Vì sao Trung Quốc giảm kỷ lục số ca bệnh COVID-19?
Có một quốc gia duy nhất trên thế giới hiện đang hiểu rõ nhất và cũng có nhiều kinh nghiệm nhất trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19, đó là Trung Quốc.
Là quốc gia chiếm tới 83% trong tổng số 90.849 ca bệnh tính tới hôm nay 3-3, nhưng trong nhiều tuần qua, số ca nhiễm mới tại Trung Quốc đã giảm.
Ấn tượng hơn cả là con số 125 ca nhiễm mới trong ngày 2-3, mức tăng thêm ít nhất kể từ khi Trung Quốc cập nhật thống kê tình hình COVID-19 mỗi ngày trong tháng 1.
Thực tế tích cực tại Trung Quốc khiến giới chuyên gia thế giới cho rằng có khả năng Trung Quốc đã bước qua giai đoạn đỉnh dịch và đang giảm dần tốc độ lây nhiễm. Trong khi đó số ca bệnh lại tăng lên ở các nước khác như Mỹ, Ý, Iran.
Bởi thế, giờ là lúc các nước khác sẽ cần tham khảo kinh nghiệm từ các nỗ lực chống dịch hiệu quả của Trung Quốc thời gian qua.
Trên thực tế, đây cũng là một phần ý định của phái đoàn chuyên gia quốc tế do Tổ chức Y tế thế giới lĩnh xướng tới Trung Quốc gần đây.
Người dẫn đầu phái đoàn đó là nhà dịch tễ học kỳ cựu, trợ lý tổng giám đốc WHO, ông Bruce Aylward, vừa có những chia sẻ chi tiết với tạp chí Vox (Mỹ) về những khám phá quan trọng trong báo cáo công tác của phái đoàn chuyên gia quốc tế sau khi từ Trung Quốc trở về.
Trong đó có những vấn đề quan trọng như: Trung Quốc đã áp dụng những phương pháp nào để ngăn chặn dịch COVID-19 và tại sao tốc độ trong cách xử lý dịch bệnh là điều rất quan trọng.
Người dân phải được hiểu rõ về dịch bệnh
Ông Bruce Aylward cho biết phương pháp ứng phó dịch chính của Trung Quốc tại 30 tỉnh thành là phát hiện ca bệnh, truy ra những người có tiếp xúc gần với ca bệnh và tạm dừng mọi hoạt động tụ tập đông người.
Mặc dù đây là tất cả những biện pháp phổ biến vẫn được áp dụng tại mọi nơi trên thế giới khi cần phải kiểm soát sự lây lan dịch bệnh, nhưng ông Bruce Aylward cho rằng "bài học quan trọng nhất" rút ra từ Trung Quốc chính là tốc độ. "Tất cả là vấn đề tốc độ", chuyên gia này nhấn mạnh.
"Anh càng phát hiện nhanh các ca bệnh, cô lập các ca đó và truy ra những sự tiếp xúc gần của họ, anh sẽ càng kiểm soát dịch thành công", ông Bruce Aylward tiếp.
Ngoài ra, cũng theo chuyên gia của WHO, một bài học lớn khác có thể rút ra nữa là ngay cả khi đã xảy ra tình trạng lây lan lớn với rất nhiều ổ dịch (một điều đang xảy ra tại vài nước), "những gì Trung Quốc đã chứng minh là nếu quý vị bình tĩnh, xắn tay áo vào cuộc ngay và bắt đầu triển khai một cách có hệ thống việc phát hiện ca bệnh và truy ra những người có tiếp xúc, chắc chắn quý vị có thể thay đổi tình hình dịch bệnh".
Sau khi ông Bruce Aylward trở về từ Trung Quốc, rất nhiều người đã đặt vấn đề với ông là ‘Chúng ta không thể phong tỏa một thành phố có 15 triệu dân như Trung Quốc", vậy Trung Quốc đã làm thế nào.
Theo ông Bruce Aylward, đây chính là chỗ người dân cần phải được đả thông với những thông tin và kiến thức cơ bản. "Người dân của quý vị có hiểu những điều x, y, z về chủng virus này không?", ông nói. "Nếu quý vị muốn tăng tốc phản ứng với dịch bệnh, người dân của quý vị phải hiểu về căn bệnh này", ông tiếp.
Tăng hiệu quả tầm soát ngay từ cộng đồng
Theo ông Bruce Aylward, không phải ai cũng biết 2 dấu hiệu triệu chứng mang tính cảnh báo đầu tiên của bệnh COVID-19 là sốt và ho khan. Nhiều người vẫn tin chúng phải là dấu hiệu sổ mũi hay cảm lạnh.
Ở Trung Quốc, theo ông Bruce Aylward, họ đã thiết lập một mạng lưới rất lớn gồm các bệnh viện khám cho người bị sốt. Ở một số khu vực, một nhóm nhân viên y tế sẽ đến tận nhà làm xét nghiệm và có kết quả cho người bệnh chỉ trong khoảng từ 4-7 tiếng. "Tốc độ là tất cả", ông Bruce Aylward lặp lại.
Do đó theo chuyên gia này, điều quan trọng là cần phải đảm bảo sao cho mọi người dân hiểu rõ về virus gây bệnh. Đảm bảo có các cơ chế xử lý dịch có khả năng hoạt động nhanh nhất với người dân thông qua hệ thống y tế sở tại.
Kế đó cũng cần phải có một cơ sở hạ tầng y tế công đủ tốt để điều tra về các ca bệnh, xác minh những nguồn tiếp xúc và sau đó đưa họ vào diện giám sát, theo dõi y tế. "Đó là 90% trong cách phản ứng dịch của Trung Quốc", ông Bruce Aylward nói.
Ông phân tích: "Hãy nghĩ về con virus này. Nó ở đâu và làm thế nào để anh có thể kiểm soát nó? Anh biết rõ là virus ở trong người bệnh và những người tiếp xúc gần với họ. Đó là nơi tập trung chủ yếu virus; đó cũng là nơi nên tập trung ngăn chặn".
"Trung Quốc đã triển khai một loạt biện pháp và các nước khác cũng vậy. Nhưng vấn đề chủ chốt là sự thông tin tới cộng đồng và có một cộng đồng được thông tin đầy đủ; phát hiện những ca bệnh đó và nhanh chóng cách ly họ".
"Anh càng cách ly nhanh, anh càng sớm chặt đứt sợi dây lây nhiễm đó. Hãy đảm bảo sao cho những người có tiếp xúc gần được cách ly và theo dõi y tế cho tới khi bạn biết rõ họ có bị lây bệnh hay không. Có khoảng từ 5-15% những người tiếp xúc gần sẽ bị lây bệnh. Và phải nhắc lại là chỉ là những người có tiếp xúc gần, không phải tất cả mọi người", chuyên gia Bruce Aylward nói.
Cũng theo chuyên gia của WHO, một điểm ưu việt đáng kể nữa của Trung Quốc trong công tác chống dịch là họ miễn phí xét nghiệm và điều trị bệnh cho người dân.
Ông Bruce Aylward thừa nhận cho tới lúc này, vẫn còn những rào cản lớn trong xét nghiệm và điều trị bệnh ở phương Tây, ví như người dân có thể được xét nghiệm, họ có thể âm tính và sẽ phải thanh toán hóa đơn.
Trong khi đó tại Trung Quốc, theo ông Bruce Aylward, nhà chức trách nhận thức rõ ràng những khó khăn tài chính này đã ngăn cản mọi người tìm tới cơ sở điều trị, theo đó chính phủ Trung Quốc nhận trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí điều trị COVID-19 cho người dân, thậm chí cả những người không có bảo hiểm để cố gắng xóa bớt những rào cản có thể khiến dịch bệnh lây lan nhanh hơn.
Ngoài ra còn một điều khác nữa họ đã làm, thông thường đơn thuốc ở Trung Quốc không được phép kéo dài hơn 1 tháng, nhưng trong bối cảnh dịch họ được tăng thêm 3 tháng để người dân không phải tới viện nhiều.
Đơn thuốc cũng được phép kê online và thông qua mạng xã hội WeChat (thay vì phải có bác sĩ kê như bình thường). Ngoài ra Trung Quốc cũng thiết lập hệ thống giao thuốc tới cho những cộng đồng bị ảnh hưởng dịch để đảm bảo hiệu quả, an toàn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét