Lần đầu ghi nhận hành vi tấn công tàu thuyền theo đàn của cá voi sát thủ
Không chỉ tự gây tổn thương cho chính mình, những con cá voi non trẻ này còn có thể bắt đầu một mối hiềm khích giữa con người và giống loài của chúng.
Trái với tên gọi, cá voi sát thủ là loài động vật không đe dọa đến tính mạng con người. Được biết đến là loài săn mồi đứng đầu chuỗi thức ăn trong lòng đại dương, cá voi sát thủ ăn hải cẩu, cá heo và thậm chí cả cá voi.
Nhưng ngoài môi trường tự nhiên, chúng tỏ ra rất thông minh và thân thiện với con người, thậm chí cá voi sát thủ còn hợp tác đắc lực với ngư dân trong những chuyến đi săn.
Chưa từng có một tài liệu nào cho thấy cá voi sát thủ tấn công người trong môi trường tự nhiên – ngoại trừ một số con cá voi sát thủ từng gây ra những vụ tai nạn chết người trong môi trường nuôi nhốt. Ngược lại, con người đã nhiều lần tàn sát quần thể cá voi sát thủ và đẩy chúng vào nguy cơ tuyệt chủng.
Nhưng bắt đầu từ tháng 7 vừa rồi, một loạt các vụ tấn công tàu thuyền do cá voi sát thủ gây ra đã được ghi nhận ngoài khơi bán đảo Iberia nằm ở phía tây nam Châu Âu. Nghiên cứu mới cho thấy ba con cá voi sát thủ ở tuổi vị thành niên đã liên tục tấn công đi tấn công lại nhiều tàu thuyền cỡ trung của con người.
Chúng còn kéo theo 2 con cá voi sát thủ trưởng thành khác vào hành động mang hình thái của những vụ trả đũa. Các nhà khoa học cho biết hành vi này của cá voi sát thủ rất bất thường, và họ vẫn đang điều tra động cơ cuối cùng của những con cá voi còn non trẻ này là gì?
Kể từ tháng 7, các nhà khoa học đã ghi nhận 33 vụ đụng độ giữa thuyền buồm và cá voi sát thủ. Trong đó có 6 vụ xảy ra ở eo biển Gibraltar, 5 vụ ở ngoài khơi bờ biển Bồ Đào Nha và 22 vụ ở gần khu vực Galacia.
Tần suất của các vụ đụng độ dày đặc đến nỗi nhà chức trách Tây Ban Nha đã phải ra lệnh cấm tạm thời đối với các du thuyền cỡ nhỏ đi trên tuyến hải trình dọc theo bờ biển Iberia. Lệnh cấm dựa trên các bằng chứng cho thấy những con cá voi sát thủ đang nhắm mục tiêu vào những chiếc thuyền cỡ trung, có kích thước từ 15 mét trở xuống.
Các vụ đụng độ của cá voi sát thủ với tàu thuyền dường như đều là những vụ tấn công có chủ ý. Những con cá sẽ phát động tấn công theo đàn, chúng phối hợp với nhau theo từng đợt kéo dài khoảng một giờ đồng hồ.
Khoảng một phần ba số vụ đụng độ này đã gây ra thiệt hại đáng kể cho các con thuyền. Theo một nhóm chuyên gia gia quốc tế đang làm việc trong khu vực này, những con cá voi sát thủ thường tấn công vào phần yếu nhất của con tàu là bánh lái.
Họ chưa thể giải thích hành vi kỳ quặc này của những con cá voi sát thủ. Liệu chúng làm vậy vì thiếu thức ăn, hay đơn giản là khó chịu với sự hiện diện trở lại của con người sau thời gian phong tỏa vì đại dịch?
Để tìm hiểu điều gì đang xảy ra, hai nhà sinh học biển Alfredo López đến từ Đại học Aveiro ở Bồ Đào Nha và Jose Cedeira từ Mạng lưới Điều phối viên Nghiên cứu Động vật biển có vú (CEMMA) đã xem xét các bức ảnh cá voi sát thủ được chụp gần đây ở khu vực ngoài khơi bán đảo Iberia. Họ cũng lục lại kho lưu trữ các tấm ảnh cá voi sát thủ đụng độ với thuyền trong quá khứ.
Kết quả bất ngờ tiết lộ 3 con cá voi sát thủ ở độ tuổi vị thành niên tham gia vào 61% các vụ đụng độ với thuyền của con người. Hai con cá voi sát thủ trưởng thành cũng liên đới, nhưng các nhà nghiên cứu chưa xác định được chính xác danh tính của chúng.
Về phần những thủ phạm đã được nhận diện, đó là 3 con cá voi sát thủ rất trẻ được đặt tên trong hồ sơ là Gladis Black, Gladis White và Gladis Grey. Bằng chứng từ ảnh chụp cho thấy hai trong số 3 con cá voi này - Gladis Black và Gladis White - có một loạt các chấn thương thể chất trong khoảng thời gian từ ngày 20 tháng 6 đến ngày 3 tháng 8.
Nhóm nghiên cứu đã lập bản đồ các vết thương và xác định chúng có thể là hậu quả của việc đụng độ với tàu thuyền. Hình thức của các vết thương cho thấy những con cá voi sát thủ đã đâm vào những chiếc thuyền đang đi ngang qua. Một số hình thái vết thương khác cho thấy chúng có thể đã giật cá ngừ từ những dây câu dài của con người.
Các chuyên gia cho biết những con cá voi sát thủ ở tuổi vị thành niên thường tiếp cận tàu thuyền của con người vì tính tò mò và hiếu kỳ của một sinh vật thông minh. Đuôi tàu là phần thường hấp dẫn chúng nhất vì đây là vị trí chứa động cơ và phát ra tiếng động ồn ào.
Thế nhưng, hồ sơ của các vụ tấn công kể từ tháng 7 cho thấy lũ cá voi sát thủ ở ngoài khơi bán đảo Iberia không chỉ nhắm vào đuôi tàu. Chúng cũng đã lặp đi lặp lại hành vi của mình ở các vị trí khác trên cấu trúc tàu – một hành vi chưa từng được ghi nhận.
Giả thuyết mà các nhà nghiên cứu có được vào lúc này, đó là hành vi của những con cá voi mang tính trả đũa cho một tai nạn nào đó. Có thể có một chiếc thuyền di chuyển ở tốc độ cao vô tình hoặc cố ý mà đã đâm phải một con cá voi sát thủ. Sau đó, những con cá đã gọi đồng đội của mình quay trở lại tấn công tất cả những chiếc thuyền khác trong khu vực.
Trong quá trình tấn công đó, những con cá voi có thể đã học được chiến lược tấn công thuyền bè của con người. Đầu tiên, chúng sẽ nhắm vào mọi vị trí ngẫu nhiên của đáy thuyền, cho đến khi dừng được một con thuyền bằng cách đơn giản là húc vào bánh lái mỏng manh của nó.
Từ đây, mô hình tấn công của cá voi sát thủ bắt đầu tập trung vào điểm yếu này và chúng liên tục thành công, mặc dù cũng phải trả giá bằng những vết thương đáng kể.
Các nhà khoa học cho biết mặc dù tất cả các vụ tấn công không gây ra thiệt hại đến tính mạng hay sức khỏe con người, nhưng hành vi mới của ba con cá voi sát thủ chưa trưởng thành có thể tiềm ẩn những nguy cơ cho chính chúng.
Chủ động tấn công con người luôn là một hành vi nguy hiểm và hết sức thiếu khôn ngoan. Cá voi sát thủ từng bị coi là một loài cạnh tranh chiến lợi phẩm với ngư dân, và những người ngư dân đôi khi coi chúng là động vật gây hại.
Bây giờ, nếu những con cá voi sát thủ non trẻ học được hành vi tấn công tàu thuyền của con người, chúng sẽ biến loài của mình trở thành một động vật gây hại thực sự. Những người ngư dân có thể chủ động loại trừ chúng. Luật pháp của một số quốc gia thậm chí cho phép hành động này, mặc cho một số loài cá voi sát thủ được đưa vào danh sách động vật có nguy cơ tuyệt chủng.
Tham khảo Gizmodo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét