Nhiều lính không quân Triều Tiên từng giúp đỡ VN trong chiến tranh
Các phi công Triều Tiên tham gia chiến đấu chủ yếu trên vùng trời ven Hà Nội như Vĩnh Phúc, Hải Dương và Hưng Yên. Tháng 9/1965, khi đánh chặn cuộc oanh tạc của máy bay Mỹ ở vùng sân bay Kép, một người lính Triều Tiên 19 tuổi đã anh dũng hy sinh. Trong những trận không chiến ác liệt năm 1967, thêm 12 phi công Triều Tiên hy sinh. Quân nhân Triều Tiên thứ 14 ngã xuống vào đầu năm 1968. Lúc đó do điều kiện chiến tranh, quân đội Triều Tiên đã đề nghị chôn cất các sĩ quan, chiến sĩ hy sinh tại Việt Nam. Đại sứ quán Triều Tiên tại Việt Nam sau khi tìm hiểu đã chọn mảnh đất ở xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang làm nơi an táng các liệt sĩ.Đến năm 2002, Triều Tiên tổ chức cất bốc hài cốt các liệt sĩ về nước. Sau đó tỉnh Bắc Giang đầu tư, tôn tạo nơi đây thành khu tưởng niệm các liệt sĩ quân đội Triều Tiên.
Gần 20 năm trông coi phần mộ các quân nhân Triều Tiên trước đây và khu tưởng niệm ngày nay, ông Dương Văn Dậu cho biết, giai đoạn trước năm 2002 mỗi dịp lễ, Tết, đại sứ quán Triều Tiên thường về đây hương khói. Sau đó các đoàn thể đến thăm viếng thưa hơn, còn ông Dậu vẫn đều đặn tháng đôi lần lui tới nơi này quét dọn.
Nhà ông Dậu cách khu tưởng niệm khoảng 300 m, mỗi khi trái gió trở trời chân đau ông không đi được, vợ ông lại thay chồng ra dọn dẹp khu tưởng niệm.
Đứng trước tấm bia đá khắc nội dung "Nơi đã từng yên nghỉ của 14 cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân Triều Tiên", ông Dậu thắp hương và chắp tay đứng cúi đầu. Phía sau tấm bia là hai hàng với 14 mô hình ngôi mộ, trên mỗi ngôi mộ có khắc một số thông tin tên tuổi, năm sinh, năm mất của các quân nhân Triều Tiên.
Theo thông tin ghi trên bia mộ, trong số 14 người lính Triều Tiên từng được an táng tại khu tưởng niệm có 12 người là chiến sĩ, 2 sĩ quan. Người lớn tuổi nhất khi đó gần 40, chiến sỹ trẻ nhất mới 19 tuổi.
Dưới chân mỗi ngôi mộ có một bông cúc vàng. Ông Dậu nói đó là những bông hoa ông đặt vào dịp Tết Nguyên đán. Gần 20 năm nay, ông vẫn dâng hoa, thắp hương tưởng niệm vào dịp Tết Nguyên đán và ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12. Ông bảo chọn ngày 22/12 vì những người lính đó đã chiến đấu và hy sinh vì độc lập, thống nhất của nhân dân Việt Nam.
Cũng vì lẽ đó, gần 20 năm ông tự nguyện trông nom khu tưởng niệm dù không có bất kỳ khoản đãi ngộ nào.
"Tôi là người lính, thương binh hạng 4/4 nên tôi coi những sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân Triều Tiên là đồng đội của mình", ông Dậu chia sẻ.
Nguồn : Zing
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét