Đại chiến 400 tỷ con châu chấu ở biên giới TQ
Tờ DW mới đây dẫn nguồn các chuyên gia Trung Quốc cho biết họ sẽ rút lại kế hoạch điều 100.000 con vịt tới vùng biên giới để đối phó với dịch châu chấu đang hoành hành.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc trong tuần qua đã đưa tin cho biết nước này sẽ điều "đội quân" 100.000 con vịt nâu từ tỉnh Chiết Giang tới vùng biên giới với Pakistan để chiến đấu với hàng tỉ con châu chấu đang phá hoại mùa màng. Được biết, trong 1 ngày 1 con vịt trưởng thành có thể ăn khoảng 200 con châu chấu.
Thông báo nói trên đã thu hút tới 520 triệu lượt xem trên mạng xã hội Weibo. Nhiều người dùng ủng hộ chiến lược này và bình luận cổ vũ, ví dụ như "Những chú vịt anh hùng đang xuất trận" và "Tiến lên vịt! Tôi hi vọng các bạn sống sót trở lại!".
Pakistan đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vào đầu tháng 2, cho biết dịch châu chấu đang đạt đỉnh và tồi tệ nhất trong hơn 20 năm qua. Theo một số trang tin, vịt sẽ được đưa tới các vùng biên giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, bao gồm Sindh, Balochistan và Punjab. Trước đây, Trung Quốc đã sử dụng vịt để đối chọi với những đàn châu chấu phá hoại.
Tuy nhiên, một nhóm các chuyên gia Trung Quốc cho biết điều đội quân vịt tới Pakistan có thể sẽ không phải giải pháp tốt nhất bởi môi trường khô hạn như sa mạc ở khu vực này sẽ không hợp với loài vịt ưa hoạt động gần các nguồn nước.
Khí hậu không phù hợp
Giáo sư Zhang Long, một thành viên của Lực lượng Kiểm soát Dịch Châu chấu Trung Quốc và là giáo sư tại Đại học Nông nghiệp Trung Quốc, cho biết vịt Trung Quốc sẽ không phù hợp với điều kiện tự nhiên tại Pakistan.
"Vịt sống phụ thuộc vào nước, nhưng tại các vùng khô hạn của Pakistan, nhiệt độ rất cao," ông Zhang nói. Ông và các thành viên khác của nhóm chuyên gia đã được chỉ định tới giúp Pakistan chống chọi dịch châu chấu.
Trả lời trên CCTV, ông Zhang nói các phương án truyền thống như sử dụng chất hóa học, thuốc trừ sâu sinh học và dùng phương tiện bay để phun thuốc là lựa chọn khả thi nhất.
Châu chấu đang gây ra tổn thất nặng nề đối với Pakistan và có khả năng cao nguồn lương thực nước này sẽ không được đảm bảo trong năm nay.
Điều kiện thời tiết và sự chậm trễ trong phản ứng của chính phủ đã khiến châu chấu sinh sản mạnh và tấn công mùa màng.
Châu chấu sa mạc đã di chuyển từ Iran tới Pakistan vào tháng 6 vừa qua và đã phá hoại bông, lúa mì, ngô và các loại cây trồng khác.
Một số nước Đông Phi và Ấn Độ cũng chịu ảnh hưởng từ châu chấu. Hồi tháng 1, Liên Hợp Quốc đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ chống lại hoạt động của loài côn trùng này trên khắp Đông Phi.
Châu chấu có thể bay tới 150km/1 ngày nếu có gió, và hàng tỉ con châu chấu có thể ăn 1 lượng thức ăn cho 35.000 người ăn trong 1 ngày.
Một phương án khác
Theo Daily Star, Trung Quốc có thể sử dụng các loại nấm đặc biệt để chống lại châu chấu. Gần 50 loài nấm đã được biến đổi gen này được biết tới như thuốc trừ sâu sinh học và đang được các nhà máy ở Trung Quốc sản xuất với khối lượng hàng nghìn tấn.
Nấm có ảnh hưởng lớn tới châu chấu. Một khi bám vào, nấm sẽ xâm nhập xuyên qua lớp vỏ cứng bên ngoài và dần dần đầu độc châu chấu từ bên trong. Các nhà khoa học đặt tên loại nấm này là "nấm thây ma xanh" bởi chúng dần dần biến châu chấu thành màu xanh lá.
Các nhà máy được thiết kế gần giống như các xưởng sản xuất rượu. Tại đây, nấm được nuôi cấy và được giữ trong môi trường có kiểm soát. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 bùng phát, hiện công đoạn sản xuất đã bị chậm lại.
Giám đốc marketing của cơ sở sản xuất ở tỉnh Giang Tây nói: "Tôi đang chuẩn bị cho xe chở nấm xuất phát. Kho của chúng tôi đã hết hàng trong khi nhiều khách hàng cần nấm khẩn cấp. Họ cần để chống lại dịch châu chấu".
Nấm là sinh vật thường được sử dụng tại vùng Đông Phi, khi lượng mưa cao bất thường vào mùa khô tạo điều kiện sinh sản và phát triển cho hàng trăm tỉ con châu chấu.
Dịch châu chấu đã xuất hiện tại các nước như Ethiopia, Kenya, Somalia, Uganda và hiện đang di chuyển tới các quốc gia lân cận.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNFAO) đã cảnh báo tình hình an ninh lương thực đang gặp vấn đề nghiêm trọng và có thể 13 triệu người sẽ thiếu thực phẩm.
TheoSoha
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét