Không phải là Một câu chuyện cổ tích

3:15:00 CH

Vân ngồi nhỏ thó trên xe lăn – chiếc xe “chuyên dụng” của cô, và bên cạnh là Neil. Trên môi cả 2 lúc nào cũng tươi rói những nụ cười. Cách họ nắm tay nhau, cách họ nhìn nhau âu yếm, kiên nhẫn đợi nhau, lắng nghe nhau đến những giây phút cuối cùng của cuộc trò chuyện đủ để cho chúng tôi thấy về tình yêu của họ.
Khi có ý định gặp Vân, viết nên bài trò chuyện này, chúng tôi đã lên một ý tưởng khác cho bài báo này. Hẳn rằng câu chuyện tình của họ đang rất “hot” trên mạng sẽ được khai thác lại. Sao lại không chứ, khi mà tất cả mọi người đang cần những chuyện “giật gân”, thú vị và cái kết có hậu như cổ tích kia. Chúng tôi định gọi nó là “Chuyện tình Hà Nội” chẳng hạn, dựa theo hàng series phim nổi tiếng nào những “Chuyện tình New York’ “Chuyện tình Paris…”. Câu chuyện của một cô gái khuyết tật Việt Nam, người nhỏ như cái kẹo, vẹo vọ trên xe lăn tìm được tình yêu với người đàn ông ngoại quốc đẹp trai, thông minh, nhân hậu… và nói chung là hoàn hảo bên cạnh. Thế nhưng, kịch bản về “nàng công chúa ếch” và “chàng hoàng tử” như người ta từng ví von đã được thay đổi hoàn toàn. Chúng tôi nhận thấy, không có gì đẹp đẽ hơn, cuốn hút hơn, truyền cảm hứng hơn điều chân thực nhất mà chúng tôi đã để nguyên nó, đặt lên mặt trang báo này cho các bạn…
Hãy cứ để những tâm sự của Vân làm bùng cháy trong lòng các bạn. Chúng tôi tin nó sẽ là như thế!
Bạn có tin không, đó là câu nói được thốt ra từ một cô gái chỉ chừng15 kg, bại liệt, ngồi xe lăn cả cuộc đời?
Cảm xúc đầu tiên khi Vân quyết định làm bạn với Neil? 
Chị biết đấy, bọn em biết nhau qua facebook, qua những tin nhắn, like, comment. Rồi sau này, khi anh ấy bay sang đây thăm em, sau này nữa sống cùng với em thì thời gian đầu em cũng chỉ thấy bình thường. Vì em có nhiều bạn và các bạn em đều rất là tốt. Các bạn chăm sóc em từng tý một. Đi đâu các bạn cũng muốn rủ em đi cùng. Biết rằng đi với em là vất vả hơn, có thêm cả đống việc phải làm như bồng bế em, vác theo xe lăn… nhưng các bạn ấy đều rất vui vẻ, hào hứng. Nên khi có thêm một người bạn như Neil em thấy không quá ngạc nhiên. Nó không có gì khác biệt so với cuộc sống vốn có của mình. Em không lấy đó làm tự hào, xúc động hay hàm ơn gì gì đó.
Nếu có gì đó khác biệt thì chỉ là anh ấy là người nước ngoài thôi. Và anh ấy gần gũi hơn, sẵn sàng làm những việc chi li nhỏ bé cho em.
Thế còn cảm xúc giây phút Neil tỏ tình và ngỏ ý “muốn chăm sóc Vân lâu dài”?
Em cũng hơi ngạc nhiên và xúc động. Cá nhân em thấy bắt đầu nghiêm trọng đây. Trước giờ em chưa suy nghĩ nghiêm túc về mối quan hệ này dù anh ấy sang đây, chung sống với em một quãng thời gian khá lâu rồi.
Vân chưa suy nghĩ nghiêm túc hay Vân thiếu tự tin?
Em chưa suy nghĩ nghiêm túc. Chứ em chưa bao giờ không tự tin hết.
Tại sao lại không tự tin chứ, khi mà em cũng đang có cuộc sống bình thường và tốt đẹp. Em cũng từng có nhiều người yêu, trước khi đến với Neil bây giờ, và những người đó đều yêu thương em, chăm sóc em.
Còn về phía Neil, anh đâu phải là người dị biệt. Anh là người đàn ông tốt, tử tế. Thậm chí anh ấy còn gợi lên trong em một chút thương cảm khi mà em cảm nhận thấy sự cô đơn trong cuộc sống của anh ấy, trong cái công việc triền miên lặp đi lặp lại của anh ấy.  Anh đã ly hôn nhiều năm về trước và 15 năm qua anh ấy sống một mình, không có ai. Một tháng ngủ khách sạn 3 tuần, di chuyển liên tục. Em cũng từng nghĩ, hẳn rằng đi đến đâu anh cũng sẽ có những cô gái ở đấy, hoặc giản đơn chỉ là để mua vui. Nhưng thực chất là khi kết thúc công việc của mình trong 1 ngày, khi về nghỉ ngơi, thì anh ấy lại dành cả thời gian cho em, để chat, để nói chuyện và cho em được nhìn thấy căn phòng mà anh ở.
Khi chúng em chưa gặp thì mối quan hệ của 2 người là bạn bè xã giao. Ngay cả khi Neil quyết định sang thăm em chỉ với một lời mời “Có ai uống trà với em không?” vu vơ trên facebook, thì em vẫn coi anh ấy là một người bạn như bao nhiêu người đã đến và ở lại trong căn phòng chung của mình. Một quá trình thế này: Về thăm, làm bạn, sống chung một nơi trong Trung tâm, quay về Úc đi làm, sau đó mới quay lại sống chung 3 tháng (lúc này là ngủ cùng giường), lúc đó Neil mới quyết định ngỏ lời muốn gắn bó cùng em. Và đến lúc này em mới thấy: À, bắt đầu “hệ trọng” rồi đây. Bởi quá trình trước đó, kể cả khi sống chung…giường, thì với em nó chỉ như là một sự trải nghiệm. Em đã nói với anh ấy: Anh suy nghĩ cho kỹ.
Cũng nói thêm về sự tự tin: Khi anh từ Úc về Việt Nam, anh hỏi em: Anh về rồi, em thế nào? Em trả lời: Thì vẫn bình thường thôi, em vẫn đi làm, vẫn có bạn bè và vẫn tán tỉnh các bạn trai. Và sau đó anh còn bảo anh muốn 1 năm về 2 lần với em có được không? Em bảo: Để em suy nghĩ, nếu lúc đó phòng em còn trống chưa có anh nào vào thì có thể được.
Chính sự tự tin sẽ làm mình dễ chịu, hài hòa, nhẹ nhõm, bản lĩnh và yêu đời.
Vân có biết vì sao mà Neil “ấn tượng” và quyết định gắn bó với Vân không?
Khi Neil quen em và mãi tận sau này, Neil có biết em làm công việc gì đâu.Trên facebook của em chỉ toàn ảnh em chụp đi chơi khắp nơi, đi shopping, ăn uống với bạn bè. Anh thấy em hay đi chơi và có nhiều bạn bè. Đơn giản anh chỉ thấy em là người lạc quan. Người có nhiều bạn bè như thế hẳn là người thú vị.
Thế còn gia đình Neil, họ nghĩ gì khi con trai họ yêu Vân, và quyết định ở lại Việt Nam sống? 
Em không biết phía sau đó có gì hay không? Nhưng em có hỏi Neil thì anh ấy nói mọi người rất vui. Em cũng không tin cho đến khi anh ấy về Úc và cho cả gia đình anh ấy nói chuyện với em qua webcam. Các chị anh ấy nói với em: Chào mừng em đến với gia đình của chúng ta. Các chị rất cảm ơn em vì em làm cho cuộc sống của Neil phong phú hơn và hạnh phúc hơn. Các chị ấy nói rằng, chính em đã truyền cảm hứng sống cho em trai họ, còn em thì nghĩ: Chúng em truyền cảm hứng sống cho nhau
Một ngày của vợ chồng Vân thế nào? Các bạn có bao giờ giận nhau không?
Tụi em thức dậy lúc 9h. Anh giúp em đánh răng, rửa mặt, thay quần áo, rồi chúng em ngồi uống trà nếu như em không bận cuộc họp gì đó ở Trung tâm. Sau đó chúng em về ăn trưa. Trước đây chưa có ba mẹ em ở Nghệ An ra ở cùng thì Neil nấu ăn hoặc cả 2 ăn quán. Ăn xong thì việc ai nấy làm, 2 người 2 máy tính, gặp gỡ những người bạn…5h chiều anh ấy sẽ tắm cho em, 2 đứa đi dạo rồi ăn cơm tối rồi gặp gỡ bạn bè. Anh ấy có thể kiên nhẫn chờ em từ sáng đến tối vì hiểu công việc của em phải gặp gỡ, phải tạo dựng nhiều mối quan hệ để “nuôi” Trung tâm. Trung tâm Nghị lực sống hiện có gần 40 học sinh, học vi tính với em. Neil giờ cũng tham gia tuần 2 buổi dạy ngoại ngữ cho các bạn ở Trung tâm.
Còn giận nhau ư? Có, mà em quên mất tiêu lý do tại sao em giận anh ấy hôm đó rồi. Em giận rồi em bỏ đi cắt tóc. Neil thì thích em để tóc dài cho nữ tính nhưng em cắt ngắn cũn đi. Neil thích phụ nữ tóc đen mà em lại thích 7 sắc cầu vồng. Cắt tóc xong em đi uống bia với bạn. Mãi sau lâu ơi là lâu, thấy trời tối mịt em mới nhớ ra còn Neil đang ở nhà. Em gọi điện về hỏi cô bé ở cùng nhà: Anh Neil ăn cơm chưa? Cô ấy nói: Từ lúc chị đi, anh ấy ngồi một mình trong phòng, không ăn, không bật điện, không nói gì. Thế là em thương quá, em gọi điện dỗ dành anh ấy rồi anh xuống đón em, 2 đứa đi dạo.
Hỏi thế này thì sợ rằng…, nhưng mà Vân rất thẳng thắn, cởi mở, nên mình sẽ không ngần ngại, nhé. Vân nghĩ gì về những đứa trẻ? Hẳn rằng Vân cũng có khát khao như bao phụ nữ khác khi xây dựng một mái ấm là những đứa con chung?
Em chưa từng mong đợi điều đó. Em biết có nhiều người khao khát làm mẹ, nhưng chắc không phải có em. Bởi vì sao? Từ trước tới nay, em vốn không nghĩ đến chuyện đó, và cũng không lấy đó làm thành nỗi buồn hay bất hạnh của mình. Em biết mình khó có con, nhưng không phải là không thể có. Mọi yếu tố nữ trong em vẫn bình thường. Hơn nữa, khoa học ngày nay rất phát triển, mình có thể có nếu mình muốn, đúng không chị. Nhưng em thấy, quá nhiều người cứ phải  buồn phiền lo nghĩ, vì người ta luôn xem trọng điều đó. Có thể em khỏe mạnh hơn em có nhu cầu, nghĩ nhiều về chuyện đó cũng nên.
Nhưng cũng phải nói thế này, em là người sống rất thực tế, cái gì không khả thi em không kỳ vọng, không tốn công để suy nghĩ quá nhiều. Em có các cháu của chị gái em, rất dễ thương. Mình mà cảm thấy yêu, cần trẻ con thì hãy chăm sóc, yêu quý chúng. Ngay trong trung tâm của em cũng có nhiều đứa trẻ. Và chúng em ở đây đã sống với nhau như một gia đình. Em đã từng có cảm giác ấy đấy, như thể mình có hàng ngàn đứa con ở đó, những đứa con nhiều tuổi. Và em làm việc, chăm sóc những đứa trẻ ấy hàng ngày, đầy yêu thương, nâng niu. Các bạn ấy là người khuyết tật, đã khuyết thiếu về nhiều thứ, mà đặc biệt là quá thiếu kỹ năng sống. Em đã trở thành người chị, người mẹ, cô giáo của các bạn. Bọn em nói chuyện chia sẻ rất cởi mở, kể cả các chuyện như tình yêu, quan hệ tình dục… chẳng hạn.
Chỉ có sự tự tin, tự lập, những kỹ năng sống mới giúp chúng ta đứng vững trong cuộc sống. Thái độ sống rất quan trọng. Nếu cứ ẩn ức, khó chịu, tiêu cực thì năng lượng sống giảm. Và một điều mấu chốt: không đặt kỳ vọng vào người khác. Bởi nếu cứ kỳ vọng vào họ, khi họ không thể đáp ứng cho mình, mình sẽ dễ thất vọng, bực bội. Cố gắng làm sao ít phụ thuộc người khác ấy là điều em luôn căn dặn “những đứa trẻ” của em.
Vậy em nghĩ sao về vai trò của người phụ nữ – người vợ trong gia đình? Khi mà việc nội trợ, chợ búa, cơm nước… vốn được xem là của phụ nữ?
Em muốn hỏi lại thế này? Ai quy định đó là công việc của phụ nữ? Thực ra, em biết đó là thứ quy định bất thành văn của người Việt nói riêng, người phương Đông mình nói chung. Mà người ta tự đặt ra lâu rồi thành lối mòn trong suy nghĩ. Nhưng nếu điều đó không công bằng, nếu điều đó không đem đến hạnh phúc cho một ai đó thì nên thay đổi.
Em chưa bao giờ nghĩ việc nhà là việc phụ nữ, cũng như việc kiếm tiền là bổn phận của đàn ông. Phụ nữ cũng cần đi ra ngoài kiếm tiền, chia sẻ gánh nặng tài chính cho đàn ông chứ. Phải như thế mới hiểu cảm giác người khác. Như Neil, anh ấy đưa tiền cho em, em thường nói: Em đi làm, em có tiền. Khi nào cần thiết thì mình sẽ chia sẻ. Em không muốn anh phải trở thành trụ cột tài chính. Anh cũng không nên một mình ôm hết việc khó. Như thế, cuộc sống của anh sẽ trở thành gánh nặng.
Trong cuộc sống, có nhiều người, phần lớn rơi vào đàn ông, khi họ phải cáng đáng nhiều việc, họ sẽ cảm thấy mình quan trọng, uy quyền,  họ sẽ đòi hỏi người kia phải đáp ứng thế này thế khác, đó là căn nguyên xảy ra bất bình đẳng. Phụ nữ thường tự mình vơ vào mình bao nhiêu việc “không tên” và có được đánh giá là đang lao động đâu. Nhiều chị em cầm đồng tiền từ chồng, còn nghĩ: à đó là tiền của chồng mình. Ấy là nhen nhóm cái tư tưởng phụ thuộc vậy. Trong khi, thời gian cô ấy làm việc nhà, cô ấy cũng có thể ra ngoài đi kiếm tiền. Và kiếm được nhiều hơn là công việc ở nhà, thậm chí có thể hơn cả chồng mình. Mà lại được tự chủ, độc lập.
Em rất hiểu điều đó, nên trong cuộc sống em luôn chủ động tất cả. Trong tình yêu em cũng chủ động, không đòi hỏi, không kỳ vọng. Và bất cứ điều gì em cũng nói chuyện sòng phẳng, rõ ràng.  Có lẽ vì vậy khi yêu em, người đàn ông họ cảm thấy dễ chịu, nhẹ nhàng, không bị áp lực gì. Vì vậy, có thể nói ở một khía cạnh nào đó, các chị của Neil đã đúng, khi họ nói: Neil biết ơn em vì chính em làm cho Neil vui, làm cho anh ấy thoát khỏi cuộc sống tù túng, cô đơn và buồn bã bấy lâu nay, lấy lại những cảm xúc mà trước đó anh ấy bị mất.
Vân làm mình hiểu cần phải yêu chính mình, thấy được giá trị của chính mình chứ không chờ đợi ở người khác đánh giá? 
Đúng vậy, hãy tập trung vào mình, đừng tập trung vào người khác. Hãy yêu mình trước khi yêu người.
Có phải vì thế, Vân không nghĩ tới chuyện sẽ theo Neil sang Úc?
Em yêu công việc của em hiện tại. Em thấy mình có giá trị, ý nghĩa khi làm việc tại Việt Nam, ở Trung tâm Nghị lực sống này. Qua Úc, chắc em sẽ không tạo được những ảnh hưởng như bây giờ. Vì vậy Neil buộc phải lựa chọn. Công việc của Neil rất tốt, anh ấy là người quan trọng của công ty, người ta sẵn sàng tăng lương cho anh ấy để anh ấy trở về Úc, nhưng em buộc anh ấy phải đặt lựa chọn. Ở đây, anh ấy cũng vẫn làm việc, nhưng sẽ khó hiệu quả như ở Úc, ví dụ như việc di chuyển liên tục cùng em sẽ ảnh hưởng đến công việc của anh. Đó là những chuyện khiến Neil phải suy nghĩ, cân nhắc. Tuy nhiên, anh ấy đã quyết định. Và khi ở lại,thì anh ấy càng hiểu công việc của em. Giờ đây, anh ấy cũng chia sẻ với em trong cả công việc. 1 tuần anh ấy dành 2 ngày dạy tình nguyện Tiếng Anh ở Trung tâm.
Có thể thấy Vân đã vượt qua rất nhiều điều để tự mình có được tình yêu, cuộc sống hạnh phúc này. Và cuộc trò chuyện đã cho mình thấy, không nên tô vẽ gì về tình yêu của Vân, của Neil. Bởi sự thật nó đẹp đẽ hơn rất nhiều.
Đúng vậy ạ. Với em hay với Neil, chuyện tình yêu hay kết hôn với nhau là hết sức bình thường. Như hôm qua, khi em trao đổi với Neil rằng, mai có các chị nhà báo đến phỏng vấn, anh ban đầu tỏ ra không thích thú. Anh nói: Anh lấy em là chuyện rất bình thường, có gì đáng phải ồn ào? Em bảo:  Em cũng nghĩ như thế, nhưng em đồng ý gặp gỡ bởi vì em muốn mọi người có suy nghĩ khác. Không đơn thuần là câu chuyện một người nước ngoài lấy một người khuyết tật. Em đâu phải người khuyết tật như bình thường mọi người vẫn nghĩ, vẫn thương. Nhưng em muốn gửi thông điệp ấy cho nhiều bạn khác, đặc biệt những người trẻ. Rằng hãy trân quý bản thân, trau dồi kiến thức, kỹ năng sống. Nếu bạn sống độc lập, tự chủ, tự tin thì cái gì các bạn cũng có chứ không phải chỉ là 1 người đàn ông nước ngoài (như em).
Em thấy thế này, trong tình yêu nhiều người dùng lý trí quá nhiều. Nào phải tiêu chuẩn chân dài miên man, hay lý do tài chính… Họ ngạc nhiên khi có ai đó khác biệt, đi ngược với những tiêu chuẩn ấy.
Nhưng đâu phải ai cũng như ai. Đâu nhất thiết phải có tiêu chuẩn như thế. Họ không biết rằng, có người yêu vì họ tập trung vào tâm hồn, cảm giác, hạnh phúc. Còn như em và Neil cảm nhận hạnh phúc đơn giản lắm. Cũng như nhiều người bảo sao em có thể ngồi hàng giờ ở đúng góc này, bàn này. Đơn giản vì em ngồi ở đây vì em thấy dễ chịu, thấy mình an toàn nhất, vui vẻ nhất. Em từ bỏ tiệc 5 sao,  ngày nghỉ ở khách sạn 5 sao đắt tiền và không mất tiền chỉ cần ngồi ở đây, uống ly cà phê này, bởi ở đây là nơi mình cảm thấy vui nhất, ở bên người vui nhất. Mọi người đừng mất công suy nghĩ quá nhiều, hãy nghĩ đơn giản hơn, cuộc đời thật tươi đẹp khi ta đơn giản như vậy!
  • Nội dung: Thùy Vinh - Vân Khánh (Theo Internet)
  • Ảnh: NVCC
  • Thiết kế - Kỹ thuật: Hà Giang

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.