảo nguyên xanh biếc cỏ. Ít ai ngờ ở vùng đầm phá mênh mông sóng nước này lại có những nét đẹp mang tính núi rừng như này. Thu nhập không cao, nên không biết những tháng ngày tới, nghề chăn trâu thả rừng ở vùng đầm phá này có được duy trì hay không? Nhưng nghề chăn trâu thả rừng ở đây như một nét chấm phá khác lạ cho vùng đầm phá mênh mông lớn nhất Đông Nam Á này.
TheoPetroTimes - Thanh Hiếu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét