CÁC LOẠI NĂNG LƯỢNG VÀ TÁC DỤNG CỦA KHÍ CÔNG

6:53:00 SA

 

Nếu bạn vào google, tìm kiếm từ khóa “khí công”, google sẽ cho ra 184 triệu kết quả trong 0,26 giây, cao hơn cả từ khóa “bóng đá” với 153 triệu kết quả trong 0,33 giây. Điều này chứng tỏ mối quan tâm của cộng đồng đối với khí công là rất lớn, nguyên nhân là do tác dụng tích cực của nó đối với sức khỏe tinh thần và thể chất của con người.

Đối với giới khoa học, khí công vẫn là thứ gì đó rất huyền bí, đôi lúc mang dáng vẻ hoang đường. Nhưng ít người biết rằng đã có hàng trăm nghiên cứu khoa học và hàng ngàn thực nghiệm đã chứng minh được sự tồn tại vật chất và tác dụng của khí công.

Ở Việt Nam, hầu như chưa có bất cứ một nghiên cứu khoa học chính thống nào được thực hiện với khí công. Tuy vậy, ở Trung Quốc, giai đoạn từ năm 1979 đến năm 1999, gần như toàn bộ các cơ sở nghiên cứu khoa học ở Trung Quốc đều có bộ phận nghiên cứu về khí công. Hầu hết các báo cáo khoa học về khí công đều chứng minh những tác dụng kỳ diệu đối với sức khỏe thể chất hoặc tinh thần của con người.

Bài viết này sẽ tổng hợp các đánh giá và phân tích của hơn 100 báo cáo khoa học ở Trung Quốc và thế giới, chứng minh sự tồn tại vật chất của “khí” và “công” cũng như tác dụng của khí công.

1. Khí công là gì?

Khí công (氣功, qigong hay chikung) là một thuật ngữ của Trung Quốc dùng để chỉ rất nhiều hệ thống luyện tập cơ thể để đạt được sức khoẻ [1] hay luyện tập võ thuật hoặc kết hợp giữa luyện tập cơ thể và luyện tập tinh thần để tự giác ngộ. [3]

(ảnh qua hivedalston.wordpress.com)

Danh từ khí công mới xuất hiện vào thời kỳ Đại cách mạng Văn hóa tại Trung Quốc (1966-1976), chủ yếu được dùng để gọi tên các môn tu luyện có liên quan đến tín ngưỡng hoặc tu luyện mật truyền từ xa xưa, bắt nguồn từ 2 từ “khí” và “công” nhằm để tránh bị bài xích và đàn áp vào thời kỳ đó [4]. Sau đó, từ khí công cũng được sử dụng để chỉ các phương pháp luyện tập của các trường phái võ thuật hoặc các môn luyện tập cơ thể mới được ra đời sau năm 1980.

Định nghĩa của từ “khí” () thường xoay quanh các nghĩa như “hít thở”, “không khí” và “hơi nước” nhưng theo lý thuyết của người Trung Quốc thì nó cũng có thể dùng trong trường hợp mô tả một loại vật chất mà mắt người không nhìn thấy được, nó liên quan đến năng lượng và tinh thần [4, 5].

Từ “công” () có nghĩa là thành quả, kết quả, hoặc là một loại vật chất có năng lượng cao. Hai từ này hợp lại dùng để mô tả các hệ thống và phương pháp “tu dưỡng năng lượng” và sử dụng nguồn năng lượng bên trong các cơ thể sống. [4, 6]

Khí công được phân thành 3 loại chính:

1. Khí công trị bệnh và nâng cao sức khỏe: Y học cổ truyền Trung Quốc có một khoa mục là “khí công trị bệnh” có tác dụng nâng cao sức khỏe, phòng và chữa trị bệnh tật [7].

2. Khí công võ thuật: sử dụng phép vận khí, tụ khí (khí được xem là một loại năng lượng trong cơ thể) để tăng khả năng chống đỡ các đòn đánh, nâng cao khả năng võ thuật [8].

3. Khí công tu luyện: Khí công tu luyện còn được gọi là khí công tu nội gồm có các trường phái như khí công Đạo gia, khí công Phật gia. Khí công tu luyện chú trọng về những điều vượt khỏi chữa bệnh khoẻ người, giảng về tầng thứ (cảnh giới tư tưởng) cao hơn, chú trọng về hàm dưỡng và tâm tính. [4]

2.Hệ thống lý luận và phương pháp tu luyện của khí công

Với các môn khí công trị bệnh và nâng cao sức khỏe hay khí công võ thuật, điều được dạy cho người học chủ yếu là : phương pháp thở thuần túy  (thở không khí và thở với ý thức thu nhận sinh khí của vũ trụ ) .Hoặc phương pháp vừa thở vừa kết hợp với  các động tác, tư thế luyện tập. Hầu hết các môn này chú trọng đến việc “luyện động tác”.

Thái Cực Quyền, một môn khí công võ thuật (ảnh: internet)

Như đã đề cập, khí công chỉ là tên gọi hiện đại của các pháp môn tu luyện cổ xưa để tránh bị bài xích do tư tưởng cực tả nghiêm trọng thời Cách mạng Văn hóa. Các pháp môn tu luyện này đều chú trọng việc tu sửa tâm tính, nâng cao tiêu chuẩn đạo đức, cảnh giới tinh thần. Bởi vì vật chất và tinh thần là một thể thống nhất, nên khi đạo đức, tinh thần được đề cao, thì thân thể vật chất của người tu luyện cũng có những biến đổi to lớn. [67]

Với các môn khí công tu luyện (khí công tu nội), điều được dạy không chỉ là luyện động tác, mà cả việc tu sửa tâm tính. Mục tiêu hướng đến của các môn khí công này là sự giác ngộ chứ không phải là chữa bệnh khỏe người, nhưng trong quá trình tu luyện, khi đạt được yêu cầu về tiêu chuẩn tâm tính, thì bệnh tật của người tu luyện cũng sẽ đồng thời được thanh lý.

Hầu hết các môn khí công đang được phổ biến rộng rãi đều không có hệ thống lý luận hoàn chỉnh, điều được dạy cũng chủ yếu theo hình thức truyền khẩu. Các môn khí công mật tu đơn truyền mặc dù có thể có hệ thống lý luận cụ thể, nhưng cũng chỉ được truyền thụ từ sư phụ đến đệ tử qua hình thức khẩu truyền hoặc tâm truyền, hoàn toàn không lưu lại sách vở.

3. Năm phương pháp khoa học đo lường sự hiện hữu vật chất và tác dụng của ngoại khí

Năm 2004, Tiến sỹ Kevin W. Chen tại Đại học Y tế và Nha khoa New Jersey, Hoa Kỳ đã có báo cáo khoa học đăng trên tạp chí Các liệu pháp thay thế (Alternative Therapies) với tựa đề “Một đánh giá phân tích về các nghiên cứu về đo lường tác động của ngoại khí ở Trung Quốc”. [9]

Nhằm giúp cho những nhà khoa học sau này tránh lặp lại những nghiên cứu đã thực hiện trước đó, báo cáo khoa học của Tiến sỹ Kevin đã phân tích, đánh giá 97 nghiên cứu khoa học về việc xác định sự tồn tại dưới dạng vật chất và đo lường tác dụng của ngoại khí (khí phát ra ngoài thân thể – External Qi – EQ, có thể được coi là bao gồm cả “khí” và “công”) của các thầy chữa bệnh bằng khí công tại Trung Quốc, giai đoạn đầu những năm 1980 đến cuối những năm 1990, dựa trên 5 phương pháp phát hiện ngoại khí khác nhau:

  • Máy phát hiện tín hiệu vật lý
  • Phương pháp động hóa học
  • Sử dụng vật liệu sinh học làm phương tiện phát hiện
  • Sử dụng các động vật sống làm phương tiện phát hiện
  • Sử dụng cơ thể người làm phương tiện phát hiện

Dưới đây là kết quả đo lường sự tồn tại vật chất và tác động của ngoại khí dựa trên 5 phương pháp khoa học được 97 báo cáo khoa học nói đến:

3.1. Bằng máy phát hiện tín hiệu vật lý

Máy phát hiện tín hiệu vật lý là công cụ chính trong giai đoạn đầu nghiên cứu ngoại khí. Nhiều nghiên cứu ban đầu đã đo lường tác dụng của ngoại khí ở các khía cạnh vật lý như: ánh sáng, điện, nhiệt, âm và từ tính. Một số kết quả như sau:

Khi một khí công sư phát khí để chữa bệnh, một máy đo nhiệt độ loại AGA có thể hiển thị toàn bộ quá trình phát khí với dòng nhiệt di chuyển từ cánh tay đến lòng bàn tay và cuối cùng đến đầu ngón tay của khí công sư. Sau đó nhiệt độ bề mặt của khu vực bị bệnh của bệnh nhân tăng lên 3oC mặt dù 2 người cách xa nhau một mét [11].

Video một khí công sư phát khí đốt cháy tờ báo trước mặt các phóng viên phương Tây:

Học viện Y học Trung Quốc, Thượng Hải đã thực hiện hơn 900 thực nghiệm để xác định dòng chảy của các hạt vật chất trong ngoại khí. Trong thí nghiệm, một máy phát hiện vi áp suất được đặt cách người luyện khí công các khoảng cách từ 0,5 – 2 mét đã đo thấy sóng áp suất xuất hiện khi người đó phát khí. Điều đó chứng tỏ có các hạt vật chất có khối lượng chưa được xác định đã phát ra từ khí của người luyện khí công [10]. (xem bài: Công năng đặc dị: Trương Bảo Thắng đi xuyên tường và khôi phục vật thể).

Nhiều nghiên cứu đã sử dụng các máy dò vật lý khác nhau, bao gồm từ trường, tia hồng ngoại, sóng siêu âm, tia Gamma, vi sóng, tia X, tín hiệu vô tuyến tần số cao, v.v., và cũng đều xác định được các tín hiệu vật lý tạo ra bởi những người tập khí công.

3.2. Bằng phương pháp động hóa học

Đến cuối những năm 1980, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng ngoại khí có thể ảnh hưởng đến một số phản ứng hóa học, ví dụ như đẩy nhanh quá trình phản ứng.

Một phản ứng hóa học được sử dụng thường xuyên để phát hiện hiệu ứng ngoại khí là:

Trong điều kiện bình thường, hydro peroxide (H2O2) sẽ dần dần phân hủy thành nước và oxy. Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của ngoại khí, phản ứng phân hủy có thể nhanh hơn nhiều. Chúng ta có thể dễ dàng xác định sự ảnh hưởng của ngoại khí bằng cách đo thể tích oxy. [12]

Phản ứng hóa học sau đây được sử dụng để phát hiện ngoại khí, khó thực hiện hơn:

Hexane bình thường (n-C6H14) và brom, dưới ánh sáng mạnh, sẽ tạo ra bromohexane và hydro bromide. Phản ứng không xảy ra trong điều kiện ánh sáng bình thường. Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của ngoại khí, phản ứng sẽ xảy mà không cần ánh sáng mạnh và màu nâu riêng biệt của Br2 biến mất [13, 14].

Kết quả này cho thấy ngoại khí có thể chứa thành phần ánh sáng hay photon…

3.3. Thông qua vật liệu sinh học

Hàng trăm dự án nghiên cứu đã được thực hiện để khám phá tác động của ngoại khí đối với thực vật, vi khuẩn, tế bào ung thư ở người và các vật liệu sinh học khác, và hầu hết chúng đều có một số phát hiện tích cực, mặc dù không phải tất cả nghiên cứu đều có thiết kế hoàn chỉnh với biện pháp kiểm soát phù hợp.

Hầu hết các nghiên cứu đều báo cáo tác dụng ức chế ngoại khí đối với sự phát triển ung thư [25], ví dụ như tế bào ung thư gan ở người (BEL-7402), tế bào ung thư phổi (SPC-A) [17].

Nhiều nhà nghiên cứu đã báo cáo rằng tác dụng của ngoại khí có thể đẩy nhanh quá trình nảy mầm và phát triển của các loại hạt giống khác nhau, bao gồm gạo, lúa mì, đậu Hà Lan, đậu phộng và nhiều loại thực vật khác [18-23]. (Xem bài: Hạt giống nảy mầm cực nhanh nhờ năng lượng khí công).

Tôn Trữ Lâm trong một thí nghiệm đẩy nhanh sự nảy mầm của hạt giống (ảnh qua: collective-evolution.com)

Trung tâm Nghiên cứu Miễn dịch học ở Bắc Kinh đã thực hiện một loạt nghiên cứu về tác dụng hai chiều của ngoại khí từ khí công sư Bao Guiwen đối với sự phát triển của vi khuẩn (E-coli).

Khi ý định của người chữa bệnh khí công là tiêu diệt vi khuẩn, tỷ lệ ức chế tăng trưởng E-coli so với nhóm đối chứng (nhóm không được chữa bằng khí công) dao động từ 45% đến 91%.

Trong cùng điều kiện, khi mục đích của người chữa bệnh khí công là thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn, tốc độ tăng trưởng E-coli trong nhóm khí công nhanh hơn 2,3 đến 6,9 lần so với nhóm đối chứng.

Các thí nghiệm được lặp lại 20 lần trước khi công bố kết quả [24].

Các nghiên cứu như thế này chính thức đưa khái niệm về ý thức hoặc tính định hướng vào việc khám phá hiệu ứng ngoại khí.

3.4. Thông qua động vật sống

Đây có lẽ là lĩnh vực được lặp lại nhiều nhất trong các nghiên cứu khí công, gồm nhiều nghiên cứu có chất lượng được kiểm soát cao, cung cấp cơ sở khoa học tốt để giải thích cơ chế trị liệu khí công trong điều trị ung thư.

Nghiên cứu trong cơ thể sống về tác dụng ngoại khí trên chuột mang khối u cho thấy tác dụng ức chế đáng kể của ngoại khí đối với các tế bào ung thư trong các nghiên cứu khác nhau [16, 26]. Cụ thể:

Nghiên cứu của Qian và đồng sự kiểm tra ảnh hưởng của ngoại khí đối với sự phát triển ung thư, sự di căn và thời gian sống của vật chủ. Mô hình khối u đã được tạo ra ở 114 con chuột bằng cách cấy tế bào U27 hoặc MO4 vào mô dưới da của chúng. Những con chuột bị cấy ghép khối u được chia ngẫu nhiên thành hai nhóm điều trị trong ba nghiên cứu riêng biệt – nhóm khí công (tiếp xúc với ngoại khí 10 đến 30 phút mỗi ngày trong một khoảng thời gian) và nhóm đối chứng (không điều trị). Kết quả:

  • Trong nghiên cứu 1, khối lượng khối u trung bình trong nhóm khí công thấp hơn đáng kể so với nhóm đối chứng (2,2 so với 6,3 cm3).
  • Trong nghiên cứu 2, tỷ lệ di căn ở nhóm ngoại khí thấp hơn đáng kể so với nhóm đối chứng (1/16 so với 6/15).
  • Trong nghiên cứu 3, thời gian sống trung bình trong các nhóm được phát khí (n = 10) dài hơn đáng kể so với nhóm đối chứng (35,4 so với 30,5 ngày).

Các nhà nghiên cứu này cũng đã thực hiện các nghiên cứu tương tự với các thiết kế khác nhau và mỗi nghiên cứu đều cho ra cùng một kết luận [30, 31].

Một số nhà nghiên cứu khác đã báo cáo độc lập với những phát hiện tương tự, cho thấy ngoại khí có tác dụng tích cực đối với việc ức chế sự phát triển của khối u, tăng cường chức năng của các cơ quan cơ thể, tăng chức năng miễn dịch (tế bào NK và bạch cầu) hoặc giảm lượng đường trong máu ở chuột khi so sánh với các nhóm kiểm soát [16, 20, 29, 34, 35].

Ngoài chuột, những động vật được sử dụng thường xuyên nhất trong phòng thí nghiệm, các động vật khác, chẳng hạn như ruồi [27], thỏ [66], cá [15, 28], chó [32], cóc [33] và lợn [34] cũng đã được sử dụng để phát hiện tác dụng điều trị của ngoại khí.

Hầu hết các nghiên cứu với động vật được thiết kế để đáp lại chỉ trích rằng tác dụng điều trị của khí công chủ yếu là do hiệu ứng tâm lý của bệnh nhân hoặc gợi ý của nhà trị liệu.

3.5. Thông qua cơ thể người

Hiệu quả điều trị của ngoại khí trực tiếp trên người bệnh đã được báo cáo rộng rãi trong tài liệu [12, 36, 60].

Các trường hợp thuyên giảm hoàn toàn các bệnh như lồi đĩa đệm cột sống thắt lưng [37-41]; và viêm khớp dạng thấp [42-44] đã được báo cáo và ghi nhận rõ ràng. Cũng có các báo cáo về các trường hợp phục hồi hoàn toàn từ u xơ tử cung [45]; đục thủy tinh thể [46]; hen suyễn [47]; và viêm dây thần kinh ngoại biên vai [48-51]. Ngoài ra còn có các báo cáo về sự cải thiện đáng kể đối với gãy xương [52]; bệnh tim mạch [53-55]; mạch không đều [56]; và liệt nửa người [57-59]; và rất nhiều các chứng bệnh khác.


Chữa bệnh bằng ngoại khí (ảnh: gladystisera.com)

Mặc dù hầu hết các báo cáo này dựa trên các nghiên cứu lâm sàng quan sát, thay vì các thử nghiệm lâm sàng mù đôi(khi cả bác sĩ lẫn bệnh nhân đều không biết bệnh nhân đang được điều trị bằng liệu pháp khí công), nhiều nghiên cứu thực sự có một nhóm đối chứng.

Những căn bệnh này đều được coi là không thể chữa được bằng Tây y, nhưng đã đạt được kết quả điều trị đáng ngạc nhiên từ liệu pháp khí công. Do đó, những bệnh nhân sử dụng liệu pháp thông thường là nhóm đối chứng. Mặc dù chúng ta không thể loại bỏ hiệu ứng giả dược, nhưng hiệu quả trị bệnh được báo cáo của ngoại khí đã cho thấy nó tốt hơn nhiều so với bất kỳ hiệu ứng giả dược nào được ghi lại.

Như vậy, bằng các thiết bị đo lường hoặc bằng các phương pháp thực nghiệm, các nhà khoa học đã khẳng định được sự tồn tại vật chất của ngoại khí (có thể được hiểu là bao gồm “khí” và “công”), là thứ những người tập khí công có thể phát ra.

Các báo cáo xác định được rằng các vật chất mà các khí công sư phát ra là rất phong phú, gồm cả từ trường, tia hồng ngoại, sóng siêu âm, tia gamma, vi sóng, tia X, tín hiệu vô tuyến tần số cao, photon và nhiều khả năng là cả những vật chất mà các máy móc hiện nay chưa đo lường được.

4. Hiệu quả của khí công tu nội

Vì hầu hết các môn khí công tu nội là mật tu hoặc không có tài liệu được công bố, nên phần này sẽ tổng hợp báo cáo khoa học về tác dụng của Pháp Luân Công – môn khí công phổ biến, được cho là có hệ thống lý luận độc lập, hoàn chỉnh và luyện tập công khai ở xã hội hiện đại.

Một người phương Tây đang tập bài thiền định của Pháp Luân Công (Ảnh: minghui.org)

Trong báo cáo khoa học trình bày tại Hội nghị Hiệp hội Tham vấn Tâm lý Hoa Kỳ (American Counseling Association) năm 2016, Maraget Trey, Bác sĩ, Tiến sĩ tâm lý người Mỹ đã trình bày kết quả của cuộc khảo sát tại Australia năm 2010, cho thấy hiệu quả về thể chất và tinh thần của những người theo tập môn khí công này [62].

Cuộc khảo sát Australia thực chất là luận án tiến sĩ của Tiến sĩ Lau M. M., được tiến hành bài bản với thiết kế nghiên cứu đầy đủ. Phần khảo sát được tiến hành theo hình thức phiếu hỏi online, phân thành hai nhóm: những người tập Pháp Luân Công (360 người) và những người là người thân, bạn bè, đồng nghiệp của họ – không theo tập môn này (230 người). Việc so sánh hai nhóm này nhằm thu thập những khác biệt về tình trạng sức khoẻ, trạng thái tinh thần của những người có một số điều kiện tương đồng như: môi trường công việc, quá trình làm việc…

Sau đây là một số kết quả của báo cáo:

 



Tháng 6/2016, tại hội nghị chuyên ngành tổ chức ở Chicago (Mỹ) của Hiệp hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO), một báo cáo được trình bày tại hội nghị đã đưa ra kết luận rằng tập luyện Pháp Luân Công có khả năng chữa khỏi hoặc kéo dài sự sống cho người mắc bệnh ung thư. Báo cáo trên trang web chính thức của ASCO có ghi: 149/152 bệnh nhân ung thư sau khi tập Pháp Luân Công đã khỏi bệnh hoàn toàn sau 5 tháng đến 1 năm. Ba người còn lại kéo dài được cuộc sống thêm 56 tháng dù theo theo tiên lượng của các bác sĩ, thời gian của những người này ngắn hơn nhiều [65].

Tuy có khả năng mang lại sức khỏe thể chất cho người tập luyện [61-65], nhưng hệ thống lý luận của Pháp Luân Công lại khẳng định pháp môn này không dùng để trị bệnh và tuyệt đối cấm học viên đi trị bệnh cho người khác. Họ nhấn mạnh vào mục đích của tu luyện là viên mãn, giải thoát, đưa con người lên tầng thứ (cảnh giới tinh thần) cao hơn, môn này yêu cầu học viên hàm dưỡng, tu sửa tâm tính, thăng hoa về đạo đức. Khi đạt được tiêu chuẩn (yêu cầu) tâm tính và đạo đức của người tu luyện, bệnh tật sẽ được loại trừ mà không sử dụng đến tác động của ngoại khí. Không chỉ có vậy, Pháp Luân Công cũng có những lý giải rõ ràng về mối quan hệ giữa vật chất và ý thức, nguồn gốc và mục đích của sinh mệnh con người, căn nguyên của bệnh tật, v.v. [4].

5. Là “mê tín” hay một khoa học cao hơn?

(Ảnh: Shutterstock)

Mặc dù đã tồn tại từ xa xưa và ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại phương Đông lẫn phương Tây, nhưng khí công – phương pháp luyện tập thân thể và tinh thần rất hiệu quả đối với con người – dường như vẫn rất xa lạ, mơ hồ và đôi lúc mang vẻ hoang đường, thậm trí là mê tín đối với giới khoa học.

Bài viết đã cho thấy các nhà khoa học Trung Quốc và nhiều nước khác trên thế giới như Mỹ, Úc… đã có rất nhiều nghiên cứu khoa học nghiêm túc về khí công. Các báo cáo khoa học này đều khẳng định sự tồn tại hiện hữu dưới dạng vật chất của “khí” và “công”. Bằng các thiết bị và phương pháp thực nghiệm khác nhau, các nhà khoa học đã khẳng định rằng các vật chất được các khí công sư phát ra là rất phong phú. Các báo cáo cũng khẳng định tác dụng kỳ diệu của khí công đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của con người.

Việc chứng minh “khí” và “công” tồn tại dưới dạng vật chất và có thể đo lường được bằng các nghiên cứu thực nghiệm khoa học có ý nghĩa rất lớn, giúp chúng ta nhận ra rằng khí công không phải duy tâm, mà vẫn còn nhiều điều chúng ta chưa biết.

“Chúng tôi tin rằng các nghiên cứu khám phá về ngoại khí đã xác minh tác dụng của nó, và đã đến lúc chuyển sang giai đoạn tiếp theo về nghiên cứu khí công. Có một loại nghiên cứu khoa học mới đang được thành lập ở Trung Quốc và Nhật Bản dựa trên các kết quả nghiên cứu trong khí công, đó là khoa học về cơ thể con người, diễn ra song song với khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, đòi hỏi nhiều kiến chuyên ngành và sự hợp tác trong khoa học.” – tiến sĩ Kevin viết trong kết luận báo cáo của mình. [9]

Theohttps://plclagi.com/

 

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.