ĐẠI HỌC BÁCH KHOA - 66 NĂM ẤY BIẾT BAO NGHĨA TÌNH

3:18:00 CH

 


Trường ĐHBK Hà Nội vừa kỷ niệm 66 năm ngày thành lập.

Tôi theo dõi chăm chú từng hoạt động trong ngày Lễ lớn của Trường với tất cả tình yêu, sự kính trọng, vui mừng lẫn thân thương gắn bó như trong nhà đang có việc đại hỷ. Đại hỷ thật khi nghĩ lại 65 năm trước, lúc chúng tôi vào học, ĐHBK Hà Nội mới có 4 khoa, liên khoa ( Cơ - Điện, Mỏ - Luyện kim, Hóa -Thực phẩm và Xây dựng) với lưu lượng 700-1000 sinh viên mỗi năm; trường sở ngoài 4 tòa nhà ABCD tù thời Pháp để lại còn toàn nhà tam; cơ sở vật chất, PTN hầu như chưa có gì. Vậy mà bây giờ điểm danh Trường ĐHBK có 3 trường (mới có quyết định thành lập : Cơ khí-Điện điện tử-Thông tin truyền thông) - 16 Viện ( KT Hóa, Vật lý KT, Toán Ứng dụng&Tin học, KHKT Vật liệu, CN Sinh học&Thực phẩm, KHCN Môi trường, Dệt may, da dày & Thời trang, Kinh tế quản lý, Ngoại ngữ, Sư phạm KT, Đào tạo sau ĐH, ....) - 3 khoa ( Lý luận chính trị, Giáo dục quốc phòng, Giáo dục thể chất) - 17 Trung tâm (Polyme, Cao xu, VLHợp kim đặc biệt, Ăn mòn & bảo vệ KL, Năng lượng mới, Định vị sử dụng vệ tinh, Năng lượng nguyên tử, An ninh mạng ......) 5 chương trình, 200 Phòng thí nghiệm (có 12 PTN lớn hiện đạị trong điểm quốc gia) . Số cán bộ giảng dạy lên đến gần 1.800 người (có hơn 500 giáo sư, phó giáo sư, gần 800 tiến sĩ.) Hàng năm ĐHBK đào tạo khoảng 10000 sinh viên các hệ chính quy, tại chức, nước ngoài.
Vì đại dịch COVID buổi Lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Trường ĐHBK phải tổ chức online là chính, nhưng vẫn rất hoành tráng, chuyển tải nhiều hình ảnh, thông tin làm xúc động sâu săc đến mọi người, nhất là với chúng tôi, những Cựu SV thế hệ những năm đầu trường vừa thành lập. Trải qua 65 năm, xét về mọi quy mô có thể nói ĐHBK Hà nội đã lớn mạnh hơn xưa gấp hàng chục lần. ĐHBK đã là niềm tự hào, đang là niềm hạnh phúc, và luôn là mơ ước của các thế hệ thanh niên học sinh Việt Nam.
Cả ngày ngồi theo dõi trên màn hình những hoạt động kỷ niệm của Trường, đầu óc tôi miên man chắp nổi bao kỷ niệm. lòng vui phới phới trẻ lại một thời là sinh viên, cán bộ ĐHBK.
Tôi có may mắn những thay đổi lớn nhất trong đời tôi đềù mang dấu ấn ĐHBK :
* Dấu ấn đầu tiên, thời chúng tôi tại ngũ, chuẩn bị làm sĩ quan có việc phải viết bản Tự chuyện. Bản Tự chuyện có mục ghi Ngày và nơi tham gia Cách mạng. Trong mục này tôi tự hào viết : " Ngày tham gia CM : 1962 - Nơi tham gia : Trường ĐHBK Hà Nội". Thật vậy, năm 1962 tốt nghiệp tôi được giữ ở lại Trường làm giảng viên. Tháng lương đầu tiên trong đời tôi được tạm ứng 3 tháng liền ở phòng Tài vụ ĐHBK để đi thực tế tìm hiểu kỹ thuật khai thác chế biến nhiên liệu tại vùng Than Quảng ninh về Bộ môn ngồi viết Giáo trình nhập môn Nhiên liệu. Chàng TN giảng viên trẻ 22 tuổi, bước vào đời với tâm trạng xốn xang :"Ta bước trên đường đời/Mây trời cao cao tít/ Đây cuộc sống bắt đầu/ Niềm vui vui đặc biệt..." (Thơ viết ở Vùng Than 1962). Và rồi 30 năm sau, năm 1993 tôi rời quân ngũ, nhận Quyết định nghỉ hưu, thôi giữ chức Chủ nhiệm Khoa Giáo dục quốc phòng tại ĐHBK. Tôi lại viết : "Chia tay đời lính, về với đời thường /Cuộc sống cuồn cuộn như thác/ Nhập dòng bươn trải muôn phương/ Nhưng lính vẫn là người lính/ Hình hài cho đến tâm hồn/ Vẫn vui niềm vui chiến sĩ/Vẫn buồn nỗi buồn quê hương"(Thơ Theo đồng đội 1993)
* Dấu ấn thứ hai bước ngoặt của đời tôi xẩy ra cũng tại ĐHBK.
Sau một năm chuẩn bị bài và đã được đứng trên bục giảng đường ĐHBK, năm 1963 tôi được điều động vào quân đội. Tôi nhớ ngày rời Trường là một ngày bão rớt đầu tháng 7/1963. Mưa dầm dề mà lòng tôi vui lắm. Vì việc điều động chúng tôi nhập ngũ khi đó (17 cán bộ giảng dạy) là bí mât nên lúc chia tay ở Bộ môn Hóa Kỹ thuật hữu cơ tôi chỉ được gặp thày Cao Hữu Trượng, cô Hoàng Bảo Diễm và 2 bạn học K3 được nhà Trường giữ lại cùng dạy trong Bộ môn là anh Phạm Phú Quỳnh và bạn Mai Kim Liên. 4 cái bắt tay tạm biệt lưu luyến, hẹn ngày gặp lại. Cơ duyên, 20 năm sau ngày ấy, năm 1983 tôi lại được trở về ĐHBK học bổ túc 2 năm trên Đại học. Tuy về học bổ túc nhưng ngoài việc học của mình tôi vẫn được thày Đặng Văn Luyến và Bộ môn Hóa Polyme xem như cán bộ cũ giao cho hẳn một PTN và nhờ giúp đỡ mấy sinh viên đang làm nghiên cứu tốt nghiệp. Tôi cũng phải nói thêm một chuyện vui nữa dịp về Trường lần này tôi được thày Đặng văn Luyến và cô Nguyễn Thị Thìn trao tận tay tấm bằng chứng nhân sáng chế đứng tên tôi do Viện Hàn Lâm KH Liên xô cấp năm 1963 về việc đã tìm ra một loại Polyme mới có tên Lacol furfurol. Do năm 1963 tôi đã nhập ngũ, không có địa chỉ liên lạc với tôi và gia đình nên Bô môn đã giao cô Thìn nhận và giữ hộ. Cầm tấm bằng sáng chế rất đẹp, rất chính quy của nước ngoài cấp (khi đó ở VN chưa có Cục sở hữu trí tuệ đảm nhiệm việc này) cô Thìn trao lại lòng tôi vui khôn tả. Tôi nhớ về một thời sinh viên mê say học hành nghiên cứu của 20 năm trước. Rồi lại một dịp may nữa sau đó 6 năm, năm 1989 tôi được quân đội biêt phái về ĐHBK phụ trách Khoa Giáo dục quốc phòng. Bốn năm với cương vị Chủ nhiệm khoa, tôi và các giáo viên trong Khoa đã làm được nhiều việc để Khoa Giáo dục quốc phòng ĐHBK trở thành điểm sáng "Đổi mới chương trình" của Bộ GD, được sinh viên thừa nhận, nhà trường tin cậy. Kỷ niệm sâu sắc nhất của tôi vẫn là những giờ lên lớp. Trên giảng đường ĐHBK, năm 1962, mới chập chững vào đời, tôi đọc bài giảng cho nhóm sinh viên chuyên ngành về một giáo trình Kỹ thuật khai thác, chế biến Nhiên liệu, nay trước cả khóa sinh viên tham dự huấn luyên Sĩ quan dự bị tôi đã là một giáo viên quân đội dày dạn, chững chạc giảng những bài về Nền quốc phòng toàn dân, Tâm lý học quân sự, Các vấn đề về Phòng thủ khu vực và Khu vực phòng thủ, Tiến bộ khoa học kỹ thuật và Khí tài quân sự... Thú vị thật và say mê lắm.

Sinh viên ĐHBK Hóa Khóa 3
Tổ 7 Điện Khóa 3 ĐHBK chụp với Thầy Chủ nhiệm Khoa Nguyên Như Kim ( thứ ba hàng đứngtừ phài sang )

* Dấu ấn ĐHBK thứ ba trong đời tôi xẩy ra vào tháng 6 năm 1972. Năm đó tôi được quân đôi giao phụ trách một Tiểu đoàn tân binh. Họ phần lớn là sinh viên mới nhập ngũ của ĐHBK và vài trường ĐH khác. Tiểu đoàn chúng tôi trong đội hình một trung đoàn hoàn chỉnh đi Liên Xô ( bây giờ là CHLB Nga ) học sử dụng và tiếp nhận bộ khí tài Tên lửa phòng không loại mới - SAM 3. Bên cạnh tình yêu và trách nhiệm với Tổ quốc, cái tên ĐHBK đã giúp chúng tôi nhanh chóng hiểu nhau, đoàn kết một lòng, vượt mọi khó khăn, chỉ trong vòng 4 tháng đã hoàn thành chương trình huấn luyện bạn đã chuẩn bị cho khóa 18 tháng học loại khí tài này. Chúng tôi mong sớm được về nước để kịp tham gia chiến đấu bảo vệ vùng trời Thủ đô lúc đó đang rất căng thẳng. 50 năm qua rồi, cuộc đời nhiều biến động, các lính sinh viên của tôi ngày ấy nay có người đã là Giám đốc Tổng Giám đốc những công ty lớn (như Vàng bạc đá quý VN, Viện Tin hoc máy tính...) có người là Tiến sĩ phó giáo sư giảng dạy ở ĐHBK và cả đại học ở nước ngoài...Đa số các đồng đội đồng môn của tôi hồi ấy nay đã nghỉ hưu, thậm trí có người đã mất. Tập thể thày trò bạn bè CCB ĐHBK cùng đơn vị SAM3 của chúng tôi vẫn hẹn nhau lấy ngày 22/6 hàng năm gặp mặt để ôn nhớ những kỷ niệm hào hùng một thời.
* Với ĐHBK tôi còn có nhiều kỷ niệm riêng tư nữa. Có kỷ niệm về chuyên môn như suốt những năm xa trường nhờ em tôi và các bạn dạy ở ĐHBK tôi vẫn được mượn nhiều sách ở Thư viện Tạ Quang Bửu của Trường để tham khảo những vấn đề chuyên môn cần thiết, mấy chục năm trước không tìm đâu có được ( như nhiên liệu Tên lửa, sơn hấp thụ sóng điện từ, vật liệu cấu trúc tàng hình...). Đây là những vấn đề khi chiến đấu trực tiếp ở đơn vị cũng như nghiên cứu ở Viện chúng tôi phải sử lý kịp thời. Có dấu ấn thuần túy việc riêng tư gia đình như năm 1971 ngày con trai tôi cưới vợ, thày Hiệu trưỏng Phạm Đồng Điện và nhiều thày ở Khoa Hóa (nay là Viện Hóa) đã nhiệt tình đến chia vui, chúc mừng.
Xa trường suốt 58 năm, lại công tác chủ yếu trong quân đội, bây giờ đang nghỉ hưu nơi xa trường, nhưng lúc nào về lại ĐHBK tôi cũng thấy như về nhà. Ở đây do học tâp và có nhiều năm lại về Trường công tác nên tôi đã quen thuộc từng tòa nhà, từng đoạn đường, từng gốc cây... Ở đây tôi có bao kỷ niệm của thời mới bước vào đời, thời đã là sĩ quan quân đội trưởng thành được cống hiến ngay ở trong Trường và cả thời đến tuổi già nhận quyết định nghỉ hưu tôi cũng nhận ở Văn phòng Khoa Giáo dục quốc phòng ĐHBK .
Trong ngày Hội lớn của ĐHBK năm nay, thày Thái Thanh Sơn khóa 0 của Trường đã nói một lên một điều tôi rất tâm đắc. Phẩm chất của ĐHBK là gì ? Trải nghiệm một đời 65 năm gắn bó với ĐHBK, thày Sơn đã phát hiện đó là "chất Bách khoa".
Dẫu rằng có đi muôn nơi,
Lòng ta vẫn nhắc mình người Bách khoa.
Người Bách khoa là Nghĩa tình và Sáng tạo. Nghĩa tình với Tổ quốc, nhân dân, người thân, bè bạn. Sáng tạo trong cuộc sống, trong công việc để sử lý mọi tình huống với tinh thần trách nhiệm cao nhất của mình. Từ "Chất Bách khoa" thày Sơn đã gọi rất đúng và rất đắt để nói phẩm giá chung của Người ĐHBK Nghĩa tình, Sáng tạo. Đó là Tình người và Trí tuê, là Con Tim và Khối óc. Thật gần gũi và giản dị biết bao. Tôi nghĩ nếu nói "Thương hiệu Bách khoa" có gì đó mang hơi hướng kinh tế thị trường còn dùng từ "Danh hiệu Bách khoa" phần nào đó là kinh viện và khoa trương một chút.
Cả đời mình, nay đã hơn 80 tuổi tôi vẫn cố gắng gìn giữ cho được cái "chất Bách khoa" mà thày Thái Thanh Sơn đã nêu lên đó.

Trích Fb của bạn đồng môn Lê Anh Dũng

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.