TIẾN SĨ
TIẾN SĨ
(Chuyện không có thật. Viết nhân ngày Hiến chương các nhà giáo)
Lão đây mới học đến lớp 10/10 nhưng luôn có mộng trở thành tiến sĩ. Một lần có một anh bạn học giỏi, tài cao, bảo lão có muốn trở thành tiến sĩ không? Nghe thì cũng ham, cứ nghĩ đến ngày cái cạc-vi-sit của mình lại thêm chữ “PhD” đằng trước tên mà thấy sướng. Nhưng khi lão hỏi về điều kiện như nào để có cái chữ “PhD” ấy, thì người ấy bảo, “ông phải có nhiều tiền”. Thế còn trình độ văn hóa? Có thì tốt, không cũng được! Tri thức của ông được đo đếm bằng cái túi tiền ông đeo bên hông ấy. Vậy thì được. Gì chứ tiền thì lão đây không thiếu.
Suốt mấy ngày trước đó lão suy nghĩ để tìm đề tài, bỗng một hôm trong lúc coi hai đội bóng đá tranh tài, lão chợt nghĩ ra đề tài để làm luận án, đó là “trái bóng đã xuất hiện trên thế giới vào thời điểm nào và vì sao trái bóng lại tròn?”. Thế là lão nói với anh bạn là đăng ký cho lão bảo vệ luận án với đề tài đó. Nghĩ cũng chả sao, người ta làm luận án tiến sĩ về đánh cầu lông, rồi đến cái nịt vú, thì đề tài nghiên cứu của lão cũng sẽ được nhiều người quan tâm, chí ít thì cũng là dân nghiền bóng đá. Thế là lão cặm cụi viết, viết ngày không đủ tranh thủ viết đêm.
Thế rồi một hôm anh bạn ấy đưa cho lão mấy tờ giấy khổ A4, bảo đọc đi rồi học thuộc, càng nhớ được nhiều thì càng tốt. Về nhà mở ra coi thì hóa ra trong đó có mười câu hỏi kèm theo là mười câu trả lời có liên quan đến quả bóng tròn. Lão cố nhồi nhét vào đầu, song đầu óc lão hình như nó hơi bị đặc, nên cứ cố gắng đổ kiến thức vào thì nó lại trào ra như nồi cơm sôi mà không rút bớt củi.
Rồi đến một hôm, anh bạn nọ bảo lão chuẩn bị đi bảo vệ luận án của lão. Thực ra chẳng có khó khăn gì. Ngoài cái "luận án" mà lão viết, lão lận lưng mấy tờ giấy A4 mà anh bạn lão đưa cho cùng với cái túi hơi bị căng vì chứa tiền. Y như rằng, lão thấy Hội đồng phản biện hay gì đó, gồm 5 người, ngó qua trong số đó, người có học vị cao nhất là thạc sĩ. Anh bạn của lão nói mấy lời phi lộ và không quên nhắc các vị trong Hội đồng là mỗi người chỉ được hỏi hai câu đã cung cấp cho các vị trước đó rồi.
Thế là buổi bảo vệ luận án tiến sĩ của lão bắt đầu. Trông thái độ của các vị trong Hội đồng, lão thấy người nào cũng tỏ ra nóng ruột, tranh nhau đặt câu hỏi trước để còn nghỉ đi ăn cơm. Sau chừng ba giờ đồng hồ, lão vất vả với những kiến thức, với các câu trả lời. Lão thấy vị nào cũng gật gù sau mỗi câu trả lời của lão. Và buổi bảo vệ luận án tiến sĩ của lão cũng kết thúc một cách tốt đẹp.
Bây giờ đến phần trách nhiệm của lão, lão phải đến bắt tay từng vị trong Hội đồng, ngoài cái bắt tay cảm ơn, lão còn chuyển giao cho mỗi vị một cái bao thơ, kèm lời mời đến nhà hàng để dùng bữa trưa. Trước khi đi bảo vệ luận án, túi tiền của lão căng phồng, lúc này ra về cái túi ấy đã xẹp lép, nhưng được cái lão đã làm cho mọi người vui, riêng lão thì từ nay sẽ “mát mặt với đời”. Chả đắt đâu, “cái giá khoa danh ấy mới hời!” (Nguyễn Khuyến).
Thế là từ đây lão là tiến sĩ, và cấp trên của lão thấy lão là người có học hàm cao nên bổ nhiệm lão lên một chức lớn hơn. Từ hôm đó, người ta in danh thiếp (cạc-vi-zít) cho lão, đứng trước tên của lão, có chữ “Dr”. Lão nói với anh bạn, tại sao là “Dr” mà không phải là “PhD”? Anh ấy bảo, xứ này người ta gọi đó là “tiến sĩ”, còn nếu làm ở bệnh viện thì người ta mới gọi là “bác sĩ”, cũng đều là “sĩ” cả, quan tâm làm chi?
Về đến nhà, sau một cơn hưng phấn, bỗng lão nghĩ đến bài thơ “Tiến sĩ giấy” của cụ Nguyễn Khuyến. Thì ra cụ Nguyễn Khuyến cách đây khoảng 150 năm cũng đã nghĩ đến hoàn cảnh của lão lúc này rồi. Oai phết!!!
Cũng cờ cũng biển cũng cân đai
Cũng gọi ông nghè có kém ai
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng
Nét son điểm rõ mặt văn khôi…
Hình trong bài: Tiến sĩ giấy
Ngày 19/11/2023
Ngã Thị Dã
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét