Vì sao Canada chọn hình ảnh lá phong đỏ để thêu lên quốc kỳ?
Andy
Bạn vẫn thường nghe nhắc tới đất nước Canada rộng lớn với một tên gọi đầy màu sắc “xứ sở Lá Phong”, và tất nhiên bạn cũng không hề xa lạ với quốc kì mang hai màu trắng, đỏ và hình ảnh một lá phong lớn ở giữa của quốc gia Bắc Mỹ này. Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi: “Tại sao đất nước này lại chọn một chiếc lá để thêu lên quốc kỳ?” và cây phong thực sự có ý nghĩa như thế nào với những người Canada? Đằng sau chiếc lá rực rỡ ấy là những bí ẩn ngọt ngào đang chờ bạn khám phá.
Một vài nét lịch sử
Trước khi chính thức trở thành biểu tượng trên quốc kỳ của Canada vào mùa xuân năm 1965, hình ảnh chiếc lá phong đã trở nên thân thuộc và phổ biến với những người dân Canada từ thế kỉ 18.
Thời kì đó, chiếc lá phong là biểu tượng cho những người Canada gốc Pháp sinh sống dọc bờ sông Saint Lawrence, nó xuất hiện trên phù hiệu áo giáp của hai tỉnh bang Ontario (lá phong vàng) và Quebec (lá phong xanh) bắt đầu từ năm 1868, và xuất hiện trên quốc huy của Canada một thời gian sau đó. Năm 1867, Alexander Muir đã sáng tác bản nhạc “The Maple Leaf Forever”, bài ca lá phong đã nhanh chóng trở thành quốc ca trong cộng đồng người Canada gốc Anh. Thêm vào đó, hình ảnh lá phong còn xuất hiện trên tất cả các đồng tiền của nước này trong giai đoạn từ 1876 đến 1901.
Theo thời gian, lá phong lặng lẽ đi vào tâm hồn của những người dân nơi đây, dù họ là người gốc Pháp hay gốc Anh. Để rồi, năm 1965, chiếc lá chính thức được chọn để đại diện cho quốc gia, trở thành hình ảnh trung tâm của lá quốc kỳ, theo bản thiết kế của George F. G. Stanley.
Trên lãnh thổ của Canada có tới 10 giống cây phong khác nhau sinh trưởng và phát triển. Tuy nhiên, chiếc lá phong trên quốc kì được thiết kế lại một cách tổng thể, mang hình dáng đặc trưng của lá phong nói chung. Chiếc lá này đại diện cho những người dân Canada thống nhất, không phân biệt gốc Anh, hay gốc Pháp, họ cùng chung sống thuận hòa với nhau trên đất nước rộng lớn thường xuyên tuyết phủ (nền trắng), giữa hai đại dương lớn của trái đất Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương (hai dải đỏ ở hai bên quốc kì).
Những chiếc lá phong thu tạo nên một Canada mơ mộng
Được biết đến là một loài cây có nguồn gốc châu Á và có tới 150 loài khác nhau, nhưng chỉ có 13 loại phong đã du nhập vào Bắc Mỹ. Trong số đó, có 10 loài có thể sinh trưởng một cách tự nhiên ở Canada. Như một mối nhân duyên, cây phong đã hiện diện khắp mọi nơi trên lãnh thổ của đất nước này. Từ những cánh rừng bạt ngàn cho tới những con đường xinh đẹp nơi thành thị, bạn đều có thể bắt gặp sắc màu của lá phong.
Sự “phủ sóng” rộng rãi của giống cây gỗ cao lớn này đã khiến nó trở nên thật thân quen với người dân. Đặc biệt, vào mùa thu, khi sắc lá đổi màu từ xanh rồi thành vàng, thành đỏ, khiến Canada mang một diện mạo thật ấn tượng. Những cánh rừng nhiều màu sắc, những con phố giống như bước ra từ những bức tranh đẹp nhất. Đỏ, vàng, da cam, những sắc màu của lá phong khiến cho người Canada khó có thể hững hờ với mùa thu.
Cho đến năm 1996, cây phong mới chính thức trở thành loài cây đại diện cho đất nước này; nhưng đã từ rất lâu trước đó, loài cây này vẫn âm thầm mang đến cho Canada một nét đẹp rất riêng, những sắc màu thật rực rỡ mỗi độ thu về. Đối với người Canada, sắc màu ngọt ngào của mùa thu như một món quà, nhắc nhở con người tích lũy cho mình những điều cần thiết để chuẩn bị cho một mùa đông giá lạnh đang cận kề.
Phải chăng đây chính là một trong những lý do đầu tiên khiến người dân nước này đồng lòng chọn lá phong làm biểu tượng của họ và dành rất nhiều tình yêu cho lá quốc kỳ hai màu trắng, đỏ?
Cây phong ban tặng cho Canada một món quà ngọt ngào và đầy tiềm năng
Không chỉ mang tới cho Canada một vẻ đẹp tinh tế, bầu không khí trong lành, cây phong còn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống thương mại và văn hóa của người dân nước này.
Cây phong cung cấp cho người dân ở đây một nguồn gỗ quý với độ chắc chắn lớn, màu sắc trang nhã. Nhưng không ở đâu trên thế giới, cây phong lại hào phóng chia sẻ với con người cả thứ nhựa ngọt ngào của nó như ở Canada. Thứ nhựa này thường được biết đến với tên gọi “nước của cây phong” (tiếng pháp: “eau de l’erable). Chỉ khi mùa xuân đến, cây phong sẽ đẩy loại nhựa ngọt dịu (có chứa từ 2-3% đường) từ rễ lên để tiếp thêm sức sống cho cây, chuẩn bị cho một mùa hoa lá mới.
Từ thế kỉ 16, những bộ tộc thổ dân bản địa đã phát hiện rằng, “nước của cây Phong” là một thứ quà quý giá, giúp cuộc sống của họ trở nên ngọt ngào và mạnh khỏe hơn rất nhiều. Bao năm tháng đã trôi qua, nhưng những cây phong vẫn tiếp tục san sẻ nhựa ngọt của mình với con người, giúp Canada trở thành đất nước xuất khẩu Sirop từ nhựa phong lớn nhất thế giới.
Cần đun sôi 40 lít nhựa cây mới tạo nên được một 1 lít sirop. Chính vì vậy người dân ở đây rất trân quý sản phẩm này.
Theo truyền thống, người Canada sẽ dựng những căn lều gỗ trong rừng phong để làm nơi sản xuất sirop. Họ đục những lỗ nhỏ trên thân cây để hứng được nhựa ngọt vào các xô nhỏ được cố định quanh gốc, sau đó đun nóng để cô đặc nhựa trong căn lều gỗ. Nhưng bên cạnh xưởng sản xuất sirop cây phong, mỗi căn lều còn có một phòng ăn rất ấm cúng để có thể đón tiếp các vị khách vào mỗi dịp “lễ hội cây phong”
Đối với người Canada, lễ hội cây phong là một dịp không thể bỏ lỡ, nó diễn ra vào dịp giữa tháng ba, đầu tháng tư, thời điểm những tia nắng đầu tiên của mùa xuân bắt đầu. Lễ hội giống như một món quà của thiên nhiên ban thưởng cho sự kiên cường của con người sau một mùa đông giá rét, đầy tuyết phủ.
Trong dịp lễ hội, các gia đình sẽ tìm đến các “lều gỗ” cũng là các xưởng sản xuất sirop từ cây phong để được tận hưởng những món ăn được làm từ mẻ sirop đầu tiên của mùa xuân, đồng thời cùng nhau chia sẻ không khí của một lễ hội truyền thống ấm cúng, đầy âm nhạc và sự tươi vui.
Nếu có dịp đến thăm một “lều gỗ” sản xuất sirop, bạn hãy đừng bỏ lỡ dịp thưởng thức chiếc kẹo mút được làm từ sirop cây phong được những người chủ nhà hào phóng trải lên chiếc bàn tuyết trắng. Bạn sẽ được tự mình cuốn từng dải sirop vàng óng vào thanh gỗ nhỏ và thưởng thức món quà mà thiên nhiên dành riêng cho đất nước hiền hòa này.
Nếu muốn có được trải nghiệm ngọt ngào này, hãy tới với Canada vào mùa xuân. Bởi các lều sản xuất sirop sẽ chỉ dành một tháng đầu tiên của mùa xuân, thời điểm tinh khôi nhất ấy để đón tiếp du khách và cùng nhau tận hưởng hạnh phúc của mùa xuân đang về.
Lá phong là một phần của bảo vật quốc gia Canada – Những cánh rừng
Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà lá phong trở thành biểu tượng của đất nước Canada và nằm ở vị trí trung tâm của lá quốc kỳ. Canada được biết đến là nước có diện tích rừng đừng thứ ba thế giới, với 400.000.000 hecta rừng trên toàn lãnh thổ, tương đương 10% diện tích rừng của thế giới.
Những cánh rừng này đã biến đất nước này trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới, xét về cả số lượng và chất lượng. Những thị trường khó tính nhất như Nhật Bản và Hoa Kỳ, cũng như những thị trường lớn như Trung Quốc đều đánh giá rất cao chất lượng gỗ nhập khẩu từ quốc gia có hệ thống đánh giá chất lượng gỗ tốt nhất trên thế giới này. 6% dân số của đất nước được làm việc nhờ vào những hợp đồng đến từ những cánh rừng. Bên cạnh đó, rừng còn mang tới nguồn thu khổng lồ cho ngành du lịch.
Tuy nhiên, khi khám phá ra tình yêu của người Canada với những cánh rừng của họ, bạn mới thật sự cảm nhận được với họ, rừng là bảo vật thiêng liêng. Mỗi người dân đều mang một tình yêu và trách nhiệm với việc bảo vệ rừng. Các chính sách về khai thác cũng như duy trì sự phát triển bền vững của rừng ở Canada được coi là đi đầu thế giới. Những quy định và luật lệ liên quan đến khai thác và bảo vệ rừng đều được đánh giá là nghiêm khắc nhất trên thế giới.
Với một quốc gia luôn coi “sức khỏe” của rừng là một trong những mối quan tâm hàng đầu, hình ảnh một chiếc lá trên quốc kì của họ cũng không khó để lý giải.
Vậy là một chiếc lá phong đơn giản lại chứa đựng cả sự ngọt ngào trong cảnh sắc, văn hóa và tình yêu thiên nhiên của con người Canada. Phải chăng đó là lý do, người dân nơi đây rất yêu và tự hào về lá cờ mang hình lá phong của họ. Canada cũng vì thế được gọi là xứ sở của lá phong.
Hải Lam
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét