Chưa xong với Ấn Độ, Trung Quốc lại đòi đất ở Bhutan
Trong cuộc họp do Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) tổ chức, Trung Quốc đã phản đối việc tài trợ cho dự án khu bảo tồn động vật Sakteng do Bhutan quản lý. Trung Quốc bất ngờ tuyên bố đây là “lãnh thổ đang tranh chấp”.
Trung Quốc bất ngờ tuyên bố tranh chấp lãnh thổ với Bhutan (ảnh: India Today)
“Khu bảo tồn Sakteng nằm trong khu vực đang tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan. Đây là vấn đề nằm trong chương trình nghị sự về biên giới Trung Quốc – Bhutan. Trung Quốc phản đối và sẽ không tham gia quyết định của GEF về dự án Sakteng”, đại điện của Trung Quốc ở GEF phát biểu.
Theo India Today, trên thực tế, từ trước đến nay chưa hề có vụ tranh chấp nào giữa Trung Quốc và Bhutan về khu bảo tồn Sakteng. Quan điểm của Trung Quốc đưa ra trong cuộc họp ở GEF khiến nhiều người bất ngờ.
Bhutan không có đại diện trực tiếp tại GEF. Aparna Subramani – quan chức Ấn Độ – là người đại diện cho các nước Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Maldives, Nepal và Sri Lanka ở GEF.
Thông qua người đại diện, Bhutan đã bác bỏ quan điểm của Trung Quốc và cho rằng, khu bảo tồn Sakteng là một phần không thể tách rời của lãnh thổ nước này.
“Bhutan bác bỏ hoàn toàn yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc tại GEF. Khu bảo bảo tồn động vật hoang dã Sakteng là một phần không thể tách rời và có chủ quyền của Bhutan. Trong các cuộc đàm phán về biên giới trước đây, Trung Quốc chưa bao giờ đề cập rằng Sakteng là khu vực tranh chấp”, người đại diện của Bhutan ở GEF phát biểu.
Bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, các thành viên còn lại của GEF vẫn tán thành việc trợ cho dự án khu bảo tồn động vật Sakteng. Giám đốc điều hành của GEF – bà Naoko Ishii – tuyên bố, yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc sẽ không cản trở dự án.
Đây là lần đầu tiên khu bảo tồn Sakteng được đưa ra thảo luận ở một hội nghị quốc tế và Trung Quốc không bỏ qua cơ hội để tuyên bố yêu sách đối với khu vực này, theo India Today.
Trong một diễn biến khác, Ấn Độ đã cấm 59 ứng dụng có liên quan đến Trung Quốc. Ấn Độ cho rằng, những ứng dụng nói trên, bao gồm cả TikTok và UC Browser gây phương hại đến chủ quyền, an ninh của nước này.
Trung Quốc bày tỏ quan ngại về động thái mới nhất của Ấn Độ.
“Chính phủ Trung Quốc luôn yêu cầu các doanh nghiệp tuân thủ luật pháp quốc tế và địa phương. Ấn Độ có trách nhiệm bảo vệ quyền hợp pháp của các nhà đầu tư quốc tế, trong đó bao gồm Trung Quốc”, Triệu Lập Kiên – phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – phát biểu.
https://www.24h.com.vn/tin-tuc-quoc-te/chua-xong-voi-an-do-trung-quoc-lai-doi-dat-o-quoc-gia-khac-c415a1161718.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét