Phải đến Borobudur Temple để hiểu về triết lý Phật Giáo

8:45:00 SA

Phải đến Borobudur Temple để hiểu về triết lý Phật Giáo

Trần Nguyên Thắng/ATNT Tours & Travel
Quang cảnh nhìn từ đỉnh Borobudur Temple. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Borobudur Temple có kiến trúc khá đặc biệt, tạo cho người xem nhiều suy nghĩ tìm hiểu các điểm sâu xa về giáo lý và triết lý Phật Giáo.
Indonesia có lẽ là một trong các quốc gia có nhiều đảo nhất nhì thế giới (khoảng 13,000 đảo), trong đó có năm hòn đảo chính là Kalimantan, Sumatra, Irian Jaya, Sulawesi và Java.
Jogyakata là một thành phố không lớn lắm nằm trên đảo Java và cách thủ đô Jakarta của Indonesia khoảng hơn 400 km đường chim bay về hướng Đông Nam. Có lẽ thế giới sẽ ít ai biết đến Jogyakata nếu không nhờ vào một di tích bảo tháp vĩ đại của Phật Giáo còn lưu lại dấu vết ở đây suốt từ thế kỷ 9 đến nay. Đó chính là Borobudur Temple.
Ba Stupas Parinirwana – Nirwana – Mahaparinirwana, biểu tượng vô tướng. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Từ Jogyakata chạy về hướng Bắc khoảng một tiếng rưỡi là du khách đã đến Borobudur Temple. Từ xa ngôi Temple này như mang dáng dấp một ngôi lâu đài lớn nằm trên một ngọn đồi cao.
Tên “Borobudur” mang một ý nghĩa là ngôi Phật Tự trên đồi (người hướng dẫn địa phương cho tôi biết chữ “Boro” là chùa, Bud từ chữ Budda là Phật và “ur” có nghĩa trên cao, trên đồi). Tuy nhiên danh từ này cho đến nay vẫn còn là một điều tranh cãi chưa có kết luận.
Có cái lạ là Borobudur Temple lại thuộc về nhánh Phật Giáo Đại Thừa, chứ không phải nhánh Phật Giáo Tiểu Thừa. Kiến trúc của nó cũng khá đặc biệt, lạ lùng, và tạo cho người xem nhiều suy nghĩ tìm hiểu các điểm sâu xa về giáo lý và triết lý Phật Giáo.
Borobudur Temple trên đồi. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Nhìn qua nét kiến trúc của Borobudur, quả thực tôi không biết tại sao người ta lại gọi là Temple vì đây không phải là nơi người ta đến để cầu nguyện hoặc làm một nghi thức lễ Phật Giáo nào. Nhưng càng ngắm nhìn kiến trúc Borobudur người thưởng ngoạn lại càng cảm thấy lạ, lại càng đắm chìm vào dòng suy tư tôn giáo, đời sống con người, nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc.
Như trong bức họa đồ miêu tả, có người cho rằng Borobudur Temple có dáng dấp như là Mạn Đà La, một biểu đồ linh thiêng của vũ trụ trong triết lý Phật Giáo. Stupa (bảo tháp) lớn nhất tại trung tâm Borobudur như là quả núi vũ trụ lớn nhất so với tất cả các bảo tháp của Phật Giáo trên thế giới. Kiến trúc Borobudur có thể tóm gọn lại thành ba phần.
Nét điêu khắc trên đá diễn tả sự lắng nghe lời người lớn tuổi. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Phần tầng 1 diễn tả về đời sống con người. Trong đó các bức điêu khắc ở tầng này dường như chủ ý muốn nói đến cái nhân cái quả của kiếp này kiếp sau. Thường thì có ẩn ý răn dạy con người. Thí dụ những người trẻ không chịu lắng nghe kinh nghiệm từ người lớn tuổi thì mai sau/ kiếp sau họ có thể đón nhận những điều bực bội, lận đận đến với họ.
Phần hai gồm các tầng từ tầng hai đến tầng bảy bao gồm những câu chuyện về Đức Phật, từ những câu chuyện về đời sống của Thái Tử Tất Đạt A từ lúc sinh ra đến lúc đi tìm chân lý và giác ngộ dưới gốc Bồ Đề, các câu chuyện các tiền kiếp xa xưa của Phật như mẫu chuyện tiền kiếp của Phật là voi, và đã hy sinh thân xác của voi để cứu sống những người sắp chết đói.
Nét điêu khắc diễn tả sự lận đận ở kiếp sau vì không nghe lời. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Mẫu chuyện con sư tử, nai, và chim. Sư tử đói bụng vồ được nai thì mừng quá nhưng một chiếc răng sư tử bị nhức nhối, đau quá nên không ăn thịt nai được. Chim (tiền kiếp của Phật) thấy thế bèn nói sư tử há miệng và chim lấy chiếc răng đau ra. Sau đó chim chịu làm mồi cho sư tử thay thế cho nai.
Các bức họa điêu khắc miêu tả về các câu chuyện trên thật sống động cho người xem. Người ta ước lượng tổng số các bức điêu khắc có thể dài chừng 4 km. Nếu bạn muốn xem từng bức điêu khắc (một bức khoảng 24 cm), mỗi bức mất 1 giây đồng hồ thì bạn cần ít nhất hai ngày thì mới xem hết được. Bạn có đủ can đảm không?
Diễn tả voi, một tiền kiếp Đức Phật, hy sinh mạng sống cứu người sắp chết đói. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Hơn thế nữa, phần hai này có tất cả 432 tượng Phật được tạc quanh bốn chiều Đông Tây Nam Bắc, tượng trưng cho Phật ở khắp nơi. Thực ra thì các tượng Phật đều mang một ý nghĩa khác nhau. Nếu bạn thích thú về nghiên cứu triết lý cũng như giáo lý Phật Giáo thì Borobudur thật là nơi lý tưởng cho bạn vui chơi cùng sách vở. Nếu triết lý Phật Giáo cho bạn nhiều đau đầu thì Borobudur cũng rất thoáng rộng, vĩ đại và rất đẹp để bạn có thể ngắm nhìn một tuyệt tác của người xưa để lại cho nhân loại ngày nay.
Phần ba là phần trên cùng bao gồm các tầng 8 đến tầng 10 thì không còn là hình vuông nữa mà là hình tròn. Đây là phần tinh túy thâm sâu nhất của Borobudur. Có 32 stupa trên vòng tròn thứ nhất, vòng tròn thứ hai có 24 stupa.
Nét điêu khắc diễn tả câu chuyện chim, sư tử và nai. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Tất cả các stupa tầng 1, tầng 2 này gọi tên là Parinirwana và đều được đục lỗ trống chung quanh hình thoi. Riêng tầng 3 có 16 stupa nhưng lại được đục lỗ trống hình vuông và gọi tên là Nirwana. Bảo tháp stupa trên cùng, nằm ngay giữa trung tâm của là một bảo tháp theo mái vòm tròn lớn. Trên đầu mái vòm là một trụ vuông và trên đó là một trụ hình bát giác. Bỏ qua phần ý nghĩa của các stupa thì phải nói đây là phần kiến trúc rất đẹp.
Borobudur Temple được xây dựng vào đầu thế kỷ thứ 9. Phật Giáo chỉ ảnh hưởng ở Indonesia khoảng hơn một thế kỷ, và bị Ấn Độ Giáo (Hindu) thay thế. Từ thế kỷ thứ 11, Hindu lại phải nhường cho ảnh hưởng Hồi Giáo chiếm trọn Borobudur cho đến bây giờ. Vì thế kiến trúc của Borobudur ít nhiều đều có ảnh hưởng từ ba tôn giáo trên.
Tượng Thần Shiva Ấn Độ Giáo cũng là một tiền kiếp Đức Phật. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Tôi đến thưởng ngoạn Borobudur dưới một cơn mưa tầm tã. Sáng nắng chiều mưa là chuyện bình thường vào Tháng Giêng tại đất nước Indonesia. Ngắm nhìn kiến trúc to lớn của Borobudur mà lòng thầm cám ơn ngọn núi lửa Merapi, vì nhờ tro bụi của Merapi phủ kín nên Borobudur mới còn tồn tại cho đến khi Thomas Stamford Raffles, một người Anh đến phủi bụi cho Temple ló mặt ra thế giới từ năm 1814.
Chính phủ Indonesia và UNESCO đã hai lần trùng tu bức tranh Mandala bằng đá này, nhưng những trận động đất thường xảy ra tại đây liệu có phá hủy đi một tuyệt tác của nhân loại không?
Họa đồ Borobudur Temple. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Jogyakata không phải chỉ có Borobudur Temple mà còn có Prambannan, ngôi đền thờ của Ấn Độ Giáo cũng vĩ đại không kém. Tôi chợt nhớ đến câu chuyện Thần Shiva của Ấn Độ Giáo cũng là một tiền kiếp của Đức Phật và cũng đồng thời nhớ đến mẫu chuyện Đức Phật cũng là một tiền kiếp của Thần Vishnu bên ngôi đền Hindu tại New Dehli. Ai đúng ai sai! Tôi cho rằng Jogyakata cũng không thua kém gì Angkor Wat của Cambodia. 
Trần Nguyên Thắng(TheoNguoi-viet.com)

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.