PHẠM DUY NHÌN TỪ PHÍA CON TRAI CỦA VĂN CAO Trần Yên Hòa thực hiện (Trích)
TYH: Người đời nói nhiều về tình bạn giữa nhạc sĩ Văn Cao và nhạc sĩ Phạm Duy. Có nhiều điều thiếu chính xác. Xin ông cho biết sự thật về mối quan hệ đó giữa Văn Cao và Phạm Duy?
Văn Thao: Mùa xuân năm 1944, Phạm Duy theo gánh hát cải lương Đức Huy Charlot Miều mới được thành lập và xuống Hải Phòng biểu diễn ra mắt lần đầu tiên. Sau một vài đêm diễn, phát hiện Phạm Duy có một giọng hát hay, ông chủ gánh hát bèn bổ sung tiết mục, cho Phạm Duy ra hát lấp chỗ trống trong thời gian thay cảnh. Lần đầu được đứng trên sân khấu, ông thể hiện hai tác phẩm: Bản đàn xuân của Lê Thương, Con thuyền không bến của Đặng Thế Phong, Phạm Duy đã gây được ấn tượng trong lòng khán giả. Qua một số người bạn ở Hải Phòng, Phạm Duy biết tới những sáng tác của Văn Cao. Những ngày sau đó, bài hát Buồn tàn thu của Văn Cao đã được Phạm Duy biểu diễn và được khán giả Hải Phòng ghi nhận.
Phạm Duy gặp Văn Cao khi đó chỉ là một ca sĩ mới vào nghề, có một sáng tác đầu tay chưa được ai biết là bài Cô hái mơ (1942), phổ thơ Nguyễn Bính. Trong khi đó Văn Cao đã là một nhạc sĩ nổi tiếng Hải Phòng trong nhóm Đồng Vọng với hàng loạt ca khúc: Buồn tàn thu (1939), Thiên thai (1941), Trương Chi (1942), Suối mơ (1942), Thu cô liêu (1942), Bến xuân (1943), Cung đàn xưa (1943)… Cho nên không có chuyện “một vài bài hát… Văn Cao sáng tác cùng với Phạm Duy” như một số người đã đề cập.
Sau gần hai tháng biểu diễn tại Hải Phòng, Phạm Duy tạm biệt Văn Cao cùng gánh hát Đức Huy tiếp tục cuộc hành trình từ Bắc vào Nam. Trong hành trang của mình, Phạm Duy đã có thêm một số tác phẩm của Văn Cao.
Sau hai năm gắn bó với gánh hát Đức Huy du ca khắp mọi miền đất nước, trung tuần tháng 6-1945, Phạm Duy rời bỏ gánh hát để trở thành ca sĩ tự do tại Sài Gòn. Cuối tháng 10-1945, Phạm Duy ra Hà Nội. Gặp lại Văn Cao, mới biết Văn Cao là tác giả của bài Tiến quân ca và một loạt ca khúc cách mạng khác như: Chiến sĩ Việt Nam, Công nhân Việt Nam, Không quân Việt Nam, Hải quân Việt Nam…
Đầu năm 1946, Phạm Duy gia nhập đội quân Nam tiến vào chiến trường miền Nam, chiến đấu tại mặt trận Bà Rịa-Vũng Tàu. Cuối tháng 10-1946, Phạm Duy lại trở ra Hà Nội, lang thang và hát tại một số phòng trà. Ngày 19-12-1946 (Toàn quốc kháng chiến), Văn Cao gặp Phạm Duy tại phố Huế, ông trao cho Phạm Duy một tấm giấy, giới thiệu Phạm Duy về công tác tại Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam tại chùa Trầm. Được “dăm bữa, nửa tháng”, Phạm Duy lại bỏ đài để gia nhập đoàn kịch Giải Phóng của họa sĩ Phạm Văn Đôn.
Đầu tháng 5-1947, đoàn kịch Giải Phóng lên đến Lao Kay, Phạm Duy gặp lại Văn Cao.
Văn Cao lên Lao Kay từ đầu năm 1947, phụ trách Đội điều tra Công an Liên khu X. Ông mở một quán ca nhạc, có tên là quán Biên Thùy bên kia cầu Cốc Lếu để làm vỏ bọc cho những hoạt động của mình. Quán Biên Thùy trở thành một tụ điểm sinh hoạt văn hóa nơi biên ải. Với uy tín của mình Văn Cao đã thành lập được một ban nhạc, tập hợp nhiều nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ có tên tuổi từ Hà Nội, Hải Phòng lên biểu diễn phục vụ khách hàng thâu đêm. Gặp Văn Cao tại quán Biên Thùy với một không gian âm nhạc ấm cúng, lãng mạn, Phạm Duy liền bỏ đoàn kịch Giải Phóng và rủ luôn cả ca sĩ Mai Khanh cùng nhạc sĩ Ngọc Bích ở lại với Văn Cao. Phạm Duy hát tại quán Biên Thùy của Văn Cao gần ba tháng thì lại cùng Ngọc Bích chia tay Văn Cao ra đi. Cuộc chia tay giữa hai người lần này không vui vẻ lắm vì trong thời gian này Phạm Duy “phải lòng” một cô gái nhảy xinh đẹp là nhân viên hoạt động trong đội điều tra của Văn Cao. Không chấp nhận được điều đó, Văn Cao tức giận, đuổi Phạm Duy đi. Trước khi dứt tình ra đi, Phạm Duy đã để lại cho người đẹp nơi biên ải một tình khúc nổi tiếng là bài Bên cầu biên giới (trong Phạm Duy còn đó nỗi buồn, Tạ Tỵ có viết về sự kiện này).
Sau cuộc gặp gỡ này, hàng loạt những ca khúc của Phạm Duy đã ra đời. Năm năm đi theo kháng chiến, với hơn 40 ca khúc, Phạm Duy đã trở thành một trong những nhạc sĩ nổi tiếng, có nhiều đóng góp trong giai đoạn đó. Có thể kể ra một số bài điển hình như: Nhạc tuổi xanh, Gánh lúa, Nương chiều, Bà mẹ quê, Phố buồn, Bà mẹ Gio Linh, Bên cầu biên giới, Tiếng đàn tôi, Quê nghèo, Về miền Trung…
Cuối năm 1949, tại Thanh Hóa, Phạm Duy lấy vợ là ca sĩ Thái Hằng, em nhạc sĩ Phạm Đình Viêm. Giữa năm 1950, vợ chồng Phạm Duy được triệu tập lên Việt Bắc dự Đại hội Văn nghệ. Phạm Duy gặp lại Văn Cao. Đây là cuộc gặp cuối cùng giữa hai người để rồi họ xa nhau mãi mãi… Sau Đại hội Văn nghệ, Phạm Duy trở về Thanh Hóa. Ngày 1-5-1951, Phạm Duy cùng gia đình từ bỏ kháng chiến, “dinh tê” về Hà Nội, rồi vào Sài Gòn sinh sống.
Tuy mỗi người ở một phương trời khác nhau nhưng Phạm Duy luôn kính trọng Văn Cao, coi ông là một nhạc sĩ lớn có nhiều ảnh hưởng trong sự nghiệp sáng tác của mình. Phạm Duy là người có công truyền bá các nhạc phẩm của Văn Cao đến với công chúng trên mọi miền đất nước. Nhiều tác phẩm của Văn Cao được ông đem ra phân tích và ca ngợi. Đặc biệt với bài Trường ca sông Lô.
Đầu năm 2000, Phạm Duy về nước. Cha tôi không còn nữa. Gặp tôi, ông nói: “…Tao luôn ganh đua với bố mày. Bố mày có Thiên thai, tao cũng có Tiếng sáo Thiên thai. Bố mày có Trương Chi, tao cũng có Khối tình Trương Chi. Bố mày có Trường ca sông Lô, tao cũng có Tiếng hát sông Lô. Bố mày giỏi quá.”.
Cuộc gặp này khiến tôi hiểu ra một điều - không giống nhiều người khác, Phạm Duy không có tính đố kỵ.
Còn Văn Cao, đối với Phạm Duy ông đã từng khẳng định “Muốn nói gì thì nói, Phạm Duy vẫn là một nhạc sĩ lớn. Nó là người có công trong việc sử dụng các chất liệu dân ca đưa vào những sáng tác của mình một cách sáng tạo, mở ra một con đường cho các nhạc sĩ sau này đi theo. Không thể phủ định nó trong lịch sử của nền âm nhạc Việt Nam”.
TYH: Nghe nói chính nhạc sĩ Phạm Duy là người đã treo lá cờ đỏ sao vàng và hát bài Tiến quân ca trong cuộc mít tinh ngày 17-8-1945?
Văn Thao: Tôi khẳng định không có chuyện đó vì: Phạm Duy theo gánh hát Đức Huy rời Hải Phòng vào cuối mùa xuân năm 1944 để tiếp tục cuộc hành trình lưu diễn từ Bắc vào Nam. Theo hồi ký của Phạm Duy thì “…Vào đầu tháng 8-1945, ngay sau khi Nhật Bản đầu hàng, tôi nghe tin từ Hà Nội đưa vào: Một mặt trận chính trị mang cái tên là “Việt Nam Độc lập Đồng minh” đứng ra kêu gọi dân chúng làm cuộc tổng khởi nghĩa…”, “tới ngày 19-8-1945 có tin Cách mạng do Việt Minh lãnh đạo đã thành công ở miền Bắc…” (tập 2, chương 3). Như vậy có thể khẳng định, trong những ngày Cách mạng tháng Tám lịch sử, Phạm Duy không có mặt tại Hà Nội.
Vậy mà không hiểu vì sao, nhà văn Thụy Khuê (sống và làm việc tại Pháp) đã từng đọc rất kỹ cuốn Hồi ký Phạm Duy mà vẫn còn cố tình gán cho Phạm Duy là người đã “buông lá cờ đỏ sao vàng [trên bao lơn Nhà hát Lớn] và xuống cướp loa phóng thanh hát [bài Tiến quân ca]”.
Thụy Khuê đã trích dẫn hồi ký của nhạc sĩ Văn Cao về bài Tiến quân ca in trên tạp chí Sông Hương số 26 tháng 7&8 năm 1987 để gán cho Phạm Duy là người có công tham gia trực tiếp trong những ngày Cách mạng tháng Tám - điều mà chính Phạm Duy cũng không nghĩ đến! Cha tôi viết hồi ký ”Tại sao tôi viết Tiến quân ca?” vào ngày 7-7-1976 tại Hà Nội. Một nhân vật trong hồi ký mà cha tôi viết tắt nguyên là chữ “Ph.Đ”. Do lỗi đánh máy, Sông Hương in mất dấu thành “Ph.D”. Vì vậy mới có chuyện để nhà văn Thụy Khuê suy diễn thành Phạm Duy…
“Ph.Đ” là Phạm Đức - người làng Kim Liên, Hà Nội. Một làng nghề có truyền thống cắt tóc. Gia đình Phạm Đức có một tiệm cắt tóc tại Hải Phòng. Phạm Đức người bé nhỏ, điềm đạm, có nước da ngăm đen nên bạn bè thường gọi là Đức đen. Phạm Đức yêu âm nhạc, biết đánh đàn piano. Sau này ông thường lên thăm cha tôi tại 108 Yết Kiêu, bao giờ cũng có quà cho anh em tôi. Những lúc cha tôi vắng nhà, lại thấy ông ngồi vào cây đàn của cha tôi đánh một cách say sưa. Văn Cao, Phạm Đức, Doãn Tòng, Đỗ Hữu Ích, Chương Đức Chính, Tín híp, Trần Liễn… chơi thân với nhau từ khi còn học tiểu học (sau này thêm Nguyễn Đình Thi). Đây cũng là những người được ông Vũ Quý, một cán bộ cách mạng hoạt động bí mật tại Hải Phòng đưa vào tổ chức Thanh niên Cứu quốc từ năm 1942. Về sau, những người bạn này đều tham gia vào đội Danh dự Việt Minh (đội trừ gian) do Văn Cao phụ trách.
TYH: Nhạc sĩ Văn Cao đã nhận xét về thái độ chính trị của Phạm Duy “Ai cũng có điểm dừng, chỉ có Phạm Duy là không có giới hạn” ý nói về những bài ca, những phát ngôn của Phạm Duy (ở Sài Gòn và ngoại quốc). Ông có nhận xét gì về những nhận xét đó của cha mình?
Văn Thao: Cha tôi đã nhận xét đúng về Phạm Duy. Về một khía cạnh nào đó mà tôi được biết, nhận xét này của ông còn có phần nương nhẹ đối với Phạm Duy.
TYH: Cụ Văn Cao ủng hộ cho việc Phạm Duy về nước. Ông có bình luận gì về việc đó?
Văn Thao: Từ những năm đầu của thập kỷ 1990, đã có tin đồn về việc Phạm Duy xin về nước, đến năm 1994 thì thấy bà Thái Hằng (vợ Phạm Duy) về và đến thăm cha tôi. Khi đó gia đình tôi mới biết tin Phạm Duy xin về nước là chính xác. Sau đó ít lâu, một cán bộ cấp cao bên ngành an ninh đã đến gặp cha tôi hỏi ý kiến. Cha tôi nói “Phạm Duy là một nhạc sĩ có tên tuổi, có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc nước ta. Không thể phủ nhận được những tác phẩm của ông ta trong nửa đầu của cuộc kháng chiến. Nó là thằng bạn cũ của tôi. Tôi hiểu nó. Giờ đây Phạm Duy đã gần 80 tuổi rồi, còn làm gì được nữa đâu…”.
Việc cha tôi ủng hộ cho Phạm Duy về nước là đúng.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét