Nghị lực phi thường của cô gái khuyết tật
Cách đây không lâu, một clip ghi cảnh cô bé có đôi tay không lành lặn đang chơi đàn piano được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội. Nhưng điều khiến mọi người thán phục không chỉ là tiếng đàn êm ái, mà còn bởi sự tự tin, tâm thế lạc quan, năng lượng tích cực mà cô bé ấy truyền đến người xem. Với chúng tôi, cô bé ấy - Nguyễn Ngọc Bảo Khanh - đích thực là một anh hùng nhí, giúp truyền cảm hứng cho những người không may mắn, và cho cả chính chúng ta.
“Con không cảm thấy mình có gì khác với những người xung quanh. Mỗi khi đi vào siêu thị hay đến những nơi đông đúc, có người nhìn nhìn, chỉ chỉ hay lại gần hỏi han về cánh tay thiếu một nửa của mình, con thấy vui vì mình được… quan tâm!” - cô bé 11 tuổi ấy vui vẻ nói.
Phải, Khanh chẳng có gì khác biệt cả. Cô bé vẫn chơi đàn, bơi lội, chơi bóng rổ, vẽ tranh, và cả viết truyện nữa.
Gương mặt rạng rỡ với nụ cười thường trực trên môi, Bảo Khanh đến với Ngày hội Mottainai - một chương trình gây quỹ ủng hộ trẻ em mồ côi, trẻ em bị ảnh hưởng bởi tai nạn giao thông (diễn ra vào sang 13/10 tại khu vực phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội), với sự lạc quan thường thấy ở em.
Tại đó, cô bé tham gia cuộc thi chạy Mottainai Run. “So với nhiều bạn nhỏ khác, con thấy mình còn may mắn lắm. Đầu óc, mắt mũi, trái tim hay đôi chân… đều rất khỏe mạnh! Chỉ là không biết tại sao cánh tay phải của con lại teo đi một nửa, chẳng thể co duỗi hay gấp vào như ‘người anh em’ tay trái và những ngón tay lại cũng bé xíu, nhìn như những chiếc mụn nhỏ bám vào khuỷu tay vậy.”
Nói rồi, Bảo Khanh nhoẻn miệng cười, giơ cả hai cánh tay lên chào chúng tôi để bước vào vạch xuất phát.
Suốt đường chạy, Khanh miệt mài lao mình về phía trước. Thi thoảng, bàn tay trái quệt ngang những giọt mồ hôi đang lăn dài trên trán. Rồi, cô bé nhìn sang những người đồng hành bằng ánh mắt cười như thể lời động viên...
Khoảng bốn tiếng sau khi kết thúc hành trình Mottainai Run, Bảo Khanh đã lại có mặt ở bể bơi.
- “Khanh có mệt không?” - chúng tôi hỏi với vẻ ái ngại thực sự, dù đấy là điều cha mẹ em không hề muốn, bởi họ không muốn tạo nên bất cứ bức tường rào tâm lý nào giữa con và những người xung quanh.
- “Không đâu ạ! Con thấy vui lắm và vì vui nên không mệt chút nào!,” cô bé trả lời với vẻ đầy lém lỉnh, khiến chúng tôi cảm thấy tò mò về cuốn sách mà Khanh đang viết. Bởi nó chắc hẳn được viết với một giọng văn hài hước và không kém phần tinh tế như cách nói chuyện của em.
- “Ngày thứ Bảy, không phải đi học ở trường, các bạn thường thích ở nhà ngủ nướng, xem tivi, đọc truyện, hay đến rạp chiếu phim… Khanh không thích những điều đó ư?”
Lập tức, cô bé gật đầu lia lịa và “ồ” lên thật lớn, giọng đầy phấn khích: “Con thích chứ! Con thích đọc truyện lắm, truyện gì cũng thích ấy! Mà nói chung là con thích đọc sách! Nhưng mà, con cũng thích đi ra ngoài, hoạt động ngoài trời thế này lắm. Ước gì ngày nào cũng là Thứ Bảy hay Chủ Nhật để được bố mẹ đưa đi bơi hay đi chơi bóng rổ. Chiều nay, hết giờ bơi, con còn có buổi học đàn nữa đấy! Việc đọc sách hay xem tivi thì có thể làm hàng ngày sau khi hoàn thành bài tập về nhà nhưng chỉ cuối tuần, con mới được ra ngoài thế này thôi.”
Câu trả lời của Khanh khiến cả ê-kíp chúng tôi bật cười vì...thấy xấu hổ với chính bản thân mình, những tín đồ của lối sống thành thị “lười nhác” và thích hưởng thụ.
Thế nên, ít ra cuộc trò chuyện thú vị với Khanh đã phần nào truyền cảm hứng cho chúng tôi, để có thể...đủ sức bám theo cô bé trong suốt ngày hôm ấy, với lịch trình vô cùng bận rộn, nhưng chỉ là chuyện nhỏ đối với em.
Con cũng thích đi ra ngoài, hoạt động ngoài trời thế này lắm. Ước gì ngày nào cũng là Thứ Bảy hay Chủ Nhật để được bố mẹ đưa đi bơi hay đi chơi bóng rổ.
Nói rồi, cô bé lao ùm xuống nước, bơi liền hai vòng quanh bể. Thỉnh thoảng, cô bé lại ngoi đầu lên, nhìn về phía chúng tôi, nở nụ cười rạng rỡ.
Nhìn con gái nhanh nhẹn, hoạt bát, chị Anh Văn (mẹ của Bảo Khanh) không giấu được sự xúc động. Ký ức ùa về như thước phim quay chậm mở ra trước mắt chị. Đến bây giờ, gia đình vẫn không biết nguyên nhân nào khiến cho đôi tay Khanh không được lành lặn như vậy.
“Trong suốt thai kỳ, tôi đi khám, kiểm tra định kỳ theo chỉ dẫn của bác sỹ. Kết quả siêu âm không có gì bất thường. Các bác sỹ không đưa ra bất cứ cảnh báo nào về nguy cơ dị tật bẩm sinh,” chị Anh Văn chia sẻ.
Mùa Hè năm 2007, Bảo Khanh chào đời. Đến lúc này, các bác sỹ và gia đình mới biết về khiếm khuyết trên cơ thể em. “Nếu nói rằng không có gì bất ngờ thì không phải. Ban đầu, gia đình cũng có chút ngỡ ngàng. Thế nhưng cảm giác lo lắng và thương con lớn hơn, bao trùm hơn. Chúng tôi sợ sức khỏe của con sẽ bị ảnh hưởng, con sẽ yếu hơn các bạn cùng trang lứa. Rồi cuộc sống của con sau này sẽ ra sao…,” mẹ của Bảo Khanh tâm sự.
“Ông Trời không cho ai tất cả và cũng sẽ không lấy đi của bất cứ người nào tất cả những gì họ có”
Các bác sỹ cũng nhóm họp, hội chẩn. Nhiều phỏng đoán về nguyên nhân dẫn đến khiếm khuyết trên cánh tay phải của Khanh được đưa ra. Thế nhưng, phỏng đoán cũng vẫn chỉ là… phỏng đoán. Các bác sỹ không đưa ra kết luận chính thức về lý do dẫn đến tình trạng đó của Khanh.
Cuộc đối thoại giữa chúng tôi rơi vào khoảng lặng. Chị Anh Văn như lặng đi khi nhớ lại những ngày đầu ôm cô con gái bé bỏng kém may mắn vào lòng. “Ông Trời không cho ai tất cả và cũng sẽ không lấy đi của bất cứ người nào tất cả những gì họ có” - chị Anh Văn và gia đình luôn tin vào điều đó.
Có những khiếm khuyết của thai nhi mà quá trình siêu âm cũng không thể phát hiện ra để có phương án hỗ trợ sớm. Có những bí ẩn của tạo hóa mà y học hiện đại cũng chưa thể giải thích được…
Ngưng lại chừng vài phút, chị Anh Văn kể, ngay từ khi Khanh còn là một cô bé vài tháng tuổi, cả gia đình đã xác định con đường vào đời của Khanh sẽ có nhiều điểm khác biệt so với các bạn cùng trang lứa. Thế nhưng, điểm khác biệt, thiệt thòi ấy sẽ không là điều ám ảnh tinh thần em.
Mạch truyện nối dài, người mẹ ấy bảo rằng, trong giai đoạn tập bò, tập đi, Khanh khá vất vả vì trọng lượng cơ thể không cân bằng. Cô bé thường bị ngã, những cú ngã sấp mặt rất đau…
“Mỗi khi ôm con vào lòng, nhìn những vết trầy xước, thâm tím khắp mặt mũi, tay chân con, thử hỏi người cha, người mẹ nào không xót xa? Thế nhưng, càng xót con thì chúng tôi càng phải ‘đẩy’ con ra ngoài tạo điều kiện tối đa cho con trải nghiệm, ra ngoài vui chơi, hoạt động thể chất, để con thấy rằng, các bạn cũng vấp ngã, rồi cũng tự đứng lên và bản thân con cũng không có gì khác biệt so với các bạn,” chị chia sẻ.
Chưa bao giờ Khanh hỏi “Tại sao tay con bị như thế này?” hay tỏ ra buồn phiền vì sự kém may mắn đó. Bất cứ việc gì các bạn cùng trang lứa làm được thì cô bé cũng làm được.
Nhiều phụ huynh có con cùng hoàn cảnh như Bảo Khanh tâm sự với chị rằng, nhìn con thiệt thòi như vậy, họ chỉ muốn ôm mãi con trong lòng, không muốn con đi ra ngoài, sợ những người xung quanh bàn tán, làm tổn thương con.
Nghe vậy, chị chỉ nói: “Làm như thế đồng nghĩa với việc chúng ta đã tước đi rất nhiều cơ hội của con, khiến con mất đi sự tự tin của chính mình. Điều đó sẽ khiến con càng thiệt thòi hơn khi không hòa nhập sớm được với các bạn cùng trang lứa và môi trường xung quanh.”
Nói rồi, chị nhìn về phía con gái với ánh mắt đầy tự hào. Chị bảo, chưa bao giờ Khanh hỏi “Tại sao tay con bị như thế này?” hay tỏ ra buồn phiền vì sự kém may mắn đó. Bất cứ việc gì các bạn cùng trang lứa làm được thì cô bé cũng làm được.
“Điều quan trọng là Khanh không cảm thấy mình có sự khác biệt với các bạn.”
Thời gian đầu mới học bơi, Khanh khá e dè, bởi trong môi trường nước mênh mang, con người dù ở lứa tuổi nào cũng rất dễ cảm thấy bị ngợp. Nhiều bạn nhỏ không dám xuống bể nhưng Khanh đã vượt qua được giới hạn của chính mình,” anh Ngô Thế Quyền - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bơi lội Thủ đô, thầy giáo dạy bơi của Bảo Khanh cho biết.
“Điều quan trọng là Khanh không cảm thấy mình có sự khác biệt với các bạn.
Từ việc không dám xuống nước, rồi chỉ có thể bơi 2-3m, tiếp tục nới rộng khoảng cách tới 500m, hiện Khanh đã có thể bơi được từ 800 đến 1.000m liên tục và xử lý an toàn trong môi trường nước.
“Kỹ năng xử lý an toàn trong môi trường nước mới thực sự là điều quan trọng của một người được gọi là ‘biết bơi’ và là yêu cầu đối với việc học bơi. Tôi tin, nếu không thực sự thích và tự tin vào bản thân, cô bé ấy sẽ không thể làm được như vậy. Nhiều người có thể chất hoàn toàn bình thường nhưng đã bỏ cuộc nhưng Khanh thì không,” anh Ngô Thế Quyền cho hay.
Trở về nhà sau giờ bơi, Bảo Khanh tiến đến cây đàn piano. Trong tất cả các hoạt động ngoại khóa, cô bé thích chơi đàn nhất. “Khi chơi đàn, con thấy rất thư thái. Cảm giác mệt nhoài hay đau đầu cũng sẽ nhanh chóng tan biến. Có lúc, con thấy người nhẹ bẫng, như bay bay, phiêu phiêu theo nốt nhạc. Điều ấy thật thần kỳ,” cô bé vui vẻ.
Lướt nhanh trên những phím đàn, Bảo Khanh kể: “Ban đầu, nhiều người không tin là con có thể chơi đàn đâu nhé! Làm sao mà những núm thịt như những cái mụn bám ở khuỷu tay có thể lướt phim dương cầm cơ chứ?”
- “Nghe thế, con có buồn không?” - chúng tôi hỏi Khanh.
“Ban đầu, nhiều người không tin là con có thể chơi đàn đâu nhé! Làm sao mà những núm thịt như những cái mụn bám ở khuỷu tay có thể lướt phim dương cầm cơ chứ?”
- Cô bé mau mắn đáp lời: “Con chẳng buồn gì cả! Mà sao lại phải buồn cô ơi? Hồi trước, bố mẹ cũng mua cho con một cái tay giả, để nhìn cho giống những người xung quanh. Nhưng mà đeo được vài hôm, con thấy vướng víu, bất tiện lắm, làm việc gì cũng lấy bấy, gượng gạo nên con đòi tháo ra, cất đi làm kỷ niệm.”
Nói rồi, Bảo Khanh chơi liền hai bản nhạc “Romance” và “Song from a secret garden.” Hai bản nhạc lãng mạn ấy như cuốn chúng tôi vào một khu vườn mà nơi đó Khanh cất giấu những ‘bí mật’ khiến người đối diện khao khát được khám phá: Làm thế nào mà cô bé này lại ẩn chứa một nghị lực phi thường đến vậy. Còn những khả năng nào mà Khanh chưa thể hiện với chúng tôi.
Vừa đàn, Khanh vừa háo hức “khoe”: “Viết lách, làm đồ môn thủ công hay chơi bóng rổ, con đều dung tay trái là chính nhưng con vẫn làm được hết, không chậm hơn các bạn đâu.”
Thích chơi đàn là vậy nhưng khi được hỏi, “Ước mơ của Bảo Khanh là gì?,” cô bé hồn nhiên trả lời: “Con thích trở thành một nhà văn.”
- Trong tưởng tượng của con, một nhà văn là người thế nào?
- Con cũng không biết nữa!
- Thế sao con lại muốn trở thành một nhà văn?
- À, chắc tại vì con hay đọc truyện và muốn viết ra được những cuốn truyện như vậy!
- Thế Bảo Khanh thích đọc loại truyện gì nhất?
- Truyện gì con cũng thích đọc: truyện tranh, truyện chữ, truyện dài, truyện ngắn… cứ có thời gian là con đọc hết. Mọi phần thưởng của con đều được quy đổi ra những cuốn sách, cuốn truyện.
- Đã khi nào Khanh thấy tiếc, hối hận vì đã chọn mua truyện mà không phải là một đôi giày mới hay một bộ quần áo mới chưa?
- Không đâu ạ! Con chưa bao giờ tiếc như vậy. Con chỉ tiếc khi nhìn thấy một cuốn truyện hay, một quyển sách mình thích mà lại chưa thể mua.
- Con muốn trở thành một nhà văn. Vậy, đã bao giờ con thử sáng tác truyện chưa?
- Con viết nhiều lắm, kín cả một cuốn vở dày rồi đó.
- Khanh thường viết truyện có nội dung về điều gì và với những nhân vật như thế nào?
- Con viết về cuộc sống xung quanh, các loài vật. Tuy nhiên, con hay tưởng tượng về thời kỳ con người vẫn cưỡi ngựa, đi xe ngựa đi khắp nơi để lấy làm bối cảnh cho truyện…
Con viết nhiều lắm nhưng con thích nhất câu chuyện “Người mẹ thứ hai.” Chuyện rằng, có một cô bé chừng 12, 13 tuổi. Sau khi bố mẹ chia tay, cô sống cùng bố. Do bị dì ghẻ đối xử tệ bạc, cô bé bỏ đi, đến sống cùng một bà lão và ngày ngày đi chăn cừu. Đến một ngày kia, một người bạn báo cho cô bé biết, mẹ và em đang bị ốm nặng. Cô bé trở về sống bên mẹ, giúp đỡ mẹ. Tuy nhiên, bố cô bé lại đến bắt cô về sống cùng bố và dì ghẻ. Một lần nữa, cô bé lại bỏ đi. Sau nhiều năm, cô bé năm xưa đã trở thành một cô giáo. Trong lớp, có một học sinh có hoàn cảnh giống hệt cô năm xưa. Vậy là, cô giáo quyết định trở thành người mẹ thứ hai, đón bạn học sinh ấy về sống cùng, yêu thương, chăm sóc bạn như con ruột…
Cứ như vậy, Bảo Khanh say sưa kể cho chúng tôi về ước mơ, thế giới nhân vật, ý tưởng cho những câu chuyện mới cùng những cô bé điều muốn gửi gắm trong đó… Và tôi tin, với nghị lực phi thường của mình, Khanh sẽ tiếp tục nuôi dưỡng và đạt được những giấc mơ ấy. Bởi lẽ, những thứ tưởng như khó khăn nhất trong cuộc đời, cô bé cũng đã vượt qua…
Ở đất nước Hà Lan xa xôi, nơi mà phần lớn diện tích đất đai nằm dưới mực nước biển, người ta vẫn lưu truyền câu chuyện về một cậu bé không ngại đêm tối, giá lạnh, sự cô đơn và hiểm nguy để đút ngón tay nhỏ bé của mình vào lỗ thủng ở thân đê, cứu cho cả vùng khỏi trận đại hồng thủy. Đó chính là niềm cảm hứng để xứ sở kia làm nên những điều kỳ diệu, được cả thế giới ngưỡng mộ.Những tấm gương như cậu bé ấy thật ra có ở khắp nơi, nhưng để lan tỏa nó lại là một câu chuyện khác.Với ý nghĩa đó, Báo điện tử VietnamPlus cùng sữa Cô gái Hà Lan đã đồng hành trong chương trình Little Heroes, nhằm khích lệ những tấm gương “anh hùng nhí” trên mọi miền đất nước. Có thể đấy chỉ là những cô cậu bé bình dị, nhưng ẩn chứa nghị lực lớn lao, mà mỗi em chính là một hạt giống tâm hồn, được gieo mầm để tạo nên những cánh đồng nặng trĩu yêu thương.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét