Chiêm ngưỡng cây cầu vượt sông dài nhất Việt Nam từ trên cao
Cầu Vĩnh Thịnh thông xe vào tháng 6/2014 với tổng mức đầu tư 137 triệu USD, nối liền thị xã Sơn Tây (TP Hà Nội) với xã Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc).
Cầu Vĩnh Thịnh bắc qua sông Hồng (nối liền thị xã Sơn Tây, Hà Nội - huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) thuộc Dự án Đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Thịnh trên Quốc lộ 2C do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư và đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án (QLDA) Thăng Long.
Công trình có có tổng mức đầu tư 137 triệu USD, được đầu tư từ nguồn vốn vay ODA của Hàn Quốc 100 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam 37 triệu USD.
Cầu Vĩnh Thịnh chính thức khánh thành vào tháng 6/2014.
Đây là cây cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu vượt sông có chiều dài lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay với chiều dài 5,4 km (trong đó cầu dài 4,4 km và đường hai đầu cầu dài 1 km).
Cầu Vĩnh Thịnh được thiết kế với chiều rộng mặt cầu 16,5 m, 4 làn xe. Các làn xe đều rộng 3,5 m và bảo đảm tốc độ 80 km/h.
Cầu kết nối 2 trục hướng tâm quốc lộ 32 và quốc lộ 2, cao tốc Nội Bài - Lào Cai tạo thành một hệ thống giao thông hoàn chỉnh, kết nối trung tâm Thủ đô với các tỉnh phía Tây Bắc. Đây cũng là cầu kết nối chuỗi các đô thị vệ tinh, các khu công nghệ cao của Thủ đô Hà Nội.
Việc đưa cầu vào khai thác góp phần giảm áp lực giao thông cho các quốc lộ 2, quốc lộ 3, quốc lộ 6, quốc lộ 32 khi lưu thông qua trung tâm thành phố Hà Nội đi các tỉnh phía Nam và ngược lại.
Điểm đầu dự án tại nút giao QL32 với tuyến tránh Sơn Tây. Điểm cuối vượt qua đê tả sông Hồng khoảng 200 m và kết nối với QL2C.
Từ tháng 6/2014, cầu bắt đầu thay thế phà Vĩnh Thịnh vốn là huyết mạch giao thông chính nối Sơn Tây (Hà Nội) và Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc).
Các phương tiện dễ dàng lưu thông từ thị xã Sơn Tây (Hà Nội) hướng đi Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) và ngược lại.
Cầu Vĩnh Thịnh có ý nghĩa rất quan trọng bởi cây cầu sẽ kết nối các đô thị vệ tinh, các khu công nghệ cao, các điểm du lịch, góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa giữa các tỉnh Tây Bắc với Thủ đô, các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ và cả nước. Qua đó tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và thu hẹp khoảng cách phát triển của khu vực Tây Bắc so với mặt bằng chung của cả nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét