Chuyện về kinh nghiệm Khởi Nghiệp

2:07:00 CH

 


Khởi nghiệp F&B với 4 triệu đồng: Bố mẹ cho 1 bếp ga, 1 con dao và 1 cái muôi, dặn mở quán vỉa hè, chẳng ngờ 2 năm sau cựu sinh viên ngành văn thành bà chủ của 3 quán buffet lẩu chay

Có 4 triệu đồng trong tay, Thị vay thêm 70 triệu từ một anh ở Kiên Giang và một chị ở Sài Gòn. Bố mẹ dặn mở quán vỉa hè vì vốn ít, Thị đánh liều thuê một nhà trọ được cải tạo lại trên con đường gập ghềnh chưa rải nhựa. Giá thuê là 3 triệu đồng/tháng, nhưng bác chủ nhà thấy thân gái lại lặn lội kinh doanh một mình, chỉ lấy 2,5 triệu đồng…

Khởi nghiệp F&B với 4 triệu đồng: Bố mẹ cho 1 bếp ga, 1 con dao và 1 cái muôi, dặn mở quán vỉa hè, chẳng ngờ 2 năm sau cựu sinh viên ngành văn thành bà chủ của 3 quán buffet lẩu chay
Nguyễn Thị Hằng Thị.
“Bố mẹ cho 1 bếp ga, 1 con dao và 1 cái muôi lớn để khởi nghiệp”

Giọng nói nhỏ nhẹ, ngữ điệu chậm rãi và phong thái có gì đó rất “thiền”, cô chủ của quán lẩu – buffet chay Hằng Thiện kể lại hành trình khởi nghiệp kéo dài hơn 2 năm rất nhọc nhằn, nhưng cũng đầy kết quả: 3 quán buffet – lẩu chay tại quận Thủ Đức và Quận 9; tham gia thiết lập 2 nhà hàng chay khác ở Quận 7 và TX. Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Người sáng lập chuỗi buffet – lẩu chay Hằng Thiện sinh năm 1993, có cái tên khá lạ: Nguyễn Thị Hằng Thị.

Khởi nghiệp F&B với 4 triệu đồng: Bố mẹ cho 1 bếp ga, 1 con dao và 1 cái muôi, dặn mở quán vỉa hè, chẳng ngờ 2 năm sau cựu sinh viên ngành văn thành bà chủ của 3 quán buffet lẩu chay - Ảnh 1.Nguyễn Thị Hằng Thị (ở giữa) cùng các nhân viên tại Hằng Thiện.

Thị kể, ngày còn là sinh viên đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM, cô ăn chay và thường xuyên phải đi tìm những quán chay ở cách xa trường của mình nhưng không cảm thấy ngon. Ngay từ lúc đó, Thị đã ấp ủ mở riêng cho mình một quán ăn, nơi sinh viên có thể ăn cơm ngon, thoải mái như ở nhà.

Sau khi tốt nghiệp, Thị đi làm 2 năm trong một công ty chuyên về tư vấn cai nghiện thuốc lá. Tháng 5/2018, Thị quyết định nghỉ việc và khởi nghiệp.

Cầm 4 triệu đồng trong tay, mình đánh liều mượn thêm gần 70 triệu đồng của một người anh ở Kiên Giang và một chị ở Sài Gòn. Bố mẹ thì cho mình 1 cái bếp ga, 1 con dao và 1 cái muôi, dặn hãy mở quán ở vỉa hè vì dự kiến sẽ không có đủ tiền để chi trả mặt bằng”, Thị kể.

Đánh liều thuê một mặt bằng vốn là một nhà trọ được cải tạo lại ở khu vực giáp ranh giữa TPHCM và tỉnh Bình Dương, trên một con đường gập ghềnh chưa rải nhựa gần khu ký túc xá của Làng đại học, Thị bắt đầu bày ra những chiếc bàn nhựa nhỏ và thức dậy lúc 4 giờ sáng mỗi ngày để đi chợ đầu mối và chuẩn bị các món chay.

Giá thuê mặt bằng là 3 triệu đồng/tháng cho khoảng 100m2, nhưng bác chủ nhà thấy mình là con gái lại buôn bán một mình tội nghiệp nên chỉ lấy 2,5 triệu đồng cho 6 tháng đầu tiên”, Thị kể.

Khởi sự một mình nên nhiều lúc không tránh khỏi tủi thân, Thị kể nhiều lúc xách theo củ quả từ đầu chợ đến cuối chợ rồi bị xe tải quẹt rách cả bao rau quả. Cúi xuống nhặt từng thứ một, cô tự hỏi tại sao đang trẻ, không làm văn phòng mà phải khổ cực như vậy?

“Mình nghĩ nếu không có khởi đầu thì làm sao có người đến mở hàng. Hơn nữa, mỗi khi khách nhận xét món ăn ngon, mình lại có động lực để tiếp tục làm tiếp”, Thị chia sẻ.


Từ mô hình bán cơm chay đến mô hình buffet và lẩu chay

Khởi nghiệp F&B với 4 triệu đồng: Bố mẹ cho 1 bếp ga, 1 con dao và 1 cái muôi, dặn mở quán vỉa hè, chẳng ngờ 2 năm sau cựu sinh viên ngành văn thành bà chủ của 3 quán buffet lẩu chay - Ảnh 3.

Để khách hàng biết đến mình, Thị quảng cáo và giới thiệu quán cơm chay của mình trên Facebook cá nhân và các hội nhóm sinh viên. Mỗi hộp cơm, cô gửi kèm một tờ rơi ghi địa chỉ của quán. Từ vài chục đơn, quán của Thị dần ổn định và có tới hàng trăm đơn đặt hàng mỗi ngày. Sau 4 tháng, Thị đã hoàn được số vốn hơn 70 triệu ban đầu.

Khi nấu cơm chay, mình không sử dụng bột ngọt và làm những món thiên về rau củ. Gạo thì chọn gạo dẻo – vì sinh viên thường phải ăn cơm khô nhiều cũng tội, thế là dần dần có khách“, Thị nói.

Ban đầu, việc bán cơm và các món chay do một mình Thị đảm đương. Thị cũng thuê thêm một bạn để phụ mình chuẩn bị các món ăn và giao hàng và bán thêm các món bún, lẩu. Lâu dần, cô nhận ra thị trường lẩu chay bán tốt hơn các món khác và cũng giảm bớt công sức chuẩn bị. Vì vậy, Thị quyết định đổi hẳn mô hình cơm chay sang buffet lẩu chay.

“Mình là người miền Trung nên khẩu vị thường mặn. Ở trong này, mọi người thích vị ngọt vì dễ ăn nên cũng góp ý rất nhiều. Mình sửa dần, giờ quán đã ra một vị chung mà tất mọi người ở miền Bắc, miền Trung hay miền Nam đều ăn được. Phần nước chấm, bọn mình cũng đã phát triển thành công thức riêng. Ngay sau khi quán đầu tiên đông dần lên, mình đã mở thêm một quán chay Hằng Thiện nhỏ nhỏ nữa để bố mẹ và gia đình cùng làm. Từ đó, mình cũng thuê thêm nhiều nhân viên để cùng làm“,  Thị kể.

Với tầm giá 35.000 – 40.000 đồng, ngoài nồi nước lẩu, mỗi phần buffet lẩu chay của Thị cho phép khách hàng lựa chọn nhiều topping để ăn kèm như rau, nấm, đậu hũ, những nguyên liệu thuần thực vật, không qua chế biến quá nhiều dầu mỡ.

“Dù mỗi phần ăn có giá không quá cao, nhưng bọn mình luôn lấy nền tảng đảm bảo sức khỏe làm tiêu chí quan trọng nhất. Hiện tại, bọn mình đã có nguồn cung thực phẩm ổn định đặt trồng riêng ở nông trại. Mỗi ngày, các nông trại giao tươi nguyên liệu, bọn mình không lấy nguyên liệu qua trung gian để đảm bảo chất lượng“, Thị chia sẻ.

Ước mơ vươn tới mọi nơi có người trẻ Việt

Tính đến nay, chuỗi buffet – lẩu chay Hằng Thiện đã có 3 quán tại TPHCM và đang trong quá trình ra mắt quán thứ tư, mỗi quán có diện tích từ 100m2 – 120m2. Lượng khách mỗi ngày ở hai quán đầu tiên là 150 – 200 khách, quán còn lại có lượng khách ổn định ở mức gấp đôi.

Dù hiện tại, cũng có nhiều quán mở sau và theo mô hình của Hằng Thiện tại khu vực Làng đại học, nhưng những ngày rằm lớn như lễ Vu Lan, rằm tháng 7, các quán chay của Hằng Thị có thể tiếp tới 700 – 1.000 khách, chưa tính những phần ăn mang đi. Chuỗi quán chay cũng có hơn 15 nhân viên chia theo ca để phục vụ thực khách.

Khởi nghiệp thành công ngay từ lần đầu tiên với một số vốn rất nhỏ, theo Thị bí quyết duy nhất cô có chính là sự kiên trì. Nhận xét về hành trình khởi nghiệp hơn 2 năm của mình, Thị chia sẻ: “Điều mình tự hào đó là mình đã dám dấn thân, dám làm và trong tương lai, chắc chắn mình sẽ còn làm tiếp”.

Chia sẻ triết lý kinh doanh của mình, Thị nói: “Mình nghĩ mỗi nồi lẩu chay và mỗi món ăn của mình đều là kết quả của một sự cố gắng. Khi mình bình tĩnh, chú tâm, làm mọi việc trong sự bình an thì khách hàng cũng sẽ thu được năng lượng tích cực, bình an”.

“Nếu mình vội vàng, khách hàng sẽ  không cảm nhận được cái tâm, linh hồn trong từng món ăn. Vì vậy, mình luôn chú trọng và cẩn thận trong từng việc, dù là nhỏ nhất. Đây là triết lý sống, triết lý kinh doanh nhất quán của mình khi mới mở quán và cũng sẽ giữ xuyên suốt sau này”.

Theo kế hoạch, năm 2021, Hằng Thiện sẽ đẩy mạnh mở rộng hợp tác với nhiều bên và có thể phát triển theo hình thức nhượng quyền, phủ sóng trên các ứng dụng giao hàng. “Trong tương lai, mình mong muốn bất cứ nơi nào có người trẻ Việt thì sẽ có quán chay Hằng Thiện ở đó để phục vụ các thực khách“, Thị chia sẻ.

Theo Thanh Huyền 

Nguồn: CafeBiz 

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.