Người Việt không xấu xí:

9:57:00 SA

Người Việt không xấu xí: ‘Ở lòng nhân nghĩa cho đầy mới khôn’

 
NGƯỜI VIỆT KHÔNG XẤU XÍ: ‘Ở lòng nhân nghĩa cho đầy mới khôn’
Loạt bài Người Việt không xấu xí của chuyên mục Văn hóa – Đại Kỷ Nguyên hy vọng sẽ mang tới làn gió mát lành giữa những trăn trở về hình ảnh ngày nay của người Việt Nam. Chúng tôi muốn cung cấp cho độc giả một góc nhìn khác, để chúng ta cùng quay trở lại với những nét đẹp đã từng tồn tại và trở thành bản sắc văn hóa một thời của cha ông. Để từ đó cùng nhau thực hành, lan tỏa những nét văn hóa tốt đẹp.
Giữa những nỗi tủi hổ của dân tộc và sự chỉ trích lẫn nhau, một gợn nước nhỏ bé hy vọng sẽ trở thành cơn sóng lớn cuốn trôi những gì được đặt tên là xấu xí trong tác phong, lối sống của người Việt hiện đại. Thay vì cứ nói mãi về những điều chưa được, chúng ta hãy cùng thực hành với sự rộng lượng và đốc thúc lẫn nhau. Bởi cái xấu chỉ có thể bị đẩy lùi bởi cái Thiện.
***
Người Việt nhân hậu và nhiều Thiện tâm, mà Thiện tâm thì không cần báo đáp. Đó đã là truyền thống từ bao đời nay, là lời răn dạy của người xưa cho bao thế hệ sau này.
Trong lịch sử tồn tại dài đằng đẵng của thế nhân, luôn có những giá trị phổ quát vĩnh cửu được công nhận ở mọi nền văn hóa dù xa cách và đầy khác biệt. Người phương Tây luôn nhớ lời Jesus dạy: “Mọi điều anh em muốn người ta làm cho mình thì anh em cũng phải làm cho họ”. Người phương Đông nhớ lời Khổng Tử rằng: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Điều gì bản thân mình không muốn thì chớ làm cho người khác).
Người Việt ta từ bao đời nay, cũng không nằm ngoài dòng chảy chung của đạo lý đức Nhân này, nhưng lại có cách răn dạy nhau thật gần gũi và dung dị: “Thương người như thể thương thân”. Thế nên thương người, giúp người trở thành một điều rất đỗi bình thường và hiển nhiên, là cái điều ai cũng phải làm mà không chút toan tính hay mong cầu báo đáp.
Làm việc nhân nghĩa chính là vì người mà lại cho mình
Khi giúp Kiều Nguyệt Nga thoát khỏi tay bọn cướp Phong Lai, trước lời cảm tạ và tỏ bày đền đáp công ơn của Nguyệt Nga, Lục Vân Tiên đã nói một lời cao thượng mà nhẹ tựa lông hồng: “Làm ơn há dễ trông người trả ơn”. Giúp người đã là điều tuyệt đẹp, giúp mà không cần báo đáp còn đẹp hơn biết bao, bởi đã coi chuyện của người là chuyện của ta, thân người cũng là thân ta.
Người Hà Nội nay có thể không biết, nhưng cách đây khoảng 100 năm, có một công trình rộng nghìn mét vuông ở Hàng Đũa do bà cả Mọc – Hoàng Thị Uyển (1870 – 1947) làm chủ, được gọi là Hội Tế Sinh đã cứu giúp biết bao đứa trẻ nghèo đói mà cha mẹ chúng chẳng thể nuôi nổi. Những tấm thân khốn khổ được cho ăn cho học, được chơi bời, được thay quần áo sạch mỗi ngày hai lần, cứ thế cho đến khi bố mẹ chúng hết đói thì lại tới xin con về.
Bà Cả Mọc chính là em gái nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy – tác giả của những tác phẩm ghi chép về nét đẹp của người Hà Thành và người Việt xưa. Hội Tế Sinh được thành lập vào năm 1930 và đã được vua Bảo Đại cùng hoàng hậu Nam Phương đích thân đến thăm, sau đó vua ban tặng cho bà Cả Mọc tấm bảng vàng “Tiết nghĩa”. Nhưng bà cương quyết không nhận cái “danh hiệu” này. Trong khi các quan Ngự tiền còn đang lúng túng, bà điềm nhiên bảo: “Việc của quý ngài thì quý ngài cứ tâu lên vua, còn việc của tôi thì tôi không nhận. Thế thôi”.
Bà Cả Mọc. (Ảnh: nguoiduatin)
Có lẽ bởi đơn giản bà cảm thấy mình chỉ làm việc cần phải làm, một việc đương nhiên của một con người có lòng Nhân. Là một sự khẳng định cho đời về những điều đúng đắn nên làm, giống như Nguyễn Trãi từng nói:
“Thấy người hoạn nạn thì thương,
Thấy người tàn tật lại càng trông nom,
Thấy người già yếu ốm mòn,
Thuốc thang cứu giúp, cháo cơm đỡ đần.
Trời nào phụ kẻ có nhân,
Người mà có đức, muôn phần vinh hoa”
(Gia Huấn Ca).
Hóa ra khi ta làm việc nhân nghĩa mà không cầu báo đáp ấy, lại chính là đang xây dựng di sản và tích trữ kho báu vô giá cho chính mình. Đó chính là cái Đức tưởng chừng vô hình vô ảnh, nhưng lại là điều có thể mang lại cho sinh mệnh con người những đền đáp xứng đáng.
Bởi vậy ngay những câu đầu trong bài “Dạy con ở cho có Đức”, Nguyễn Trãi đã giải thích rằng:
“Ở cho có đức có nhân,
Mới mong đời trị được ăn lộc Trời”.
Nào phải người xưa mê muội giải thích mọi may mắn trong đời là do Trời ban lộc. Đó hẳn là đúc kết trong dân gian từ hàng bao nhiêu kiếp người riêng biệt. Là lời giải hợp lý nhất cho tới hiện tại về những việc mà con người cho là ngẫu nhiên khi không thể lý giải nổi như: tại sao lại có người cùng khổ và có người sướng từ trong trứng nước?
Lời của một bậc quân sư kiệt xuất bậc nhất trong lịch sử Đại Việt, người đã lưu danh thiên cổ và thay người Việt nói lên tinh thần “đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo” nào lại chỉ là lời “mê tín”, “u muội”. Dùng cái lý và góc nhìn đã mai một đạo Thánh của người nay mà giải thích người xưa, có lẽ là hơi vội vàng. Tại sao ta không thử bình tĩnh mà quan sát, để nhìn ra quy luật khách quan vẫn luôn chi phối cuộc đời mỗi người, mà ta chẳng thể can thiệp.
Người Việt xưa đã dùng cả cuộc đời của mình để quan sát, để đúc rút, khắc ghi và khuyên nhủ các thế hệ sau:
“Khuyên ai chớ bắt chước rày,
Ở lòng nhân nghĩa cho đầy mới khôn.
Lời cha dạy bảo nỉ non,
Trước sau ghi chép khuyên con nghe lời.
Nghe thì mới phải là người,
Chẳng nghe thì cũng là đời bỏ đi”.
(Dạy con ở cho có Đức, Nguyễn Trãi)
Thực hành nhân nghĩa ấy hóa ra lại là điều rất tự nhiên của người khôn, của người học rộng biết nhiều như Nguyễn Trãi. (Ảnh: wikipedia.org)
Thực hành nhân nghĩa ấy hóa ra lại chính là việc làm của người khôn, nào phải lo việc bao đồng, hay việc của những người phải có đầy đủ điều kiện và hoàn cảnh thích hợp. Ngày nay, nhiều người cho rằng, muốn giúp người khác thì trước hết mình phải lo được cho mình và gia đình, phải có năng lực, thậm chí đương nhiên nghĩ rằng đó là việc của những người giàu có, mạnh mẽ, giỏi giang; Lại cũng có người có thế, có tiền làm việc thiện vì cái danh, cái tiếng; Cũng có người giúp người khác mà chấp vào việc phải được chút đáp đền, kể lể công lao.
Đó đều không phải là lòng nhân nghĩa mà người Việt xưa đã lưu truyền, mà là giả nhân giả nghĩa, là làm việc nghĩa mà có điều kiện. Việc nhân nghĩa giả hiệu này do vậy chỉ có thể dừng lại ở đó mà không lan tỏa đi và càng chẳng thể mang lại cho bản thân họ điều gì ngoài cái danh hão.
Trách nhiệm và niềm tin
Không phải ngẫu nhiên mà cổ nhân có câu: “Hành thiện mà không cầu báo đáp sẽ khai mở thiện tâm của người khác và giải được khổ nạn của bản thân”. Việc nhân nghĩa từ cái tâm chân thật không toan tính, sẽ như những làn sóng xô nhau, việc này nối tiếp việc kia, truyền đi những rung động sóng nước lay động cả những cánh bèo xa xôi nhất. Để ai ai cũng được truyền cảm hứng để làm việc tử tế cho người khác, cũng là tích lũy cho mình một gia tài giá trị nhất: ‘Đức’. Để khi tới lúc gia tài đó sẽ được chuyển hóa để giúp hóa giải khổ nạn của bản thân.
Mà kể cả có không tin rằng làm việc nhân nghĩa không cầu báo đáp có thể tích Đức. Thì chí ít, ta cũng phải có trách nhiệm trước sự tha hóa đạo đức của xã hội mà mình đang sống trong đó. So với việc chỉ ngán ngấm, lên án, thiếu tin tưởng con người, có lẽ hành động đẹp sẽ là tiếng nói thu hút nhất, vang vọng nhất để đánh thức lòng nhân trong mỗi con người. Đó là trách nhiệm lưu giữ những giá trị phổ quát của nhân loại, chứ chẳng phải việc đơn giản, hay là việc làm khi có điều kiện và khi ta cao hứng mà thôi.
Người ta nói người tốt ngày nay hiếm quá, làm việc tốt cũng khó quá, thậm chí còn bị nói là ‘dại dột’ khi có thể ‘làm ơn mắc oán’, mang vạ vào thân. Nhưng cái xấu không phải là để chúng ta sợ, mà là để chúng ta trừ bỏ nó đi. Cái tốt không phải là việc để kể, để hồi tưởng mà là việc để làm. Dù có phải đi ngược dòng, có phải chịu chút thiệt thòi, nhưng tâm ta thanh thản và có thể luôn ngẩng cao đầu mà sống. Hơn nữa, cái Đức mà các cụ vẫn thường nói ấy, nó có thể vô hình nhưng luôn hiện hữu, bởi đó là đối trọng níu giữ đạo đức con người, là điều bạn phải tin tưởng nếu muốn những thế hệ sau còn nhân tính. Đất Trời có đức hiếu sinh bao la che chở vạn vật, con người sống trong đó, cũng phải thuận theo lý của Đất Trời thì mới mong có sự đáp đền xứng đáng.
Có thể nói mọi thói hư tật xấu của con người đều từ cái tâm vị tư (vì bản thân mình) mà ra. Vì nghĩ đến cảm giác của mình, mong muốn của mình, lợi ích của mình, mà ta vô tình hoặc cố ý xâm phạm tới cảm giác, mong muốn và lợi ích của người khác. Nhưng khi biết xả thân vì nhân nghĩa, chính là lúc đặt người khác lên trên bản thân mình, chia sẻ lợi ích của mình, là ta đã làm được việc lợi tha (đem lợi cho người). Từ đó, vị tư đã chuyển thành vị tha. Thế nên lòng thí xả vì người đã giúp ta chống lại nguồn gốc gây ra mọi thói hư tật xấu của mình. Đó chẳng phải là phương cách hữu hiệu nhất để níu giữ nhân tính hay sao?
Lời cổ nhân xem ra đều cần ta phải nghiêm túc mà phân tích nhìn nhận, mà đối đãi. Ít nhất cũng cần nhận ra và phải hiểu vì sao ngày nay nhiều người lại nói câu: “bao giờ cho đến ngày xưa” đến như vậy.
Thuần Dương(TheoDkn.tv)

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.