Mùa hoa sữa Hà Nội
Hương hoa sữa gắn với mùa thu Hà Nội, là nét đẹp được nhiều người xa quê thương nhớ. Từ cuối tháng 5 năm nay, hoa sữa đã bắt đầu xuất hiện khắp nẻo đường phố thị và cho đến tận bây giờ, người dân vẫn đang khốn khổ tìm đủ cách xoay sở khi mà mùi hương ngày một nồng nặc gây nhức đầu, khó thở.
"Mùa hoa sữa về, thơm từng cơn gió"- Mùa thu Hà Nội có lẽ thật tình và thật thơ với một chút khí trời lành lạnh, cộng thêm chút hương hoa sữa đặc trưng. Loài hoa này gắn với mùa thu, là nét đẹp được nhiều người xa quê thương nhớ.
Có một nghịch lý là vào những ngày cuối tháng 10, người ta say sưa kiếm tìm cả vùng trời nhưng chẳng có hề một bông hoa sữa nào. Nhưng chẳng hiểu sao vào thời điểm cuối tháng 11, hoa sữa đồng loạt "bung lụa" trên khắp tuyến phố. Dạo chơi khắp phố phường chỉ cần ngửa cổ nhìn lên, chợt nhận ra cả một bầu trời hoa sữa với mùi hương nồng nặc như muốn "tra tấn" người dân Hà Thành. Ai cũng than trời kêu đất từ facebook ra ngoài đường, nhà nhà người người cầu nguyện sao có thể nào "trảm" bớt những cây hoa sữa trên đường không?
Cuối tháng 11, hoa sữa tỏa hương ngào ngạt khắp mọi ngóc ngách chốn phố thị.
Hoa sữa tỏa hương ngào ngạt về đêm, dân tình khốn khổ tìm đủ cách xoay sở
Năm nay không chờ Hà Nội sang thu, ngay từ đầu tháng 5, hoa sữa đã "oanh tạc" khắp mọi nẻo đường phố thị. Dọc các tuyến đường Nguyễn Du, Nguyễn Chí Thanh,... nhiều người không khỏi bất ngờ khi tình cờ bắt gặp một mùi hương hoa sữa quen thuộc. Lúc này người ta còn thích thú bởi dẫu sao, ngửi một chút hương cho "tình" với Hà Nội tí cũng vui.
Mùa hoa của nó thực sự bắt đầu từ cuối tháng 9 và kéo dài đến khoảng đầu tháng 12 Dương lịch. Thường thì càng về cuối vụ, hương hoa sữa càng đậm hơn. Và đặc biệt về đêm, nhiệt tích tụ của một ngày càng kích thích hoa sữa nở rộ. Từng cây đơm hoa trắng thành cụm xum xuê, gió heo may đẩy hương hoa bay xa. Mùi hương ngào ngạt của nó tạo cảm giác đau đầu, khó chịu.
Nay đâu chỉ "... Nhớ phố Quang Trung, đường Nguyễn Du những đêm hoa sữa thơm nồng...", dọc các con phố Hà Nội như Duy Tân, Quán Thánh, Lê Quang Đạo, Lò Đúc, Đào Tấn... cứ cách vài mét lại có một cây hoa sữa. Có lẽ khổ nhất vẫn là những người dân mà ngay trước nhà, sau nhà, hoặc cách đó không xa lại "thoang thoảng" mùi hương.
Dọc đường Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), người đi đường như bị bủa vây bởi "binh đoàn" hoa sữa.
Dọc đường Quán Thánh (quận Ba Đình, Hà Nội) bát ngát mùi hoa sữa nồng nặc.
"Ban ngày hương hoa dịu hơn, đêm xuống mùi như tra tấn khiến mình đau đầu kinh khủng. Vì ngay phía sau nhà có 1 cây đang nở rộ nên mặc dù đã đóng kín cửa nhưng mà chẳng ăn thua. Lúc nào đi ngủ mình phải xức tí nước hoa cho đỡ mùi", bạn Minh Hiền (23 tuổi, đường Kim Mã Thượng, quận Ba Đình) chia sẻ.
Đặc biệt trên con phố Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa, Hà Nội) dài chừng 1,7 km cả phố có khoảng trăm cây hoa sữa. Buộc phải "sống chung với lũ" người dân ngoài than vãn ra cũng chẳng biết làm gì hơn. "Bản thân tôi cũng khá thích hoa sữa nhưng nếu trồng xen kẽ vài cây thì được, chứ cả con đường dàn dàn như này không ai chịu nổi đâu. Không riêng gì đêm, buổi trưa đã chẳng thể chợp mắt được", chị Linh (29 tuổi) cho hay.
Những cây hoa sữa dọc Hồ Tây.
Điều kỳ lạ là có người mê mẩn đến tôn sùng thứ hoa đặc trưng của mùa lạnh Hà Nội này, cứ hễ đi qua đoạn đường nào "ngập" hoa người ta lại "hít hà" như muốn... ôm trọn cả cây. "Hoa sữa thơm quá! Mỗi lần đi qua những đoạn đường có hoa sữa tôi lại cảm thấy rạo rực hạnh phúc. Dù nhiều người tỏ ý khó chịu vì mùi hương của nó nhưng cá nhân tôi lại rất yêu loài hoa đặc trưng Hà Nội", anh Tuấn (23 tuổi) tâm sự.
Trước đây hồi giữa năm 2011, ở Trà Vinh từng có vụ "kiện hoa sữa" vì loài hoa này được trồng quá nhiều, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, gây ô nhiễm môi trường, tác động xấu đến không gian sống, đặc biệt là với sức khỏe người già, trẻ em. Cuối năm 2011, chính quyền TP Đà Nẵng đã phải chặt bỏ hơn 1.000 cây hoa sữa trên đường Nguyễn Văn Linh.
"Càng hít hương hoa sữa nhiều, càng thấy mệt!"
Theo lương y Vũ Quốc Trung (thành viên Hội Đông y Việt Nam), hoa sữa có nhiều tác hại với sức khỏe. Cây hoa sữa có hơn 40 loài, đặc điểm chung là cây khá cao, vỏ dày, chảy nhựa như sữa nên gọi là hoa sữa. Hoa có mùi nồng nặc, nếu hít phải nhiều dễ gây cảm giác choáng váng, mệt mỏi, khó thở. Những con phố càng nhỏ, không gian chật chội mà lại trồng nhiều cây này thì cảm giác rất bí bách, khó chịu vì hương hoa sữa rất nồng nặc, càng hít nhiều sẽ càng thấy mệt.
Hoa và quả của cây có nhiều lông, có thể phát tán trong không khí, dễ gây dị ứng, viêm xoang và các bệnh về đường hô hấp. Những người có cơ địa dễ bị dị ứng sẽ ngứa, nổi mụn nhiều hơn. Phấn hoa sữa dễ làm người già, trẻ nhỏ viêm mũi dị ứng, viêm phế quản. Những người có tiền sử hen suyễn, viêm xoang thì càng bị dai dẳng hơn.
Lương y Trung cũng bày tỏ, nếu trong một khu phố nhỏ có một cây hoa sữa thì sẽ dễ chịu, nhưng trồng nhiều cây dễ phản tác dụng. Người bị ho hen, viêm xoang và đau đầu, buồn nôn, có thể nguyên nhân từ việc hít nhiều hương hoa sữa. Hoa và quả của loài cây này thường có tính tự phát tán. Chúng lại có lớp lông mỏng bao phủ nên khi khô đi, thường lẫn vào không khí, trở thành chất bụi gây hại đến đường hô hấp hoặc có thể làm nổi mẩn, gây dị ứng ngứa ngoài da.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét