Ngôn ngữ của ‘Im lặng’

9:58:00 SA

Ngôn ngữ của ‘Im lặng’ trong thời đại văn hóa biến dị

 

Chúng ta biết rằng văn hóa được sử dụng nhằm định hình và duy trì bản sắc của một dân tộc, cũng như phản ánh sự khác biệt giữa các cá nhân, các quốc gia và ngôn ngữ chính là phương tiện thiết yếu để thể hiện những giá trị văn hóa đó. Tuy vậy, ít ai biết rằng có một thứ ngôn ngữ có khả năng biểu đạt nhiều ý nghĩa hơn các loại ngôn ngữ còn lại, đó là một loại ngôn ngữ không lời: Ngôn ngữ của Im lặng.
Ngôn ngữ là một phần của văn hóa
Nếu bạn khen một người Mỹ rằng: “Chiếc áo len của bạn thật đẹp!”, bạn có thể sẽ nhận lại hai từ “Cảm ơn” bằng sự chân thành cởi mở và niềm vui thật sự bởi họ có cách suy nghĩ đơn giản và tư tưởng không có sự phòng bị hay nghi ngờ động cơ của người khác. Nhưng nếu đó là người Pháp, đó có thể sẽ là câu: “Ồ thật sao, tôi nghĩ nó cũng khá cũ rồi mà”. Không phải vì họ không vui, mà bởi người Pháp kín đáo, tính cách của họ có xu hướng tiết chế và khắt khe hơn với những lời khen. Đó là một trong những ví dụ người ta dùng để nói về sự khác nhau giữa văn hóa Mỹ và văn hóa Pháp. Và đó cũng là cách người ta sử dụng ngôn ngữ để phân tích sự khác nhau giữa các nền văn hóa.
Người Mỹ thường có tính cách phóng khoáng, cởi mở. (Ảnh: Languageart.si)
Những cá nhân được nuôi dưỡng trong cùng một loại hình văn hóa sẽ có các quan điểm tư duy và phương cách hành xử gần giống nhau. Tuy không phải lúc nào người ta cũng nhận ra văn hóa khác biệt giữa các nhóm người, các dân tộc, nhưng từ ngôn ngữ lời nói của họ có thể biểu lộ điều đó.
Ngôn ngữ, bản sắc và văn hóa là những phạm trù gắn liền với nhau một cách mật thiết. Giáo sư ngôn ngữ học người Mỹ, bà Joan Kelly Hall tin rằng khi 2 người được đưa vào cùng một nền văn hóa, sẽ dần dần hình thành cùng một thế giới quan đối với những sự việc phát sinh trong cuộc sống. Vì vậy, có thể dễ dàng thấy rằng sự khác biệt về văn hóa giữa các cá nhân cùng một dân tộc là không đáng kể so với các cá nhân thuộc các nền văn hóa khác nhau hay dân tộc khác nhau.
Do đó, thật là ảo tưởng khi nghĩ rằng người ta có thể thay đổi một cách cơ bản cách thức sử dụng ngôn ngữ của một dân tộc. Vì ngôn ngữ không chỉ là một phương tiện giao tiếp hoặc truyền đạt ý tưởng, nó chính là một phần của văn hóa.
Người Pháp có lối sống khép kín và ít nói hơn so với người Mỹ. (Ảnh: Hipparis)
Ý nghĩa của loại ngôn ngữ không lời: Im lặng
Nhiều sinh viên châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan,… thích giữ im lặng hoặc thảo luận lặng lẽ với nhóm của họ thay vì lên tiếng trước lớp trừ khi được giảng viên mời. Những hành vi đó được xem là bình thường vì đó là hiện tượng khá phổ biến ở trường học, thậm chí đó là phong cách học tập phổ biến tại Việt Nam. Khi các sinh viên này làm việc nhóm, họ có xu hướng dùng ngôn ngữ bản xứ để giao tiếp với nhau hơn là chủ động thành lập một nhóm với sinh viên quốc tế. Trong khi đó, một số sinh viên phương Tây đã tự tin lên tiếng trước lớp và chia sẻ ý kiến của họ. Họ cũng không ngại hỏi giảng viên bất cứ khi nào họ hỏi. Thực tế rằng, sinh viên phương Tây và sinh viên châu Á có cách học khác nhau xuất phát từ bản sắc văn hóa trong các khu vực khác nhau.
Sự im lặng trong các nền văn hóa châu Á có thể là dấu hiệu của sự tôn trọng. Giảng viên khoa ngoại ngữ học trường đại học Bogazici Thổ Nhĩ Kỳ, ông Sibel Tatar cho rằng lý do cho sự im lặng của học sinh châu Á trong lớp học là do ảnh hưởng của nền tảng văn hóa, người học xem việc im lặng khi không được giáo viên của mình chỉ định như cách thể hiện sự tôn trọng giáo viên. Những sinh viên châu Á thường cảm thấy ngạc nhiên và bối rối khi lần đầu tiên đến các trường đại học phương Tây và nhận thấy cách cư xử khác biệt của các sinh viên ở đây đối với các giảng viên của họ như gọi giảng viên bằng tên, tự do tranh luận với giáo viên về những quan điểm khác nhau.
Tuy nhiên, văn hóa có nguồn gốc sâu xa hơn và ảnh hưởng sâu sắc hơn đến hành vi và ngôn ngữ của con người. Và đối với loại ngôn ngữ đặc biệt, ngôn ngữ không lời: sự im lặng, thì khi chuẩn mực văn hóa khác nhau sẽ thể hiện ý nghĩa khác nhau, cũng như biểu hiện giá trị đạo đức khác nhau của con người.
Tiểu thuyết gia, nhà phê bình văn học và nhà trị liệu tâm lý người Mỹ Paul Goodman đã từng phát biểu rằng:
Có sự im lặng ngu ngốc của sự thờ ơ, sự im lặng sâu sắc của nhận thức để nuôi dưỡng tâm hồn,…và sự im lặng của sự hòa hợp với người khác hoặc hiệp thông với vũ trụ.
Ví dụ về nền văn hóa truyền thống 5000 của Trung Quốc hướng đến sự hòa hợp giữa con người và vũ trụ, nhấn mạnh vào các giá trị đạo đức. Văn hóa được xây dựng dựa trên Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo, mang đến cho người dân Trung Quốc tiến bộ xã hội, thăng hoa đạo đức, lòng khoan dung và đức tin chính đáng của con người. Xã hội Trung Quốc theo truyền thống lấy sự khiêm nhường làm chuẩn mực, theo tinh thần kính Thiên ái Nhân, không phải lấy bản thân mà lấy luân lý đạo đức làm trung tâm để hành xử. Vậy nên, trong chuẩn mực văn hóa cao như thế, im lặng phản ánh nét đẹp thanh cao của người quân tử, không tùy tiện thể hiện bản sự cá nhân, mà lấy khiêm cung làm đầu, lấy sự học hỏi làm trọng, giữ lễ nghi mà hòa hợp Đạo.
Im lặng là biểu hiện của cảnh giới tâm hồn cao thượng trong nền văn hóa truyền thống. (Ảnh: Tante Tati/Pixabay)
Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, đặc biệt sau cuộc Đại Cách Mạng Văn hóa, văn hóa truyền thống Trung Quốc hoàn toàn bị phản đối. Văn hóa truyền thống và các giá trị đạo đức bị xem là phong kiến và phản động, và bị xóa bỏ dưới danh nghĩa thủ tục mê tín. Văn hóa truyền thống trở thành rào cản cho cuộc chiến nhằm tôn vinh văn hóa Đấu, đấu với người, với Trời, với Đất. Từ đó, nền văn hóa của đất nước này trở thành thứ mang tính thống trị và kiểm soát tâm trí của người dân, áp đặt một tâm lý ngoan ngoãn lên mọi người dân và biến họ thành những kẻ hèn nhát, tự bảo vệ, dám không lên tiếng.
Sự im lặng bị khoác lên một tầng ý nghĩa phụ diện hoàn toàn khác biệt trước kia. Giảng viên Lu Jie và Gao Desheng thuộc Đại học Sư phạm Nam Kinh cho biết bất cứ khi nào sinh viên Trung Quốc gặp phải những tình huống cần thể hiện quan điểm cá nhân mà chệch ra khỏi hệ tư tưởng đã được đào tạo, họ sẽ không có khả năng phản hồi, trừ khi họ biết câu trả lời “an toàn” là gì, nếu không họ sẽ do dự và chọn im lặng như một biện pháp an toàn nhất thời.
Các sinh viên châu Á có xu hướng khép kín hơn so với các sinh viên đến từ các nước châu Âu hay châu Mỹ. (Ảnh: Kidskunst.info)
Ngoài ra, văn hóa “mạnh được yếu thua” trong một số quốc gia châu Á cũng khiến sinh viên sử dụng sự im lặng như một chiến lược tự bảo vệ, họ sợ bị chế giễu nếu mắc lỗi, tự ti về năng lực của bản thân do văn hóa tật đố, so đo hơn kém tạo nên. Ông Tatar cho biết sự im lặng bắt nguồn từ việc cho rằng quyền được nói là dành riêng cho những sinh viên ưu tú. Họ sử dụng sự im lặng như một biện pháp để “sinh tồn”, để được chấp nhận tồn tại trong một nhóm hay một lớp, để đảm bảo bản thân không khác biệt khỏi văn hóa chung của nhóm.
“Im lặng” trong thời đại văn hóa biến dị
Hai giảng viên ngôn ngữ học Claire Kramsch và Anne Whiteside nhận định văn hóa được nhìn từ góc độ lịch sử xa hơn, đã phát triển và trở nên vững chắc theo thời gian, đó là lý do tại sao hình thức văn hóa được nhìn nhận như một loại hành vi tự nhiên. Do đó, nếu con người đi chệch khỏi văn hóa chính thống, họ cũng khó cảm nhận được văn hóa của họ đang tuột dốc, vì nó đã thành điều “rất tự nhiên”, và mọi người trong cộng đồng của họ đều cùng chung một nhận thức, hành vi, chuẩn mực văn hóa như thế.   
Trong phạm vi của một quốc gia, văn hóa được coi là linh hồn của một dân tộc, là yếu tố tinh thần có ý nghĩa to lớn đối với loài người. Theo nhiều văn vật khai quật được từ các nền văn hóa tiền sử, bất kể nền văn minh nào đó phát triển huy hoàng và tiến bộ ra sao, khi văn hóa của một nền văn minh trở nên suy đồi, đó là thời điểm dẫn đến sự chấm dứt của nền văn minh đó. Các nhà khoa học đã tìm thấy rất nhiều bằng chứng chứng minh cho sự suy đồi đạo đức vào thời điểm các nền văn minh kết thúc.
Do đó, im lặng trước tội ác và bất công là hồi chuông báo động cho sự suy đồi đạo đức và văn hóa. Trong sách Sáng Thế đã kể về chuyện Joseph bị các anh mình bán làm nô lệ do lòng đố kỵ, có một người anh là Reubeu đã do dự không tham gia việc đó. Nhưng thay vì sửa chữa lỗi lầm, Reubeu đã tìm cách che đậy cảm giác tội lỗi của mình bằng cách đồng ý với các anh em nói dối cha mình về sự mất tích của Joseph, nhưng anh ta biết sự im lặng và không hành động của mình khiến anh ta cũng có tội như những người anh em độc ác khác và điều đó dày vò anh ta trong suốt những năm về sau.
Giáo sư Hall cho rằng ngôn ngữ có ý nghĩa quan trọng nhất đối với việc thể hiện văn hóa và luôn được coi là kênh lưu trữ chính của các giá trị văn hóa. Vì vậy, một nền văn hóa bất tín Thần có thể biểu hiện qua ngôn ngữ không lời: sự im lặng. Vào thời nhà tiên tri Elijah (người chia sẻ thông điệp và cảnh báo của Chúa), sự im lặng của nhiều người đã cho phép hoàng hậu Jezebel độc ác, dưới thời vua Ahab, đàn áp tín đồ ngoan đạo trên khắp đất Israel. Khi nhà tiên tri Elijah mang lời cảnh tỉnh của Chúa và đứng trước tất cả mọi người nói rằng: “Các ngươi đã dao động giữa hai ý kiến bao lâu rồi? Nếu Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời, hãy theo Ngài; còn nếu các ngươi tin đó là Baal (kẻ cầm đầu mọi ác quỷ dưới Địa Ngục), thì hãy theo hắn ta”. Sự im lặng và không hành động của mọi người nói lên sự thiếu quyết đoán của họ. Họ chịu thua vì không dám đứng lên, lên tiếng và nói ra những kẻ độc ác, để cái xấu xa được phép lan tràn.
Bức “Đại Thẩm Phán” (1305-1306) của Giotto tại nhà nguyện Scrovegni, Padua (Ảnh: Wikipedia)
Trong Kinh Thánh đã viết: “Đừng để bị lừa dối, Đức Chúa Trời không thể bị khinh thường mãi đâu, vì ai gieo điều gì sẽ gặt điều ấy”. Trong nhiều nền văn hóa, văn hóa bất tín Thần đã phá hoại con người, lương tâm và sự phán xét đạo đức, dẫn dắt loài người đẩy lùi văn hóa truyền thống, điều này sẽ gây ra sự sụp đổ hoàn toàn của văn hóa quốc gia hoặc tinh hoa của quốc gia đó, và chỉ còn lại một sự trống rỗng của một tên quốc gia.
Trong xã hội ngày này, nhiều phương diện về đạo đức và văn hóa ngày càng suy đồi, các tệ nạn phát sinh ngày một nhiều hơn. Tuy vậy, có những người không im lặng mãi, họ đã dũng cảm lên tiếng. Có những phụ nữ như bà Rachel Carson, nhà môi trường học vĩ đại bất chấp sự công kích của giới đối lập để lên tiếng ngăn con người hủy hoại môi trường, bà đã từng nói rằng: “Theo một ý nghĩa sâu xa nhất, đó là một đặc ân cũng như nghĩa vụ để có cơ hội được nói ra – với hàng ngàn người – về một điều gì đó rất quan trọng”.
Có những người như nhà nhân quyền nổi tiếng ông Martin Luther King Jr, người cố gắng không mệt mỏi cho nạn phân biệt chủng tộc đã nói rằng: “Tất cả những thứ cần thiết để cái ác chiếm ưu thế chính là những người tốt không làm gì cả”. “Ngày chúng ta nhìn thấy sự thật và không lên tiếng là ngày chúng ta bắt đầu chết”. Và còn có những học viên Pháp Luân Công, dù bản thân chịu vu khống và hãm hại của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, vẫn một lòng nói lên sự thật và đem những giá trị đạo đức cao cả theo nguyên lý Chân Thiện Nhẫn truyền đạt đến con người thế gian.
Đừng biến im lặng trở thành kẻ ác, đừng để lòng tốt xa rời. Xin hãy yêu thương khi còn có thể. (Ảnh: Facebook)
Thiết nghĩ, dù trong bất kỳ nền văn hóa nào, khi đạo đức suy đồi ra sao, nếu bản thân một người có thể sáng suốt nhận ra được những giá trị đạo đức chân chính, có thể phân biệt rõ giữa thiện và ác, đúng và sai, thì vẫn có thể vực dậy tính nhân bản trong con người mình, và cho bản thân cơ hội để sống như một con người chân chính đúng nghĩa.
Tâm An – Hương Quỳnh

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.