Giây phút cuối cùng của bệnh nhân nhiễm virus corona tại Italia
Dân trí Một bác sĩ tại Italia đã tiết lộ những thời khắc cuối cùng của bệnh nhân qua đời vì virus corona, trong đó có nguyện vọng được nói lời tạm biệt với những người thân của họ.
“Khi họ sắp qua đời, họ cảm nhận được điều đó”, bác sĩ Francesca Cortellaro tại bệnh viện San Carlo Borromeo ở Milan, vùng Lombardy chia sẻ.
“Bạn có biết cảm giác kinh khủng nhất là gì không? Đó là phải chứng kiến cảnh những bệnh nhân ra đi một mình, phải nghe thấy họ van nài bạn rằng, hãy cho họ được từ biệt các con cháu của họ”, bác sĩ Cortellaro nói với nhật báo Il Giornale.
Bác sĩ Cortellaro cho biết các bệnh nhân nhiễm virus corona vẫn tỉnh táo cho tới khi trút hơi thở cuối cùng. Họ chỉ cầu xin bác sĩ được cho họ nói lời cuối với những người thân.
Cortellaro là một trong những bác sĩ làm việc tại vùng Lombardy, tuyến đầu chống dịch Covid-19 ở Italia, kể từ khi dịch bùng phát.
“Các bạn có thấy phòng cấp cứu không? Các bệnh nhân Covid-19 vào đó một mình, không người thân nào của họ được vào cùng”, bác sĩ Cortellaro cho biết.
“Họ vẫn tỉnh táo, không mắc chứng ngủ rũ. Giống như họ đang chết đuối vậy, nhưng trong khoảng thời gian đủ chậm để họ vẫn nhận thức được tình hình”, bà Cortellaro nói thêm.
Bác sĩ Cortellaro cho biết, thông thường, cách duy nhất để bệnh nhân nói lời chào cuối cùng tới người thân của họ là gọi điện thoại qua video.
Theo Chronicle, Cortellaro nhớ lại câu chuyện của một cụ bà, người muốn gặp cháu gái của mình trước khi qua đời.
“Tôi rút điện thoại ra và gọi cho cô ấy qua video. Họ nói lời từ biệt. Ngay sau đó bà ấy qua đời”, bác sĩ Cortellaro nói.
“Bây giờ tôi có một danh sách dài các cuộc gọi video. Tôi gọi đó là danh sách từ biệt”, Cortellaro nói thêm.
Tại bệnh viện nơi bác sĩ Cortellaro làm việc, các nhân viên y tế cho biết “thảm kịch đã xảy ra ở đây”.
"Tâm chấn" dịch bệnh
Các bác sĩ Italia đang phải vật lộn với tỷ lệ bệnh nhân mắc Covid-19 ngày càng tăng. Nhiều người lo sợ rằng hệ thống y tế quốc gia của Italia, vốn được xem là tốt nhất thế giới, có thể không đủ sức để ứng phó với dịch bệnh.
Roberto Cosentini, bác sĩ tại bệnh viện Papa Giovanni XXIII, ví tình hình ở Lombardy như “tâm chấn của một trận động đất chưa có hồi kết”. Ông cho biết phần lớn bệnh nhân thường đến bệnh viện trong tình trạng xấu đến mức phải đặt nội khí quản hoặc sử dụng máy thở.
"Mỗi buổi chiều, tình hình lại giống như một cơn địa chấn mới. Các bệnh viện đều quá tải. Nếu chúng tôi không có thêm giường bệnh, thêm bác sĩ hoặc y tá, chúng tôi sẽ không thể cầm cự được lâu", bác sĩ Cosentini cho biết.
Giáo sư Stefano Muttini, người đứng đầu khoa hồi sức tại bệnh viện San Carlo Borromeo, cũng mô tả tình hình như “cơn sóng thần”. Ông đã quyết định mở rộng phòng hồi sức của bệnh viện để đáp ứng nhu cầu điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus corona. Ông gọi cuộc khủng hoảng hiện nay là “cuộc chạy đua với thời gian”.
Theo ABC News, tại một bệnh viện ở Milan, cứ 5 phút sẽ có một bệnh nhân nhập viện để điều trị virus corona. Bác sĩ Massimo Galli, người đứng đầu khoa bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Sacco, cho biết bệnh viện này đã đến mức quá tải.
Theo bác sĩ Galli, tin tốt là nhiều bệnh nhân khỏi bệnh đã được ra viện, tuy nhiên bệnh viện vẫn không có đủ giường bệnh để chữa trị cho tất cả bệnh nhân. Bác sĩ dự đoán ít nhất 2 tuần nữa, dịch Covid-19 mới có thể lên đến đỉnh tại Italia.
Tại thị trấn Bergamo ở phía bắc Italia, các nhà chức trách buộc phải biến một nhà nguyện của một nghĩa trang thành một nhà xác vì họ không thể xử lý số lượng lớn bệnh nhân tử vong vì virus corona. Bergamo là một trong những thị trấn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 tại Italia.
Nhà nguyện All Saints gần nghĩa trang thành phố đã được chuyển thành nhà xác. Theo Sky News, trung bình mỗi ngày có khoảng 40 quan tài được giữ tại nhà nguyện này trước khi đem chôn cất hoặc hỏa táng. Nghĩa trang này cũng lần đầu tiên bị đóng cửa với công chúng kể từ sau Thế chiến II.
Các nhà hỏa táng hoạt động 24 giờ/ngày, nhưng vẫn không thể đáp ứng được số lượng lớn thi thể bệnh nhân. Gia đình các bệnh nhân thường phải chờ vài ngày trước khi người thân của họ được hỏa thiêu.
Toàn bộ đất nước Italia bị phong tỏa. Tất cả sự kiện tụ tập đông người và các buổi lễ, bao gồm cả lễ tang, đều bị cấm. Điều này đồng nghĩa với việc gia đình các bệnh nhân thậm chí không thể từ biệt người thân của họ trong những giờ phút cuối cùng.
Thành Đạt
TheoDantri - New York Post, Sky, Chronicle
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét