Chia sẻ
9:06:00 SA
Những mùa xuân trong đời
Đã qua hơn bảy mươi năm cuộc đời, tôi cũng trải nghiệm rất nhiều trạng thái ăn Tết. Dăm cái Tết cùng với đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc khi đi sơ tán trong chiến tranh phá hoại. Dăm cái Tết cùng bạn bè các nước phương Tây khi làm nghiên cứu ở nước ngoài - có chút xa vắng, khác lạ nhưng anh em chúng tôi vẫn cố giữ hương vị cổ truyền. Cũng có nhiều Tết không có nhà mà ở lại nơi đang công tác, hương vị Tết truyền thống vẫn đủ, chỉ thiếu cái se lạnh, một chút mưa phùn quê mình.
Nhưng những cái Tết đọng lại nhiều nhất trong tôi vẫn là Tết quê, cùng ông, bà và mẹ. Tôi không được ăn Tết với bố lần nào vì mẹ sinh ra tôi vào cuối tháng 11 nhưng bố đã hy sinh trên chiến trường chống Pháp đúng vào ngày đầu tiên của toàn quốc kháng chiến, tháng 12 năm 1946.
Hồi tôi còn bé, Tết trong thời Pháp thuộc có sự "giằng co" giữa văn hóa truyền thống đang bị văn hóa phương Tây xâm lấn, nó bị thay đổi rất nhiều. Nhà thơ Vũ Đình Liên đã nói hộ nỗi lòng nhiều người khi ấy, "giấy đỏ buồn không thắm, mực đọng trong nghiên sầu". Mượn hình ảnh ông đồ, nhà thơ muốn than thở về sự xâm lăng của văn hóa ngoại lai khiến Tết không còn như xưa nữa.
Hòa bình lập lại vào năm 1954, nếp "đời sống mới" dựa trên tập thể được thiết lập. Tết truyền thống lùi xa. Bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành vẫn có nhưng phải tiết kiệm. Câu đối, cây nêu, tràng pháo thì không còn. Chùa chiền vắng tanh. Tết chủ yếu là văn nghệ xóm làng. Dần dần trong thời bao cấp, Tết truyền thống cũng từng bước trở lại, không mạnh mẽ nhưng có chiều sâu do sức sống tự thân của mạch ngầm văn hóa.
Tôi trưởng thành trong thời kỳ bao cấp, và nhớ như in những cái Tết này. Mẹ ở nhà làm lụng quanh năm, tích cóp gạo nếp, đỗ xanh, dưa cải, hành củ để dồn vào cái Tết cho no đủ, tính từng ngày để chờ con về. Vài nhà chung nhau "đụng" một con lợn, nhà nào cũng đủ tiết canh, lòng lợn, thịt đông, thịt ba chỉ luộc, thịt gói bánh chưng. Đống gốc tre khô cũng đã được tích sẵn ở góc sân để luộc bánh, làm bún, thổi xôi. Đêm 29 Tết, nhà nào cũng thâu canh đỏ lửa.
Mùng Một Tết, ông tôi thường gọi tôi lên hầu rượu cụ năm mới. Ông tôi giảng giải thơ văn ngày Tết do các danh sỹ để lại. Tôi vẫn còn nhớ ông giảng giải câu đối Tết của cụ Nguyễn Khuyến: "Chúng nó dại vô cùng, pháo đốt đì đùng cho mất chó/ Ông đây khôn bất trị, rượu say túy lúy lại nằm mèo". Câu đối dung dị như lời nói hàng ngày, nhưng từ ngữ cứ là đối nhau chan chát.
Rồi mọi nhà sang thăm hỏi chúc tụng nhau. Khuôn mặt ai cũng phấn khỏi, bỏ qua mọi việc không vui đã xảy ra để năm mới chỉ còn điều vui ở lại.
Tết theo âm lịch vẫn luôn là khoảnh khắc được hầu hết người Việt quan tâm. Đã có tới vài lần một số học giả đề xuất bỏ Tết âm dồn vào Tết dương như người Nhật cho đỡ lãng phí, cũng để nâng cao năng suất lao động cho toàn xã hội và đổi mới văn hóa. Báo chí, công chúng đưa ra vô số ý kiến. Một nhóm cho rằng nước mình cần bỏ Tết âm để cấp tiến hơn, nhóm kia cho rằng bảo tồn văn hóa dân tộc mới là điều cần thiết.
Trên thực tế, Tết âm vẫn sống duy trì với số ngày nghỉ dài hơn, được mọi người quan tâm. Tháng áp Tết, tắc đường luôn là vấn đề ở các đô thị lớn, rồi chính Tết thì đường lại yên lắng vắng hoe. Cả nội dung và hình thức của Tết cũng thay đổi nhiều theo hoàn cảnh đất nước, xã hội, gia đình và cá nhân từng người, nhiều khác biệt cả về không gian và thời gian.
Tết cũng khác nhau ở mỗi giai đoạn của đất nước. Lúc nước mạnh thì Tết vui, khi dân giàu thì Tết lớn; trong đói kém thì Tết cũng buồn, gia đình nghèo thì Tết mọn.
Rồi từ ngày Đổi mới, chủ trương phục dựng văn hóa truyền thống được thực hiện rất mạnh. Nhiều lễ hội ở các vùng miền đã trở lại, tính gắn kết cộng đồng cao hơn. Nước mạnh hơn, dân giàu hơn cũng là điều kiện để Tết lớn hơn, no đủ hơn, vui nhiều hơn và hy vọng tràn trề. Nhiều người nước ngoài nay muốn du lịch sang Việt Nam vào dịp Tết cổ truyền, thụ hưởng không khí Việt, bản sắc Việt và truyền thống Việt.
Ngày nay, ngày Tết cũng dài rộng hơn, giới trẻ về quê xum họp với gia đình lớn vài ngày rồi cùng gia đình nhỏ đi du lịch để nghỉ ngơi. Dù Tết đã khác xưa nhiều, nhưng nhìn vào đó, ta vẫn thấy được đất nước đang mạnh hay yếu, xã hội buồn hay vui, gia đình no hay đói.
Tuy khác đi, song điều mà Tết nay vẫn giống Tết xưa chính là văn hóa. Ngày Tết vẫn nhộn nhịp, rộn ràng, mọi người vẫn đổ ra đường mua sắm, lo quà Tết cho người thân. Ở nơi làm việc, thủ trưởng lo Tết cho nhân viên. Gần đây, người người chú tâm từ thiện Tết, người có tâm lo Tết cho những người nghèo mà mình không quen biết ở mọi nơi. Tôi lạc quan rằng, tinh thần Tết vị tha và bao dung của người Việt mình sẽ còn mãi.
Dù quốc gia nào cũng có tết của mình, cũng sum họp gia đình, ăn uống chúc tụng, trở về cố hương, nhưng Tết với tâm niệm xóa bỏ cho nhau mọi hiềm khích cũ và cùng nhau làm điều tốt đẹp cho năm mới là nét nổi bật ở xứ mình. Tết Việt luôn hàm chứa sự vị tha và bao dung rất lớn với cả cộng đồng.
Đặng Hùng Võ
Những mùa xuân trong đời
Reviewed by DI
on
9:06:00 SA
Rating: 5
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét