Tháp Hòa Lai (Ninh Thuận): Ngôi tháp ra đời để chấm dứt chiến tranh

7:36:00 SA

 


(PLVN) - Tháp Hòa Lai tọa lạc trên mô đất cao, bằng phẳng thuộc địa phận làng Nhơn Sơn, tổng Kinh Dinh, đạo Ninh Thuận (nay là Ba Tháp, xã Tân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận), cách trung tâm thị xã Phan Rang-Tháp Chàm khoảng 15km về phía Bắc. Tháp mang kiến trúc độc đáo, có vẻ đẹp bí ẩn. Có truyền thuyết cho rằng, nhờ sự ra đời của tháp mà chấm dứt được cuộc chiến tranh.

Cuộc đối đầu của vua Pô Klongarai và tướng Hakral

Một trong những di sản kiến trúc của người Chăm (Ninh Thuận) để lại cho hậu thế là những ngôi tháp tuyệt đẹp. Đứng nhìn thôi đã thấy mê mẩn tâm hồn, biết bao hình dung về thời xưa cũ lại chạy về trong ta. Tháp của người Chăm thường được dùng để thờ cúng, tổ chức lễ hội, nhưng điều lạ ở tháp Hòa Lai lại không có điều này, mặc dù trước đây từng có người Việt đến lễ bái.

Vấn đề này được lý giải là do không biết ai xây dựng tháp, thời gian xây dựng từ khi nào. Một truyền thuyết được nhắc lại, dù nhiều người không đồng thuận, nhưng nó vẫn được lưu truyền để lý giải cho sự ra đời của tháp Hòa Lai.

Trong lý lịch di tích tháp Hòa Lai, truyền thuyết đó được kể như sau: Với di tích tháp Hòa Lai, người Chăm đã đặt ra truyền thuyết để giải thích về nguồn gốc và quá trình hình thành của những ngôi tháp này. Tuy nhiên, cách giải thích này không thực tế và nhuốm đầy màu sắc huyền thoại. Truyền thuyết kể rằng: Vào năm Sửu (lịch Chăm), vua Pô Klongarai vì muốn kỷ niệm thuở hàn vi của mình tại nơi mình sinh ra nên đã vào Panduranga (Phan Rang ngày nay) tìm địa thế để xây tháp.

Nhưng khi đến địa phận BalHuh (vùng Kú Hũ, Mỹ Tường) thì bị chúa lĩnh người Khơme (Kur – Cam Bốt) tên là Hakral cản ngăn. Pô Klongarai không muốn lâm vào trận chiến không cần thiết, nên thách đố tướng Khơme thi tài xây tháp. Ai xây xong trước và thấy cờ trên tháp là thắng cuộc, ai thua thì rút quân về nước. Thời gian xây tháp là 3 ngày.

Mở VN Ngày Nay, xem nhiều ảnh hơn >

Tướng Hakral nghĩ mình có quân số đông có thể hoàn thành trước, đồng thời không chắc gì thắng được vua Pô Klongarai bằng quân sự, nên chấp nhận. Hai bên làm giấy cam kết thi đua. Vua Pô Klongarai xây tháp trên đồi Bol Hala (đồi trầu), tướng Hakral xây trên vùng Balhuh. Kết quả vua Pô Klongarai đã hoàn thành trước, tướng Hakral không xây kịp nên đành tuyên bố rút quân về nước.

Theo Trần Kỳ Phương, Mỹ Sơn trong lịch sử nghệ thuật Chăm (trang 15), từ năm 1145 đến năm 1149, giữa 2 vương quốc Chămpa và Cam Bốt thường xảy ra những cuộc giao tranh với nhau. Vương quốc Cam Bốt đã nhiều lần xâm chiếm vương quốc Chămpa.  Như vậy, địa phận Balhuh xưa kia có thể là địa phận bao gồm vùng đất rộng nằm về phía Bắc của Panduranga đã bị quân Cam Bốt chiếm đóng, đứng đầu là quân tướng Hakral.

Qua truyền thuyết, điều bất hợp lý mà chúng ta thấy rõ nhất là niên đại của di tích. Theo truyền thuyết thì tháp Hòa Lai xây dựng vào khoảng thế 12 - 13, thời gian trị vì của vị vua Pô Klongarai. Nhưng trong thực tế, nhiều nhà nghiên cứu đã dựa vào những nét chạm khắc các mẫu hoa văn trên bức tường của ngôi tháp đã đoán định: tháp Hòa Lai được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 8 và đầu thế kỷ 9. Như vậy, việc gắn các sự kiện liên quan đến triều đại Pô Klongarai với việc xây dựng di tích tháp Hòa Lai là điều khó có thể chấp nhận được.

Mặc khác, qua truyền thuyết, vô hình trong người Chăm đã phủ nhận vai trò chủ nhân của mình đối với ngôi tháp này, họ cho rằng tháp Hòa Lai - Yang Hakral là của người Khơme. Nhiều vấn đề xung quanh quần thể di tích tháp Hòa Lai đã được đặt ra và đang còn nhiều ý kiến tranh cãi. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một kết luận cụ thể. Tuy vậy, dù thế nào đi nữa, thì tháp Hòa Lai vẫn là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo mà người xưa đã dâng tặng lại cho hậu thế.

Từng là nơi diễn ra các nghi lễ tôn giáo của người Chăm

Theo lý lịch di tích tháp Hòa Lai, việc người Chăm không tổ chức thờ phụng, cúng kính ở di tích này, xuất phát từ quan niệm cho rằng tháp là sản phẩm của người Khơme đã để lại trong cuộc thi tài xây tháp với vua Pô Klongarai bị thất bại mà truyền thuyết đã được nêu ở phần trên. Và chính vì không có sự thờ tự nên đã tạo cho ngôi tháp này không còn ý nghĩa linh thiêng như những ngôi tháp khác trong khu vực.

Tuy nhiên, việc đó chỉ là truyền thuyết, trong thực tế, tại tháp Hòa Lai từng là nơi diễn ra các nghi lễ tôn giáo của người Chăm, với bằng chứng phát hiện về bộ Linga – Yoni (biểu tượng của tín ngưỡng phồn thực) thu được tại tháp giữa (tháp Trung tâm) vào năm 1989. Các hiện vật này đều được tạc từ đá sa thạch với kích thước như sau: - Linga: hình trụ, đã gãy phần tiếp giáp với Yoni, chiều cao 14cm, đường kính 43cm. - Yoni: hình vuông có cạnh 43cm, rãnh dài 22cm, cao 19cm. Hiện nay, số hiện vật trên được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận.

Về kiến trúc nghệ thuật, trong “Thống kê khảo tả các di tích Chàm ở Trung Kỳ” vào những năm đầu thế kỷ 20 (1909 – 1918) sau khi điều tra và khai quật của H.Parmentier, khuôn viên khu tháp là một hình chữ nhật, chiều dài (theo hướng Đông - Tây) khoảng 200m, chiều rộng (theo hướng Bắc - Nam) khoảng 125m, trong có 3 ngôi tháp chính và các kiến trúc phụ. Ở góc Đông-Bắc có một cái ao hình chữ nhật, nằm dọc theo hướng Đông - Tây, dài 50m, rộng 10m, thành ao xây bằng gạch. Từ mặt phía Đông đi vào di tích, có tường gạch bao quanh, qua cổng là vào đến một cái sân hình chữ nhật rất dài.

Cuối sân này, mặt bằng chia thành ba nhóm dường như giống nhau. Trên trục giữa có một gian nhà dài xây khá cao, mặt trước trang trí bằng những trụ ốp, mái lợp ngói. Phía sau là một ngọn tháp kích thước nhỏ có hai cửa. Trên hai trục dọc dường như cũng có những nhóm tương tự.Ba kiến trúc tháp được thông ra ngoài với hướng chung quay về Đông, chếch về Nam 40, cả ba ngôi tháp này đều không đứng song song nhau, cũng không ở trên một bình độ và không cách đều nhau.

Nguyên tắc cơ bản của kiến trúc của tháp Hòa Lai tuân thủ theo nguyên tắc đối xứng từ nhiều chiều, nhiều phía. Sự đối xứng đó được thể hiện qua việc bố trí các tầng tháp, các trụ ốp tường, các cửa giả, vòm cửa và sự trang trí bên ngoài tháp. Do tuân thủ nguyên tắc đối xứng này nên các mảng tường ở tháp Hòa Lai cũng đều giống nhau về cách bố trí các tầng, các chi tiết hoa văn.

Do thời gian và ngoại cảnh, hiện nay, ở khu vực Hòa Lai chỉ tồn tại duy nhất hai kiến trúc: tháp Nam và tháp Bắc. Ở tháp Bắc, có những điểm hoa văn hình lá cuộn được thể hiện trên cột ốp và tượng chim thần Garuđa được khắc trên phần diềm.

Ở tháp Nam, nổi bật vòm của tháp cao nhưng không kéo thẳng một mạch lên tới đỉnh mà hơi bóp vào ở đoạn giữa. Ở các mặt Tây và Đông, giữa chân vòm của tiền sảnh và khám Tây, có hai nhóm lỗ đối xứng. Ngay điểm trung tâm của đỉnh tháp cũng có một lỗ trống, nên ánh sáng mặt trời có thể chiếu xuyên vào lòng tháp.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, tháp Hòa Lai tuy vẫn tiếp thu một số ảnh hưởng có chọn lọc từ bên ngoài nhưng vẫn có một dáng vẻ riêng biệt. Chính vì vậy, tháp Hòa Lai có dáng vẻ khỏe mạnh và thanh thoát hơn so với nhiều di tích khác.

Đó là nhờ những nếp xếp tầng nhiều múi của các vòm cuốn trên cửa, được trang trí bằng các đường uốn; nhờ một tổng thể các trụ áp tường được bố trí cân xứng nhịp nhàng và được tô điểm bằng các hình lá uốn cong. Bên dưới các cột ốp là các hình kiến trúc thu nhỏ trong đó có hình người đắp nổi. Tháp Hòa Lai là minh chứng cho thấy một kỹ thuật xây cất, kiến trúc của dân tộc Chăm thật độc đáo, tuyệt vời.

TheoPhapluatVN

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.