Sự tích thú vị về tết Trung thu
Tết Trung thu được tổ chức vào Rằm tháng 8 Âm lịch hàng năm. Có rất nhiều sự tích về nguồn gốc của Tết Trung thu.
Sự tích về Tết Trung thu1
Truyền thuyết về Hằng Nga và Hậu Nghệ có nhiều dị bản khác nhau. Phiên bản phổ biến nhất được lưu truyền như sau: Vào thời xa xưa, trên bầu trời xuất hiện cùng lúc 10 mặt trời, thiêu đốt cỏ cây và khiến cuộc sống con người khốn khó.
Lúc này, một cung thủ có tên Hậu Nghệ xuất hiện và bắn rụng 9 mặt trời. Anh đã để lại một mặt trời, hàng ngày tỏa sáng và đem lại sự sống tốt tươi cho trái đất. Sau đó, Hậu Nghệ gặp gỡ và kết hôn cùng một người phụ nữ tốt bụng, xinh đẹp tên Hằng Nga.
Để trả ơn cho Hậu Nghệ, Tây Vương Mẫu đã ban cho anh một viên thuốc trường sinh bất tử để giúp anh thành thần. Tuy nhiên, vì muốn sống bên người vợ của mình, Hậu Nghệ đã cất giấu viên thuốc trong một chiếc hòm.
Sự việc truyền đến tai Bàng Mông (Peng Meng), một học trò của Hậu Nghệ. Hắn đã nảy sinh ý đồ đánh cắp viên thuốc. Khi Hậu Nghệ đi săn, tên học trò đã ép Hằng Nga phải giao viên thuốc.
Trong tình huống cấp bách, cô đành nuốt trọn viên thuốc tiên và hóa phép bay thẳng về trời. Để được gần bên chồng, Hằng Nga ở lại cung trăng, ngày đêm trông ngóng về quê hương.
Vì quá thương nhớ người vợ hiền, cứ vào dịp trăng tròn, Hậu Nghệ lại bày một mâm cỗ với những món vợ thích, mong cô có thể trông thấy từ cung trăng. Phong tục này được người dân noi theo và dần trở thành lễ Trung thu, với mong ước sum vầy và cầu may từ Hằng Nga.
Sự tích về Tết Trung thu 2
Có chuyện kể rằng một vị tướng tên là Lưu Tú ở đời nhà Tây Hán, từ năm 206 trước Tây lịch tới năm 23 Tây lịch, trong lúc quân tình khốn quẫn đã cầu Thượng Đế giúp cho quân lính có đồ ăn để chờ quân tiếp viện.
Sau khi cầu Thượng Đế, quân lính tìm được khoai môn và bưởi để ăn. Nhờ đó sau này Lưu Tú mới bình định được toàn quốc và lên làm vua tức là vua Quang Võ nhà Hậu Hán.
Ngày mà Lưu Tú cầu được linh ứng là ngày Rằm tháng 8. Từ đó nhà vua truyền lệnh cứ đến rằm tháng tám là làm lễ tạ trời đất và thưởng trăng bằng khoai môn và bưởi. Ngày lễ trọng thể vui tươi này được gọi là Tết Trung thu.
Tục lệ này được truyền sang Việt Nam và đã được người Việt sửa đổi để thích hợp với tính tình và phong tục Việt.
Theo các nhà khảo cổ học thì Tết Trung thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ.
Nghiên cứu về nguồn gốc Tết Trung Thu, theo học giả P.Giran (trong Magiet Religion, Paris, 1912) từ xa xưa, ở Á Đông người ta đã coi trọng Mặt Trăng và Mặt Trời, coi như một cặp vợ chồng.
Họ quan niệm Mặt Trăng chỉ sum họp với Mặt Trời một lần mỗi tháng (vào cuối tuần trăng). Sau đó, từ ánh sáng của chồng, nàng trăng mãn nguyện đi ra và dần dần nhận được ánh dương quang - trở thành trăng non, trăng tròn, để rồi lại đi sang một chu kỳ mới.
Do vậy, trăng là âm tính, chỉ về nữ và đời sống vợ chồng. Và ngày Rằm tháng 8, nàng trăng đẹp nhất, lộng lẫy nhất, nên dân gian làm lễ mở hội ăn Tết mừng trăng.
Việt Nam là một nước nông nghiệp nên nhân lúc tháng Tám gieo trồng đã xong, thời tiết dịu đi, là lúc mọi người mở hội cầu mùa, ca hát vui chơi Tết Trung thu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét