Góc ký họa: Ga Hà Nội
Là ga cổ 121 năm tuổi do người Pháp xây dựng ngay trung tâm thành phố, ga Hà Nội là một trong những ga lớn và hiện đại nhất Đông Nam Á thời đó.
Trong nỗ lực kiến thiết cơ sở hạ tầng ở Đông Dương phục vụ cho mục đích khai thác thuộc địa, năm 1902, cùng thời điểm khánh thành cầu Doumer (cầu Long Biên), ga Hàng Cỏ cũng được đưa vào sử dụng với tuyến Hà Nội - Lạng Sơn (đến năm 1936 mới khánh thành tuyến đường sắt xuyên Việt từ Hà Nội đến Sài Gòn). Tên Hàng Cỏ là do trước đây khu vực này là chợ bán cỏ cho người nuôi bò, ngựa.
Ga có tổng diện tích hơn 20 ha (diện tích xây dựng chiếm một nửa, còn lại là sân ga, đường sắt, nơi bốc dỡ hàng…). Công trình gồm 3 tầng, được thiết kế theo kiểu công trình công sở ở Paris, mái dốc đứng với hàng cửa sổ mái (ban đầu người Pháp chỉ xây tòa nhà chính ở giữa, sau đó mới xây 2 tòa phụ hai bên). Sảnh chính với điểm nhấn là chiếc đồng hồ lớn, tròn với hàng số La Mã.
Sân ga Hàng Cỏ, nơi chứng kiến những cuộc chia ly cũng là cảm hứng cho cố nhạc sĩ Dzoãn Mẫn (khi đó sống ở ngõ Chân Hưng, gần ga) viết nên nhạc phẩm Biệt ly: "Biệt ly, nhớ nhung từ đây… Ôi còi tàu như xé đôi lòng…".
Năm 1972, nhà ga bị trúng bom Mỹ khiến tòa nhà chính bị đánh sập hoàn toàn. Sau này, tòa nhà chính được xây dựng lại theo kiến trúc mới. Hai tòa phụ vẫn còn kiến trúc kiểu Pháp nhưng cũng đã bị cải tạo ít nhiều.
Năm 1976, ga Hàng Cỏ đổi tên thành ga Hà Nội. Hồi cuối tháng 7, đơn vị tư vấn đề xuất tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ xuất phát từ ga Hà Nội (thay vì ga Ngọc Hồi như quy hoạch trước đây).
TheoThanhNien
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét