Giấy tờ công chứng có giá trị trong bao lâu?
Tôi làm một số thủ tục hành chính có sử dụng bản sao công chứng, chứng thực nhưng bị từ chối với lý do bản sao thực hiện đã quá 6 tháng. Xin hỏi, việc này căn cứ quy định gì? (Thanh Lan)
Luật sư tư vấn
Đầu tiên chúng ta cần hiểu pháp luật quy định về giá trị của văn bản chứng thực, văn bản công chứng ra sao.
Văn bản chứng thực theo khoản 1, 2 điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch quy định: "Bản sao được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định này có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác...".
Văn bản công chứng theo Luật Công chứng Số: 53/2014/QH13 không có quy định về thời hạn có hiệu lực của bản công chứng, chứng thực.
Từ đó, tôi cho rằng bản sao công chứng, chứng thực không bị giới hạn về khoảng thời gian có hiệu lực. Văn bản có giá trị vô thời hạn.
Bản sao được công chứng, chứng thực có thể chia thành hai loại, xét dưới góc độ thực tiễn:
Bản sao "vô hạn": Được chứng thực từ giấy phép lái xe, bảng điểm, bằng cử nhân... có giá trị vô hạn, trừ trường hợp bản chính đã bị thu hồi, hủy bỏ.
Bản sao "hữu hạn": Được chứng thực từ các loại giấy tờ có xác định thời hạn như Giấy chứng minh nhân dân (15 năm), Phiếu lý lịch tư pháp (6 tháng), Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (6 tháng)... . Các bản sao này chỉ có giá trị sử dụng trong thời hạn bản gốc còn hạn sử dụng. Tuy nhiên, giá trị chứng cứ của bản sao trong trường hợp này vẫn có bởi nó xác nhận các sự kiện pháp lý đã xảy ra trong quá khứ. Ví dụ lúc đó công dân có số chứng minh nhân dân như trên bản sao, đương sự chưa kết hôn với ai...
Với những tài liệu thường có sự biến động, thay đổi trong quá trình sử dụng như giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép đầu tư, sổ hộ khẩu..., cán bộ thụ lý có quyền yêu cầu đương sự xuất trình bản chính (bản gốc) để đối chiếu chứ không có quyền yêu cầu đương sự nộp bản sao mới.
Luật sư Quách Thành Lực
Đoàn Luật sư Hà Nội
Những loại hợp đồng cần phải công chứng mới có giá trị pháp lý
Việc công chứng hợp đồng về nhà ở được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng, nếu chứng thực thì tại ủy ban xã.
Khoản 1 điều 2 Luật Công chứng 2014 nêu: Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (hợp đồng, giao dịch); tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.
Công chứng hợp đồng, giao dịch do cơ quan bổ trợ tư pháp cụ thể là Phòng Công chứng và Văn phòng Công chứng thực hiện. Việc công chứng giúp bảo đảm nội dung của một hợp đồng, một giao dịch, công chứng viên chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch đó.
Luật sư Phạm Thanh Bình, Hà Nội cho biết hiện tại pháp luật không quy định hợp đồng, giao dịch được chứng thực hoặc được công chứng cái nào có giá trị pháp lý cao hơn. Do đó, người dân có thể lựa chọn giữa công chứng hoặc chứng thực. Thực tế cho thấy các hợp đồng, giao dịch được công chứng sẽ được đảm tính hợp pháp và giảm thiểu được nhiều rủi ro hơn.
Các loại hợp đồng bắt buộc công chứng
- Hợp đồng mua bán nhà ở
- Hợp đồng tặng cho nhà ở, bất động sản
- Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất
- Hợp đồng mua bán bất động sản đấu giá
- Hợp đồng đổi nhà ở
- Hợp đồng góp vốn bằng nhà ở
- Hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.
- Hợp đồng thế chấp nhà ở.
- Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất.
- Hợp đồng chuyển nhượng mua bán nhà ở thương mại.
- Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất.
- Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
- Hợp đồng thế chấp tài sản.
- Hợp đồng bảo lãnh.
- Hợp đồng trao đổi tài sản.
- Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ.
- Di chúc được lập bằng tiếng nước ngoài.
- Văn bản thừa kế nhà ở, quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.
Trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.
Điều 122 Luật Nhà ở 2014 quy định trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng.
Điều 459 Bộ luật Dân sự 2015 quy định tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật.
Việc công chứng hợp đồng về nhà ở được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng. Việc chứng thực hợp đồng về nhà ở được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có nhà ở. Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm công chứng, chứng thực hợp đồng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét