Bill Gates về COVID-19: Có hai việc bắt buộc phải làm vì hiện tại và tương lai
Trong bài viết của mình, tỷ phú Bill Gates đã chia sẻ quan điểm và những giải pháp để xử lí vấn đề dịch bệnh vào thời điểm hiện tại và trong tương lai.
Tạp chí New England Journal of Medicine ngày 28/2 đã đăng bài bình luận của tỷ phú Bill Gates về vấn đề dịch bệnh COVID-19. Trong bài viết của mình, ông đã nêu ra các vấn đề và phương pháp giải quyết những trở ngại mà thế giới gặp phải khi đối phó với đại dịch. Dưới đây là bài viết của tỷ phú Bill Gates:
Trong bất kì cuộc khủng hoảng nào, các nhà lãnh đạo đều phải có 2 trách nhiệm quan trọng tương đương, đó là: giải quyết vấn đề trước mắt và phải ngăn nó xuất hiện trở lại. Dịch COVID-19 là trường hợp chúng ta đang nhắc tới. Chúng ta cần phải cứu sống những người nhiễm bệnh và cải thiện cách chúng ta đối phó với bệnh dịch nói chung. Việc đầu tiên cần giải quyết ngay và gấp gáp hơn, nhưng việc thứ 2 lại có ảnh hưởng quan trọng và lâu dài.
Thách thức dài hạn của việc tăng cường khả năng ứng phó với đại dịch không phải là vấn đề mới. Các chuyên gia y tế toàn cầu đã nhận định trong nhiều năm qua rằng một đại dịch với tốc độ lây lan và tính nghiêm trọng tương đương với dịch cúm năm 1918 sẽ xảy ra, và vấn đề không phải là "nếu nó có xảy ra hay không" mà là khi nào. Quỹ từ thiện Bill và Melinda Gates đã đóng góp các nguồn lực trong vài năm trở lại đây để giúp đỡ thế giới chuẩn bị cho một viễn cảnh như vậy.
Bây giờ chúng ta đang phải đối diện với cuộc khủng hoảng trước mắt. Từ tuần trước, COVID-19 đã bắt đầu có những biểu hiện giống như một mầm bệnh "trăm năm mới có một" mà chúng ta lo ngại. Tôi hi vọng COVID-19 không tệ tới mức như vậy, nhưng chúng ta cần phải cảnh giác cho tới khi hiểu rõ loại bệnh này hơn.
Có hai lí do khiến COVID-19 trở thành một mối đe dọa.
Đầu tiên, nó có thể khiến người trưởng thành khỏe mạnh tử vong, chưa kể tới những người lớn tuổi đã có vấn đề sức khỏe khác. Số liệu cho tới nay cho thấy rằng virus corona có tỉ lệ tử vong khoảng 1%; tỉ lệ này khiến nó nguy hiểm hơn cúm mùa thông thường, nằm giữa khoảng đại dịch cúm năm 1957 (tỉ lệ tử vong 0,6%) và đại dịch cúm năm 1918 (tỉ lệ tử vong 2%).
Thứ hai, COVID-19 lây nhiễm khá "ghê gớm". Một người nhiễm bệnh trung bình lây cho 2 tới 3 người khác - tốc độ lây như vậy là rất nhanh. Có những bằng chứng rõ rệt cho thấy virus có thể lây từ những người mới ốm nhẹ hoặc thậm chí chưa phát bệnh.
Điều đó có nghĩa rằng COVID-19 khó kiểm soát hơn MERS và SARS - những căn bệnh này lây lan kém hơn và chỉ lây khi người bệnh có triệu chứng. Trên thực tế, COVID-19 đã lây bệnh gấp 10 lần SARS trong khoảng thời gian chỉ bằng 1/4.
Chính quyền địa phương, bang, quốc gia và các cơ sở y tế công cộng có thể triển khai các biện pháp phòng chống trong vài tuần tới để kìm hãm sự lây lan của virus. Ví dụ, bên cạnh việc giúp các công dân nước mình, chính phủ một số nước có thể hỗ trợ những nước có thu nhập thấp và trung bình (LMIC) chuẩn bị đối phó với dịch bệnh. Hệ thống y tế tại nhiều quốc gia LMIC rất mỏng, và dịch bệnh như COVID-19 có thể nhanh chóng khiến họ quá tải.
Bằng việc giúp đỡ các nước châu Phi và Đông Á sẵn sàng phòng dịch, chúng ta có thể cứu nhiều người và làm chậm sự lây lan trên toàn cầu của virus. (Một phần lớn khoản tiền - có thể lên tới 100 triệu USD - mà Melinda và tôi đã cam kết để thúc đẩy phản ứng của thế giới với COVID-19 đang được tập trung cho các nước LMIC).
Thế giới cũng cần tăng cường chữa trị và điều chế vaccine cho COVID-19. Các nhà khoa học đã có trình tự gen của virus và đang phát triển các loại vaccine hứa hẹn trong vài ngày tới. Hiệp hội Sáng kiến Phòng dịch đã chuẩn bị tới 8 mẫu vaccine để thử nghiệm. Nếu các loại vaccine này chứng tỏ an toàn và hiệu quả trên động vật, chúng có thể được thử nghiệm trên diện rộng vào tháng 6.
Việc nghiên cứu về thuốc có thể được tăng tốc bằng cách lấy dữ liệu từ những loại đã được thử nghiệm an toàn và bằng cách áp dụng công nghệ mới, bao gồm học máy (machine learning), để khám phá ra thuốc chống virus có thể được thử nghiệm y tế quy mô lớn chỉ trong vòng vài tuần.
Tất cả những bước trên sẽ giúp giải quyết vấn đề hiện tại. Nhưng chúng ta cũng cần phải có những sự thay đổi lớn về hệ thống để có thể phản ứng hiệu quả và kịp thời hơn khi đại dịch tiếp theo bùng phát.
Giúp đỡ các nước LMIC củng cố hệ thống y tế của họ là điều cần thiết. Chỉ cần xây dựng thêm một trạm xá, chúng ta cũng đã góp phần vào việc kiến tạo hệ thống cơ sở y tế để chống lại dịch bệnh. Những nhân viên y tế được đào tạo không chỉ tiêm vaccine cho mọi người; họ còn có thể kiểm soát diễn biến dịch bệnh, trở thành một phần trong hệ thống cảnh báo sớm để cảnh giác thế giới trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Chúng ta cũng cần phải đầu tư vào theo dõi dịch bệnh, bao gồm một hệ thống dữ liệu có thể được tiếp cận bởi các tổ chức liên quan và các điều luật yêu các quốc gia chia sẻ thông tin về bệnh. Các chính phủ phải tiếp cận được những nhân sự có trình độ, từ lãnh đạo địa phương cho tới chuyên gia thế giới, những người sẵn sàng đối phó với đại dịch ngay lập tức. Ngoài ra, trong trường hợp khẩn cấp, các nước cần được cung cấp hoặc được ưu tiên những mặt hàng cần thiết.
Bên cạnh đó, chúng ta cần xây dựng một hệ thống có thể phát triển vaccine và thuốc chống virus an toàn, hiệu quả, thông qua chúng và chuyển hàng tỉ liều vaccine cho người dân trên thế giới chỉ trong vòng vài tháng sau khi phát hiện ra dịch bệnh. Đây là thử thách khó khăn, đòi hỏi vượt qua thách thức về tiền bạc, công nghệ, đối ngoại và sự hợp tác giữa lĩnh vực tư nhân và nhà nước. Nhưng tất cả các thách thức này đều có thể vượt qua được.
Một trong những thách thức công nghệ chính đối với vaccine là cải thiện hình thức sản xuất protein, hiện phương pháp này đã quá chậm để ứng phó với đại dịch. Chúng ta cần phát triển những nền tảng an toàn để việc đánh giá thông thường có thể diễn ra nhanh chóng, giúp các nhà sản xuất điều chế được vaccine với chi phí thấp ở quy mô lớn.
Đối với thuốc chống virus, chúng ta cần một hệ thống có tổ chức để sàng lọc những phương thức chữa trị đã có một cách nhanh chóng và chuẩn hóa.
Một thách thức khác về kĩ thuật liên quan tới xây dựng cấu trúc dựa trên axit nucleic. Những cấu trúc này có thể được sản xuất trong vòng vài giờ sau khi gen của virus được định hình; bây giờ chúng ta cần tìm cách sản xuất chúng trên quy mô lớn.
Ngoài những giải pháp về kĩ thuật, chúng ta cần nỗ lực đối ngoại để tăng cường hợp tác và chia sẻ dữ liệu trên quốc tế. Phát triển vaccine và thuốc chống virus yêu cầu thử nghiệm y tế trên quy mô lớn và những thỏa thuận hợp tác vượt qua biên giới quốc gia.
Chúng ta cần phải tận dụng các diễn đàn quốc tế để đạt được sự nhất trí về ưu tiên nghiên cứu, giao thức thử nghiệm và cuối cùng tạo điều kiện để các loạt vaccine, thuốc chống virus có tiềm năng nhanh chóng được thông qua.
Những nền tảng có thể kể tới tổ chức nghiên cứu và phát triển của WHO, mạng lưới thử nghiệm của Hiệp hội về Bệnh Hô hấp cấp tính và Bệnh Truyền nhiễm Quốc tế, và Tổ chức Hợp tác nghiên cứu Quốc tế về Chuẩn bị Phòng dịch Truyền nhiễm. Mục tiêu của hoạt động này sẽ là thu được những kết quả thử nghiệm và chấp thuận sử dụng trong vòng ít hơn 3 tháng mà không làm tổn hại tới sức khỏe bệnh nhân.
Cuối cùng là vấn đề về đầu tư. Các khoản tiền đầu tư cho những nỗ lực này cần phải được nhân lên nhiều lần. Vaccine cho virus corona cần hàng tỉ USD nữa để hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 3 và để đạt được những tiêu chuẩn thông thường. Tuy nhiên, vẫn cần thêm nhiều khoản đầu tư khác để cải thiện quá trình theo dõi và ứng phó với dịch bệnh.
Đầu tư chính phủ là cần thiết bởi các sản phẩm trong thời kì dịch bệnh là nguồn đầu tư có rủi ro rất cao; đầu tư công sẽ giúp giảm nguy cơ đối với các công ty dược và giúp họ phát triển mạnh hơn.
Bên cạnh đó, chính phủ và các nhà từ thiện cần phải đầu tư cho những cơ sở sản xuất có thể điều chế vaccine trong vòng vài tuần. Những cơ sở này có thể tạo ra vaccine trong giai đoạn bình thường và nhanh chóng tăng cường sản xuất trong thời kì có dịch. Cuối cùng, chính phủ phải đầu tư mua và phân phối vaccine cho những người dân có nhu cầu.
Hàng tỉ USD cho việc phòng dịch bệnh là rất nhiều tiền. Nhưng đó là quy mô đầu tư cần thiết để giải quyết vấn đề. Dựa trên thiệt hại kinh tế mà đại dịch có thể gây ra - chúng ta đã chứng kiến COVID-19 có thể phá vỡ các chuỗi cung ứng và thị trường chứng khoán, chưa kể tới việc khiến nhiều người tử vong - thì các khoản đầu tư vẫn còn rẻ hơn nhiều.
Cuối cùng, các chính phủ và ngành sản xuất cần phải đồng thuận rằng: trong thời kì dịch bệnh, vaccine và thuốc chống virus không thể đơn thuần bán cho những người trả giá cao nhất. Chúng phải được sẵn sàng và trong khả năng chi trả của những người ở tâm dịch và những người cần vaccine nhất. Việc phân phối như vậy không chỉ là việc phải làm, mà đó còn là chiến thuật đúng đắn để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan và ngăn chặn dịch bệnh trong tương lai.
Đó là những hành động mà lãnh đạo thế giới cần phải làm ngay. Không có thời gian để lãng phí.
TheoSoha.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét