Tắc nghẽn trên đỉnh Everest dù có nhiều người chết

3:39:00 CH

Bất chấp nhiều nhà leo núi tử nạn, Everest vẫn 'tắc đường'

Đã có 11 nhà leo núi tử nạn trong khi chinh phục đỉnh Everest từ đầu năm tới nay. Thế nhưng, con số chết chóc này vẫn không ngăn được dòng người kéo lên nóc nhà thế giới.

Bức ảnh cho thấy tình trạng tắc đường trên đỉnh Everest (Nguồn: AFP)
Con số 11 nhà leo núi tử nạn trong vòng nửa tháng, cùng với bức ảnh tắc nghèn, rồi bước qua xác chết trên đỉnh Everest đang làm dấy lên mối quan ngại về tính an toàn khi chinh phục nóc nhà thế giới.
Từ bệnh viện ở Kathmandu, cô Ameesha Chauhan, một người may mắn sống sót từ tình trạng "tắc đường" trên đỉnh Everest đã lên tiếng kêu gọi chính quyền Nepal hạn chế số lượng các nhà leo núi tham gia vào hành trình đầy hiểm nguy này, nhất là khi nhiều người còn thiếu các kỹ năng cơ bản.
Cô đã phải chờ tới 20 phút mới có thể xuống núi từ độ cao 8.848m. "Nhưng còn nhiều người phải mất tới vài giờ đồng hồ để chờ thông đường," Chauchan cho hay. "Việc tắc đường khiến nhiều người cạn dưỡng khí, nhiều bộ phận cơ thể bị hoại tử. Tình trạng kiệt sức cũng khiến nhiều người trượt chân, rơi khỏi vách núi."
Ít nhất đã có 4 người bỏ mạng do tình trạng tắc đường như thế.
11 người chết cũng là con số cao nhất kể từ mùa 2014-2015, khi có nhiều người bỏ mạng vì lở tuyết.
Những người xấu số gồm có 4 công dân Ấn Độ, những người còn lại đến từ Anh, Mỹ, Ireland và Nepal. Có 2 người khác, nhà leo núi người Áo và Ireland, bỏ mạng bên sườn phía Tây Tạng.
Một người Ấn khác thiệt mạng ở sườn phía Nepal bị mắc kẹt tới 12 tiếng và tử vong khi trên đường quay về.
Có nhà leo núi bỏ mạng khi đang chụp ảnh, có người kiệt sức sau khi đã chinh phục được đỉnh cao nhất.
Xong những thống kê chết chóc ấy vẫn không ngăn được dòng người kéo lên nóc nhà của Trái đất.
Theo AFP, đã có 381 người được cấp phép leo lên đỉnh Everest trong mùa leo núi năm nay. Ít nhất 140 nhà leo núi khác cũng được phép chinh phục Everest từ mạn Bắc ở Tây Tạng.
Con số đó có thể đẩy số lượng người leo Everest năm 2019 vượt qua con số kỷ lục là 807 người của năm 2018.
Ngoài việc đẩy tính mạng của các nhà leo núi, cũng như của người Sherpa (người dẫn đường bản địa) vào tình thế nguy hiểm, thì tình trạng bùng nổ nhà leo núi cũng để lại hàng tấn rác trên đỉnh núi, khiến công việc thu dọn vô cùng vất vả.
Nhưng vì sao chính quyền Nepal vẫn chưa hạn chế số lượng nhà leo núi?
Câu trả lời nằm ở cái giá 11.000 cho mỗi giấy phép chinh phục đỉnh Everest. Và đây là hoạt động mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho quốc gia nghèo ở Nam Á.
Và đương nhiên, tính mạng của các nhà leo núi cũng càng trở nên mong manh hơn./.
(Vietnam+)

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.