Nỗi lo và gánh nặng dân số già vào năm 2040
Nỗi lo và gánh nặng dân số già vào năm 2040
Mới đây ngày 8/11/2018, trên tờ Economist (Anh) có đăng một bài viết với tựa đề: “Việt Nam chưa kịp giàu đã già”. Nội dung bài báo chỉ ra một tương lai ảm đạm và đáng buồn đối với dân tộc Việt Nam. Bài viết cũng phân tích nguyên nhân cho thấy Việt Nam đã bỏ lỡ "cơ hội vàng" trong việc tận dụng cơ cấu "dân số vàng" thời điểm những năm 2007 - 2013 để phát triển kinh tế. Việt Nam sẽ sớm trở thành quốc gia có tỷ lệ dân số già rất cao chỉ trong vài thập niên tới, với nhiều gánh nặng, khó khăn.
<< Dân số già là một gánh nặng quốc gia rất lớn và không dễ giải quyết. Việc Nam đã bước vào giai đoạn dân số già (ảnh minh họa)
Gánh nặng dân số già từ năm 2040
Những số liệu nêu trong bài báo cho thấy như sau:
- Hiện nay, khoảng 12% dân số cả nước ta đã qua tuổi 60. Tức là cứ 100 người, thì đang có khoảng 12 người từ 60 tuổi trở lên.
- Đến năm 2040, tức chỉ khoảng 20 năm nữa, tỷ lệ người già (trên 60 tuổi) dự kiến sẽ chiếm đến 21% dân số. Tức trong 100 người, thì có 21 người trên 60 tuổi. Tỉ lệ người già như vậy thuộc nhóm cao nhất trên thế giới.
Sở dĩ tỷ lệ người cao tuổi tại Việt Nam ngày càng lớn như hiện nay là do 2 nguyên nhân chính sau đây:
- Tuổi thọ trung bình dân số nước ta hiện là 76, đã liên tiếp tăng trong nhiều thập niên qua. Xét về mặt y tế, chất lượng cuộc sống thì đây là dấu hiệu tích cực, nhờ thu nhập bình quân đầu người tăng.
- Tỉ lệ sinh giảm xuống rất nhanh. Hiện nay, mỗi người phụ nữ trung bình chỉ sinh khoảng 1,96 con (tức chưa tới 2 người con). Dẫn đến tỷ lệ tăng dân số hàng năm chỉ khoảng xấp xỉ trên 1%.
Theo số liệu thống kê của Liên Hợp Quốc, thời điểm tháng 11/2018, thông tin về dân số hiện tại của Việt Nam như sau:
- Tổng số người: 96.852.196 người. Việt Nam đang đứng thứ 14 trên thế giới về số lượng người.
- Độ tuổi trung bình ở Việt Nam hiện nay (năm 2018) là 31 tuổi. Đến năm 2040, độ tuổi trung bình sẽ tăng lên 40 tuổi.
Như vậy, có thể thấy rất rõ ràng: "dân số già" là vấn đề rất nghiêm trọng của Việt Nam. Hay nói chính xác là một "gánh nặng quốc gia", là một thực tế không thể né tránh và cần phải có hướng giải quyết hiệu quả ngay từ bây giờ.
Cũng cần nói thêm dân số già cũng là vấn đề chung của nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay, đặc biệt tại châu Á, chứ không riêng Việt Nam.
Việt Nam đã không tận dụng được thời kỳ "dân số vàng"
Tuy nhiên, điều đáng buồn với Việt Nam, tình trạng của chúng ta là "già nhưng chưa kịp giàu", vì đã không tận dụng được cơ hội đất nước đang trong thời kỳ "dân số vàng" - được xác định thời gian từ khoảng năm 2007 đến năm 2013.
"Dân số vàng" là gì? Đó là giai đoạn dân số trong một quốc gia đang có số người trong độ tuổi lao động lớn và số người phụ thuộc ít. Cụ thể ở Việt Nam, là khi số người đang trong độ tuổi lao động chiếm 68% tổng dân số cả nước, trong khi số người phụ thuộc (người già và trẻ em) chỉ chiếm 32% tổng dân số. Theo các chuyên gia, giai đoạn dân số vàng của mỗi quốc gia chỉ trải qua duy nhất một lần.
Từ tháng 4/2016, trong Lễ công bố Báo cáo Phát triển con người khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đại diện Liên Hợp Quốc đã cảnh báo Việt Nam sắp bước qua thời kỳ dân số vàng, tiến tới già hóa. (Thực ra là đã bước qua).
Đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) khuyến nghị: “Nếu các nước trong khu vực không bắt đầu lên kế hoạch để sẵn sàng tận dụng sự thay đổi nhân khẩu học này, họ sẽ bỏ lỡ cơ hội duy nhất để thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực và đầu tư cho tương lai. Tuy nhiên, nhiều nước ở châu Á – Thái Bình Dương đang bước vào gia đoạn quá độ tiền già hóa dân số. Việt Nam cần chuẩn bị trước khi qua thời kỳ dân số vàng".
Các chuyên gia cũng cho rằng quá trình chuyển đổi từ dân số vàng sang già hóa dân số ở Việt Nam sẽ diễn ra rất nhanh. Trong khi đó, thu nhập bình quân trên đầu người tại Việt Nam lại rất thấp. Điều này đặt ra hàng loạt thách thức trước khi bước vào giai đoạn mới.
Cũng tại buổi lễ năm 2016, ông Lê Bạch Dương, Trưởng phòng Dân số và Phát triển (UNFPA), cho biết: "Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn dân số vàng từ năm 2007 với tỷ lệ người trong độ tuổi lao động cao gấp đôi so với người phụ thuộc. Tuy nhiên, dấu hiệu già hóa dân số xuất hiện ở Việt Nam năm 2011".
Một vài số liệu so sánh giữa các quốc gia:
- Khi có tỉ lệ dân số vàng, GDP của Nhật Bản và Hàn Quốc đã nhanh chóng cất cánh và đạt tới con số thu nhập bình quân đầu người là 32.585 và 31.718 USD/người/năm.
- Trung Quốc với dân số khổng lồ trên 1,4 tỷ người, nhưng trong giai đoạn dân số vàng của mình vừa qua cũng đã đạt con số khá ấn tượng: thu nhập bình quân đầu người đạt 9.526 USD/người/năm.
- Việt Nam đã có cơ cấu dân số vàng của mình trong giai đoạn 2007-2013, nhưng mãi đến năm 2017 thu nhập bình quân đầu người mới chỉ đạt 2.389 USD/người/năm. Vẫn còn cách rất xa mức "kế hoạch", dù rất rất khiêm tốn - cho năm 2020 - là thu nhập bình quân đầu người đạt được 3.500 USD/người/năm.
Có thể nói, quy mô nền kinh tế của Việt Nam hiện vẫn đang còn rất nhỏ, thu nhập bình quân đầu người đang rất thấp so với các nước, kể cả những nước láng giềng. Tăng trưởng kinh tế chậm và càng đáng buồn hơn khi tốc độ già đi của dân số đang ngày càng tăng nhanh.
Giai đoạn "dân số vàng" của Việt Nam đã trôi qua. Việt Nam đã không thể tận dụng hiệu quả dân số vàng nhằm nâng cao năng suất lao động, tạo đủ công ăn việc làm phổ thông và tiến tới những công việc tạo ra năng suất cao hơn, ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm làm tăng năng suất lao động...
Gánh nặng ngân sách khi dân số già
Cuộc đua khắc nghiệt giữa tăng trưởng và dân số không chỉ làm đau đầu các nhà lãnh đạo, mà còn gợi bao trăn trở lo âu cho chính mỗi cá nhân, mỗi gia đình chúng ta - những công dân mang quốc tịch Việt Nam, đang sinh sống tại Việt Nam.
Ai cũng thấy rõ: người già là người phụ thuộc, dù không còn sức khỏe lao động, không làm việc, nhưng sẽ tiếp tục sống ít nhất là từ 15-20 năm nữa (tính theo tuổi thọ bình quân hiện nay). Mà để sống, thì phải ăn uống, thuốc men, ... Tức là phải có tiền, có lương hưu hoặc được con cháu chăm lo.
Trong khi đó, số người trong độ tuổi lao động sẽ ngày càng giảm nhanh để trở thành người già trong cơ cấu dân số nước ta. Trong khi những người trong độ tuổi lao động sẽ ngày càng ít đi. Có nghĩa là số lượng người cần được bảo trợ, hưởng lương hưu và chăm sóc y tế sẽ càng càng nhiều hơn.
Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam sẽ phải giải quyết hai "bài toán" rất nặng nề trong những năm tới đây:
1. Nguồn lực nào để hỗ trợ hàng chục triệu người già?
Theo Economist, tại Việt Nam chỉ có các hộ nghèo và người trên 80 tuổi (chiếm khoảng 30% dân số) mới có một khoản hỗ trợ cố định từ nhà nước. Tuy nhiên, số tiền hỗ trợ này thật sự cũng không thấm vào đâu so với chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ.
Một nghiên cứu về người già thực hiện vào năm 2011 chỉ ra rằng: có khoảng 90% người già Việt Nam không có khoản tiền tiết kiệm cho những năm cuối đời. Thậm chí vẫn còn những khoản nợ chắc đến kiếp sau mới trả hết được.
Vì vậy, các khoản trợ cấp dành cho người già, hay lương hưu cho cán bộ công chức, người lao động khi về hưu sẽ đặt lên vai nền kinh tế một gánh nặng rất lớn. Theo dự kiến, đến năm 2050, quỹ lương hưu dự kiến sẽ ở mức ... 8% GDP! Đây là một con số cao khủng khiếp, một tốc độ quá chóng mặt - so với 12 quốc gia châu Á được thực hiện khảo sát.
Nếu như những thập niên trước đây, con cái thường sống chung và chăm sóc cha mẹ; thì ngày nay do nhu cầu sinh tồn, lớp trẻ phải rời bỏ quê hương ngày một nhiều tìm kiếm việc làm ở thành thị. Tại Việt Nam, ngày càng nhiều người già sống trong đơn độc, cô quạnh, đặc biệt là ở các vùng quê.
2. Vấn đề chăm sóc sức khỏe cho hàng chục triệu người già
Chăm sóc sức khỏe cho hàng triệu người già là một nỗi lo không hề nhỏ cho mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bệnh Alzheimer, bệnh tim, các bệnh liên quan đến lão hóa đang ngày một gia tăng.
Rất nhiều người già đang sống những ngày tháng còn lại của cuộc đời gắn liền với thuốc men và chỉ thị của bác sĩ.
Trong khi đó, số liệu cho thấy khoảng 30% số người trên 60 tuổi ở Việt Nam không có bảo hiểm y tế, khiến cho chi phí chữa bệnh thực sự là một gánh nặng đối với chính bản thân họ và nhà nước. Các cơ sở y tế địa phương cũng không có đủ nguồn nhân lực, thiết bị và cơ sở vật chất hiện đại để đáp ứng những nhu cầu điều trị tại cơ sở. Dồn gánh nặng lên các tuyến cấp trên. Các bệnh viện ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM luôn ở tình trạng quá tải. Mà cũng chỉ có những người có tiền mới có thể đến đây.
Để "ứng phó" tình trạng dân số già, Việt Nam có kế hoạch điều chỉnh luật lao động, tăng tuổi nghỉ hưu từ 55 lên 60 với nữ giới và 60 đến 62 với nam giới. Tức là kéo dài thời gian làm việc thêm.
Nhưng có vẻ như đã chậm. Thông thường, một quốc gia muốn leo nhanh hơn trên nấc thang thu nhập thì phải chuyển đổi từ canh tác sang các ngành nghề khác như công nghiệp và dịch vụ. Trên khía cạnh này, chúng ta đã thụt lùi so với những người hàng xóm từ rất lâu rồi.
Ai cũng phải già đi như một quy luật, nhưng dân tộc Việt Nam đang già đi nhanh quá! Có lẽ rất nhiều người ở lứa tuổi 40, 50 đang tự hỏi: sao sắp lão rồi mà mình vẫn chưa làm được gì? chưa có gì dành cho con, cho cháu và bản thân mình?
Đó cũng chính nỗi lo chung, một gánh nặng khổng lồ của cả một đất nước.
Đó là chưa nói đến vấn đề nợ công. Mà chúng ta đã vay rất rất nhiều và sẽ phải trả cả vốn lẫn lãi. Cũng sẽ ngày càng áp lực trong những năm sát tới đây. Có lẽ mỗi chúng ta nên nhớ rằng: tính tới thời điểm 2018 này, mỗi người dân Việt Nam (từ già tới trẻ) đang phải gánh số nợ khoảng 35.000.000 đồng nợ công/người.
Tham khảo trên mạng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét